Thứ 3, 19/11/2024, 06:42[GMT+7]

Nguồn cung thịt lợn tăng cao từ tháng 2

Thứ 3, 11/02/2020 | 08:42:52
787 lượt xem
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã tăng số lượng tổng đàn từ 5 - 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Tháng này lượng cung thịt lợn sẽ tăng cao - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng từ 5-7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020 đã bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2.

Cũng theo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, cả nước còn 539 xã vẫn còn bệnh dịch tả lợn châu Phi (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày. Đã có 8.031 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) thuộc 609 huyện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới; 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày.

Về nguồn cung thịt lợn trong tháng 2 này, Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330 nghìn tấn; tháng 3 khoảng 350 nghìn tấn; tháng 4 khoảng 360 nghìn tấn; tháng 5 khoảng 360 nghìn tấn; tháng 6 khoảng 365 nghìn tấn; quý III đạt khoảng trên 1 triệu tấn; quý IV khoảng 1,145 triệu tấn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 35/TBVPCP ngày 2/2 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo Phó Thủ tướng về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và thực hiện các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai... Việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho các địa phương xung quanh.

Từ tháng 1/2020 đã bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2. Khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn.

Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con; trong đó, có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.

Về nhập khẩu thịt, thực hiện các điều khoản quy định tại các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và các nước đã ký kết, cũng như các quy định của luật pháp quốc tế và của Việt Nam, năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; trong đó, có 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018). Việc nhập khẩu thịt động vật và thịt lợn là rất thông thoáng, theo đúng quy định của Việt Nam, của các nước và thông lệ quốc tế.

Tổng sản lượng các loại thịt nhập khẩu trong năm 2019 tăng 17% và thịt lợn tăng 63% so với năm 2018. Hiện nay, Việt Nam không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu.

Theo báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu năm 2019 trên 280.400 tấn, tăng khoảng 17% so với năm 2018; tháng 1/2020 trên 10.100 tấn.

Năm 2019, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ. Tháng 1/2020, nhập khẩu hơn 4.500 tấn, sản lượng nhập có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019 và chủ yếu từ Đức, Ba Lan, Canada, Hoa Kỳ.

Theo Bộ NN&PTNT, tính từ tháng 11/2019 (khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu 100 nghìn tấn thịt lợn) đến ngày 31/1/2020, đã nhập khẩu được 17.421 tấn thịt lợn và sản phẩm từ lợn. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn hiện nay có một số khó khăn. Đó là bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cấp thịt lợn cho các thị trường trên thế giới. Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã ký trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng. Trong khi đó, thời gian vừa qua là kỳ nghỉ Noel và Tết dương lịch của các nước xuất khẩu, do đó các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.

Ngoài ra, việc nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ về còn có những khó khăn bởi có giá cao hơn so với một số nước như: Brazil, Ba Lan, Australia. Cùng với đó thời gian và chi phí vận chuyển sản phẩm từ Hoa Kỳ về Việt Nam cũng lâu hơn và cao hơn… Doanh nghiệp nhập khẩu cần có số vốn lớn vì để nhập 200 - 300 tấn/tháng, các doanh nghiệp phải đặt cọc vài chục tỷ đồng cho mỗi lần mua.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.

Để hỗ trợ thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn, Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.

Theo baochinhphu.vn