Chủ nhật, 17/11/2024, 06:37[GMT+7]

Thành phố Thái Bình - Nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn

Thứ 3, 09/06/2015 | 08:35:28
2,930 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, 5 năm qua, thành phố Thái Bình đã có bước phát triển vượt bậc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,52%/năm. Một trong những nguyên nhân quan trọng để có được kết quả đó là do Thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Khu trung tâm thành phố Thái Bình được đầu tư xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Minh Đức

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Thành phố đã tích cực tuyên truyền và thực hiện các chính sách kinh tế, thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, thủ tục đầu tư được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Thành phố còn tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực tạo lợi thế thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn. Giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã thu hút được 107 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 6.677,29 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 15.200 lao động; trong đó 10 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, 18 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, 14 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 65 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 4 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp tập trung với diện tích đất quy hoạch trên 500ha, thu hút 172 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 12.074,25 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 43.494 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Một số dự án có quy mô lớn, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động như: dự án sản xuất hàng thể thao của Công ty Marxport, dự án sản xuất sợi của Công ty Nam Long, dự án sản xuất hệ thống điện của Công ty TNHH Yazaki, dự án của Công ty TNHH May Nien Hsing… Song song với việc thu hút phát triển các doanh nghiệp, Thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo duy trì và phát triển hoạt động của các làng nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đối với hoạt động thương mại - dịch vụ, ngoài việc đầu tư xây dựng thêm 4 chợ theo hình thức BOT, Thành phố còn phát triển 8 siêu thị và 2 trung tâm thương mại.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Điện cơ AIDI. Ảnh: Thu Thủy

Để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, thời gian tới, Thành phố cần mở rộng không gian đô thị, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh; Thành phố cũng đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật như vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh (đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP…), vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn vay ODA… Thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hiện có, đề xuất quy hoạch các khu đất mới để tạo quỹ đất; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.

Cải thiện môi trường đầu tư đặc biệt là thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư; thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đầu tư, xây dựng để các nhà đầu tư chủ động trong khảo sát xúc tiến, lập dự án đầu tư. Tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, nhất là cán bộ kỹ thuật, công nghệ và quản lý cho các ngành ưu tiên phát triển. Phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn để tạo sức hút đối với các nhà đầu tư; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển thương mại, du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật công nghệ mới vào quá trình sản xuất.

Đinh Gia Dũng
(Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa