Thứ 7, 23/11/2024, 09:43[GMT+7]

Thái Thụy: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Thứ 6, 12/04/2024 | 08:24:27
8,610 lượt xem
Xác định công nghiệp là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Thái Thụy luôn quan tâm đồng hành, hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, sản xuất công nghiệp của huyện duy trì đà tăng trưởng 14%/năm.

Công ty TNHH Giầy dép Thái Thụy, xã Sơn Hà đẩy mạnh sản xuất.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Hiện nay, huyện Thái Thụy có hơn 700 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động, mức thu nhập 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. 3 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp, HTX đã nộp ngân sách trên 30 tỷ đồng. 

Ông Lê Minh Khôi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn may Đại Dương cho biết: Công ty đã thành lập được 8 năm, chuyên may gia công quần áo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Doanh thu Công ty tăng dần trong các năm, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Nỗ lực vượt khó, Công ty mở rộng thị trường tìm kiếm nhiều khách hàng mới, năm 2024 Công ty đã có thêm 20 khách hàng. Theo kế hoạch năm 2024, Công ty dự định tuyển 400 - 500 công nhân và phát triển thêm các xưởng gia công vệ tinh, phấn đấu doanh thu đạt 6 triệu USD/năm. Trong quý I/2024, Công ty đã xuất khẩu 300.000 sản phẩm. Hiện tại, Công ty đã ký kết đơn hàng sản xuất đến hết tháng 7, trong đó 80% xuất đi thị trường châu Âu, giá trị các đơn hàng bắt đầu tăng, đây là tín hiệu vui của doanh nghiệp. 

Chị Trần Thị Hường, công nhân chuyền may 2 tâm sự: Tôi làm việc ở Công ty được 8 năm. Năm 2023, mức lương của tôi được 7 triệu đồng/tháng. Bước sang năm 2024, tôi được làm tăng ca, thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng. Với mức lương cao và được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách nên tôi sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trong năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy đã nỗ lực, tập trung vượt khó, đổi mới phương thức quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm để ổn định sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. 

Công ty Cổ phần Cơ khí Thiên Văn (thị trấn Diêm Điền) chuyên sản xuất và cung cấp phụ tùng xe đạp, xe máy, sản phẩm nhựa lồng nuôi thủy sản... Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 1993. Nhờ thường xuyên chú trọng mẫu mã, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng nên đến nay sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Ông Ngô Quang Văn, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2024, chúng tôi phấn đấu sản xuất 70.000 sản phẩm, bảo đảm mức lương bình quân cho người lao động 7 - 8 triệu đồng/tháng. Cùng với duy trì khách hàng truyền thống, Công ty tiếp tục quan tâm chinh phục khách hàng mới có đơn hàng nhiều, số lượng lớn.

Những tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong quý I/2024, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện Thái Thụy ước đạt 3.323,5 tỷ đồng, tăng 26,56% so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả trên, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, huyện đã tích cực vào cuộc, giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển. 

Ông Đỗ Phúc Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian qua, Phòng đã tham mưu UBND huyện tờ trình đề nghị thành lập 2 cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Thái Đô và cụm công nghiệp Thái Giang); tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh trên nền tảng công nghệ số cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; lựa chọn đơn vị thực hiện đề án khuyến công cấp cơ sở và lựa chọn bổ sung đơn vị thực hiện đề án khuyến công quốc gia. Trong quý II/2024, Phòng tổng hợp các đơn vị đăng ký thực hiện đề án khuyến công năm 2024; thực hiện có hiệu quả công tác khuyến thương, khuyến công và kế hoạch xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường thu hút đầu tư các cụm công nghiệp

Theo văn bản số 1470/BCT-CTĐP, ngày 13/8/2021 của Bộ Công Thương về phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn huyện Thái Thụy quy hoạch 9 CCN với tổng diện tích 546,7ha. Hiện đã thành lập 7 CCN với tổng diện tích quy hoạch 325,89ha. Tính đến tháng 12/2023, huyện có 17 dự án (4 dự án đầu tư hạ tầng; 13 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.704 tỷ đồng) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư. CCN phát triển đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Ông Vũ Văn Thê, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và xây dựng Việt Hàn cho biết: Hiện CCN Thụy Sơn có 2 công ty (Công ty TNHH Quốc tế SH, Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình First Union) hoạt động sản xuất ổn định; dự án nhà máy sản xuất, gia công, in tem mác, bảng tên, các sản phẩm cắt theo khuôn thuộc chi tiết, bộ phận linh kiện điện tử của Công ty TNHH Lebao Technology (diện tích 0,5ha) đang triển khai xây dựng và dự án nhà máy sản xuất phụ kiện giày dép Thái Phú của nhà đầu tư Success Spread Enterprises Limited (diện tích 1,0ha) đang hoàn thiện các thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng. Các dự án thứ cấp đi vào hoạt động đã tạo việc làm trên 3.700 lao động, thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, có một số nhà đầu tư thứ cấp đang khảo sát, đầu tư, dự báo có nhiều thuận lợi. 

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua, các doanh nghiệp trong các CCN đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. Giá trị sản xuất, thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong các CCN đã thu hút lao động nông thôn, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút đầu tư CCN, huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với UBND các xã và chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng triển khai đầu tư hạ tầng các CCN theo đúng tiến độ, đúng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các CCN và các doanh nghiệp thứ cấp trong CCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn may Đại Dương.


Nguyễn Thắm