Nguyên Từ Quốc Mẫu
Sử cũ chép, khi công chúa Thiên Thành (trưởng công chúa của vua Trần Thái Tông, vợ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) mất, vua Trần Anh Tông đích thân đến tế lễ, lại cấp sắc và ban bổng lộc cho dân làng ở những địa danh công chúa Thiên Thành từng lưu lại và từng giúp dân lập ấp, dựng làng (trong đó có làng Chiêm Ân, tổng Đặng Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng nay là khu Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) được phép dựng đền thờ bà. Vua phong bà duệ hiệu “Nguyên Từ Quốc Mẫu”. Các triều đại phong kiến kế tiếp nối đời đều sắc phong thần liệt vào bậc “Trung đẳng thần”.
Vua Trần Thái Tông có nhiều hoàng tử, công chúa, trong đó công chúa Thiên Thành không chỉ đẹp nết, đẹp người mà so trong thiên hạ hoa thơm còn cúi nhường nhan sắc, oanh vàng khép tiếng, liễu hờn kém làn tóc mây, bà được vua dành nhiều tình yêu thương ngay từ lúc còn nhỏ và sai nữ quan dạy bảo chu đáo nên “có thừa” tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Lúc ấy, công chúa Thụy Bà (chị ruột vua Trần Thái Tông và là cô ruột của Trần Quốc Tuấn) thấy Trần Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành mến nhau đã có ý vun đắp, mai mối cho hai con trẻ, thế nhưng việc chưa kịp bàn thì ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi (1251) vua mở hội lớn 7 ngày 7 đêm, trong lễ hội có bày các tranh vẽ và lễ vật kết tóc se duyên cùng nhiều trò chơi cho vương tộc cùng giai nhân, mặc khách; ý của vua Trần Thái Tông muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trong 7 ngày đó, vua cho công chúa đến dinh phủ của Nhân Đạo Vương (cha của Trung Thành Vương), công chúa đành vâng lời không dám trái ý phụ vương nhưng trong lòng buồn rầu, nước mắt lưng tròng.
Ở lại dinh phủ Nhân Đạo Vương, công chúa Thiên Thành không nguôi nhớ Thụy Bà liền sai thị nữ mật báo với Thụy Bà và Trần Quốc Tuấn biết. Thấy người mình yêu ở lại dinh phủ Nhân Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn không cưỡng nổi “tiếng gọi tình yêu” đối với công chúa Thiên Thành, cảm giác sắp “mất người mình yêu” vì Trung Thành Vương đã thôi thúc Quốc Tuấn liều mình đến dinh phủ và “lẻn” vào phòng công chúa Thiên Thành. Biết rõ chuyện cháu mình (Trần Quốc Tuấn) lẻn vào khuê phòng công chúa Thiên Thành, sáng sớm hôm sau, công chúa Thụy Bà liền “hớt hải” chạy đến cung vua cáo cấp với Trần Thái Tông: “Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng, càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai ngay người đến cứu” (Đại Việt sử ký toàn thư). Vua nghe tấu vậy liền sai nội nhân đến dinh phủ Nhân Đạo Vương, đến nơi thấy không khí yên lặng bèn vào phòng công chúa Thiên Thành đã thấy Trần Quốc Tuấn ở đó. Theo sử liệu ghi chép lúc nội nhân của vua đến phòng công chúa Thiên Thành trong nội phủ thì Nhân Đạo Vương và Trung Thành Vương mới “vỡ lẽ”, biết thì chuyện đã rồi. Ngẫm mà “đau” nhưng Nhân Đạo Vương và Trung Thành Vương vẫn ân cần đón tiếp nội nhân và đối đãi “đầu cuối” với Trần Quốc Tuấn. Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống và tâu với vua rằng: “Vì vội vàng không sắm được đủ lễ vật”. Trần Thái Tông thấy việc đã lỡ, phần nể “hoàng tỉ” và đấng sinh thành Trần Quốc Tuấn (hoàng huynh An Sinh Vương Trần Liễu) và đặc biệt Trung Thành Vương chưa “cử sự” với công chúa Thiên Thành nên quyết định gả công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn rồi lấy 1.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên ban cho Trung Thành Vương... Năm Tân Hợi, Thiên Ứng Chính Bình thứ 20 (1251) An Sinh Vương Trần Liễu 41 tuổi, vì sự bất hòa với em ruột Trần Thái Tông (Trần Cảnh) nên thường hay ốm đau, khó tính, biết được “nỗi đau” day dứt trong lòng thượng phụ An Sinh Vương, công chúa Thiên Thành rất mực lễ độ, chăm sóc chu đáo nên mọi việc “trong nhà” đều yên ổn. Tháng 4 cùng năm Trần Liễu qua đời, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai công chúa Thiên Thành.
Lấy Trần Quốc Tuấn, công chúa Thiên Thành sinh hạ được 5 người con (4 trai, 1 gái): Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn; Minh Hiến vương Trần Quốc Uất; Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng; Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện; Quận chúa Trần Thị Quyên Thanh. Biết Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn quanh năm mải miết nơi chiến trường chống quân giặc xâm lăng nên mọi việc tư gia bà chăm lo chu toàn. Bà lấy đức để cảm hóa gia nhân. Tướng lĩnh thuộc quyền của chồng như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lộ, Nguyễn Chế Nghĩa, Phạm Ngũ Lão... đều kính trọng. Bà lấy đức độ dạy bảo từ các quận chúa đến dưỡng nữ... Năm Giáp Tuất, vua Trần Thánh Tông đón Quận chúa Quyên Thanh về triều cho thái tử Càn Đức (tức vua Trần Nhân Tông). Năm Kỷ Mão quận chúa của công chúa Thiên Thành được vua phong Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu khi Anh Tông lên ngôi... dù quân thần có người lo ngại thanh thế của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành nhưng với sự giáo dưỡng của công chúa Thiên Thành con, cháu của bà đều “tận trung báo quốc” nên các vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông “nhất mực” cung kính, trọng vọng, phàm việc lớn trong triều, ngoại triều đều hỏi ý kiến. Bà lấy đức của cha mẹ mà dạy bảo, lấy đạo vua tôi để cư xử, thôn cùng, ngõ hẻm không lời oán thán...
Cuối năm Giáp Thân (1284) giặc Nguyên Mông tràn vào nước ta, công chúa Thiên Thành đưa gia nhân trong kinh thành lui về thái ấp An Sinh vương ở An Sào (nay là xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ); thực hiện kế “thanh dã” của nhà Trần, bà đưa vương hầu, gia đồng và hương binh ở các hạt Yên Phụ (Kinh Môn, Hải Dương nay), Yên Dưỡng, Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh nay) ra trận, xuất của trong các kho dự trữ cho các con của mình như Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn; Minh Hiến vương Trần Quốc Uất; Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng; Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện yên tâm đánh giặc. Những cố gắng cống hiến cho quân lương nhà Trần của bà đã góp phần nuôi 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, huyện Thanh Hà; Trà Hương (huyện Kim Thành, Hải Dương); Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh)... rồi bà cùng các con trong đội quân hùng hậu của nhà Trần kéo về Kiếp Bạc phò tá Hưng Đạo Đại vương đánh giặc Nguyên Mông.
Sử cũ ghi, thuở còn “trụ thế”, nhiều lần công chúa Thiên Thành “theo hầu” vua Trần Thánh Tông, Thụy Bà công chúa, vua Trần Nhân Tông... về Long Hưng, thấy người Man Chiêm vốn là tù binh từ thời vua Trần Thái Tông thân đi đánh Chiêm Thành bắt được “giam lỏng” ở trại Đặng Xá (nay là địa phận của làng (khu) Ân Xá và làng (khu) Đặng Xá thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, bà xin vua ân xá cho tù binh và nô tì trở thành thường dân đất Việt, đồng thời cho phép bà lấy ruộng thực ấp của mình “ban” cho người Man Chiêm, cho họ được định cư và nhập tịch Đại Việt. Vậy là ơn huệ dâng trào, người dân ấp mới được mang tên làng Chiêm Ân. Được ân huệ triều đình ban tặng mà trực tiếp là công của công chúa Thiên Thành, dân làng Chiêm Ân mang nặng ân từ của công chúa đã coi bà như mẹ và xin bà được làm “thần tử” của bà, bà bằng lòng chấp thuận.
Ông Phạm Văn Khính, khu Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà Theo các già làng kể lại, tên gọi làng Chiêm Ân có từ thời nhà Trần, thuộc tổng Đặng Xá; sau năm 1954, một phần đất làng Đặng Xá cắt về Chiêm Ân do dòng kênh tiêu nước ra sông Thái Sư nên gọi là làng Ân Xá. Lúc đầu, làng Chiêm Ân có rất ít nhân khẩu, sau đó nhập thêm nhân khẩu từ các dòng họ khác đến “ngụ cư” nhưng làng có “lệ” là tất cả dòng họ khác di cư đến làng đều phải đổi thành họ Phạm bởi làng là quê hương của công thần hộ quốc Phạm Kính Ân. Ông Phạm Văn Toàn, khu Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà Cụ ông nhà tôi truyền lại cho các thệ con cháu sau này về truyền thuyết dải yếm của bà Chúa (chúng tôi hiểu ngầm là công chúa Thiên Thành). Tương truyền, khi vua ban thái ấp cho công chúa, vua sai người tung dải yếm lên trời để gió cuốn đi, dải yếm rơi ở đâu, đất của công chúa đến đó. Hiện nay dấu tích còn đống “Vú” thuộc địa phận xã Hồng Lĩnh và một khu ruộng giáp với xã Chí Hòa. Ông Phạm Văn Phòng, khu Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà Cụ nội tôi là thủ nhang đền truyền lại cho ông nội và bố tôi, ngoài những điều ghi trong sắc phong của các triều đại còn lưu giữ được thì ngay giữa làng có khu vực đất bà Chúa, ngoài đồng có ruộng bà Chúa, có cả đền và miếu thờ bà Chúa. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW