Thứ 7, 23/11/2024, 09:46[GMT+7]

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp

Thứ 4, 01/05/2024 | 07:51:19
6,545 lượt xem
Những năm gần đây, Thái Bình thu hút được rất nhiều dự án có giá trị đầu tư lớn, công nghệ cao vào Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng, tổ chức sản xuất hiệu quả vừa tạo nền móng để phát triển nền kinh tế tri thức.

Sản xuất ở Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình FirstUnion Việt Nam.

Lợi thế về số lượng

Trong các cuộc xúc tiến thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, một trong những lợi thế được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề cập, giới thiệu với đối tác chính là nguồn lao động của Thái Bình luôn dồi dào mà không phải địa phương nào cũng có được. Hiện dân số của tỉnh khoảng trên 1,9 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 60%. Thái Bình đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và sẽ kéo dài khoảng 30 năm nữa. 

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Với tỷ lệ cơ cấu dân số vàng, đây không chỉ nguồn lực quan trọng cho doanh nghiệp mà còn là “nguồn tài nguyên” vô cùng quý giá, lợi thế tạo sức hút đầu tư để tỉnh cất cánh về kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài nguồn nhân lực tại chỗ, Thái Bình hiện có khoảng 2 triệu người đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Rất nhiều người Thái Bình đang làm việc ở các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố trong cả nước đều mong muốn được đóng góp xây dựng, phát triển quê hương và sẵn sàng trở về nếu có cơ hội việc làm phù hợp, ổn định, thu nhập hợp lý. Đây cũng sẽ là lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao góp phần bổ sung vào nguồn nhân lực của tỉnh thêm dồi dào, chất lượng.

Nhu cầu lao động ngày càng cao

Chỉ tính riêng Khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút và đang giải quyết việc làm cho 76.620 lao động, trong đó có 36.810 người làm việc cho các doanh nghiệp FDI. Nhu cầu về lao động của khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng cao khi một số khu công nghiệp đã và sẽ được thành lập, đi vào hoạt động như Liên Hà Thái, VSIP, Dược - Sinh học, Hải Long... 

Ông Nguyễn Trần Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái cho biết: Đến nay, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã thu hút được 16 nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất và lắp ráp điện tử. Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ tại 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động thì nhu cầu sử dụng lao động khoảng 27.000 người. Thời gian tới, 11 dự án còn lại hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động và khu công nghiệp tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới nữa, nhu cầu về lao động của Liên Hà Thái có thể lên tới hàng trăm nghìn người.

Hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang sử dụng trên 720.000 lao động. Theo khảo sát của ngành lao động - thương binh và xã hội, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người; đến năm 2025 dự báo cần trên 78.000 lao động và đến năm 2030 tăng lên trên 82.000 lao động.

Song song với nhu cầu cao về số lượng lao động, các doanh nghiệp cũng đang cần lượng lớn lao động có trình độ, tay nghề cao. 

Ông Nguyễn Doãn Chung, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động (Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh) cho biết: Theo định hướng phát triển và thu hút đầu tư của tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chủ yếu thu hút, tiếp nhận các dự án hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề sử dụng công nghệ cao như điện, điện tử, chế tạo máy móc, công nghệ thông tin, logistics, cơ khí ô tô, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản thực phẩm, dược phẩm, vật tư y tế... Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển mạnh từ sử dụng lao động phổ thông sang lao động có tay nghề cao. Đơn cử, 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp Liên Hà Thái dự kiến trong năm 2024 và đến quý II/2025 sẽ cần tuyển dụng gần 1.300 người, trong đó trình độ đại học khoảng 200 người, cao đẳng, trung cấp hơn 240 người, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Thái Bình là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao thuộc nhóm đầu của cả nước với khoảng 75,7%. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, tạo sức hút đầu tư và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2023 UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ký chương trình phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về tăng cường hợp tác đào tạo, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 23 trường dạy nghề, bao gồm 5 trường trung cấp và 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 24.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Công ty Tân Đệ đầu tư nhiều máy móc, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất nên cần tuyển dụng những lao động qua đào tạo, có tay nghề cao đáp ứng công việc.

Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để tránh lãng phí và phát huy nguồn lực lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai phân luồng học sinh ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông để định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh đào tạo phù hợp với năng lực của học sinh và nhu cầu thị trường lao động. Ngoài phát huy hệ thống cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, Sở cũng kết nối với 9 trường cao đẳng nghề có uy tín ở khu vực phía Bắc tham gia đào tạo cho lao động Thái Bình với các ngành nghề mà doanh nghiệp đang cần tuyển dụng. Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 40%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 25% trở lên; đến năm 2030, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 50% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 60%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 35 - 40% theo đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đề ra.

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình

Người Thái Bình vốn có truyền thống cần cù, chịu khó, ham học hỏi, năng động và sáng tạo trong lao động. Nếu người lao động được đào tạo nghề nghiệp một cách bài bản, có chiều sâu sẽ nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, tăng mức thu nhập. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên không chỉ giúp hoạt động kết nối việc làm giữa người lao động với doanh nghiệp dễ dàng mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động với nhân lực từ các địa phương khác và lao động từ nước ngoài vào tỉnh.

Ông Vũ Mạnh Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư nhiều máy móc tự động hóa để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ, năng lực tay nghề cao để có thể làm chủ, khai thác tốt hệ thống máy móc, công nghệ. Việc tỉnh có chủ trương và giải pháp để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội

Chúng tôi cho rằng Thái Bình có định hướng đúng và đi trước một bước so với nhiều địa phương trong việc phối hợp với các cơ sở dạy nghề để đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rõ ràng với nguồn nhân lực dồi dào và có trình độ tay nghề cao sẽ là một lợi thế đặc biệt của tỉnh, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư bởi bản thân các doanh nghiệp nhìn thấy hệ sinh thái đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tuyệt vời của Thái Bình và tìm đến.



Khắc Duẩn