Thứ 5, 14/11/2024, 23:32[GMT+7]

Những ngày không quên

Thứ 4, 26/08/2020 | 08:46:27
3,843 lượt xem
Cứ mỗi độ thu sang, khi cờ đỏ sao vàng tung bay khắp mọi nẻo đường, niềm hân hoan mừng tết Độc lập lại rộn ràng trong trái tim mỗi người dân xã Lê Lợi (Kiến Xương). Đặc biệt, những người từng được sống, chứng kiến thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945 không khỏi bồi hồi, xúc động mỗi khi nhớ lại.

Sản phẩm chạm bạc do bàn tay khéo léo của người dân xã Lê Lợi (Kiến Xương) thực hiện.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là sự kiện trọng đại, là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 75 năm đã đi qua, những người được sống trong thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ký ức về ngày tết Độc lập đầu tiên của dân tộc vẫn mãi in sâu trong tâm trí. 

Với bà Lương Thị Tựa, thôn Đông Thổ, mặc dù ở tuổi 92 đôi lúc đã quên đi một vài ký ức xa xưa nhưng cảm xúc về ngày tết Độc lập của dân tộc thì vẫn được bà lưu giữ trong tâm trí. Nhớ về thời khắc lịch sử hào hùng đó, bà xúc động: Ngày đó cả nước háo hức chờ đợi từng ngày, từng giờ. Mọi người dọn vệ sinh đường làng sạch sẽ, treo cờ, khẩu hiệu rất khí thế, ai cũng ăn mặc chỉnh tề. Lúc ấy chỉ cần đi ra đường thôi cũng thấy hân hoan kỳ lạ, khác hẳn ngày thường, hạnh phúc, vui sướng vì đã giành chính quyền thành công. Bản thân tôi cũng dâng trào cảm xúc bởi từ đây tôi trở thành công dân tự do của một đất nước độc lập. Trong lòng mỗi người ai cũng phấn khởi, bừng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng theo Đảng, Bác Hồ chiến đấu bảo vệ nền độc lập mới giành được. Thời đó đời sống nhân dân còn nghèo, không có đài để được nghe trực tiếp lời Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập nhưng vì bà làm công tác phụ nữ nên đã họp chị em lại để nói về những việc làm của Bác. Cứ nhắc đến Bác là bà con vui lắm. Bà còn nhớ có lần Bác Hồ về thăm thị xã Thái Bình, bà cùng mọi người trong xã vui mừng phấn khởi cứ đi ra đi vào rồi đi bộ cả đêm lên thị xã nhận chỗ ngồi để hôm sau được gần Bác hơn.

Các thế hệ người dân xã Lê Lợi tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc. Ông Phan Hừu, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi giai đoạn 1991 - 1996, người tham gia viết, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã cho biết: Sang tháng 8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa ngày càng khẩn trương. Quần chúng cách mạng đã sẵn sàng chờ lệnh. Bước vào những ngày trung tuần tháng 8/1945, các đồng chí lãnh đạo địa phương được tin nhiều nơi đã khởi nghĩa nên mọi công việc chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Lúc này lực lượng tự vệ cứu quốc bàn kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thành lập ủy ban khởi nghĩa, may cờ, làm loa phát thanh, viết khẩu hiệu, chuẩn bị vũ khí để tuần hành biểu dương lực lượng, các đoàn thể quần chúng chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. Những tiếng hô như sấm dậy: Ủng hộ Việt Minh; Đả đảo đế quốc Pháp, phát xít Nhật; Việt Nam độc lập vạn tuế. Tiếng hô ngớt thì tiếng hát tập thể “Cùng nhau đi hồng binh” lại vang lên. Sáng ngày 20/8/1945, một cuộc mít tinh được tổ chức ở sân đình Trung Kinh, sau lễ chào cờ, đồng chí Lương Mạch thay mặt ban khởi nghĩa tuyên bố lật đổ chính quyền tay sai phát xít Nhật, thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Mọi người vui mừng hò reo sung sướng, nói lời cảm ơn cách mạng, cách mạng đã thật sự đổi đời cho họ.

Đồng chí Dư Ngọc Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Lê Lợi khẳng định: Tết Độc lập có ý nghĩa to lớn, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và cuộc sống của người dân trong xã qua nhiều thập kỷ. Năm 1945 còn ghi dấu bởi nạn đói khiến nhiều người chết; nạn đói chưa kịp khắc phục thì nước lũ tràn về khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng. Chính những ngày tháng lịch sử đó đã khiến người dân Lê Lợi không bao giờ quên, họ hiểu hơn về quá khứ, trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai, cùng đoàn kết, phấn đấu vươn lên. Đó là động lực thôi thúc để mỗi người hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Thu Thủy