Thứ 7, 23/11/2024, 05:35[GMT+7]

Đông Hưng: Doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số

Thứ 4, 30/10/2024 | 19:46:52
3,239 lượt xem
Để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tăng tốc hoàn thành kế hoạch cả năm 2024, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Hưng đã tích cực đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh.

Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiệp Đô Lương, huyện Đông Hưng) đầu tư máy cắt vải tự động nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm.

Với đường may được lập trình sẵn, việc chạy đường kim mũi chỉ của hàng trăm máy may tại Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiệp Đô Lương) hoàn toàn tuân thủ theo yêu cầu của con người đã định sẵn trên máy, sai sót gần như không xảy ra lại tăng năng suất lao động. 

Chị Nguyễn Thị Thùy, Công ty Cổ phần Đô Lương chia sẻ: Công ty đầu tư rất nhiều máy móc hiện đại, tự động, tổ chức tập huấn, hướng dẫn công nhân sử dụng. Chúng tôi cũng tích cực học tập sử dụng thành thạo máy móc làm ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiến độ các đơn hàng cuối năm. 

Còn với anh Đinh Ngọc Cường thì việc Công ty đưa máy cắt vải tự động vào phục vụ sản xuất đã giúp công việc của anh nhẹ nhàng, hiệu quả hơn rất nhiều, lương cũng cao hơn trước. Anh Cường cho biết: Trước đây cắt bằng tay 2 lao động phải vất vả 1 tiếng mới xong thì nay cũng số lượng vải đó với sự hỗ trợ của máy cắt tự động 1 người cắt trong 15 - 20 phút đã xong, độ chuẩn xác rất cao. 

Công ty Cổ phần Đô Lương là doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng veston, Jacket, sơ mi với trên 900 lao động tham gia. 

Ông Ninh Xuân Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Đô Lương cho biết: Ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà máy, Công ty đã xác định mục tiêu là nhà máy may công nghệ cao nên đã lựa chọn lắp đặt các thiết bị, máy móc đồng bộ, hiện đại của châu Âu và Nhật Bản với tổng trị giá trên 200 tỷ đồng. Tổ công nghệ phối hợp với Ban cơ điện không ngừng nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp công nghệ của nhiều máy móc quan trọng như hệ thống máy trải vải, máy cắt vải tự động... vừa giảm chi phí đầu tư vừa tăng năng suất lao động lên gấp đôi. Đến nay, 20% dây chuyền sản xuất được tự động hóa, 100% máy may ứng dụng công nghệ điện tử cho hiệu suất hoạt động cao. Vừa qua, Công ty bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, diện tích nhà xưởng bị tốc mái còn chưa thể hoạt động trở lại, nhưng để đạt mức tăng trưởng 7 - 10% so với năm 2023 đã đề ra, Công ty đã phát động cán bộ, công nhân, người lao động đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tận dụng, phát huy tối đa máy móc nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiến độ sản xuất các đơn hàng đã ký kết. 

Công ty TNHH Phúc Mậu, xã Đông Phương thành lập năm 2018, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.600 lao động với thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/ người/tháng. 

Ông Nguyễn Văn Lăng, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Mậu cho biết: Chúng tôi đang sản xuất, kinh doanh da giày là sản phẩm đặc thù mang tính thời trang, theo xu hướng, mẫu mã thay đổi liên tục, chủ động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, nhất là hoạt động sản xuất giúp Công ty tự thay đổi mình, cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Công ty ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác; đầu tư hệ thống máy móc tự động hóa trong một số công đoạn như in, quét keo, may chi tiết đồng bộ, cắt nguyên liệu... Nhiều năm nay, Công ty cũng đã thực hiện chấm công bằng vân tay, tính lương bằng phần mềm, trả lương qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM), thanh toán điện tử, nộp thuế điện tử, nộp hóa đơn điện tử... Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, Công ty còn thực hiện sản xuất xanh, giảm tác động đến môi trường, nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đẩy nhanh tiến độ, sản xuất kịp các đơn hàng xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc... với mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất 6 triệu sản phẩm trong năm 2024. 

Chị Đức Thị Yến, Công ty TNHH Phúc Mậu chia sẻ: Sản xuất có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại giảm các công việc nặng nhọc, công nhân chúng tôi nhàn hơn trước. Tuy nhiên làm việc theo dây chuyền phải luôn cố gắng để đẩy nhanh tiến độ bắt kịp mọi người. Mỗi người chúng tôi đang nỗ lực chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm, bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất. 

Các doanh nghiệp huyện Đông Hưng đẩy mạnh áp dụng công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Huyện Đông Hưng có trên 800 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động. Những năm qua, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2024, huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 8.400 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2023. Đồng hành cùng các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, huyện Đông Hưng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị tiên tiến để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, khơi thông đầu ra cho sản phẩm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất năm 2024, tạo đà thuận lợi, thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2025. 

Hiếu Nghĩa