Thứ 5, 19/09/2024, 04:59[GMT+7]

Doanh nghiệp Đông Hưng: Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Thứ 4, 07/08/2024 | 08:31:03
4,848 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng đã triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, thu hút đông đảo công nhân, người lao động hưởng ứng, tham gia, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Công nhân Công ty TNHH Phúc Mậu thi đua lao động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Công ty TNHH Chiếu sáng SLT Việt Nam (cụm công nghiệp Đông La) đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, chủ yếu sản xuất bóng đèn LED, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Công ty đang phải đối mặt với khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. 

Bà Nguyễn Thị Thắm, phụ trách sản xuất của Công ty cho biết: Để khắc phục khó khăn trên, sớm đạt mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc, hướng đến xuất khẩu, ngay từ đầu năm, lãnh đạo Công ty đã phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thực hành tiết kiệm... Tổ chức dạy nghề miễn phí cho người mới vào, thạo nghề ký hợp đồng. Thông qua các phong trào thi đua đã tạo khí thế hăng hái, quyết tâm cao trong công nhân, người lao động để thực hiện kế hoạch đề ra, sản xuất 50.000 - 60.000 sản phẩm bóng đèn LED/tháng. Công ty vẫn đang tuyển lao động có tay nghề cao để thực hiện các đơn hàng đã ký kết đến giữa năm 2025. 

Bà Lê Thị Mơ, công nhân Công ty chia sẻ: Khi mới vào làm, tôi được Công ty dạy nghề, hưởng 70% lương. Khoảng 3 tháng sau tay nghề vững, bắt kịp tiến độ làm việc của mọi người trong dây chuyền, Công ty ký hợp đồng cho hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định. 

Ông Nguyễn Văn Năng, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Mậu (xã Đông Phương) chia sẻ: So với năm 2023, đơn hàng của Công ty có giảm, khách hàng yêu cầu cao hơn về cả mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng, Công ty thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề cho công nhân, đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Hiện Công ty đang tìm kiếm mở rộng thị trường để có thêm việc làm cho người lao động. 

Bà Phạm Thị My, công nhân Công ty cho biết: Trước tôi phải đi làm xa nhà 6km, giờ về làm ở Công ty TNHH Phúc Mậu gần nhà, công việc ổn định, lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, môi trường làm việc an toàn, thân thiện. Chúng tôi hăng hái lao động sản xuất để làm ra sản phẩm tốt nhất, bảo đảm thời gian cho Công ty giao hàng đúng tiến độ. 

Dù thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước song Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và vận tải Tiên Phong (cụm công nghiệp Đông Các) vẫn chủ động, linh hoạt tạo ra sản phẩm mới để bắt kịp xu thế. Trước đây Công ty chuyên sản xuất gỗ ghép, sau khi thị trường tiêu thụ thu hẹp Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng mua hệ thống máy móc hiện đại sản xuất viên nén gỗ, tấm pallet gỗ. 

Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với mức lương 7 - 10 triệu đồng/người/ tháng. Tôi dự định sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng gấp đôi hiện tại để đáp ứng đơn hàng ngày càng nhiều, đồng thời giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương. 

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và vận tải Tiên Phong đầu tư máy móc để giảm công đoạn lao động nặng nhọc, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Huyện Đông Hưng hiện có 9 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 7 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, cụm công nghiệp Đông La có tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Hơn 800 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động. Với những nỗ lực vượt khó, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện 6 tháng đầu năm đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm 2023. Một số ngành hàng vẫn giữ được ổn định và có mức tăng trưởng khá như dệt may, gia công, cơ khí, sản xuất gỗ... 

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Để 6 tháng cuối năm giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 5.300 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành công thương; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, chuyển đổi số để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhất là các dự án mới đầu tư vào cụm công nghiệp. Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án. Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện; tăng cường dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. 

Trung Hiếu