Thứ 5, 05/12/2024, 09:09[GMT+7]

Dừng chân nơi cửa Luộc

Thứ 2, 08/03/2021 | 08:21:09
8,259 lượt xem
Nhìn từ kinh thành Thăng Long, đất Thái Bình xưa chỉ là vùng “ven bờ cuối bãi” lưu vực sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý... bao quanh. Từ xa xưa, nhân dân vùng lưu vực sông này có câu ca: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường/Cửa Vường phải nhường cửa Luộc”.

Đình Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà - địa danh được coi là “đỉnh” của lưu vực sông Luộc ở tỉnh ta.

Theo địa đồ ngày nay để truy ngược về vùng đất cách ngày nay hơn 2000 năm ta thấy sông Hồng chảy vào địa phận Thái Bình từ đỉnh Hải Triều (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) xuôi thêm 20km thì chia ra phụ lưu Trà Lý, điểm nối giữa sông Hồng và sôngTrà xưa thuộc xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, từ năm 1895 thuộc xã Độc Lập và xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Nơi ấy ngày xưa bờ bãi mênh mang, buổi sơ khai có tên A Lỗ (nghĩa cổ tự là gồ cát, cồn cát), phía bờ Bắc là cửa Phạm Lỗ, phía Nam là cửa Vường, giữa có cù lao lớn, trên đó có rừng Cự Lâm (nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư).

Theo các nguồn khảo luận, huyện Hưng Hà xưa có 14 “xá”, riêng thị trấn Hưng Nhân có 8 xá, khu vực lân cận có Nham Lang (Tân Tiến), Cun (Tân Hòa) và Cun - Chiềng (Thái Hưng) với kẻ Viềng... là vùng đất bằng phẳng và cao ráo nhất tỉnh, tất cả đều có cao độ +1,5m so với mặt nước biển. Riêng khu vực dốc Bùi và tây bến Triều Dương (xã Tân Lễ) đạt đỉnh cao 2m, nơi đây còn là “quê hương” của nhiều gò đống như Đức Cương, Tinh Cương, Cao Cương, Tảo Cương... bởi vậy thời Tây Hán nơi đây được gọi là “hương Đa Cương”. Vùng đất này thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền và bến Triều Dương (làng Thanh Triều, xã Tân Lễ) luôn là địa điểm quan trọng của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương và nước Đại Việt của nhà Trần sau này.

Trong quá trình điền dã các xã khu vực phía Tây Bắc huyện Hưng Hà, Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ... sơ bộ thấy các địa danh cổ làng xóm của các xã đều có di chỉ cư trú con người thời kỳ Hùng Vương. Lấy ví dụ, điền dã từ xã Canh Tân tới làng Xuân Trúc (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân) rộng hàng chục héc-ta tìm đâu cũng thấy sành, gốm loại hình Đường Cồ hay thám sát khu vực miếu Đầu, miếu Mẽ (Mỹ Hương)... ven “Thuần Mỹ Điện” nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân có cả dãy dài mộ gạch. Theo các nguồn sử liệu vào năm 1943 người dân làng Mẽ đi lấy đất sét về làm “đầu rau” bếp đun thì tình cờ đào được một số dụng cụ bằng đồng như mũi tên, mũi tuyết, lục lạc... Những hiện vật này có niên đại cùng thời văn hóa Đông Sơn cách ngày nay 2.500 năm (nhưng quan huyện Hưng Nhân lúc bấy giờ đã lấy mang đi đâu không rõ), cụ cố Nguyễn Văn Bân (làng Mẽ) vẫn kể câu chuyện này cho con cháu nghe. Cùng với những hiện vật cổ phản chiếu hình ảnh lớp cư dân sông nước này cũng đã để lại tín ngưỡng thờ thủy thần còn lưu vết lại ở các làng quê ví dụ như làng Cáp (Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) có nghĩa là làng nhiều trai, hến; làng Chép (Chiếp Đông, Chiếp Đoài - Hồng Lĩnh, Hưng Hà) là làng có nhiều cá chép... Thôn Dương Trung (xã Tiến Đức) thờ Cao Mang đại vương. Thôn Tân Giới, Tân Kỳ, Hà Lão (xã Tân Lễ) thờ Cao Hiển, Cao Quán, Cao Minh. Làng Phú Hà (xã Tân Lễ) thờ Thủy Tiên công chúa. Các làng Châu, Ninh (thị trấn Hưng Nhân), An Nữ, Khuông Phù (Liên Hiệp) thờ Cao Sơn đại vương. Làng Côn Cương (xã Thái Hưng) thờ Cao Minh và Mỹ Hoa bản thổ. Làng Thọ Khê, Bản, Lương Xá thờ Nam Hải đại vương, tất thảy đều là phúc thần thời Hùng Vương.

Trong cuốn “Lịch sử Trần Biên bị khảo” có ghi chép về vùng đất hạ lưu sông Trà Lý như sau: “Truyền rằng gò này rất cao và bằng phẳng, cây cối um tùm, các giống chim trời tụ tập về đây, những người dân đánh cá cũng về đây trú ngụ... về sau người đến gò này dần đông, dựng nhà cửa, các họ tụ tập thành làng xóm”. Còn sách “Thái Bình phong vật chí” chép cụ thể về núi đất An Bồi, huyện Kiến Xương như sau: “Núi đất An Bồi rộng khoảng 10 mẫu Bắc Bộ vượt lên giữa một vùng chiêm trũng. Theo các cụ già xưa núi cao hơn ngọn đa làng. Người trẻ, khỏe chạy từ dưới bãi lên đỉnh cũng phải nghỉ lại một đôi lần. Núi ấy trời sắp đặt, con người không đủ sức làm được”. Tục truyền: “Thuở sơ khai ông Bàn Cổ đi mở đất chẳng hiểu thiên vị ra sao lại cho núi Yên Tử cao vút tận trời. Yên Phụ là tổ sơn vùng Kinh Môn trấn giữa trung châu lại thấp. Cả cõi Đông Nam đất bằng không có trụ, thế chân vạc trời đất mất thăng bằng. Ngọc Hoàng giận dữ sai Thiên Lôi đánh chẻ đôi đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh) cho núi này thấp xuống, lại sai thiên tướng thiên binh cấp tốc xuống vùng Yên Bồi (An Bồi) lệnh trong một đêm phải đắp xong ngọn núi cao đúng bằng núi Yên Phụ (Hải Dương). Quân tướng nhà trời rầm rập kéo về phía biển chia thành cơ ngũ, đội đào, đội đắp..., đất cát rùng rùng chuyển động, núi cứ cao dần... Hồi bấy giờ ở ấp phía Đông làng An Bồi có con gà rừng tu luyện vạn năm thành thần (kê tinh) ngụ ở động Kim Kê thấy trời tạo núi, phá mất huyệt mạch, sợ mình mất thiêng, liền tính kế để phá. Giờ Tý, Kim Kê tỏa ánh hào quang và gáy ran. Mới quá nửa đêm đã thấy có gà gáy rộ, trời rực sáng phía Đông, quân tướng nhà trời cho là đã sang ngày mới, sợ lộ thiên cơ liền bảo nhau lui quân...Vì thế núi đất An Bồi mới cao được vài ba trượng. Về sau Ngọc Hoàng biết chuyện, nhưng việc đã rồi, không đắp tiếp núi Yên Bồi nữa thành ra núi đất An Bồi chỉ cao vậy mà thôi!”.

Theo các tài liệu khảo cứu, lớp cư dân tiếp cận với vùng châu thổ Nam sông Luộc đầu tiên là tộc Đãn và những dân chài thuộc hệ Nam Á, họ giỏi đóng thuyền, chèo thuyền, đánh cá. Bờ bãi lộ Lục Hải (nay là tỉnh ta) hồi ấy dân cư thưa vắng, rừng ngập mặn ven biển cung cấp củi đốt cho nhân dân. Các con sông như sông Trà, sông Cô, sông Tiên Hưng... chứa đầy nước ngọt bảo đảm cấy trồng, đánh bắt cá tôm. Ngoài biển có đủ các loài chim, có cả thú dữ từ rừng tràn về, biển khơi nhiều cá, mực, đé, rùa biển... Vùng trũng ven sông Hóa như Lộng Khê, Tô Xuyên, Tô Đàm (Quỳnh Phụ), Đăng Tràng, Trà Khê, Trà Hồi, Trà Linh (Thái Thụy) là môi trường nước lợ có nhiều tôm, cá... Trong nội đồng có những bến sông chật cá mà đến nay còn địa danh làng Chiếp Đông, Chiếp Đoài (xã Hồng Lĩnh, Hưng Hà) có ngữ nghĩa là cá chép, lại có cả làng Cá (Đông Huy, Đông Hưng), làng Mòi (cá Mòi hay còn gọi là Môi, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, làng Chạch (xã Hòa Tiến, Hưng Hà), làng Cáp (con trai hến, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư và xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà).

Vì cuộc sống sinh tồn, lớp lớp cư dân thời đại Hùng Vương đã từ trung du, núi cao tràn xuống khai phá miền đồng bằng, trong đó cư dân Việt - Mường tràn xuống muộn hơn dân tộc Đãn. Chính lớp cư dân Việt - Mường này được thừa hưởng thành tựu nền văn minh sông Hồng mà lớp cư dân trước đó đã mang theo đó là đồ đồng thau của cư dân văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ), Quang Vinh (Hà Tây), lớp cư dân này sớm thúc đẩy nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển làm giàu cho bộ Dương Tuyền và bộ Lục Hải đồng thời hình thành hàng trăm “động, xá” (làng xã cổ) ở tỉnh ta.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo nghiên cứu, chữ Xá (như Nguyễn Xá, Trần Xá...) có thể là nơi cư ngụ của một dòng họ (có nghiên cứu cho là giai đoạn Gò Mun cách ngày nay trên 3.000 năm). Dưới dòng họ có thể có nhiều gia đình với nhiều dòng họ khác nhau ở chung một địa chỉ gọi là “chạ”. Khu vực giao lưu buôn bán gọi là kẻ: kẻ Sóc (Vũ Quý, Kiến Xương), kẻ Cọi, kẻ Búng (Vũ Thư), kẻ Bo (thành phố Thái Bình), kẻ Bái, kẻ Ón, kẻ Sài, kẻ Cô, kẻ Nhuế (Quỳnh Phụ), kẻ Giống, kẻ Gọ (Đông Hưng), kẻ Viềng, kẻ Nhội, kẻ Giai (Hưng Hà)...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Những cư dân tiên phong từ miền núi cao xuống đồng bằng (kể cả khu vực tỉnh ta) họ rất dũng cảm chiến đấu với thiên tai để tồn tại và thích nghi với môi trường sông nước, đối mặt với “bão lũ”. Nhờ có sông ngòi mà có tôm cá, trồng lúa nước nuôi sống con người. Vì thế, ở tỉnh ta miếu “Long thần” nhiều hơn lầu “Thổ địa”, thần Hà Bá, Long Vương nhiều hơn thần núi và các đền đài tiêu biểu đều gắn với Long thần.

Ông Phan Văn Tư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà
ịch sử ghi: “Nhà Trần nối đời làm nghề đánh cá” và vì sao các vua Trần lại chọn Tam Đường, Tiến Đức để xây lăng mộ các vua Trần. Lễ hội đền Trần (xã Tiến Đức) bao giờ cũng có cỗ cá, nhiều trò chơi dân gian gắn với nông nghiệp, gắn với truyền thuyết về nguồn gốc của tổ tiên nhà Trần.

Quang Viện 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày