Thứ 7, 23/11/2024, 09:49[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Doanh nghiệp dệt may tăng tốc dịp cuối năm

Thứ 5, 30/11/2023 | 08:35:59
2,707 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ). Với quyết tâm không để sản xuất ngưng trệ, các DN dệt may trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra.

Công nhân Công ty Cổ phần May HNF thi đua sản xuất để tăng năng suất lao động.

Nỗ lực tìm kiếm đơn hàng

Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phú Khang, thị trấn An Bài có khoảng 400 lao động, hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất đi các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu như cách đây 2 năm, việc lựa chọn khách hàng với Công ty rất thuận lợi do có nhiều đơn hàng thì sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới Công ty buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để có đơn hàng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty cho biết: Sau ảnh hưởng của dịch bệnh lại đến suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực may mặc, các DN phải giảm sản lượng, giảm đơn giá để có đơn hàng. Với Công ty Phú Khang, mặc dù NLĐ chưa phải nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm song việc tìm kiếm đơn hàng cũng rất khó khăn. Hơn 2 năm qua, nhờ giữ uy tín với khách hàng nên một số đơn hàng xuất khẩu truyền thống vẫn được duy trì. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng vẫn không bảo đảm đủ việc làm cho NLĐ. Để NLĐ không phải nghỉ việc luân phiên, Công ty đã liên kết với một số cửa hàng trong và ngoài tỉnh mua nguyên vật liệu, tự thiết kế mẫu mã sản xuất ra sản phẩm bày bán trên thị trường.

Là người có 11 năm gắn bó với Công ty, chị Trần Thị Luật chia sẻ: Từ khi tôi vào làm việc ở Công ty đến nay chưa bao giờ DN khó khăn như thời điểm này; nhưng với sự năng động, nhạy bén của ban lãnh đạo trong việc tìm nguồn hàng nội địa, tìm vải, mẫu mã, công nhân vẫn có việc làm hàng ngày. Dù thu nhập không được cao như trước nhưng cũng bảo đảm đời sống.

Với Công ty Cổ phần May HNF, xã An Tràng, nửa đầu năm 2023 trở về trước Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ khi đơn hàng giảm sút mạnh, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty đã “giữ chân” được nhiều đối tác quan trọng, đẩy mạnh sản xuất từ đầu quý III/2023 khi tìm kiếm thêm được nhiều đơn hàng mới cho quý IV/2023 và những tháng đầu năm 2024. Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cho biết: 6 tháng đầu năm, đơn hàng truyền thống của Công ty giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Từ tháng 7/2023, khách hàng truyền thống bắt đầu quay trở lại song vẫn phải giảm đơn giá từ 20 - 30%. Để đạt được mục tiêu của 6 tháng cuối năm, Công ty tìm thêm đối tác khác để tăng thêm đơn hàng. Hiện tại Công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2023, bảo đảm việc làm cho công nhân đến tháng 1 và tháng 2/2024.
Tăng tốc những tháng cuối năm

Năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phú Khang phấn đấu đạt doanh thu 45 tỷ đồng. Tuy mục tiêu đề ra thấp hơn năm 2022 song để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến cuối năm Công ty và NLĐ phải không ngừng nỗ lực. Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Công ty cho biết thêm: Đến hết tháng 9/2023, doanh thu của Công ty mới đạt trên 30 tỷ đồng. Hiện tại, dù đơn hàng đã được ký đến hết năm song Công ty xác định để hoàn thành mục tiêu cần phải tiếp tục mở rộng khách hàng mới, tập trung đầu tư vào nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời, tăng cường đầu tư một số trang thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, bảo đảm doanh thu, lợi nhuận cho Công ty. Cùng với đó, duy trì đầy đủ các chế độ đối với NLĐ từ lương, thưởng, các chính sách theo quy định... để NLĐ yên tâm công tác.

Trong khi đó, mục tiêu năm nay của Công ty Cổ phần May HNF là đạt doanh thu 40 tỷ đồng, thấp hơn 20 tỷ đồng so với năm 2022. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty, những tháng cuối năm cũng được xem là “cơ hội vàng” để DN tìm kiếm đối tác mới cho những tháng đầu năm sau. Tuy nhiên, ở thời điểm này Công ty đang duy trì hoạt động ổn định, vận hành hết công suất để kịp tiến độ những đơn cuối năm. Để bảo đảm mục tiêu, Công ty nhận thêm mặt hàng mới và tăng năng lực sản xuất từ 9 chuyền lên 13 chuyền may, đồng thời liên kết nhà máy khác để hoàn thành đơn hàng, qua đó tạo việc làm ổn định cho 300 lao động.

Trước khó khăn đối với các DN dệt may, thời gian qua huyện Quỳnh Phụ luôn quan tâm, động viên, đồng hành cùng DN vượt khó. Ông Vũ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện chia sẻ: Xác định năm 2023 là năm rất khó khăn cho các DN và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, huyện thường xuyên được Chi cục Thuế khu vực Quỳnh Phụ - Hưng Hà báo cáo kết quả thu, đặc biệt là thu ngoài quốc doanh. Trên cơ sở kết quả thực hiện, huyện giao các ngành thường xuyên tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, động viên các DN, tạo điều kiện để DN duy trì đơn hàng, tạo việc làm cho NLĐ. Từ đó tạo sự gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền với các DN, tạo niềm tin, tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Công đoàn các cấp thăm dây chuyên sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phú Khang, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ).

Nguyễn Cường