Cổ thiêng Đồng Hải
Sử cũ ghi, thời Lý - Trần, hương Cổ Lũ thuộc lộ Long Hưng, giáp huyện Tây Quan, bên sông Trà Lý lại có cửa biển Đại Toàn, Cổ Lũ trở thành một vùng thắng cảnh kiêm căn cứ quân sự trọng yếu của vương triều Trần. Tương truyền, một lần ngự thuyền rồng qua chốn này, Nghệ Tông Hoàng đế (có tài liệu ghi Minh Tông) nhìn thấy giai nhân tuyệt nữ đang vá lưới trên thuyền, vua cho người đánh tiếng, hóa ra đó là tuyệt nữ con thương gia chài lưới Vũ Đình Quang, vua liền ngỏ ý đón nàng về cung lập làm vương phi...
Các bậc cao niên làng Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng vẫn kể câu chuyện công chúa Thiệu Ninh và Thái tử Trung Tính Thượng hầu, con vua Trần Nghệ Tông xây chùa, khắc hồng chung, bi ký ghi đức thù lao từ ân mẫu hậu Vũ Thị húy là Sở, vương phi Trần Nghệ Tông và đặt tên chùa là Từ Ân. Theo các nguồn sử liệu, thời nhà Lý, năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lý Thái Tổ cải cách bộ máy hành chính, đổi 10 đạo thời Lê Đại Hành thành 24 lộ, phủ, trong đó, phủ lộ Long Hưng nằm bên tả sông Trà Lý, ngoài huyện Ngự Thiên, Diên Hà và Thần Khê còn có các hương Cổ Lũ (sau đổi thành huyện Cổ Lan), huyện Tây Quan (sau đổi thành huyện Đông Quan) và hương Thái Bình (sau đổi thành huyện Thái Bình). Các địa danh cổ này nay thuộc huyện Đông Hưng và Thái Thụy.
Khảo tả di tích bi ký chùa Từ Ân, hiện tại chùa được xây dựng lại theo lối kiến trúc ban đầu nhưng chuyển địa điểm về thôn Tây Đồng Hải, cạnh miếu thờ công chúa Thiệu Ninh. Xưa kia bia được dựng sát hậu cung chùa Từ Ân. Bia dẹt, hai mặt, mặt sau giáp tường chùa nên chưa dập bản để dịch, chủ yếu thác bản mặt trước, kích thước bia cao 1,26m, rộng 0,63m (không kể chân bia). Trán bia cong, rộng 0,45m. Trên trán bia và diềm bia được chạm nổi với các hình trang trí như rồng chầu mặt nguyệt vân mây xoắn, vân sóng nước... Rồng mập, thân ngắn uốn lượn nhịp nhàng. Bờm dày, râu dài, mắt lồi, cánh mũi to như đang phập phồng trông rất khỏe khoắn, lanh lợi nhưng không dữ tợn như rồng thời Lê sơ. Mặt nguyệt to tròn, có viền mây lửa xen kẽ những vân mây xoắn tựa những áng mây trôi. Vân sóng nước được trang trí ở đường diềm phía dưới với những lớp sóng xô và sóng lừng nối tiếp nhau. Loại hoa văn này gặp nhiều trên bia thời Trần và còn tồn tại trên một số bia thời Lê sơ ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Toàn bộ bài văn bia được khắc ở mặt trước. Mặt sau có lẽ kể tên ruộng của chùa. Bài văn bia gồm 19 dòng với 578 chữ và từng được chép trong “Kim thạch di văn”, bộ sách được biên soạn vào thời Lê và được thác bản trong kho lưu trữ của Viện Hán Nôm. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) thì “Văn bản trên bia hiện nay ở chùa Từ Ân là văn bản được khắc lại”, đối chiếu những văn bản đó dễ nhận thấy không có sự sai sót lớn, có một số chữ tự dạng như chữ “Vinh” trong “Vinh lộc đại phu”. Trên bia hiện nay, chữ “Vinh” được khắc giản thể bằng bộ “Thảo đầu”, một dạng chữ phổ biến thời Nguyễn. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân, chữ Vinh trong văn bản bia ký thời Trần được viết dưới dạng chữ tạp có bộ “Hỏa đẩu”. Các nhà nghiên cứu lịch sử cũng thống nhất quan điểm, bia ở chùa Từ Ân hiện nay là bia khắc lại thời Nguyễn, người khắc văn bia đã thận trọng dùng dấu vết bản khắc cũ khắc lên bia bản khắc mới đã được sao chép cẩn thận có chỉnh sửa nội dung nên mặc dù là bản sao nhưng bia ký hiện nay bảo đảm khá tuyệt đối nguyên bản.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương cùng truyền ngôn, bài minh và tựa của bia chùa Từ Ân đã từng được hòa thượng Thích Thanh Tứ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) dịch, nội dung như sau: Công chúa Thiệu Ninh đời Trần dựng chùa ở Tây Quan, trong đó đặt một tòa hương hỏa thờ người sinh ra Ưu Bà di Thiên Huệ. Khởi công tháng 11 năm Tân Dậu đến tháng 12 năm Nhâm Tuất thì hoàn thành. Thái tử, Thiêm sự Trung Tĩnh hầu đặt tên chùa là chùa Từ Ân để tỏ rõ sự tôn kính không quên gốc vậy. Quan Thái tử cho tôi là người nhã nhặn xưa nay vả lại đương giữ chức văn tự nên bảo là soạn văn khắc vào bia, vào chuông, phi tôi làm thì không được. Vì thế mới mời tôi đến chùa để cùng được xem hình thể ngọn ngành trước sau của ngôi chùa. Tôi dám đâu chẳng nhận lời mà ghi sự thực để lưu lại sau này.
Tây Quan thuộc hương Cổ Lũ, phía Đông là một con sông lớn chảy từ kinh đô về đến cửa Trần, nước chảy tuôn đầy, quanh co, bao bọc, thắm tươi muôn khoảnh, dong dong, dải dải như đóng, như mở. Truyền về mé Đông là khe Phi, chạy về phía Bắc là khe Chủy. Dòng nước cứ chảy tuần hoàn khi đầy, khi vơi, khi dâng, khi rút. Thực là một dòng lành và đẹp đẽ của đất Tây Quan tự có riêng vậy. Như thế há chẳng phải là do trời đất xếp đặt để đợi người có đức hay sao? Nếu không thì sao từ xưa chưa hay biết mà ngày nay lại xây dựng, sáng lập được vậy? Ôi! Ông Tăng Tử có nói: Thận trọng cho đời sau, truy kinh về đời xa, là đức dân rất hậu vậy. Bởi lẽ người ta dễ nghĩ cho đời sau mà để quên các đời xa. Duy chỉ có những con người hiếu tử mới biết thận trọng và truy kích trong cái khoảng dễ nghi, dễ quên ấy! Cho nên đức mà hậu thì dân cũng dễ truyền hóa mà theo về chức đức hậu.
Công chúa là người quý hiển của vua mà không quên về gốc rễ. Các thời tiết hàng năm, trong làng đều dậy lên niềm suy nghĩ mà đau đáu nhớ mong, luôn luôn trăn trở về hướng Tây Quan này vậy. Nay chốn chùa chiền, tỏa hương, tỏa thâm nghiêm, nhìn cây tùng, cây giá tốt tươi, sự kính, sự trọng dày lên do cảm kích. Bèn dựng một nếp đạo tràng quán để làm nơi đi về chiêm ngưỡng. Hương đây, lửa đấy, chuông đây, trống đấy. Đem sự từ bi của Phật mà nghĩ đến tấm lòng hiến từ của người sinh ra mình. Nhìn vào tấm lòng thành ấy của công chúa còn có chi bằng! Biết đâu, mọi người dân đất Tây Quan này, tai nghe tiếng chuông, tiếng trống, mắt nhìn công trình do đức tốt tạo nên há chẳng cũng đến chuyển hóa tạo nên há chẳng cũng đều truyền hóa mà theo về cái đức tốt hay sao? Chỉ biết rằng ngôi chùa có cái tên như thế, thực là có bổ ích cho sự giao hòa ở đời chứ chẳng riêng gì sự tán dương Phật pháp mà thôi vậy... (Vinh Lộc đại phu Hồ Tông Thốc soạn, Liệt phẩm Chu Nghĩa Phương viết, Ngự tiền điêu kinh nội cục Lê Luật khắc).
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, toàn văn bi ký chùa Từ Ân cho hậu thế biết, hương Cổ Lũ, đất Tây Quan là thắng địa thời nhà Trần, các bậc đại phu và cung phi nhà Trần thường qua lại nơi đây và đoạn sông được ghi chép trong văn bia chảy ra cửa nhà Trần là một trong những tuyến đường chính từ kinh đô xuôi xuống phía Nam. Văn bia còn cho hậu thế biết nhiều địa danh cổ bây giờ không còn tồn tại thực tế do dân cư đông đúc, nhà cửa xây dựng, tác động của con người làm mất dạng như hương Cổ Lũ, Thủ Nương, Đa Bối, cửa Trần, khe Phi… cũng là những cứ liệu lịch sử bằng văn bản Hán Nôm góp phần khẳng định vị thế vùng đất Long Hưng phát nghiệp vương triều Trần.
Ông Lại Hợp Để, 71 tuổi, thôn Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng Chùa Từ Ân là do công đức của công chúa Thiệu Ninh, con vua Trần Nghệ Tông xây dựng để báo đáp công ơn sinh thành của thân mẫu, Vương phi Vũ Thị húy Sở, là người làng Cổ Lũ, nay là thôn Tây Đồng Hải. Lăng mộ của công chúa Thiệu Ninh được an táng tại đây. Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cấp bằng di tích lịch sử, văn hóa cho chùa Từ Ân và được đăng ký bảo vệ. Ông Lại Cao Minh, 79 tuổi, thôn Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng Khoảng những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, người dân san lấp ruộng cấy lúa thì đào phải lăng mộ cổ, nghi là lăng mộ của công chúa Thiệu Ninh. Mộ có rất nhiều gỗ, gỗ vẫn tỏa mùi thơm, chúng tôi không biết là loại gỗ gì, gỗ đó được xã thu lại. Tôi là người trực tiếp mang phần di hài còn lại trong mộ cổ đó đi chôn cất, tuy nhiên bây giờ không nhớ là chôn chỗ nào. Bà Đặng Thị Huyên, Phật tử chùa Từ Ân, thôn Tây Đồng Hải, xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng Tôi làm dâu làng Tây Đồng Hải nhưng từ khi đặt chân về làng đã nghe các cụ kể chuyện về sự hiếu đễ của công chúa Thiệu Ninh con vua Trần Nghệ Tông với bậc sinh thành ra mình đồng thời kể nhiều chuyện tâm linh về chùa Từ Ân và mộ phần công chúa. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW