Thứ 5, 05/12/2024, 09:15[GMT+7]

Quật thổ, bồi cơ

Thứ 2, 19/04/2021 | 09:52:22
7,526 lượt xem
Theo truyền ngôn và các nguồn khảo luận, làng Mẽ và làng Xuân Trúc (xã Phú Sơn), nay là tổ dân phố khu Mẽ và khu Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà là trung tâm, thủ phủ thái ấp của vương hầu nhà Trần Trung Thành Vương, chắt nội của thủy tổ chi thứ 3 nhà Trần, điểm “dừng chân” cuối cùng của dòng họ Đông A với 3 chi phái hình thành ngay từ đời thứ 2 sau khi Trần Hấp rời mộ tổ từ Tức Mặc (Nam Định) về Thái Đường (Tiến Đức, Hưng Hà)...

Đình Xuân Trúc bên cạnh đường Trung Thành Vương - dấu tích còn sót lại của nhà Trần thế kỷ XIII.

Nguồn sử liệu tin cậy cùng với quá trình điền dã cho biết, vùng đất ngã ba sông Hồng và sông Luộc trải dài từ địa phận xã Hồng An, Thái Đường (Tiến Đức) lên Phú Hà (Tân Lễ) về Lưu Xá (Canh Tân) ôm trọn khu vực nội đồng cao ráo, bằng phẳng và phì nhiêu Phú Sơn (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân), Liên Hiệp, Phú Khánh, Thái Phương (huyện Hưng Nhân cũ) thời nhà Lý gọi là Ngự Thiên, thời Trần là Thần Khê thuộc lộ Long Hưng... có “Bát Xá” nghĩa là 8 làng xã cổ tên nôm là Tinh Cương (nhiều gò đống nổi lên) - Mả Sao như Lưu Xá, Phạm Xá, Bùi Xá, Dương Xá, Mỹ Xá, Đào Xá, Hà Xá, Lê Xá. Các điền trang, thái ấp này vốn là thành quả của cuộc khẩn hoang, trị thủy, lập điền của anh em dòng Lưu ở Lưu Xá là Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Ba. Sau cuộc chiến chống giặc Tống (1075 - 1077) anh em Thái phó Lưu Khánh Đàm cùng quốc sư Dương Không Lộ, Giác Hải dâng kế sách trị thủy, đắp đê ngăn lũ lụt, tạo dựng làng ấp ngay ngã ba sông.

Thời điểm này, họ tộc Trần từ Tức Mặc (Nam Định) dời mộ tổ sang Thái Đường (Tiến Đức) đã phải đưa ra sự lựa chọn khó khăn khác với truyền thống “nối đời làm nghề chài lưới” là phải bỏ nghề đánh cá lênh đênh sông nước “đâu cũng là nhà” lên bờ làm nghề trồng lúa, chăn tằm, hái dâu... Trần Hấp là con cả của thủy tổ Trần Kinh di trú về miền Hải Ấp (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà), thủ phủ của Nhị vị Thái phó nhà Lý là Lưu Khánh Đàm, Lưu Khánh Ba. “Chân ướt, chân ráo” từ mặt nước lên bờ, chọn vùng đất thực ấp của nhà họ Lưu, Trần Hấp nhanh chóng kết thân với họ ngoại của nhà họ Lưu là dòng họ Tô. Con trai trưởng của Trần Hấp là Trần Lý đã kết duyên với con gái họ Tô và mối lương duyên này đã đem lại “may mắn” cho dòng tộc họ Trần, đó là việc Trần Lý đã bước một bước nữa vào làm thực tướng trong triều Lý. Người em trai của cụ Trần Hấp là Trần Quả cũng rời hương Tức Mặc (Nam Định) về khu bến Trấn (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Con cháu cụ Trần Quả đã rời bỏ hẳn nghề chài lưới lên bờ làm nghề trồng trọt và chăn tằm, dệt vải. Ở Thái Phương vẫn còn cánh đồng bến Trấn, Đống Lựa, mả Đống, Đồng Loan, Đồng Sang... vốn là ruộng khai hoang, khẩn điền của con cháu cụ Trần Quả... Tương truyền, để xây dựng khu trung tâm buôn bán sản vật làng nghề, con cháu cụ Trần Quả đã bí mật chuyển hết lều chợ Then làng bên cạnh về dựng chợ của làng mình trong một đêm nên có tên chợ “Mẹo” và tên làng cũng dần đổi thành làng Mẹo do thói quen gọi nôm na của người dân trong làng, thực chất tên chữ của làng là “Ứng Mão”.

Sử cũ chép, chi phái thứ 3 của dòng tộc họ Trần Đông A là cụ Trần Mẽ, em thứ 3 của cụ Trần Hấp và Trần Quả tiến sâu vào trong bãi bồi giữa hai sông, sông Hồng và sông Luộc, dải đất phù sa màu mỡ hứa hẹn phát triển nền nông nghiệp trù phú nhưng hạn hẹp tài nguyên tôm cá đồng nghĩa với nghề đánh bắt cá tôm sụt giảm và không thể làm giàu bằng nghề chài lưới được nữa. Tá túc nơi đây, cụ Trần Mẽ kết duyên cùng người con gái thôn quê. Hai người khuya sớm tảo tần, khai hoang, vỡ hóa tạo dựng nên làng ấp trù mật và lấy tên làng là Mẽ. Cụ Trần Mẽ sinh hạ Trần Lương, Trần Lương sinh Trần Thiêm, Trần Thiêm sinh ra Trung Thành Vương (theo các nguồn sử liệu không rõ tên thật của ông, chỉ ghi chép tước hầu vương). Trung Thành Vương có công lao lớn với triều đình nên được vua ban thưởng thái ấp ở chính nơi ông sinh ra, nơi mà cụ tổ Trần Mẽ đã từng khai khẩn đất đai, dựng nên làng Mẽ. Thái ấp của Trung Thành Vương trải dài từ làng Mẽ (nay là tổ dân phố khu Mẽ) mở rộng đến làng Xuân Trúc (nay là khu Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân), kéo dài đến làng Lưu Xá, xã Canh Tân ngày nay. Hiện tại, khu Kiều Thạch - Xuân Trúc vẫn còn con đường Trung Thành Vương và khoảng ruộng khá rộng bên cạnh đường quốc lộ 39A. 

Theo các cụ cao niên làng Xuân Trúc, xưa kia đầu làng phía Nam có một dải đất cao ráo, có nhiều gò đống và không biết từ bao đời trước, người dân đem hài cốt người thân quá cố chôn cất ở đây nên thường gọi khu đất này là “mả Sao”. Sau này, khu gò mả này được san lấp, lấy đất làm gạch, ngói, lấy mặt bằng làm ruộng canh tác. Khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, nhân dân đào mương làm thủy lợi đã “chạm” phải mảng trầm tích cổ xưa gồm rất nhiều mảnh đồ gốm sứ thời Trần, trong đó, cơ quan chức năng xác định có rất nhiều gạch gốm thô, men rạn là gạch lát nền lăng tẩm, cung điện thời Trần.

Quá trình điền dã khu vực ngã ba sông Hồng và sông Luộc cho chúng tôi một nhận định, thủy tổ dòng họ Trần Đông A đã dời Tức Mặc (Nam Định) sang sinh sống ở vùng Hải Ấp, Thái Đường vốn quen nghề chài lưới đã thực hiện thành công và táo bạo bỏ nghề chài lưới lên bờ phát quang cỏ dại, tiêu diệt thú dữ, cày xới đất đai, xây dựng hệ thống thủy lợi, khai sông, dẫn thủy nhập điền, “quật thổ, bồi cơ” tạo dựng cơ đồ nhà Trần, phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển nghề thủ công phục vụ cuộc sống người dân và cung cấp vật lực cho triều đình.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Đông A là cách gọi chệch của chữ Trần theo nghĩa Hán tự. Theo chính sử, tổ tiên họ Trần vốn làm nghề chài lưới, đánh bắt cá dọc theo các triền sông. Sách “Đông A liệt thánh tiểu lục” cho biết, họ Trần từ phía Bắc theo sông lớn về vùng Chí Linh, Nam Sách (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh)... vào sông Hồng vẫn làm nghề chài lưới. Đến đời Trần Kinh đánh cá ở vùng sông nước Tức Mặc (Nam Định) kết duyên với người con gái ở đây, sinh Trần Hấp, Trần Quả, Trần Mẽ... Trần Hấp sau di dời về Hải Ấp, Trần Quả về Ứng Mão, còn Trần Mẽ về Mỹ Hương (Mỹ Xá, nay là thị trấn Hưng Nhân).

Cựu chiến binh Phạm Công Hàm, tổ dân phố Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Hiện tại, phía Nam làng Xuân Trúc cạnh khu đồng rộng chừng hơn 50 mẫu là con đường Trung Thành Vương nối với trục đường liên xã về Canh Tân. Cụm di tích đình, chùa, miếu Xuân Trúc có tuổi đời bảy tám trăm năm. Khoảng những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ XX, người dân làm thủy lợi đào được khá nhiều đồ sành, sứ có niên đại thời Trần. Tương truyền, sư tổ chùa Chính Phúc (Xuân Trúc) là Dương Thông Đạt, hiệu là Thích Đạo Ngạn tu đắc đạo đã tự thiêu vào thời nhà Trần. Tro cốt được chia làm 3, đúc vào tượng thờ 3 nơi là chùa Hới (xã Tân Lễ), chùa Báo Quốc (xã Canh Tân) và chùa Chính Phúc (Xuân Trúc, xã Lam Sơn, nay là khu Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân).
Ông Nguyễn Văn Huấn, thủ nhang đình Xuân Trúc, tổ dân phố khu Kiều Thạch - Xuân Trúc, thị trấn Hưng Nhân
Bên cạnh đình Xuân Trúc có cây đa cổ thụ, tương truyền 7 - 8 trăm năm, thân cây chính đã mục chết, cây còn hiện nay chủ yếu là nhánh rễ, tuy vậy cây vẫn xanh tốt quanh năm. Có cụ già bảo cây đa này do Trung Thành Vương (nhà Trần) trồng trên đất thực ấp của ông. Đình Xuân Trúc thờ “tứ vị thành hoàng”, hiện còn 15 sắc phong của các triều đại phong kiến sắc phong công lao của “tứ vị thành hoàng” có công lao lớn trong các cuộc chiến đấu đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ sơn hà, xã tắc. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền xét công nhận cây đa đình làng Xuân Trúc là “cây di sản” và có phương án bảo tồn dấu tích nhà Trần phát nghiệp ở Ngự Thiên - Long Hưng.


Quang Viện 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày