Đình Thuận An: Ghi dấu những mốc son lịch sử
Đình Thuận An không rõ được khởi dựng từ năm nào, ước tính ở thế kỷ thứ XVI. Trải qua nhiều năm, đình bị đổ chỉ còn lại tòa đại bái năm gian, đến thời nhà Nguyễn được tu sửa, tôn tạo. Đình thiết kế theo kiểu mái cong đao guột, bộ khung bằng gỗ lim, các vì kèo có chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt.
Ông Hồ Trọng Luật, thành viên Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Thuận An cho biết: Những năm trước kia đình không có các bức vách tường bốn xung quanh mà chỉ có các chân cột gỗ lim đỡ mái đình, thiết kế kiểu như “quán chợ”. Hàng trăm năm qua, đình Thuận An là nơi gắn liền với cuộc sống đời thường, nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Thuận An.
Nét nổi bật để đình Thuận An khác với nhiều ngôi đình làng khác đó là nơi đây còn là địa điểm của nhiều phong trào cách mạng. Theo sử sách ghi lại, đình Thuận An từng là nơi hội quân của Phan Bá Vành - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Thái Bình thế kỷ XVIII - XIX. Làng Thuận An cũng là một trong những nơi có phong trào cách mạng sớm. Tháng 3/1927, đồng chí Nguyễn Phương Lãm, người con Thuận An là người đầu tiên của xã được kết nạp vào Hội Việt Nam (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Đến cuối năm 1927, cả xã có 22 đồng chí tham gia Hội. Cùng với đấu tranh kinh tế, chính trị, những năm 1928 - 1929, tại đình Thuận An, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Thuận An còn bí mật tổ chức nhiều lớp học chữ quốc ngữ vào buổi tối và cấp giấy, bút để người dân nghèo được học, thoát nạn mù chữ. Cuối năm 1929, Chi bộ Cộng sản Thuận An được thành lập. Những năm 1929 - 1945, Chi bộ Thuận An đã tổ chức nhiều hoạt động cách mạng, phong trào quần chúng sôi nổi. Trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa, đình Thuận An được sử dụng làm nơi hội họp, bàn bạc công việc của các chiến sĩ cộng sản làng Thuận An như Hồ Sĩ Kết, Hồ Sĩ Đào, Nguyễn Phương Lãm, Hồ Sĩ Luyện...
Tuy đã ở tuổi 92 nhưng ông Hồ Sĩ Dung, người làng Thuận An vẫn nhớ như in không khí sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi đó mới 17 tuổi, ông Dung là một trong những thanh niên cùng các đồng chí đảng viên, nhân dân tham gia biểu tình giành chính quyền. 7 giờ sáng ngày 17/8/1945, Chi bộ Thuận An huy động hàng chục anh em trong đội tự vệ mang theo giáo mác lên thị xã Thái Bình phối hợp với các địa phương giành chính quyền. Tuy nhiên, do có lệnh nên cuộc biểu tình được hoãn lại. Sáng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thư Vũ, ông Dung là một trong hàng chục người của làng Thuận An kéo lên giành chính quyền ở huyện lỵ Vũ Tiên và chứng kiến chế độ cũ đầu hàng cách mạng; chính quyền lâm thời huyện Vũ Tiên được thành lập. Trong đó, Chi bộ Thuận An có 4 đồng chí được vinh dự cử vào Ủy ban lâm thời huyện Vũ Tiên. Đến 3 giờ chiều ngày 22/8/1945, lực lượng cách mạng hơn 300 người ở tổng Đội Trạch gồm các làng Cổ Việt, Thuận An, Thái Hạc... tập trung tại đình Thuận An để kéo đến nhà Chánh Hạp, bắt hắn phải đầu hàng và tịch thu sổ sách. Tối ngày 22/8/1945, cũng tại đình Thuận An. Ủy ban cách mạng lâm thời làng Thuận An được thành lập do đồng chí Nguyễn Phương Lãm làm Chủ tịch...
Ông Dung xúc động kể lại: Ngày đó đời sống nhân dân còn rất lạc hậu, khó khăn, bà con phải đi bộ hơn chục cây số mất gần 2 tiếng đồng hồ từ nhà đến huyện lỵ tham gia biểu tình giành chính quyền. Vải vóc còn khan hiếm, ông Dung phải khó khăn lắm mới kiếm được 2 mét vuông vải đỏ để may cờ đỏ sao vàng, tự hào giương cao lá cờ Tổ quốc trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền; hầu hết bà con bí mật tự làm những chiếc cờ nhỏ bằng giấy để vẫy tay, tuy nhỏ nhưng ai cũng phấn khởi, hạnh phúc vì chính quyền thực dân, phong kiến bị lật đổ, chính quyền cách mạng về tay nhân dân.
Giành được chính quyền, tại đình Thuận An đã diễn ra phong trào bình dân học vụ sôi nổi. Thuận An được Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình công nhận là 1 trong 2 xã xóa nạn mù chữ đầu tiên của tỉnh. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Thuận An được chứng kiến và là nơi diễn ra nhiều trận càn, chiếm đóng của thực dân Pháp và đấu tranh quật cường của dân làng Thuận An.
Đồng chí Hồ Đức Nhã, Bí thư Đảng ủy xã Việt Thuận (Vũ Thư) cho biết: Theo các bậc tiền bối kể lại và theo lịch sử Đảng bộ xã Việt Thuận thì trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Thuận An xưa (xã Việt Thuận nay) có 23 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngay trên mảnh đất quê nhà. Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Ngạc, người làng Thuận An anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đánh trống báo động cho nhân dân biết có giặc Pháp và bọn việt gian bán nước kéo đến; ông bị chúng tấn công bất ngờ, hy sinh ngay tại đình làng Thuận An. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Thuận An là nơi diễn ra các cuộc họp của huyện tại cụm xã phía Nam, là kho dự trữ thóc nuôi quân kháng chiến. Nơi đây cũng tiễn đưa lớp lớp thanh niên của làng lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Ông Hồ Sĩ Hiến, Trưởng thôn Thuận An cho biết: Đất nước hoàn toàn thống nhất, đình Thuận An lại là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng. Năm 1993, đình làng Thuận An được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đình được Nhà nước và nhân dân quan tâm từng bước sửa chữa, tu bổ, tuy nhiên do ảnh hưởng của thời gian nên đình dần bị xuống cấp. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có sự quan tâm, đầu tư để cùng với nhân dân bảo vệ, trùng tu, tôn tạo lịch sử văn hóa đình Thuận An.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024