Thứ 5, 14/11/2024, 10:58[GMT+7]

Địa hoàng Ngự Thiên

Thứ 2, 08/06/2020 | 08:29:22
8,043 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, chỉ tính riêng cuối triều Lê sơ, xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) đã “cung cấp” cho triều đình nhà Lê 6 vị vua, trong đó có những cung vương chỉ sau một đêm ngủ, tỉnh dậy bỗng trở thành hoàng đế. Các hoàng đế “bị” ép ngồi ngai vàng chủ yếu là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra, trước và sau triều Lê, Ngự Thiên cũng “sản sinh” nhiều nhân kiệt.

Đình Đặng Xá, khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà.

Từ đường họ Phạm và đình Đặng Xá, khu Đặng Xá, thị trấn Hưng Nhân còn đôi câu đối: “Lịch triều quế tịch thư danh đại Phạm, tiểu Phạm/Tính danh thư quốc phổ cập tiền Lê, hậu Lê”. Nghĩa là họ Phạm lớn, họ Phạm nhỏ (Đặng Xá) đã được ghi tên trong lịch sử, tên tuổi của những người họ Phạm từ tiền Lê đến hậu Lê được nhiều người biết đến. Theo các nguồn khảo luận cuối thế kỷ thứ X ở làng Đặng Xá, huyện Ngự Thiên có danh tướng Phạm Cự Lượng người có công giúp Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế (Lê Đại Hành) rồi cùng Lê Hoàn đánh bại quân xâm lược nhà Tống... Ông được Hoàng đế Lê Đại Hành phong Thái ấp ở Đặng Xá. Sử cũ ghi: “Phạm Cự Lượng đã đánh thắng giặc ở  Dốc Văn  nên được phong Thái ấp ở Đặng Xá… sắc phong Hồng Thánh Đại vương”. Cuối triều Lê sơ, năm 1502, làng Mỹ Xá, xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên có Nguyễn Văn Kiệt đi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất. Ông làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử. Truyền ngôn, hai cha con Nguyễn Dự và Nguyễn Văn Kiệt đều đỗ tiến sĩ và đều khảng khái khước từ làm quan cho nhà Mạc khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê.

Chuyện xưa chép lại: Mạc Đăng Dung không vì là “Quốc trượng” vua Lê (vua Lê Cung Hoàng lấy con gái Mạc Đăng Dung) hay vì cái ân Cửu tích “trói buộc” mà “giữ yên” phận tôi trung. Ngày 15 tháng 5 năm 1527, Mạc Đăng Dung vào cung, “Triều thần” đứng chầu mà không có vua Lê cũng “chẳng” có “Chiếu truyền ngôi”, vậy là Triều thần “bảo” Lại bộ Thượng thư Trương Phu Duyệt “hạ bút” nhưng Phu Duyệt trừng mắt mắng các quan: “Thế nghĩa là gì”. Triều thần lại sai Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái “thảo chiếu truyền ngôi”. Khi văn chiếu thảo xong truyền cho bách quan xem cùng ký, quan Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Văn Kiệt quê làng Mỹ Xá, xã Mỹ Xá, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) xem xong chiếu văn trợn mắt, bẻ gẫy bút, tự trút bỏ mũ áo, chạy thẳng ra cửa về quê. Mạc Đăng Dung chiếm ngôi báu giáng vua (Lê Cung Hoàng) làm Cung Vương, giam cùng với Thái hậu, vài tháng sau sai người giết, đem xác phơi ngoài cửa Bắc rồi đem về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà nay). Giới sử gia bình rằng: Mạc Đăng Dung chỉ là “cấm vệ quân” thuần như con mèo tuân lệnh chủ đi bắt chuột vậy mà bỗng chốc trở thành mãnh hổ với tước An Hưng vương. Sau hơn mười năm “ẩn mình nuôi kế hiểm” dưới trướng vua Lê, đợi chờ cơ hội vua “yếm” thế để kết thúc số phận một vương triều chỉ bằng một tờ chiếu truyền ngôi “viết vội” đại ý: “Nghĩ Thái tổ ta thừa thời cách mệnh có được thiên hạ, các vua truyền nhau nối giữ cơ đồ là do mệnh trời, lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận gặp nhiều tai họa. Trần Cảo đầu têu gây mầm loạn ly. Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch, lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ đã không phải của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời, lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to, đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui, mong kính theo đó”… Bá quan văn võ triều thần nghe xong “sấm” truyền ngôi, họ Mạc mỉm cười ung dung bước lên ngai vàng quyền lực, thực thi mệnh trời, an dân.

Lần theo đại ý của chiếu truyền ngôi mà họ Mạc sai người “viết vội” đó, tìm về bối cảnh lịch sử triều mạt Lê dễ dàng nhận thấy mọi “bất ổn” triều chính bắt đầu từ thời vua Lê Chiêu Tông. Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) tên húy là Lê Y, còn gọi là Lê Huệ, cháu bốn đời vua Lê Thánh Tông. Lê Y là con trưởng của Cẩm Giang Vương Lê Sùng và bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Loan sống ở Ngự Thiên. Sau khi giết vua Lê Tương Dực, Trịnh Duy Sản và Lê Nghĩa Chiêu đón Lê Y từ Thuần Mỹ điện ở làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay là thị trấn Hưng Nhân) về kinh tôn làm vua, duệ hiệu là Lê Chiêu Tông. Vua lúc đó mới 11 tuổi. Lê Chiêu Tông lên ngôi không lâu thì vướng vào câu sấm truyền nhảm nhí trong thiên hạ: “Trần hữu nhất nhân, vi thiên hạ quân, thố đầu hổ vĩ tế thế an dân” làm triều chính rối ren. Thời gian bấy giờ đã là đầu năm Dần, theo như “sấm truyền” thì cuối năm Mậu Dần (1518) đầu năm Kỷ Mão (1519) sẽ có một người họ Trần làm vua thiên hạ. Sấm nhảm nhí đó lúc ẩn, lúc hiện làm Lê Chiêu Tông ám ảnh, lo sợ. Vua liền “vời” 3 quan văn đại thần là Chử Khảo, Trịnh Hựu và Ngô Bính đến yết kiến, 3 người đều là họ hàng bên mẹ của nhà vua là bà Đoan Mục thái hậu Trịnh Thị Loan, có tiếng giỏi về dịch lý và tử vi. Họ khuyên nhà vua tìm cách trừ khử Trần Chân trước khi “mọi sự trong triều” trở nên xấu đi… Lê Chiêu Tông mắc sai lầm nghiêm trọng: giết tướng tài trung tín.

Không lâu sau đó, Lê Chiêu Tông lại tiếp tục mắc sai lầm khi nhân một vụ nổi loạn nhỏ ở Tuyên Quang vào những ngày giáp tết Tân Tỵ 1521, vua Lê Chiêu Tông liền sai Mạc Đăng Dung đi lùng bắt tàn quân của Trần Cảo. Lúc này người ta mới biết vị “vua” Thiên Ứng này đã bỏ đi ẩn tu và giao quyền hành cho người con trai là Trần Cung. Trần Cung bấy giờ chỉ còn là thủ lĩnh một đám hỗn quân hoạt động tự phát ở vùng bắc Kinh Bắc và Lạng Sơn. Họ Mạc đích thân mang quân đi dẹp, tuy không bắt được Trần Cung nhưng tàn quân tan rã và vợ con Trần Cung bị giết. Thành tích này giúp Mạc Đăng Dung rút ngắn quãng đường từ “cấm vệ quân” tiến sâu vào nội triều nắm quyền bính trong tay, họ Mạc được thăng tước từ Nhân quận công lên Nhân quốc công và giữ chức Thái phó.

Theo các tài liệu khảo cứu, năm 1522 vì tình hình nội, ngoại triều bức bách, Lê Chiêu Tông đành phải bỏ kinh thành chạy lên Sơn Tây, Thái hậu và hoàng đệ không kịp theo. Khi biết chuyện, bà khóc than rằng: “Đứa con thứ hai của ta ắt phải làm vua. Bà già này lại bị người khác giả danh thác mệnh, bị người ta đàm luận, nhưng còn xã tắc, biết làm sao đây”. Quả đúng lời tiên đoán ấy, ngày 28 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522) Lê Chiêu Tông xuất bôn, hô hào ngự giá chống họ Mạc, Mạc Đăng Dung “lộ nguyên hình” là kẻ âm mưu cướp ngôi đã tức tốc dồn quân bản bộ vào kinh, truyền cho các nhà ở phố xá không được kinh động, sai thuộc tướng Hoàng Duy Nhạc đi Sơn Tây đuổi theo Lê Chiêu Tông. Trong thành nội, Đăng Dung hội lão thần tôn thất cùng Thái sư Lượng Quốc công Lê Phụ, Mỹ quận công Lê Chu, Cẩm quận công Lê Thúc Hựu, Hoằng Lễ hầu Phạm Gia Mô, Đoan Lễ hầu Dương Kim Ao, Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên hầu Nguyễn Như Quế cùng bàn định đem quân về Thuần Mỹ điện ở Ngự Thiên đón rước Lê Xuân (Lê Cung Hoàng) lên làm vua. Bấy giờ Lê Xuân mới 14 tuổi, duệ hiệu Lê Hoàng Đệ Xuân.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin
Thời Lý - Trần, họ Phạm ở Đặng Xá có bà Phạm Thị Huấn là vợ của Thái phó Lê Điện triều Lý, là mẹ của Lê Thị Thái (vợ Thượng Hoàng Trần Thừa) sinh ra Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), vua Trần bà phong là Quốc Thánh Hoàng Thái Hậu.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đỉnh, khu Thị An, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Các cụ dòng tộc Nguyễn làng Mẽ (Mỹ Xá) kể rằng Thuần Mỹ Điện rất tráng lệ, rộng khoảng 40 mẫu Bắc Bộ, được bao bọc bởi hai nhánh của dòng sông Thái Sư. Lăng Hoa Dương nằm sát cạnh Thuần Mỹ Điện, nơi an táng vua Lê Chiêu Tông cùng Hoàng Thái hậu. Làng Buộm (thị trấn Hưng Nhân) có mảnh ruộng chừng 40m² mùa đông khô hạn đất trắng ra, đào xuống khoảng một thép mai là thấy gạch vuông, tồn nghi đây là nơi an táng vua Lê Cung Hoàng.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Tương truyền, khi rũ bỏ áo quan, phản ứng quyết liệt nhà họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Văn Kiệt chạy về Mỹ Xá (thuở đó Mỹ Xá bao gồm cả Đặng Xá và làng Buộm), ông uất ức đào hầm và tự giam mình trong hầm cho đến chết.


Quang Viện 

  • Từ khóa