Thứ 2, 18/11/2024, 17:43[GMT+7]

Thái Học - thêm một nét đẹp văn hóa

Thứ 4, 01/12/2010 | 09:15:38
2,867 lượt xem
Hôm ấy, tiết trời thật đẹp. Chúng tôi, những giáo viên của trường cấp II Thái Học, 43 năm về trước, vinh dự được mời về dự cuộc họp mặt thầy trò đầu xuân do hội đồng môn khối 7, khóa I (năm học 1967 - 1968) của trường tổ chức. Trước tết hai tuần, chúng tôi đã nhận được giấy mời và đúng hẹn, 7 giờ sáng, “các em” đã phân công nhau đưa xe đi đón chúng tôi, từng thầy từng cô về nơi tổ chức.

Trường mầm non xã Thái Học (Thái Thụy). Ảnh: Thành Tâm

Trường THCS (trước đây là trường cấp II) Thái Học, hôm nay như khoác trên mình tấm áo choàng mới, vừa đẹp vừa đầy sinh khí mùa xuân. Ở đó, các em học sinh đã về tựu khá đông để đón thầy cô của mình.

 

Một niềm vui chợt vỡ òa, khi chiếc xe 4 chỗ ngồi của các thầy Phạm Hồng Tuyển, Vũ Xuân Kỉnh, Phạm Đăng và các xe máy chở thầy cô khác lăn bánh qua cổng tiến vào sân trường trong tiếng vỗ tay vang dậy... Và,... chẳng khác gì ngày xưa (những cô cậu học sinh tuổi 16 - 15), các em ùa đến vây quanh chúng tôi. Mặt nhìn mặt, tay xiết chặt bàn tay mà vẫn chưa thể nhận ra hết, em đó tên gì? Lớp 7A hay lớp 7B? Thôn Đông hay thôn Bắc?... Chỉ biết tất cả đều dễ thương, đáng yêu và hồn nhiên thơ ngây như thuở nào.

 

Buổi giao lưu bắt đầu. Gần 70 học sinh khối 7 của trường ngày ấy (vắng 1/3) đã tề chỉnh trên những hàng ghế được sắp xếp ngay ngắn tại văn phòng nhà trường. Những gương mặt tơ non của tuổi đang lớn ngày nào, giờ đang nghiêm trang chờ đợi. Khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng và kính chúc  các thầy các cô, các bạn một năm mới sức khỏe - an khang - hạnh phúc” như đang reo  vui, nhẩy múa trước mắt mọi người... Thật xúc động, đón tiếp chúng tôi, ngoài đông đảo môn sinh từ khắp miền đất nước trở về, còn có các đồng chí lãnh đạo địa phương.

 

Bí thư, Chủ tịch, trưởng ban văn hóa, mặt trận xã cùng hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS... những người đang  nắm giữ trọng trách, có vai trò quyết định sự nghiệp văn hóa giáo dục địa phương, những người đang lãnh đạo nhân dân làm nên sự nghiệp đổi mới diệu kỳ của Thái Học quê hương, một xã  anh hùng lực lượng vũ trang, có bề dày truyền thống yêu nước, hiếu học, mang cái tên rất đẹp “Thần Huống xưa”... Thay mặt ban tổ chức, môn sinh Đỗ Thanh Bản (một sĩ quan quân đội nghỉ hưu) ánh mắt thật tươi vui, pha chút cảm động, ngập ngừng, giới thiệu với các vị đại biểu địa phương và các thầy cô về dự.

 

Hòa trong đó là những tràng pháo tay giòn tan, nối tiếp nhau chảy vào không gian, tạo nên một không khí khó tả, thật vui mà cũng vô cùng cảm động. Có cả long lanh những giọt nước, nơi khóe mắt mừng vui của các nữ môn sinh... Qua lời giới thiệu, hình ảnh các thầy cô, 43 năm trước lại hiển hiện trở về. Đỗ Thị Mến, cô hiệu trưởng 32 tuổi ngày ấy, linh lợi mà hồn hậu, giờ mái đầu đã nửa phần bạc trắng. Cô từ Hà Nội về cùng con trai của mình, một đồng nghiệp (phó hiệu trưởng một trường THPT của thủ đô).

 

Nói chuyện với môn sinh, cô vẫn xưng “cô”  và gọi “em” như ngày nào. Ôi tiếng “Em” cô Miến và chúng tôi dành cho lớp học sinh, nay đã xấp xỉ “lục tuần” nghe sao mà thân thương mà tự hào! Bởi hầu hết giờ đã lên chức ông bà ngoại, đều từng là cán bộ, sĩ quan quân đội, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... là xã viên, đảng viên, hội viên... đang từng ngày từng giờ, làm giàu đẹp quê hương... Rồi các thầy Nghi, thầy Tuyển, thầy Khiêm... Mỗi thầy cô đều gợi lên những ký ức xa xưa, trong thẳm sâu trái tim học trò... Thầy Vũ Kỉnh, 30 tuổi tròn mà vẫn thường xuyên đeo khăn quàng đỏ, vì thầy là “anh phụ trách” của các em.

 

Giờ dạy toán sinh của thầy  thật là sinh động, khó quên. Bằng giáo cụ trực quan tự làm, thầy giúp các em tiếp nhận kiến thức tự giác và sâu sắc. Hình ảnh những con ếch, con rắn, cá chép, ba ba... bằng đất sét, với sự hướng dẫn của thầy, các em đã nặn rất khéo, nhưng đang hiện lên tại phòng trưng bày của nhà trường. Thầy Nguyễn Đình Nghi thì luôn chậm rãi, dịu êm và lắng đọng qua các bài sử việt. Nghĩ về kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long, học sinh hẳn lại nhớ về các triều đại Đinh, Lý, Trần,  Lê mà thầy truyền giảng năm nào...

 

Còn thầy giáo Văn Phạm Đăng, vào thời điểm sục sôi đánh Mỹ ấy, thì luôn luôn thắp sáng trong các em, ngọn lửa truyền thống yêu nước, ghét giặc qua những áng thơ văn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng  về Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, chị Sứ, Mẹ  Suốt, Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương... và động viên, khích lệ các em chăm chỉ học hành và sẵn sàng tiếp bước cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quyết góp phần mình viết nên những nốt nhạc vui tươi của bản đại hợp xướng ca toàn thắng của dân tộc...

 

Khuôn khổ của một bài viết nhỏ, không thể nào nói hết được mọi nỗi niềm xúc cảm đang trào dâng trong thầy trò chúng tôi. Chỉ biết rằng, phía trước tôi đây là những gương mặt rất đỗi thân yêu của 43 năm về trước... Ơi những chiếc khăn quàng đỏ phấp phới trên vai, ơi những mái tóc xanh, xõa buông mềm mại với những chiếc nơ hồng, nơ trắng, lượn bay và những đôi mắt đen láy, long lanh tinh nghịch thủa nào... Tất cả đâu rồi?!... Càng nhớ hình ảnh xưa kia của các em, tôi càng mến thương đến nao lòng những gì đang hiển hiện trước mắt tôi đây. Thầy cô và các em đang ngồi kề sát bên nhau, ấm cúng như một gia đình yên vui, hạnh phúc.

 

Tất cả thầy cô đều đã đi qua tuổi “cổ lai hy”, tóc đã bạc, da đã mồi, chân run, gối mỏi... còn học trò, cũng thấp thoáng đó đây những mái tóc pha sương. Càng nhìn lại càng mến, càng nghĩ lại càng thương. Tôi yêu và tự hào đến vô cùng những  học sinh của mình trên mảnh đất Thái Học sâu nặng nghĩa tình này. Những cái tên Đỗ Đức Kiểu, Dương Văn Thoan, Vũ Văn Thuấn, Nguyễn Văn Giáp, Đinh Văn La, Đỗ Thanh Bảo... rồi Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Ngọ, Đinh Thị Đào, Đinh Thị Tánh, Bùi Thị Hoa, Phạm Thị Thiếu, Đỗ Thị Phượng... và tất cả, sẽ mãi mãi in đậm trong ký ức của các thầy cô.

 

Rất cám ơn sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ đầu xuân Canh Dần đầy ý nghĩa này. Nhờ đó mà thầy trò được gặp nhau, các thầy cô được gặp nhau, sau 43 năm dài xa cách. Tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò lưu luyến, nhớ thương nay được thỏa nguyện, ai cũng thấy lòng hạnh phúc chứa chan.

 

Khi phát biểu ý kiến của mình, đồng chí bí thư Đảng ủy xã cũng đánh giá: “Cuộc gặp mặt đầu xuân của thầy trò trường Thái Học (khối 7, khóa 1, 1967/1968) có một hàm lượng ý nghĩa thật đẹp, nói lên truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo” của một vùng quê có bề dầy truyền thống cách mạng, hiếu học và chiến đấu ngoan cường. Đây là một nét đẹp văn hóa trong bức tranh toàn cảnh về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên quê hương anh hùng mà Đảng bộ và nhân dân Thái Học đang quyết tâm phấn đấu để đạt được”...

 

Ý kiến của đồng chí Bí thư cho tôi hiểu thêm rằng: Thái Học, một vùng quê nghèo, nơi đã từng cưu mang, che chở chúng tôi vào những tháng năm gian khổ ngặt nghèo nhất của sự nghiệp giáo dục đào tạo. Thầy trò chúng tôi đã từng đội mũ rơm đến trường; đã từng chịu trận bom bi của Mỹ năm 1968, cướp đi của thầy trò chúng tôi một học sinh, một người bạn thân yêu... Vậy mà, sau những âm thanh dữ dằn của đạn bom, lớp học lại đông.

 

Những hầm kèo, những hào giao thông sạt lở lại được phụ huynh mau chóng tu bổ, quyết không để con em bỏ học một ngày... Và kết thúc năm học đầu tiên ấy, trường C2 Thái Học đặc biệt là khối 7 cuối cấp) đã hoàn thành “chiến  thắng giặc Mỹ trên mặt trận giáo dục” như khẩu hiệu của ngành lúc đó đề ra. Rõ ràng truyền thống hiếu học nơi đây đã có cội nguồn bền vững từ xa xưa. Và hiếu học đã tô thắm và làm sáng ngời thêm phẩm chất tôn sư trọng đạo, một nét đẹp văn hóa đặc trưng rất đáng tự hào của Thái Học quê mình...

 

Xin mượn một đoạn thơ, trích trong bài “Tâm sự ngày gặp lại” của Đỗ Đức Kiểu, 1 môn sinh (hiện là hiệu trưởng một trường THPT ở Quảng Ninh)

 

“Bôn ba năm cách xa rồi, nay về gặp lại ở nơi sinh thành. Thầy cô bè bạn vây quanh, nắm tay nhau chúc “an lành khỏe vui”để kết thúc bài viết này chúc Đỗ Đức Kiểu và các bạn luôn được an lành khỏe vui. Mong rằng cũng tại “Nơi sinh thành” của các em, thầy trò lại có dịp gặp nhau và chắc chắn đó sẽ là ngày hội ngộ trùng phùng, dào dạt hồn thơ.

     Phạm Đăng Duật

(Thái Sơn - Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày