Thứ 4, 13/11/2024, 05:24[GMT+7]

Phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp ở Thái Thụy Còn nhiều thách thức

Thứ 3, 24/12/2013 | 10:40:14
1,163 lượt xem
Năm 2013 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của Thái Thụy dù tăng so với năm 2012 nhưng không đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Ðặc biệt, huyện đã chú trọng quy hoạch cụm công nghiệp thu hút đầu tư vào địa bàn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Hồng Lộc (xã Hồng Quỳnh, Thái Thụy) từ năm 2012 đến nay sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Sỹ Thiệp, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết: Năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của Thái Thụy ước đạt 1.895 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2012 nhưng chỉ đạt 98,7% kế hoạch. Huyện đã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp đến năm 2025 trình tỉnh xem xét, phê duyệt, trên cơ sở đó xây dựng các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. Hỗ trợ 13 đơn vị mua máy móc, thiết bị mở rộng quy mô sản xuất; 2 đơn vị thực hiện đề tài sáng kiến, sáng chế cải tiến kỹ thuật; tổ chức đào tạo nghề cho trên 700 lao động.

Ngoài ra, 4 đơn vị được hỗ trợ nguồn vốn khuyến công của tỉnh đào tạo nghề mộc, móc sợi, mây tre đan cho 345 lao động. Một số doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất như: Công ty May xuất khẩu Vinap đầu tư 1 tỷ đồng thay đổi công nghệ máy may điện tử tiên tiến, Công ty TNHH Vihu Vina đầu tư 3,8 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và mua máy móc thiết bị, cơ sở may Thanh Tân (Thụy Phong) đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, Công ty CP Vật liệu xây dựng Hoàng Anh đầu tư 2 tỷ đồng nâng cấp nhà xưởng và chuyển giao công nghệ máy cán tôn.

Tuy nhiên, nếu xét tổng thể năm 2013 sản xuất CN-TTCN của Thái Thụy vẫn chưa có nhiều khởi sắc, sản xuất chậm phục hồi. Trong đó, một số nghề, lĩnh vực sản xuất giảm mạnh như: đóng tàu, vận tải biển, vật liệu xây dựng, móc sợi… Thái Thụy có 2 doanh nghiệp đóng tàu, những năm trước đây là ngành tạo ra giá trị sản xuất cao với doanh thu đạt bình quân từ 400 - 600 tỷ đồng/đơn vị/năm, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, mức thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2010 trở lại đây ngành công nghiệp đóng tàu gặp rất nhiều khó khăn: trong 2 năm 2010 - 2011 cả 2 doanh nghiệp chỉ đóng được 10 tàu; năm 2012 - 2013 không đóng mới được tàu nào, chỉ tập trung sửa chữa nhỏ, thậm chí có doanh nghiệp hầu như không hoạt động. Trước kia, chế biến bột cá cũng là lĩnh vực sản xuất công nghiệp chủ lực của Thái Thụy. Với 2 dây chuyền chế biến đặt tại cảng cá Tân Sơn, công suất 170 tấn cá nguyên liệu/ngày, mỗi năm Nhà máy Bột cá Thụy Hải chế biến từ 6.000 - 7.000 tấn bột cá, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động.

Nhưng do sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên từ tháng 8/2011, nhà máy buộc phải đóng cửa, chuyển địa điểm xuống Cụm công nghiệp Thụy Tân đã khiến cho cả doanh nghiệp, người lao động và hàng trăm ngư dân lâm vào cảnh khó khăn. Sau những nỗ lực đầu tư, cuối năm 2013, Nhà máy Bột cá mới đi vào hoạt động, dự kiến sản xuất 3.000 tấn sản phẩm/năm. Ngành vận tải biển của Thái Thụy trước đây hoạt động sôi động nhất nhì miền Bắc với hơn 200 doanh nghiệp nhưng nay chỉ còn 70 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nợ đọng thuế lớn.

Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng bởi một số chính sách cắt giảm đầu tư kết hợp với hậu quả của bão số 8 năm 2012 chưa được khắc phục nên các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do không bán được sản phẩm, hiện tại sản lượng tồn kho khá lớn. Lĩnh vực chế biến hải sản cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất. Ðến nay, Thái Thụy đã quy hoạch được 4 cụm công nghiệp là Thụy Hà, Mỹ Xuyên, Thái Thọ và Thụy Tân nhưng cũng chưa thu hút được một doanh nghiệp nào từ bên ngoài vào đăng ký xây dựng nhà máy đi vào sản xuất (trừ Nhà máy Bột cá Thụy Hải chuyển địa điểm sản xuất).

Năm 2014, Thái Thụy phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 2.122,4 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013, thu hút từ 3 đến 5 dự án đầu tư từ bên ngoài vào, tạo thêm việc làm cho từ 2 đến 3 nghìn lao động, có 1 xã được công nhận xã nghề. Huyện xác định, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay nếu không quyết tâm sẽ khó hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Vì vậy, đầu năm 2014 Thái Thụy sẽ tổ chức các đoàn đi nghe, nắm bắt tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp, làng nghề để từng bước tìm giải pháp  tháo gỡ khó khăn, phục hồi các làng nghề đã suy giảm, du nhập nghề mới về các địa phương thay thế những nghề giá trị sản phẩm thấp, không đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đào tạo nghề cho người lao động, mặt bằng, đầu tư công nghệ, liên kết với tổ chức tín dụng vay vốn… mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm sản xuất: may mặc, vật liệu xây dựng, cơ khí, mộc, thu mua chế biến nông - hải sản. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các xã xây dựng nông thôn mới để thu hút các dự án đầu tư vào các vị trí quy hoạch thương mại - dịch vụ, CN-TTCN, trong đó ưu tiên các dự án có năng lực tài chính, thu hút được nhiều lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa