Thứ 5, 05/12/2024, 09:29[GMT+7]

Ký ức Tân Cảnh - Đắc Tô

Thứ 4, 24/03/2021 | 08:13:34
8,310 lượt xem
Bước vào mùa khô năm 1972, bộ đội chủ lực Tây Nguyên có sự phát triển nhảy vọt cả về chất lượng và số lượng. Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh.

Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên.

Đây là căn cứ quân sự mạnh nhất của địch, “cánh cửa thép” có sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 thiết giáp, 5 tiểu đoàn pháo binh; vòng ngoài có nhiều căn cứ lực lượng biệt động biên phòng đóng giữ, phía sau có hàng chục đại đội bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự. Khi thấy ta đánh lớn ở Tây Nguyên, địch còn tăng cường thêm Trung đoàn 47, Liên đoàn 22 biệt động quân, Sư đoàn dù (thiếu), đưa tổng quân số lên tới 22 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn xe tăng, cùng với lực lượng biệt động biên phòng, bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự.

Căn cứ tương quan lực lượng, Bộ Tư lệnh đã tăng cường cho Sư đoàn 320, Sư đoàn trưởng Nguyễn Kim Tuấn chỉ huy, Trung đoàn 24B và các binh chủng kỹ thuật, Sư đoàn 2, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy và Chính ủy Lê Đình Yên. Cùng với các trung đoàn chủ lực cũ ở Tây Nguyên, hướng chính có các Trung đoàn 66, 28, 95 đảm nhiệm. Trong chiến dịch 1, đồng chí Nguyễn Mạnh Quân làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy.

Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh là vượt mọi khó khăn, đạp bằng trở ngại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống với khẩu hiệu hành động: Địch tăng cường kiên quyết đánh, địch co cụm kiên quyết diệt, địch bỏ chạy kiên quyết đuổi.

Bộ đội ta tiến hành đánh chia cắt địch theo từng tầng, từng lớp. Tầng 1 có Trung đoàn 28 cắt đứt đoạn đường 14 Kon Kô đến Võ Định. Tầng 2 có Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24B và Tiểu đoàn 631 đánh cắt đường 14 đoạn Chư Thoi đến Nam thị xã Kon Tum. Bao vây Đắc Tô 2 có Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24B và bộ đội địa phương đảm nhiệm, cách đánh nghi binh, Trung đoàn 66 bí mật áp sát căn cứ Tân Cảnh.

Mở đầu chiến dịch là những trận đánh của Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khất Duy Tiến chỉ huy. Sư đoàn 320 phát huy thế mạnh điểm cao Tây sông Pô Kô đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 2 của địch ở căn cứ Đen Ta, điểm cao 1049. Với cách đánh táo bạo, thông minh, Đại đội 2 đã hạ được 9 máy bay các loại. Trung đoàn 64 đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/4 đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn dù 11, Lữ đoàn 3 của địch ở điểm cao 1015. Quân địch hoang mang buộc phải rút bỏ các vị trí còn lại lui về cùng Quân đoàn 2 ngụy củng cố tuyến phòng thủ từ Võ Định về thị xã Kon Tum.

Phối hợp với Sư đoàn 320, mặt trận cánh Đông cũng tiến công địch, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 và Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24B cùng bộ đội địa phương vây địch ở Đắc Tô 2, sân bay Phượng Hoàng. Bộ đội ta đánh địch bằng nhiều hình thức: Tập kích, phục kích, pháo kích, bộ binh xông pha diệt hàng trăm tên, phá hủy 36 máy bay, hàng chục xe quân sự, 40 pháo và súng cối. Nổi bật nhất là trận đánh của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, đêm ngày 17/4/1972 cả Đại đội dùng bè nứa vượt sông Pô Kô tập kích tiêu diệt hoàn toàn trận địa pháo Đắc Reo Peng của địch, phá hủy 4 pháo 105 ly, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Khẩu hiệu “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng” đã lan tỏa khắp chiến trường Tây Nguyên.

Các trận đánh trên đường 14 đến Võ Định Trung đoàn 28 cũng rất mãnh liệt dưới sự chỉ huy tài tình của Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước và Chính ủy Nguyễn Đằng chặn đánh giao thông diệt gọn 2 chi đội xe bọc thép, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 23 biệt động khi chúng hành quân giải tỏa. Pháo binh Trung đoàn 28 liên tiếp bắn phá sở chỉ huy Lữ đoàn dù 2, 3 làm cho chúng tổn thất lớn.

Đại đội đặc công 19 tập kích diệt gọn trận địa pháo của Lữ đoàn dù 2 ở Công Trăng Lăng Loi, phá hủy 4 pháo 155 ly, 6 pháo 105 ly và 20 xe quân sự. Tại Chư Thoi, Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 và Tiểu đoàn 631 tổ chức nhiều chốt hỏa lực chặn địch từ Pleiku đi Kon Tum; hàng trăm dân công và đồng bào các huyện 3, 4 Gia Lai sát cánh cùng bộ đội đắp ụ, chôn mìn, xây dựng những trận địa chốt ngay sát mép đường cạnh cầu I A Tô Vơ. Trung đoàn 95 kiên cường bám trụ dưới tầm phi pháo ác liệt của địch, giáng cho chúng những đòn nặng nề. Nhiều đoàn xe tiếp tế của địch bị tiêu diệt, có đoàn ta tiêu diệt 120 chiếc. Đường 14 bị ta cắt đứt cả hai phía, nhiều cầu bị ta phá hỏng không cho địch tấn công, tạo thế vây hãm cụm phòng ngự Tân Cảnh - Đắc Tô.

Tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô bị Sư đoàn 320 chọc thủng. Cánh cửa chiến dịch đã mở, điều kiện đột phá căn cứ Tân Cảnh đã chín muồi. Tư lệnh Hoàng Minh Thảo điện cho Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Mạnh Quân tổ chức đánh Tân Cảnh. Trung đoàn 66 được tăng cường thêm Tiểu đoàn đặc công 37 và 1 đại đội xe tăng T54 cùng quân dân huyện 80 Kon Tum. Với khẩu hiệu tất cả cho phía trước, tất cả để giải phóng Tân Cảnh - Đắc Tô. Ngày 21/4/1972, toàn bộ quân địch bị quét khỏi cao điểm 1023, 1034, đồi Tròn... Các đơn vị pháo binh, đặc công của ta bí mật chiếm lĩnh trận địa.

Chiều ngày 21/4, toàn bộ 13 chi khu quân sự của địch bị ta tấn công. Đại đội 29 (B72) bắn trúng diệt hầu hết xe tăng của địch ra phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đêm ngày 23/4, từ ngầm Pô Kô Hạ, 9 xe tăng T54 của Đại đội thiết giáp 7 xuất kích. Theo đường công binh mới mở, xe tăng lướt qua quận lỵ Đắc Tô, lao về căn cứ Tân Cảnh. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Phó Tham mưu trưởng Hoàng Anh Tài chỉ huy làm thành tiêu lộ sống, dẫn xe tăng của ta xung trận, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương vẫn leo lên thành xe tăng để dẫn đường tấn công. Đến 1 giờ sáng ngày 24/4, xe tăng của ta thọc qua đường 14 vào thị xã Tân Cảnh. Pháo binh Trung đoàn 40, pháo binh Trung đoàn 675 cũng đánh mạnh, đạn pháo nổ vang trời dậy đất. Toàn bộ lực lượng địch trong thị trấn sửng sốt thấy xe tăng của ta. Chớp thời cơ Tiểu đoàn 9 nổ súng tấn công, phối hợp có quân và dân Đội công tác Tân Cảnh nổi dậy nắm chính quyền, kêu gọi địch ra hàng; đến 5 giờ sáng cùng ngày pháo binh ta áp đảo quân địch. Trung đoàn 66 phối hợp với xe tăng đánh các mục tiêu trong căn cứ Tân Cảnh. Người trước ngã người sau xốc tới. Địch dùng máy bay các loại oanh tạc dữ dội, chúng dùng cả chất độc hóa học, hơi ngạt, hơi cay, hòng chặn bước tiến của quân ta, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Phạm Văn Vượng bị thương song anh vẫn xông lên dũng cảm dẫn đầu đội hình đánh thọc sâu vào sở chỉ huy địch. Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường có mặt trong căn cứ trực tiếp chỉ huy bộ đội. Tiểu đoàn đặc công 37 do Tiểu đoàn trưởng Đỗ Công Mùi chỉ huy bộ đội từ mật tập sang cường tập cùng 2 xe tăng đánh thẳng vào các mục tiêu được phân công, tiêu diệt và bắt tù binh, thu vũ khí dịch. 11 giờ trưa ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 làm chủ trận địa, Tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Hòa thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 cắm cờ giải phóng lên căn cứ trung tâm.

Tiếp sau đó, Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Mạnh Quân và Chính ủy Đặng Vũ Hiệp hạ lệnh cho pháo binh ta tiếp tục đánh Đắc Tô 2. Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 đánh thẳng vào sào huyệt của Trung đoàn 47 ngụy, 4 xe tăng T54 và pháo tự hành 57 ly rời Tân Cảnh sang hợp đồng chiến đấu. Xe tăng hai bên quần nhau ngay bên hàng rào Đắc Tô 2. Trong cuộc đọ sức này, xe tăng 377 đã tiêu diệt 7 xe tăng địch, sức chống cự của Trung đoàn 47 ngụy bị tê liệt, “cánh cửa thép” ở Bắc Tây Nguyên của địch bị đánh sập. Trung đoàn 66 tiêu diệt và bắt sống 429 tù binh, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 ly, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả đạn và toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

Đến ngày 25/4/1972, căn cứ Tân Cảnh - Đắc Tô đã hoàn toàn giải phóng.

Chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô mở đầu cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên cách đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn với tốc độ nhanh, cách đánh khoa học, là sự gương mẫu sâu sát, dũng cảm chiến đấu ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh khen ngợi quân và dân Đắc Tô - Tân Cảnh, có đoạn viết: “Cán bộ, chiến sĩ lập chiến công oanh liệt”.

Chiến thắng Tân Cảnh - Đắc Tô là thắng lợi của công tác tư tưởng, công tác tổ chức giữ nghiêm kỷ luật đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu cao. Các đơn vị chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, chủ động tiến công địch từ người chỉ huy cao nhất: Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Thước, Chính ủy Nguyễn Đằng, Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Mạnh Quân, 4 đồng chí kíp xe tăng 377, đồng chí Phạm Văn Vượng đến người chiến sĩ xông lên cắm cờ quyết thắng.

Là thắng lợi của sự hiệp đồng giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, sự phục vụ không mệt mỏi của các đơn vị vận tải, cứu thương, Trạm xá, Bệnh viện tỉnh Kon Tum. Hàng vạn nhân dân được giải phóng, hàng nghìn cháu thiếu niên từ các dân tộc của huyện Đắc Tô - Tân Cảnh, đến Diên Bình, Đắc Mót được bộ đội đưa về thành lập trường văn hóa quân đội ở Tây Nguyên để nuôi dạy học.

Trong chiến dịch này, ký ức cứ ngập tràn, cùng chung với chúng tôi có sự cổ động của các đoàn thể, đồng bào, sự có mặt của Anh hùng Núp, nhà văn Nguyễn Đình Thi, các nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định... Chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô đã tạo tiền đề cho các trận đánh lớn về sau buộc Mỹ - ngụy phải ký hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973.

Nhâm Xuân Chúc
(Nguyên Trợ lý tuyên huấn B3 Mặt trận Tây Nguyên)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày