Tiểu Thuần Mỹ
Tương truyền, vua Minh Mạng (1791 - 1841) triều Nguyễn, năm 1822, niên hiệu Minh Mạng thứ 2, trên đường kinh lý Bắc Hà có ghé thăm Thuần Mỹ điện ở làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, ý chỉ cho dân chúng mở hội dâng hương tưởng niệm các bậc hoàng đế triều hậu Lê. Tại Thuần Mỹ điện, vua nghe các bậc đại lão quanh vùng tấu trình về việc lăng mộ Tương Dực đế ở làng Bùi Xá, xã Phạm Lễ, tổng Thanh Triều bị kẻ xấu đào bới, xâm hại, vua liền sai thị sát và cho người tạc bia đá sắc phong Tương Dực đế dựng cạnh lăng mộ.
Truyền ngôn, thời Lê sơ một nhóm tùy táng có lính triều đình hộ tống đem thi hài của vua Lê Tương Dực về Ngự Thiên an táng, về đến làng Bùi Xá cách Thuần Mỹ điện ở ấp Mỹ Xá (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) khoảng hơn “1 dặm” thì trời nổi giông gió, mưa quất ngang trời, đám tùy tùng phải dừng lại tránh mưa. Nhưng “ông trời” vẫn trút nước, gió quật gẫy đổ cây lại không có gì che đậy thi hài vua, đám tùy táng không thể đi tiếp nên đang đêm cũng phải chôn thi hài vua Lê Tương Dực ngay cạnh đường đi trên địa phận làng Bùi Xá. Sáng ra trời quang mây tạnh mọi người mới nhận thấy phía Đông mộ táng có khu đất vuông vức mà dân gian vẫn quen gọi là “đống Ấn”, phía Tây có khu đất hình lá cờ dân gian gọi là “đống Kỳ”, phía Nam có thửa ruộng hình “chữ Tâm”, phía Bắc là sông Luộc uốn lượn gọi là “cửu khúc”. Thực hiện chiếu chỉ của triều đình, dân làng Bùi Xá xây lăng mộ của Tương Dực đế, nơi an táng vua Lê Tương Dực giữa khu vực có 6 nghĩa địa cổ bao quanh.
Theo sử cũ chép: Thời ấy ở ấp Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) có phủ đệ của Kiến Vương Tân, con trai thứ 5 vua Lê Thánh Tông. Kiến Vương Tân chẳng may “mất” sớm, bà Trịnh Thị Tuyên (vợ Kiến Vương Tân) một nách nuôi 4 con là Cẩm Giang vương Lê Sùng, Giản Tu Công Lê Oanh, Tĩnh Lượng Công Lê Sách, riêng con út Lê Quyên còn nhỏ chưa được “ấm phong”. Người trong thiên hạ bàn tán “xem” trong các hoàng tử của vua Lê Thánh Tông thì chỉ có “cánh” Ngự Thiên là khá hơn. Thấy vậy, vua Lê Uy Mục (Lê Tuấn 1488 - 1509) con thứ hai của vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) sợ mất ngai vàng nên sai bắt cả nhà Cẩm Giang vương và phu nhân thúc phụ của mình tống ngục. Các thân vương nhà Lê hầu hết bị đuổi về xứ Thanh. Bọn quan Giáo Thừa, Thừa Nghiệp ra đường, sử cũ ghi: “quan viên và dân chúng trông thấy (Lê Uy Mục) từ xa một dặm đã chạy trốn”. Con thứ Kiến Vương Tân là Lê Oanh may thoát ngục chạy vào Tây Đô (Lam Kinh, Thanh Hóa), đến cửa biển Thần Phù (Ninh Bình) được tướng Nguyễn Văn Lang thất sủng ra đón phù lập. Giản Tu công cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài, hiệp sức với các đại thần Ngô Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm và Thanh Hóa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, thừa tuyên sứ Lê Tung, tham chính Nguyễn Thì Ung cùng nhau mưu sự. Sau khi tiến công ra Thăng Long, bắt sống Lê Uy Mục giam ngục, Giản Tu công Lê Oanh vì căm việc Uy Mục đế sát hại gia quyến mình rất thảm khốc, mới sai người để xác cựu Hoàng vào miệng súng lớn, rồi cho bắn nổ tan xác. Ngày 4 tháng 12 cùng năm, Giản Tu công Lê Oanh được phù lập làm Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Thuận lấy ngày sinh làm Thiên Bảo thánh tiết xưng là Nhân Hải Động chủ. Vừa khi lên ngôi, Tương Dực đế đã chú trọng thưởng các công thần.
Tương Dực đế (tức vua Lê Tương Dực là vị hoàng đế thứ 9 của nhà Lê sơ) được nhiều sử sách và sử gia đánh giá là người có công lớn trong việc sửa sang sự học, khôi phục Văn miếu Quốc Tử Giám xứng đáng kế thừa sự nghiệp vẻ vang của Cao Hoàng (Thái tổ Lê Lợi), Thuần Hoàng (Anh minh Hoàng đế Lê Thánh Tông), làm rạng danh cơ nghiệp.
Bài ký văn bia ở Quốc Tử Giám (Thăng Long - Hà Nội nay) có đoạn ngợi ca vua Lê Tương Dực như sau: “Vua thông minh xứng bậc đế vương, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông. Ban đầu đặt kinh diên, lưu tâm điển tịch. Sáng vầng sao Khuê ngang trời dọc đất thì có tập Bảo thiên thanh hạ; mở gương trị giáo mẫu mực xưa nay thì có tập Quang thiên thanh hạ. Thánh học ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần túy. Hơn nữa, đến nhà Thái học hỏi về đạo trị nước, ra nơi điện đình thi chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!”.
Theo sử cũ ghi, vua bàn đặt quan đề lĩnh, có các chức Chưởng đề lĩnh, Đồng đề lĩnh và Phó đề lĩnh, trông nom việc quân ở bốn mặt thành, chức trách là tuần phòng ở Kinh sư, canh phòng các nơi, tìm bắt kẻ gian. Trong những năm đầu cầm quyền, vua Lê Tương Dực cũng có những đóng góp khá lớn thể hiện sự cố gắng vực dậy đất nước đã suy tàn, nhất là trong lĩnh vực khoa cử. Năm 1511, Tương Dực đế tổ chức kỳ thi Hội, đến kỳ thi Đình thì ông đích thân ra đề văn hỏi về đạo trị quốc. Ông cho trùng tu Quốc Tử Giám, dựng lại bia tiến sĩ tỏ rõ sự khuyến khích hiền tài. Tháng Giêng, (1513) ngày 26, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thủy, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phong vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Khi về, Tương Dực đế tặng Hy Tăng hai câu thơ khi tiễn biệt: “Kim nhật tinh thiều hồi Bắc khuyết/Tiễn diên bôi tửu mạc từ tần”. Tạm dịch: “Ngày nay xe sứ quay về Bắc/Chuốc chén luôn luôn chớ ngại ngần”. Hy Tăng họa vần đáp lại rằng: “Vạn lý quan phong Bách Việt xuân/Chướng yên tiêu tận vật hoa tân/Xa thư bất dị Thành Chu chế/Phi dược nguyên đồng đại tạo nhân”. Tạm dịch: “Muôn dặm ngắm nhìn Bách Việt xuân/Chướng khí tiêu tan, sáng bội phần/Xa thư chẳng khác Thành Chu trước/Bay nhảy nguyên cùng tạo hóa nhân...”.
Sử cũ ghi: Năm 1510, Tương Dực sai quan Binh bộ Thượng thư là Vũ Quỳnh soạn bộ “Đại Việt thông giám thông khảo” gọi tắt là “Đại Việt thông giám” hay “Việt giám thông khảo”. Bộ sách này gồm 26 quyển, chia thành Ngoại kỷ chép từ Hồng Bàng đến hết nhà Ngô, Bản kỷ từ Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Thái Tổ Cao hoàng đế. Tương Dực còn sai Lê Tung soạn bài tổng luận về bộ sử ấy. Theo Phan Huy Chú, bộ sách này được Lê Nại đánh giá là quy mô và “đúng với kinh, trúng với sử”.
Tháng 3, năm Hồng Thuận thứ 8 (1516), xảy ra bạo loạn nội triều đánh dấu sự sụp đổ của triều đại Lê Tương Dực. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản bất mãn đã bàn mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm ý đồ giết vua Lê Tương Dực để lập vua khác. Sau khi giết chết vua, Trịnh Duy Sản sai người đem xác vua Lê Tương Dực về quán Bắc Sứ, khâm liệm rồi đem thiêu. Khâm Đức hoàng hậu cũng nhảy theo tự thiêu. Quân sĩ đem hai quan tài về chôn ở huyện Ngự Thiên, giáng phong hoàng đế làm “Linh Ẩn Vương”. Chiêu Tông lên ngôi hoàng đế cải thụy hiệu là Tương Dực Đế, mộ phần ở làng Bùi Xá được cải thành Nguyên Lăng.
Ông Nguyễn Danh Tựu, 86 tuổi, trưởng ban kiến thiết lăng vua Lê Tương Dực, thôn Bùi Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà Các cụ già làng tôi xưa truyền lại, làng Bùi Xá có 6 nghĩa địa từ thời cổ bao quanh, giờ vẫn còn dấu tích. Thời phong kiến, hàng năm các cụ trong làng vẫn tổ chức tế lễ. Nguyên Lăng bị tàn phá thời giặc Pháp đô hộ chỉ còn cây hương và bia đá do vua Minh Mệnh sắc ban cho. Dân làng đem bia đá ấy gửi vào chùa Bùi lưu giữ cho đến ngày nay. Ông Nguyễn Văn Hiện, thành viên ban quản lý lăng vua Lê Tương Dực, thôn Bùi, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà Những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nhân dân làng Bùi họp lại cử ra 6 cụ cao niên thành lập ban kiến thiết lăng vua Lê, vận động nhân dân cùng con cháu xa gần góp công, góp của xây ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm vua Lê. Lăng vua Lê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2013. Bà Đỗ Thị Nếm, thủ từ đền, lăng vua Lê, thôn Bùi, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà Lăng mộ vua Lê Tương Dực dù trải qua thăng trầm, biến cố nhưng vẫn được người dân làng Bùi chúng tôi gìn giữ, bảo vệ và tôn tạo. Lăng vua Lê rất linh thiêng, phàm những người làm nghề bán buôn quanh vùng đến đây cầu nguyện đều được linh ứng. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn