Thứ 5, 14/11/2024, 23:46[GMT+7]

Lê triều Quốc mẫu

Thứ 2, 14/09/2020 | 09:24:12
10,054 lượt xem

Đền Mậu Lâm dân gian quen gọi là đền Bà Vú, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà được vua Lê Thánh Tông sắc chỉ xây dựng để thờ phụng bà vú từng nuôi dưỡng vua.

Tương truyền, khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành trở về, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao thân chinh đi đón vua. Trên đường cùng vua Lê Thánh Tông về kinh, Hoàng thái hậu có nhắc tới chuyện khi xưa lánh nạn ở quê ngoại Đô Kỳ và nơi ấy đã sinh ra Hoàng đế. Vua Lê Thánh Tông vô cùng cảm kích đã cho dựng đền thờ ngoại tổ mẫu ở Đô Kỳ (Đông Đô), Đún Ngoại (Chi Lăng, Hưng Hà), Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) và đền thờ các bà vú ở làng Đún Ngoại, làng Sâm (Mậu Lâm) vì đã dành cho vua những giọt sữa ân tình và ở Đô Kỳ bây giờ vẫn còn đền thờ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Cách đây 3 năm, trong chuyến công tác tại Thanh Hóa, tôi được đồng nghiệp Báo Thanh Hóa giúp đỡ về Lam Kinh khảo cứu tư liệu triều thần họ Đinh khai quốc công thần giúp Lê Lợi chiến thắng giặc Minh và lên ngôi vua. May mắn trong lần đi ấy tôi được một nhà nghiên cứu Hán Nôm dịch tấm bia “thần đạo” về Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, cháu ngoại Bân Quốc công Đinh Lễ (Đô Kỳ, Đông Đô, Hưng Hà) và là thân mẫu vua Lê Thánh Tông. Bi ký có chép: “...Hoàng thái hậu họ Ngô húy là Ngọc Giao, quê gốc Yên Định, Thiệu Thiên, Thanh Hóa. Cụ cao tổ của bà húy là Lỗ, thuộc một dòng họ lớn ở thời Trần. Cụ bà húy là Quỳnh, là Khôi Á Quận chúa kiêm Đại hoàng bà cung Bảo Từ. Cụ Tằng tổ húy là Tây, được triều Lê tặng Kiến Tường hầu. Cụ bà họ Đinh, húy là Ngọc Luân, được tặng Kiến Tường Quận phu nhân. Ông nội húy là Kinh được truy phong Hưng Quận công. Bà nội họ Đinh, húy là Mại, được tặng Hưng Đức Quốc phu nhân. Cha húy là Từ, giữ chức Tuyên phủ sứ Thái từ Thiếu bảo Quan nội hầu, được tặng Chương Khánh công, gia tặng Ý Quốc công. Mẹ họ Đinh, húy là Ngọc Kế, được tặng Ý Quốc thái phu nhân, Hoàng thái hậu là con gái thứ ba của hai cụ. Bà ngoại họ Trần, húy là Ngọc Huy, là hậu duệ của một nhân vật nổi tiếng triều Trần là Tá Thánh Thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật”.

Tương truyền, vua Lê Thánh Tông đã xây cho mẹ (Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao) một hành cung ở Đô Kỳ và đặt tên “Dụ Phúc Đường”. Sau này khi bà mất dân làng và dòng họ Đinh đã tu sửa thành ngôi đền để thờ bà gọi là đền Bà Quốc Mẫu. Theo các tài liệu khảo cứu, các công thần trung thành nhà Lê chọn đất Đô Kỳ là nơi lánh nạn của Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao khi sắp sinh nở là lựa chọn “không thể nào khác”. Lúc ấy, người hộ giá Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao từ kinh thành Thăng Long về làng Đún Ngoại (Y Đún) không ai khác chính là Đinh Liệt (chú ruột của mẹ) và Nguyễn Xí (tướng cũ của Thái Tổ). Trên đường về đến Cầu Tray nơi giáp ranh giữa làng Chép, xã Gia Lạp, huyện Diên Hà và làng Sâm, xã Mậu Lâm, huyện Thần Khê (nay là các xã Văn Cẩm, Chi Lăng, Đông Đô) thì bà Ngọc Dao chuyển dạ đẻ. Truyền ngôn, suốt khoảng thời gian từ “chập tối” cho đến “gần sáng” hôm sau “dài và nặng nề”, trong khi hai triều thần thì lo sợ triều đình sẽ đuổi theo và hãm hại. “Tiến thoái” không xong, Tiệp Dư gọi người hầu thắp hương rồi bà khấn cầu trời Phật. Bài khấn lay động Hoàng Thiên đến nay vẫn được truyền tụng trong dân gian: “Có phải con mẹ con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà, Thần Khê/Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh/Thì quăng ra đất vạn ninh cho rồi” (Đất vạn ninh được cho là bãi tha ma). Lời khấn vừa dứt thì Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh được một “Hoàng tử” (tức vua Lê Thánh Tông sau này). Bấy giờ ở làng Sâm có một bà mẹ đang nuôi con thơ được mời đến cho “Hoàng tử” bú. Sau đó đoàn người đi về làng Đún, tại làng Đún có 2 bà mẹ họ Đinh đã sẵn sàng giúp đỡ bà Ngọc Dao và nuôi “Hoàng tử”. Lược sử cho thấy, cụ tổ Đinh Thỉnh từ Thanh Hóa ra Thần Khê dạy học, lấy người con gái nuôi của dòng họ Phạm ở Y Đún (Hưng Hà) và sinh ra Đinh Tôn Nhân. Sau này Đinh Tôn Nhân tìm về Lam Sơn theo Lê Lợi, ông kết hôn chị gái Lê Lợi sinh ra Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ. Đinh Lễ sinh ra Đinh Thị Ngọc Kế. Đinh Lễ bị chết trận, Đinh Thị Ngọc Kế ở với chú ruột là Đinh Liệt. Sau này bà lấy Duyên ý vương Ngô Từ, một gia thần của Lê Lợi và sinh ra Ngô Thị Ngọc Dao. Vào thế kỷ thứ XV đến đầu thế kỷ thứ XIX, vùng đất Đông Đô, Tây Đô, Hòa Bình và Chi Lăng nay thuộc hai huyện Duyên Hà và Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ xưa. Vào thời kỳ đó làng Mậu Lâm và Đô Kỳ còn tồn tại dưới địa danh là hai xã. Xã Mậu Lâm gồm làng Sâm và làng Sành; xã Đô Kỳ gồm làng Duyên Trường, Khánh Lai, An Nội, Phú Lễ, Đồng Phú, Phú Năng. Hai xã trên cùng với xã Đô Mỹ, Y Đún thuộc tổng Y Đún.

Ngọc phả dòng họ Đinh ở Đô Kỳ có ghi: Đinh Liệt có hai người con là Đinh Đột và Đinh Thế Hiển. Đinh Thế Hiển sinh ra Đinh Thế Thực và Đinh Thế Biểu. Sau này Đinh Thế Biểu sống ở vùng trang ấp của họ Đinh (chính là ấp Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà). Khi bà Ngô Thị Ngọc Dao được Đinh Liệt, Nguyễn Xí bí mật đưa về lánh nạn ở Đô Kỳ với mẹ đẻ là Ngô Thị Ngọc Kế (lúc này bà Kế đang ở với cháu là Đinh Thế Biểu). Hiện ở Đô Kỳ còn sắc phong triều Nguyễn ghi rõ công lao của Đinh Thế Biểu, ông được phối thờ tại từ đường họ Đinh ở Đô Kỳ. Theo ngọc phả, gia phả họ Đinh, vào giai đoạn này vùng đất Đô Kỳ (thuộc 2 huyện Thần Khê và Diên Hà) trong tầm kiểm soát của thế lực họ Đinh. Đây là nơi rất xa kinh đô và hoang vắng. Tại thôn Mậu Lâm (nay thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà) hiện còn đền thờ bà vú. Theo thần tích, thần phả và truyền thuyết dân gian thì bà vú đã “đỡ đẻ” cho Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao và cho Hoàng tử Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này) bú có tên là Hoàng Thị Hiến, người ở làng Mậu Lâm (Sâm). Bà Hiến vốn nổi tiếng trong vùng về tài đỡ đẻ và tài chữa bệnh bằng các loại lá cây. Sau khi khi bà vú mất, vua Lê Thánh Tông đã chuẩn y cho dân làng Sâm lập đền thờ, đèn hương phụng sự, triều đình đã cấp cho dân làng Mậu Lâm 17 mẫu ruộng để thu lộc hàng năm cúng tế bà.

Nghiên cứu văn bia “Thần đạo” để góp phần làm sáng tỏ những tồn nghi về nơi sinh của vua Lê Thánh Tông cùng những cống hiến của các hiệt kiệt Đinh gia Y Đún và Đô Kỳ với triều Lê đồng thời chiêu tuyết đức độ Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao. Khi được tôn làm Hoàng thái hậu, bà luôn “lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia, cung kính tông miếu, thờ phụng quỷ thần, điều không đúng lý không làm, việc mà bất chính không đoái”. Bi ký “thần đạo” chép: “Lê Thánh Tông Hoàng đế tuy là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh nhưng luôn kính cẩn chuyên cần nghe theo lời dạy bảo của Thái hậu”.

Ông Hoàng Văn Đốc, Trưởng thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà

Người dân làng Mậu Lâm coi đền bà vú là biểu tượng tinh thần của vùng đất có bề dày lịch sử, nơi cất tiếng khóc chào đời của vị vua anh minh triều hậu Lê, đền còn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân xa gần. Trải qua phong hóa, ngôi đền đã có nhiều hạng mục xuống cấp, chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện bảo vệ chống xuống cấp ngôi đền và không gian ngôi đền.

Ông Nguyễn Ngọc Diệm, thủ từ đền bà vú, thôn Mậu Lâm, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà

Tôi làm thủ nhang, trông coi đền bà vú hơn “hai chục” năm nay, ngoài thắng cảnh đẹp với hai cây đại thụ tuổi đời hơn 500 năm, ngôi đền linh thiêng bởi tục truyền xin “phù dấu” và cây thuốc của bà vú cho những sản phụ mất sữa, vì thế mà hàng năm, ngoài lễ hội chính vào ngày 10 đến 14 tháng 2 âm lịch, những ngày thường vẫn có khách thập phương về đây làm lễ xin lá thuốc chữa mất sữa.

Ông Đinh Bá Tính, thôn Đa Phú, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, trú quán 132, phường Lê Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Tôi là con cháu dòng tộc họ Đinh ở Đô Kỳ, Y Đún, thời Nguyễn chi tộc đổi thành Đinh Bá để tránh hậu họa. Nhà tôi sát cạnh đền bà Xang nhạc mẫu (mẹ vợ) ông Đinh Thỉnh, bà ngoại của cụ Đinh Tôn Nhân.


Quang Viện

  • Từ khóa