Thứ 5, 14/11/2024, 23:45[GMT+7]

Bảng Mộng Hoàng Nông

Thứ 2, 28/09/2020 | 09:51:51
13,821 lượt xem
Thi đỗ phó bảng và ra làm quan trong triều đình phong kiến thuộc Pháp, Nguyễn Can Mộng hiệu là Nông Sơn, quê làng Hoàng Nông, tổng Canh Nông, huyện Diên Hà (nay là làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) được bổ nhiệm chức Huấn đạo huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) nhưng chỉ làm quan một thời gian, ông “chán ngán” chế độ “nửa thực dân, nửa phong kiến” lại sẵn có học thức nên ông từ quan, xin làm giảng dạy ở trường Bưởi với mong muốn truyền bá tư tưởng yêu nước, thương nòi cho lớp thanh niên.

Đình làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông (Hưng Hà), nơi được cho là ngày bé thơ Bảng Mộng thường được mẹ cho ra đình chơi.

Một ngày đầu thu, đồng nghiệp ở Hà Nội điện cho tôi, anh “hớn hở” khoe vừa “phát hiện” cuốn truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được in năm 1937. Điều đặc biệt của cuốn Kiều là khổ sách rất nhỏ, có chú thích bằng chữ quốc ngữ, mà “bản quyền” của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng, người quê Thái Bình, nguyên là huấn đạo huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), nguyên “giáo sư” giảng dạy Hán văn ở trường trung học bảo hộ (còn có tên gọi là trường Bưởi, Hà Nội) dày công biên khảo. Cuốn sách quý này hiện đang “nằm” trong cửa hàng sách thuộc quận Cầu Giấy mà chủ cửa hàng nghe đâu cùng quê với Nông Sơn Nguyễn Can Mộng. Thấy cuốn sách khá độc, tôi điện nhờ anh bạn mua hộ, nhưng “gia chủ” kiên quyết không bán bởi theo lời “chủ nhân”, để có cuốn Kiều quý này anh phải đánh đổi bộ sách “đắt giá” cho chủ sở hữu cũ, mới có cuốn sách trong tay. Các nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, đây là cuốn Kiều khổ nhỏ, rất hiếm. Truyền ngôn, thời thuộc Pháp dân Hà thành gọi đây là bản “Kiều phu xe” bởi những người phu kéo xe tay ngày xưa thường dùng bản Kiều này “ngâm nga” lúc vắng khách do kích thước nhỏ, có thể bỏ túi mang theo bên người.

Trong chuyến điền dã mới đây về làng Hoàng Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm về từ đường Nguyễn Đình Tốn (Bang Tốn) gặp gỡ các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn để tìm hiểu thêm về Nông Sơn Nguyễn Can Mộng. Nhưng, đáng tiếc là các bậc đại lão biết chút ít về Nguyễn Can Mộng đã vãng theo tiên tổ nên không còn mấy thông tin về Bảng Mộng. Vả lại, Bảng Mộng chạy loạn khỏi quê nhà từ lúc 5 tuổi nên hầu như không còn dấu tích ở làng. 

Theo các tài liệu khảo cứu, Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (1880 - 1954) là anh con bác ruột chí sĩ, nghệ sĩ, liệt sĩ Nguyễn Thúc Khiêm (Tú Khiêm 1870 - 1943). Thân phụ Nguyễn Can Mộng là cụ Nguyễn Tề (Bang Tề) từng làm Bang biện phủ Thường Tín, trấn Sơn Tây (Hà Nội nay), mặc dù khoác áo quan nhưng Bang Tề thường hay giúp đỡ dân nghèo, đả phá chế độ thực dân nên người dân gọi ông bằng cái tên thân mật “Đề Thường”. Còn thân phụ Tú Khiêm là Nguyễn Đình Tốn (thường gọi là Bang Tốn, chú ruột Bảng Mộng) là quan lại triều Nguyễn giỏi cả văn lẫn võ, năm Tự Đức thứ 10 (1856) ông tự nguyện đầu quân giữ chức võ quan nhỏ ở quân thứ Bình Định rồi sang Phú Yên, do lập công lớn được triều đình thăng chức Bang biện ở kinh thành Huế nên gọi là Bang Tốn.

Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta áp đặt chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến, triều đình nhà Nguyễn nhu nhược để thực dân Pháp thả sức đàn áp, bóc lột dân nghèo. Làm quan triều Nguyễn nhưng Bang Tốn không chịu cúi đầu làm tay sai cho thực dân Pháp, ông rũ bỏ mũ áo từ quan về quê gây dựng phong trào chống thực dân Pháp. Nghĩa quân Bang Tốn hoạt động rộng khắp gây cho thực dân Pháp rất nhiều tổn thất. Năm 1884, Đề Thường cùng em ruột là Bang Tốn dấy binh khởi nghĩa chống thực dân Pháp, sự bất thành, hai anh em bị thực dân Pháp bắt, Đề Thường bị xử bắn tại Hải Dương năm 1885 lúc đó con trai ông là Nguyễn Can Mộng mới 5 tuổi. Vợ ông đã dắt con chạy loạn suốt 15 năm, lưu lạc khắp nơi. Đến năm 20 tuổi, nhờ sự chở che, giúp đỡ của nhiều người, bà và con trai Nguyễn Can Mộng mới thoát khỏi hiểm nguy, Nguyễn Can Mộng được đi học. Điều đáng chú ý là, chỉ 12 năm “dùi mài kinh sử”, năm 1912 Nguyễn Can Mộng thi đỗ cử nhân và đến năm 1916 ông đỗ Phó bảng, do vậy dân gian gọi ông là Bảng Mộng. Người em họ Nguyễn Thúc Khiêm (con trai Bang Tốn) sáng tác các vở chèo truyền bá tư tưởng kháng thực dân Pháp, bị thực dân Pháp quy vào tội “chống nhà nước bảo hộ” và bị bắt giam ở nhà tù Sơn La. Có một số sử gia cho rằng người anh họ Nguyễn Can Mộng làm “giáo sư” giảng dạy ở trường Bưởi được coi là thân Pháp nên từ đó hai anh em Nguyễn Can Mộng và Tú Khiêm “từ mặt” nhau. Nhưng thực tế, Nguyễn Can Mộng mặc dù làm việc trong phủ Thống sứ Bắc kỳ, sau chuyển sang dạy học ở trường Bưởi nhưng trong tư tưởng vẫn hướng về chủ nghĩa dân tộc và là người có công lao truyền bá chữ quốc ngữ, đặc biệt chú thích bản dịch truyện Kiều.

Yêu thích, sưu tầm truyện Kiều, “lẩy” Kiều thì đã có nhiều người từng làm, nhưng bỏ công để chú thích truyện Kiều bằng chữ quốc ngữ cho dễ đọc, dễ hiểu để thêm yêu truyện Kiều và rồi lại bỏ tiền túi cho in khổ nhỏ bán rẻ hoặc “biếu không” cho người nghèo thuộc tầng lớp “thị dân” yếu thế trong xã hội thuộc Pháp thì có lẽ chỉ  gặp ở Nông Sơn Nguyễn Can Mộng. Theo các nguồn khảo luận, cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh và “Tiếng trống năm 30” của nông dân Tiền Hải đã khiến thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng, đàn áp dã man phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Chúng tăng cường bắt bớ những người có tư tưởng chống đối cái gọi là “chính phủ bảo hộ”, Nguyễn Thúc Khiêm bị bắt giam vì tội viết nhiều vở chèo tuyên truyền chống thực dân Pháp. Sau đó, thực dân Pháp cấm ông sáng tác chèo, buộc ông phải rời khỏi Hà Nội về quê và chịu sự quản thúc của chính quyền thực dân vì: “Lão trùm chèo Lý Nghị (tức Nguyễn Đình Nghị), lão soạn giả Nguyễn Thúc Khiêm nghe cộng sản xúi giục viết những vở chèo hô hào chống chính phủ bảo hộ”. Về lại quê nhà, bị quản thúc ngặt nghèo nhưng Nguyễn Thúc Khiêm vẫn lấy những làn điệu chèo đã ngấm vào huyết quản của người dân Thái Bình làm vũ khí, tiếp tục sáng tác những vở chèo với nội dung đả kích bọn việt gian tay sai, bán nước và hô hào chống thực dân Pháp xâm lược, ông lại bị bắt lần thứ hai. Lần này, thực dân Pháp khép ông vào tội “chống chính phủ bảo hộ”, kết án tù chung thân, đưa ông lên giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi đày lên nhà tù Sơn La. Đau đáu vì người em bị giam cầm khi tuổi đã cao, sức đã yếu, Nguyễn Can Mộng có “lợi dụng” chút danh vị báo chí phủ Thống sứ Bắc kỳ xin cho em được tha sớm, nào ngờ lại gặp tai họa. Trong bản phúc đáp, chúa ngục Sơn La viết: “Gọi phạm nhân Nguyễn Thúc Khiêm lên bắt viết cam đoan rằng: được ân xá về bản quán sinh sống xin cải tà phục thiện, không lập bè đảng hội kín chống chính phủ bảo hộ. Y (Nguyễn Thúc Khiêm) không viết, đã bẻ bút, xé giấy quẳng xuống mặt bàn rồi đứng bật dậy, bước giật lùi đập mạnh gáy vào thành tường đá ở phía sau tự chết”.

Giới nghiên cứu cho rằng, sự bất đồng “quan điểm” giữa hai anh em Nguyễn Can Mộng và Nguyễn Thúc Khiêm “nằm” ở chỗ tư tưởng yêu nước của hai người được thể hiện ở hai vị trí, hai cấp độ khác nhau nên không vì thế mà chỉ ca ngợi chí khí Nguyễn Thúc Khiêm có tư tưởng chống thực dân Pháp còn Nguyễn Can Mộng tuy có thời gian làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền thực dân Pháp mà quy chụp ông là tri thức “nịnh tây” được.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nguyễn Thúc Khiêm sớm tiếp thu được truyền thống hiếu học, yêu nước gia đình đã tiên phong tham gia phong trào “chấn hưng dân trí” ở Hà Nội, sáng tác thơ văn và đặc biệt ông hát chèo rất hay và là tác giả của nhiều vở chèo chấn hưng nền nghệ thuật dân tộc và tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.
Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh

Rũ áo từ quan để làm nghề dạy học đó là thể hiện chí khí của Nguyễn Can Mộng, hơn nữa với bản truyện Kiều siêu nhỏ chú thích bằng chữ quốc ngữ càng khẳng định ông là người Thái Bình nghiên cứu truyện Kiều đầu thế kỷ XX.
Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bảng Mộng nhằm mục đích phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử giới tri thức Thái Bình chống thực dân Pháp là rất cần thiết.

Quang Viện

  • Từ khóa