Thứ 3, 19/11/2024, 06:32[GMT+7]

Đổi đời nhờ bán nông sản qua mạng

Thứ 2, 24/02/2020 | 09:40:17
3,398 lượt xem
Với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ số, đến nay nhiều nông dân đã sử dụng thành thạo internet, smartphone và tận dụng tốt những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản do chính mình làm ra.

Trang trại của gia đình anh Bùi Đình Hiếu, xã Hồng An (Hưng Hà) cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ bán hàng qua mạng

Trang trại của anh Bùi Đình Hiếu, thôn Việt Thắng, xã Hồng An (Hưng Hà) có tổng diện tích hơn 11ha, anh chọn các loại cây ăn quả như chuối, ổi, táo, cam và bán cây giống để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, một năm Công ty TNHH VEAD do anh Bùi Đình Hiếu thành lập cung cấp cho các siêu thị hơn 240 tấn chuối, hơn 180 tấn ổi cùng nhiều loại cây giống, cây ăn quả khác. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm Công ty thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Với diện tích lớn, lượng nông sản xuất bán nhiều lên đến hàng trăm tấn nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm là bài toán hết sức quan trọng đối với anh Hiếu. Anh cho biết: Nếu như trước kia, gia đình tôi chỉ tập trung sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các siêu thị và cửa hàng lớn thì hiện nay nhờ có mạng xã hội, gia đình tôi đã có thêm nhiều bạn hàng trong và ngoài nước. Những cửa hàng thực phẩm sạch với quy mô nhỏ cũng là những đối tác giúp trang trại chúng tôi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Mô hình chăn nuôi giống vịt biển 15 Đại Xuyên của anh Ngô Văn Quang, thôn Quý Đức, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) cũng là một trong những hội viên nông dân tham gia bán hàng qua mạng. Anh Ngô Văn Quang chia sẻ: Mạng xã hội là một thị trường rất tiềm năng đối với những hộ chăn nuôi như chúng tôi. Nhờ công khai giá bán, lại có dịch vụ ship hàng tận nhà, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nên có khi chỉ sau 7 giờ đăng thông tin quảng cáo, rao bán thịt vịt trên mạng xã hội, gia đình tôi đã bán hết đàn vịt hơn 1.000 con, không phải chờ thương lái đến thu mua và bị ép giá như trước.

Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên chia sẻ: Sau khi đàn vịt của gia đình anh Ngô Văn Quang xuất bán hết, HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Đông Xuyên sẽ tiếp tục có những thông tin quảng cáo sản phẩm đến khách hàng trên mạng để giúp 27 gia đình hội viên khác tiêu thụ hết đàn vịt thương phẩm. Khách hàng trên mạng thường quan tâm đến chất lượng, giá thành công khai, những dịch vụ đi kèm như ship hàng tận nơi, chế biến sẵn thực phẩm… nếu đáp ứng được những nhu cầu đó thì mạng xã hội sẽ là thị trường hết sức sôi động và đầy tiềm năng giúp những hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Không lo bị ép giá

Mạng internet phủ sóng khắp nơi đã nhanh chóng làm thay đổi tư duy của hàng triệu nông dân trong đó có nông dân Thái Bình. Giờ đây, người nông dân không chỉ sử dụng thành thạo mạng xã hội mà còn coi đây là kênh bán hàng hiệu quả, nhiều nông dân đã đổi đời khi biết tận dụng công cụ này để quảng bá sản phẩm.

Trang trại của anh Nguyễn Duy Dự, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) là một trong những mô hình sử dụng mạng xã hội để buôn bán nông sản. Nếu như trước kia, việc tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh chủ yếu thông qua thương lái thì hiện nay việc buôn bán qua mạng đã giúp gia đình anh tháo gỡ phần nào khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và tránh được tình trạng thương lái ép giá. Anh Nguyễn Duy Dự cho biết: Nhờ việc buôn bán qua mạng đã giúp cho nông sản của gia đình được quảng cáo rộng hơn, ít bị ép giá hơn, thu nhập cao hơn. Hiện nay, 40% thu nhập của gia đình tôi đến từ việc buôn bán qua mạng. Ngoài việc bán hàng, tôi còn lập kênh youtube, tài khoản zalo, facebook… để cung cấp cho nhiều khách hàng đến mua cây giống, cây ăn quả về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, con vật nuôi hiệu quả, qua đó giúp nhiều hộ gia đình nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế thấp nhất sự hao hụt sản lượng trong chăn nuôi, trồng trọt.

Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chia sẻ: Hội Nông dân tỉnh luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các hội viên nông dân bán được hàng hóa thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ từng bước xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hội viên khi tham gia mạng xã hội sẽ tạo dựng được thương hiệu, có được niềm tin của khách hàng đối với nông sản của hội viên. Hiện nay, một số huyện hội đã có những tài khoản mạng xã hội với hàng nghìn lượt người theo dõi, đây sẽ là kênh tiêu thụ nông sản đầy tiềm năng mà chúng tôi chú trọng, quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, nhân dân.

Tiến Đạt