Thứ 5, 05/12/2024, 09:44[GMT+7]

Phú gia địch quốc

Thứ 2, 10/05/2021 | 09:03:55
7,477 lượt xem

Đình làng Và, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng - nơi phối thờ danh tướng triều Lý Đoàn Hồng Lôi.

Lý Huệ Tông bị Đàm Thái hậu “bức bách” đã cùng Trần Thị Dung bỏ trốn ra ngoài kinh thành. Trần Tự Khánh đang đi đánh dẹp loạn liền cho tướng Vương Lê đem thủy quân đến đón rước vua. Việt sử lược viết: “Tự Khánh trông thấy vua (Lý Huệ Tông) rất mừng, tướng sĩ đều vui vẻ reo hò”. Lý Huệ Tông phong Trần Thị Dung làm Hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, phong Trần Thừa tước Liệt Hầu làm Nội thị Phán thủ. Phùng Tá Chu, Lại Linh, Trần Liễu (con Trần Thừa) được phong tước Quan Nội Hầu; Trần Hải, con cả của Tự Khánh được phong tước Vương. Thế lực họ Trần lúc này rất lớn, át cả thế lực quý tộc nhà Lý, dần dần thu phục các quý tộc khác.

Theo các nguồn khảo luận, Trần Tự Khánh có hai người em gái là Trần Tam Nương và Trần Thị Dung. Trần Tam Nương được nguyên tổ Trần Lý gả cho hào trưởng ở Khoái Châu (nay thuộc Hưng Yên) là Nguyễn Đường. Các tài liệu khảo cứu cho biết Nguyễn Đường từng sát cánh với Trần Lý và Trần Tự Khánh “đánh Đông dẹp Bắc” các thế lực chống đối nhưng sau đó cả Trần Lý và Nguyễn Đường đều tử trận cho các cuộc tranh giành phe phái ngay tại nơi mình sinh sống. Nguyễn Đường chết, Trần Tam Nương bỏ Khoái Châu chạy về Hải Ấp, Trần Tự Khánh gả em gái mình cho tướng Đoàn Hồng Lôi. Đoàn Hồng Lôi được nhà Lý cho cát cứ ở huyện Thần Khê. 

Theo tài liệu dịch của cố dịch giả Dương Quảng Châu đồng thời cũng là người con của quê hương Thần Khê trong thần phả đình làng Lộ Vị (còn gọi là làng Và) xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, vào thời điểm đó để tăng thêm thế lực nhằm “kéo giãn” lực lượng của Đoàn Thượng (tướng nhà Lý) đang “hùng cứ một phương” ở phủ Hạ Hồng (nay thuộc Hưng Yên và Hải Dương), Trần Tự Khánh đã khéo léo gả em gái mình là Trần Tam Nương cho Đoàn Hồng Lôi. Không những gả em gái cho Đoàn Hồng Lôi, Trần Tự Khánh còn cắt đất vùng Tiên Hưng (nay thuộc nhiều xã huyện Đông Hưng) cho Đoàn Hồng Lôi làm Thái ấp Long Khê, Cả Lũ.

Mặc dù “có tên” trong “Thần phả” đình làng Lộ Vị nhưng những ghi chép về người em gái Trần Tự Khánh là Trần Tam Nương ở vùng đất Tiên Hưng cùng Hồng hầu Đoàn Văn Lôi (Đoàn Hồng Lôi) hầu như không có gì. Điền dã và phỏng vấn nhiều bậc cao niên ở Thần Khê (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) và vùng lân cận cũng không thu được kết quả khả quan. Chỉ biết rằng, sau khi gả em gái Trần Tam Nương cho Đoàn Hồng Lôi và cắt ruộng canh điền vùng Tiên Hưng cho Hồng hầu làm Thái ấp, Trần Tự Khánh đã loại bỏ được một thế lực cát cứ mạnh nhất họ Đoàn lúc bấy giờ và Trần Tam Nương ngoài việc đóng vai trò phụ giúp chồng (Hồng Lôi) cai quản và mở mang Thái ấp, giúp đỡ người dân nơi đây trong việc ổn định cuộc sống còn có thể “đảm đương” nhiệm vụ thông tin mật báo cho anh Tự Khánh biết những di biến động của tướng họ Đoàn… Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, việc Trần Tam Nương nên duyên “cầm sắt” với tướng họ Đoàn đã giúp họ Trần mở đường cho gia tộc của mình ở Hải Ấp từ “phú gia” trở thành thế lực “địch quốc”, đặc biệt khi cô em gái của Trần Tam Nương là Trần Thị Dung được Trần Tự Khánh gả cho vua Lý Huệ Tông khi còn là Thái tử trong lần chạy loạn Quách Bốc về nương nhờ thế lực họ Trần ở Hải Ấp (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) và trở thành Hoàng hậu nhà Lý, cô em gái Tự Khánh đã làm thay đổi thế lực họ Trần như sử thần Ngô Sĩ Liên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Sinh ra cốt để mở nghiệp nhà Trần”. Là Hoàng hậu triều Lý có cậu ruột là Tô Trung Từ làm Thái uý, anh ruột là Trần Tự Khánh là Chương Thành hầu, Trần Thừa làm phụ chính, người em họ là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, các trí thức Long Hưng gồm Phạm Kính Ân là quan Nội giám, Phùng Tá Chu làm Đô trưởng Nhập nội thị sai… đã cho thấy thế lực họ Trần đủ sức thâu tóm mọi quyền bính “trong triều, ngoại trấn”. Bao nhiêu năm dưới trướng nhà vua mạt Lý từ Lý Cao Tông đến Lý Huệ Tông, Trần Tự Khánh nhiều lần kéo binh về kinh đô dẹp loạn, có lần dựng lên “vua mới” rồi lại “cúi mình” xin được dưới trướng Lý Huệ Tông. Để rồi vận hội không thể khác được chính là ngày mồng 1 tháng 10 năm 1226, dưới “bàn tay” sắp xếp của Hoàng Thái hậu Trần Thị Dung, sự yểm trợ của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng phải tuyên bố “nhường” ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh, chính thức nhà Lý suy vong với 215 trị vì thiên hạ, nhường chỗ cho một vương triều mới mà không ai khác chính là thế lực họ Trần ở Hải Ấp, ông vua mới trên ngai vàng quyền lực là Trần Cảnh.

Các nguồn khảo luận cho biết, cuối triều đại nhà Lý, đất nước lâm vào suy thoái, chính quyền trung ương bất lực, chính trị hỗn loạn, triều chính rối ren, thế nước nghiêng ngả nguy ngập. Lúc ấy vua Cao Tông nhà Lý chẳng lo việc nước vẫn mải mê sa đọa, say đắm thanh sắc, ăn chơi xa xỉ, xây cung điện trăm nóc để thưởng ngoạn. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, các quan lại triều đình mạnh ai lấy vơ vét túi tham, dân lầm than, việc nước vua phó mặc cho bọn ngoại thích lộng quyền. Chẳng bao lâu thì nước xảy ra nạn đói lớn, thảm thương nhất là vào các năm Tân Sửu (1181), Mậu Ngọ (1198), Đinh Mão (1207), Mậu Thìn (1208)… người chết đói đầy đường. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 6 năm Tân Mùi (1191), Lê Vân nổi dậy ở Thanh Hóa chống triều đình. Niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 13 năm Mậu Ngọ (1198) bọn Hổ Đỗ, Ngô Công Lý nổi dậy ở Diễn Châu (Nghệ An). Niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ nhất năm Nhâm Tuất (1202) người dân miền Đại Hoàng (Ninh Bình) bị bắt làm phu xây dựng cửa Đại Thành ở kinh đô Thăng Long phải phục dịch khổ sở sinh lòng oán hận đã khởi loạn rủ nhau về nổi dậy chống triều đình. Từ niên hiệu Trị Bình Long ứng trở đi, nạn quần hùng cát cứ càng ngày càng bùng phát trầm trọng.

Theo sử cũ, tháng 4 năm 1214, anh em họ Đoàn đem quân đánh chiếm Bắc Giang, địa bàn do tướng Nguyễn Nộn (phe của Trần Tự Khánh) đóng giữ. Hai bên xảy ra kịch chiến ở bến Đông Cứu (nay thuộc Bắc Ninh), nhưng thế trận “lật ngược”, Nguyễn Nộn lại giết chết Đoàn Nguyễn, anh em họ Đoàn thất trận thảm hại. Thế trận tạo cơ hội để Đỗ Bị, tướng của Trần Tự Khánh ở Cam Giá (Sơn Tây, Hà Nội nay) nổi lên, tách khỏi họ Trần xây dựng thế lực cát cứ mới. Nguyễn Nộn, sau chiến thắng họ Đoàn, tự xưng là Hoài Đạo Vương, đem quân về Thăng Long chống nhau với Tự Khánh. Huệ Tông và Thái hậu ở Nam Sách trở về Thăng Long, phong cho Nguyễn Nộn tước hầu. Chính quyền trung ương họ Lý từ dựa vào họ Trần, chuyển sang họ Đoàn, nay lại chuyển sang liên minh với lực lượng cát cứ mới là Nguyễn Nộn ở Bắc Giang. Cục diện trong nước lúc này hình thành ba thế lực cát cứ lớn: phía Bắc là Nguyễn Nộn, phía Đông là Đoàn Thượng, phía Nam là Trần Tự Khánh.


Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thăng Long, huyện Đông Hưng
Đình Lộ Vị (còn gọi là đình làng Và) thờ “Lục vị” thành hoàng, trong đó có Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ và Đoàn Hồng Lôi. Xã Thăng Long có 6 di tích, trong đó 4 đình, 1 đền, 1 chùa. Xã đã triển khai nhiều phương án bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, đặc biệt công tác bảo vệ chống mất cắp cổ vật, chống cháy, nổ mùa hanh khô và úng, sập mùa mưa bão. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban Quản lý di tích, các trưởng thôn có di tích làm phó trưởng ban.

Ông Nguyễn Xuân Trường, công chức văn hóa xã Thăng Long, huyện Đông Hưng
Ngoài quy định về quản lý di tích của UBND xã Thăng Long mà trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban Quản lý, chúng tôi còn vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định về tổ chức lễ hội, đồng thời kiên quyết bài trừ các hoạt động mê tín, dị đoan, bài trừ văn hóa phẩm xấu độc trên địa bàn xã, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Ông Hà Công Hoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Lộ Vị, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng
Chi bộ và các đảng viên trong Chi bộ thôn Lộ Vị gương mẫu trong việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Quang Viện 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày