Vua bà trang Xích Bích
Được thừa hưởng khí chất của người cha vốn dòng dõi Vua Hùng lại lớn lên trong tình yêu thương của mẹ là “Trang Túc Vua bà” Đinh Thị Tố, sự đùm bọc, ân tình của người dân trang Xích Bích, tổng Xích Bích, huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ nay là thôn An Khoái, xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ. Năm 18 tuổi, nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa ở Hát Môn (Phú Thọ), Hùng Quang Cảo đã cùng mẫu thân tìm đến Hai Bà xin gia nhập đội quân chiến đấu và được yết kiến Trưng Nữ Vương, nhận lệnh Hai Bà, hai mẹ con quay trở lại trang Xích Bích truyền hịch, kêu gọi hiền tài, thu nạp trai tráng dấy binh chống giặc Đông Hán.
Sử cũ ghi, năm 42, nhà Hán sai Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng kéo quân đến vùng Lãng Bạc để nghênh chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Đại tướng quân Hùng Quang Cảo được lệnh của Trưng Vương dẫn đại binh chặn đánh giặc tại Quỷ môn quan (tức là ải Chi Lăng, Lạng Sơn). Thế giặc quá mạnh, Đại tướng quân Hùng Quang Cảo tả xung, hữu đột rồi bị thương, ông mở đường máu rút quân về Thần Khê, cung quán thôn An Để (nay là thôn An Khoái, xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ) rồi hoá ở đó. Để tưởng nhớ công lao Trang Túc Vua bà Đinh Thị Tố và đại tướng quân Hùng Quang Cảo đồng thời tưởng niệm các nghĩa sĩ là người con trang Xích Bích thuộc “Năm Thôn” đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, nhân dân trang Xích Bích đã xây dựng đền “Năm Thôn” để phụng thờ các bậc anh linh tiên liệt. Đền Năm Thôn nằm trên địa phận làng An Khoái, soi mình xuống dòng Bích Giang thờ danh tướng Hùng Quang Cảo thời Hai Bà Trưng có công lao đánh giặc giữ nước, đều được xây dựng trên một gò đất cao, phía trước có minh đường tụ thủy, phía sau là chu tước trải rộng, đất đai phì nhiêu, có tả thanh long, hữu bạch hổ. Trải bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, dòng Bích Giang bị bồi trúc bởi các sông lớn như sông Hồng, sông Luộc… sau đó chỉ còn một đoạn và địa thế tiếp tục thay đổi khiến đoạn sông dần trở thành một hồ nước. Đền Năm Thôn được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1214 ngày 30 tháng 10 năm 1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Nghìn năm qua ngôi đền nhỏ vẫn trầm mặc soi mình in bóng nước như một chứng nhân của lịch sử âm thầm kể câu chuyện hùng oai đánh giặc, giữ nước… Truyền ngôn, bà Đinh Thị Tố có chồng là Hùng Thiện dòng dõi Vua Hùng sinh ra tại phủ Hưng Hoá (nay là Cao Bằng). Ông Hùng Thiện vốn là người tài đức, văn võ song toàn, còn bà Đinh Thị Tố là một phụ nữ đảm đang, nhân hậu, “hiềm” nỗi hai người muộn đường con cái. Dù vậy ông bà Thiện vẫn sống tích đức, làm nhiều việc thiện đã động lòng Hoàng Thiên nên “ông trời” thương tình cho ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú. Ông bà Thiện hết sức vui mừng liền đặt tên con là Quang Cảo nghĩa là “sáng tỏ, rạng ngời” với niềm mong ước khát khao con trai của mình lớn lên sẽ làm rạng rỡ công đức tổ tiên Vua Hùng. Thế nhưng, nhà Đông Hán lại đem quân xâm lược nước An Lạc, chúng phái Tô Định làm Thái thú Giao Châu. Tô Định thấy Hùng Thiện là người có “chữ”, có tài thao lược quân sự lại được lòng nhân dân, Tô Định cho ông giữ chức tri huyện Thần Khê, xây dựng dinh sở tại trang Xích Bích. Vốn đức độ, thương dân lại căm uất quân giặc Đông Hán cướp nước gây bao đau thương khổ cực cho dân chúng, thay vì ung dung tận hưởng bổng lộc quan huyện dưới thời Thái thú Tô Định, ông Hùng Thiện đã đứng lên tập hợp dân làng, phá doanh sở thu thuế của nhà Hán lấy thóc gạo, tiền vàng chia cho dân nghèo, lập khu phòng thủ An Để (tức An Khoái ngày nay) mưu sự đánh tan quân xâm lược Đông Hán. Tin truyền Hùng Thiện chuẩn bị dấy binh đến tai Thái thú Tô Định, hắn lập mưu hãm hại Hùng Thiện. Với dã tâm “nhổ cỏ tận gốc”, Tô Định sai lính về trang Xích Bích để truy sát vợ con Hùng Thiện, tiện tay truy sát cả dòng họ Đinh của bà Đinh Thị Tố. Để tránh cuộc truy sát và thảm họa chiến tranh cho dân làng, người dân An Để tìm cách giúp bà Đinh Thị Tố cùng con trai Hùng Quang Cảo chạy về Yên Tử (Quảng Ninh nay) nương nhờ cửa Phật. Ở Yên Tử bà Đinh Thị Tố được sự đùm bọc, chở che của nhà chùa, bà nuôi dạy Hùng Quang Cảo lớn khôn và rèn con ý chí “đền nợ nước, trả thù nhà”, không khoanh tay đứng nhìn giang sơn chìm đắm trong ách đô hộ của nhà Đông Hán. Hùng Quang Cảo được Đinh mẫu thân cho “tầm sư học đạo”, ngài quyết nuôi chí lớn “đền nợ nước, trả thù nhà”. Nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa ở Hát Môn (Phú Thọ), Hùng Quang Cảo đã cùng mẫu thân tìm đến Hát Môn xin gia nhập đội quân khởi nghĩa và được yết kiến Trưng Nữ Vương. Lúc này ở trang Xích Bích, người dân nơi đây sẵn có mối căm thù giặc Đông Hán sâu sắc cũng đã tập hợp nhiều trai tráng đêm ngày rèn binh võ nghệ chống giặc ngoại xâm, lại nghe tin có người dấy binh tụ nghĩa mà không ai khác chính là con trai tri huyện Thần Khê Hùng Thiện ngày nào, người từng giải thoát nạn đói cho nhân dân dưới thời Thái thú Tô Định nên “làn sóng” gia nhập nghĩa quân của nhân dân quanh vùng và trang Xích Bích càng thêm phấn khích, sôi động. Đội quân dưới sự chỉ huy của Hùng Quang Cảo lớn mạnh không ngừng. Đầu năm Canh Tý (40) đại quân của Hùng Quang Cảo kéo về Hát Môn hội quân với Hai Bà Trưng. Tại đây Hùng Quang Cảo cùng mẫu thân đã lãnh đạo đại binh, xông pha trận tiền, tiến đánh Tô Định. Được rèn luyện kỹ lưỡng lại thêm lòng căm hận giặc Đông Hán, đại binh của tướng quân Hùng Quang Cảo khiến cho chính quyền đô hộ nhà Đông Hán ở Giao Chỉ do Thái thú Tô Định cầm đầu nhanh chóng tan rã. Tô Định phải bỏ thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, lẩn trốn về Nam Hải (Quảng Đông).
Đất nước trở lại thanh bình, Trưng Trắc lên ngôi vua xưng Trưng Vương, đại xá thiên hạ, nhân dân được miễn thuế. Xét công phong thưởng, Trưng Vương xót thương truy phong anh linh Đại tướng quân Hùng Quang Cảo là “Hiển hách Đại vương”, phong cho bà Đinh Thị Tố, mẫu thân Hùng Quang Cảo là “Trang Túc Vua bà”. “Trang Túc Vua bà” dâng tấu xin Trưng Vương cho về trang Xích Bích lập cung quán ở làng Do (Cẩn Du) để nghỉ ngơi, làng An Để (An Khoái) là nơi tĩnh dưỡng lúc tuổi già sức yếu đồng thời xây dựng hậu tuyến phòng ngự quân sự lâu dài.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ Châu Sơn là vùng đất cổ và cũng là căn cứ quân sự của Hai Bà Trưng có liên hệ mật thiết với Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục ở Tiên La (Đoan Hùng, Hưng Hà) trong cuộc kháng chiến chống giặc Đông Hán. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Năm Thôn hiện giờ quy mô nhỏ bé, chưa xứng tầm với công đức bảo vệ và dựng xây đất nước của Trang Túc vua bà Đinh Thị Tố và Đại tướng quân Hùng Quang Cảo. Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, UBND xã Châu Sơn đã tiến hành quy hoạch, mở rộng không gian đền thờ Đại tướng quân, dự kiến xây dựng đền Mẫu thờ Trang Túc vua bà và hệ thống đường gom, cảnh quan, môi trường đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ Ủy ban MTTQ xã Châu Sơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong xã, cháu con nhân dân Châu Sơn đang sinh sống, công tác xa quê và nhân dân thập phương công đức góp phần tôn tạo, mở rộng không gian đền Năm Thôn, đền Thánh mẫu “Trang Túc vua bà” thành cụm di tích lịch sử văn hóa. Ông Ngô Xuân Tạc, trưởng ban quản lý di tích đền Năm Thôn, xã Châu Sơn, huyện Quỳnh Phụ Đền Năm Thôn được nhân dân Châu Sơn hương khói phụng thờ Đại tướng quân Hùng Quang Cảo bao đời nay, đền còn giữ được 6 sắc phong của các vua triều Lê - Nguyễn, riêng nơi thờ thân mẫu ngài là Trang Túc vua bà Đinh Thị Tố thì chưa có, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để bản đền mở rộng không gian ngôi đền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024