Thứ 5, 14/11/2024, 23:43[GMT+7]

Miền quê cách mạng chuyển mình

Thứ 2, 24/08/2020 | 08:27:47
4,225 lượt xem
Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở xã Chí Hòa (Hưng Hà) đã khởi phát phong trào biểu tình của nông dân Tiên Hưng - Duyên Hà, là cơ sở quan trọng để nhân dân Thái Bình vùng lên giành chính quyền, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 90 năm trôi qua, Chí Hòa hôm nay đang vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng.

Trường tổng Vị Sĩ - nơi hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng tiền bối tỉnh Thái Bình.

Chúng tôi về xã Chí Hòa - nơi khởi nguồn của phong trào cách mạng và là nơi thành lập liên chi bộ Đảng đầu tiên của hai huyện Duyên Hà - Tiên Hưng (Liên chi bộ Thần Duyên). 9 thập niên trôi qua, những địa điểm gắn với phong trào cách mạng nơi đây như Trường tổng Vị Sĩ, con đường Cộng sản, đình làng Nhuệ vẫn còn đó như những chứng tích lịch sử còn mãi với thời gian. 

Hiện nay, di tích lịch sử cách mạng Trường tổng Vị Sĩ được phục dựng trên nền trường cũ, nằm ngay trung tâm của xã. Đây cũng là nơi trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật của quân và dân Chí Hòa qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trường tổng Vị Sĩ còn là địa chỉ đỏ để mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các thế hệ cựu chiến binh ở địa phương lại trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay truyền thống yêu quê hương, đất nước.

Ông Đặng Đức Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chí Hòa chia sẻ: Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Chí Hòa, ngày 19/8/1945 dưới tiếng trống của đồng chí Đỗ Gia Thiếp, thôn Nhuệ tại đình làng Nhuệ đã tập hợp nhân dân trong vùng ra cây đa quán Phan làng Nhuệ để tiến về phủ Tiên Hưng cướp chính quyền và sau khi cướp được chính quyền ở huyện thì đoàn tiến về thị xã Thái Bình để hợp vào đoàn người từ các địa phương trong tỉnh cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Thái Bình. Niềm vui ấy càng được nhân lên khi ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các cụ cao niên kể lại rằng, ngày đó thông tin liên lạc không hiện đại như bây giờ, những người dân quê chỉ biết qua lời người liên lạc thôn rằng ở Thủ đô, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Dù không thấy Bác, không được nghe giọng của Người, không rõ nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng tinh thần của những người dân quê phấn chấn lắm bởi từ đây dân ta được làm chủ cuộc đời mình, được hưởng độc lập, tự do.

Ngọn lửa cách mạng từ những năm 1930 - 1931 đến mùa thu tháng tám năm 1945 đã hun đúc nên bản lĩnh của những người con quê hương Chí Hòa một lòng theo Đảng, Bác Hồ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hơn 10.000 người con quê hương Chí Hòa đã lên đường tòng quân đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, trong đó 125 người đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sĩ, hơn 100 thương binh, bệnh binh... Đến nay, xã Chí Hòa có 43 người được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng, 17 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với những thành tích đặc biệt đó, xã Chí Hòa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đi lên từ gian khó nhưng với truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống anh hùng, những người con quê hương Chí Hòa luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 8,03%. Tổng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt trên 311 tỷ đồng, tăng 1,76% so với mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Phát huy tinh thần đoàn kết, quy tụ lòng dân, lấy dân làm chủ thể; đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở, xã Chí Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2014, Chí Hòa là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Hưng Hà hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Đồng chí Nghiêm Minh Diến, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời điểm này, Chí Hòa đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 với những đột phá quan trọng. Trong đó, địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực, kêu gọi nhân dân góp công, góp của giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhà truyền thống Trường tổng Vị Sĩ, xã Chí Hòa (Hưng Hà) - nơi trưng bày nhiều hiện vật, tài liệu về phong trào cách mạng ở địa phương.

Đồng chí Lê Văn Giang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chí Hòa

Đảng ủy xã chủ động bám sát, nắm chắc tình hình cơ sở, từ đó ban hành các nghị quyết  thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương phù hợp với tình hình thực tế, từng thời điểm, giai đoạn phát triển. Trong quá trình triển khai thực hiện coi trọng việc phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị ở địa phương.

Chị Vũ Thị Khánh Hòa, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Chí Hòa

Mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên xã Chí Hòa hôm nay luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương. Hàng năm, vào các ngày lễ lớn của dân tộc, nhất là dịp 27/7, Quốc khánh 2/9, Đoàn Thanh niên xã thường xuyên tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” như thăm, tặng quà gia đình chính sách, vệ sinh môi trường tại nghĩa trang liệt sĩ và các di tích lịch sử, tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống... Thế hệ trẻ Chí Hòa hôm nay nguyện ra sức học tập, lao động sáng tạo để góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng quê hương ngày càng phát triển.


Nguyễn Hình - Đạt Hiền