Vệ quốc kháng Nguyên
Cũng trong thời gian này, tại cao nguyên Mông Cổ, nhà nước “trên lưng ngựa” hình thành và phát triển thành đế quốc hùng mạnh chưa từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại - đế quốc Mông Cổ. Đế quốc này không ngừng tiến hành các cuộc chiến chinh nhằm vào các nước châu Âu, châu Á. Vó ngựa hung tàn của đế quốc hung nô tràn qua các nước Đức, Ba Lan, Hung-ga-ri đến tận thành Vơ-ni-dơ của Ý… Không dừng lại, đế quốc Mông Cổ đánh sang Trung Quốc, Cao Ly…, thừa cơ tràn xuống phía Nam xâm lược Đại Việt với âm mưu mở rộng lãnh thổ từ bờ biển Hắc Hải đến bờ Thái Bình Dương. Quân đội Mông Cổ rất thiện chiến, kỵ binh “đánh đâu thắng đấy”, liên tục rong ruổi khắp các miền đất, hạ sát nhiều đội quân thiện chiến của các nước Đông Âu, Nam Á, Trung Á… Hung hãn và thiện chiến nhưng quân Mông Cổ đặt chân lên đất Đại Việt là vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của người dân cần cù, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ba lần chúng đem quân xâm lược Đại Việt thì cả ba lần chúng ôm hận, phải tháo chạy về nước, bỏ lại gần 1 triệu thây ma trên đất Đại Việt.
Ngược dòng lịch sử, sau khi thống trị một nửa châu Âu và một phần châu Á, đế quốc Nguyên Mông chuyển hướng đánh Trung Quốc (triều Nam Tống). Từ nước Đại Lý (Vân Nam), một cánh quân do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy với danh nghĩa “mượn đường” và lấy Đại Việt làm bàn đạp tiến vào Nam Tống hội binh tại Ngạt Châu (Vũ Xương) với các cánh quân của Mông Kha và Hốt Tất Liệt từ phía Bắc đánh xuống. Biết được dã tâm của giặc, vua Trần Thái Tông và Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ kiên quyết chống lại, trước tiên Đại Việt cử một đạo quân lên biên giới chặn địch còn đại quân theo đường thủy, đường bộ tiến lên sau. Đầu tháng Chạp năm 1257, quân Nguyên Mông vượt biên giới, sau vài trận giáp chiến ở khoảng Đông Nam Lào Cai, trước sức mạnh của quân địch, tiền quân của Đại Việt lui dần về Phú Thọ tạo đà cho đại quân tiến dần lên biên giới, ta và giặc chạm trán ở Bạch Hạc (nay thuộc Vĩnh Phúc). Sau trận đánh giữa hai đội tiền quân, tướng Mông Cổ định chặn đường phía sau của quân đội nhà Trần, cướp thuyền chiến, cắt đường rút lui của quân nhà Trần rồi bao vây tiêu diệt.
Nhận thấy quyết chiến ngay không có lợi cho thế trận của quân đội nhà Trần, vua Trần chỉ đạo chỉ để một bộ phận quân đội chặn đánh yểm trợ cho đại quân của Đại Việt lui một bước về hạ lưu sông Hồng. Quân Mông Cổ tưởng quân đội Đại Việt yếm thế liền xua quân đánh nhưng càng đánh quân Đại Việt càng lui dần khiến chúng tưởng “vồ” được vua Trần đến nơi nên thúc quân đuổi theo. Tới trận địa Bình Lệ Nguyên (được xác định địa danh là Vĩnh Phúc ngày nay), đại quân của nhà Trần giáp mặt đại quân Mông, chiến sự xảy ra. Thế trận nghiêng về quân Mông Cổ bởi chúng là đội quân thiện chiến, đông về số lượng, lại sử dụng kỵ binh đánh thần tốc. Nhận thấy tình thế bất lợi, vua Trần quyết định rút lui chiến lược, kinh thành Thăng Long bỏ trống. Hoàng Thái hậu Trần Thị Dung liền đưa thân quyến nhà Trần về Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà) tránh nạn. Nhân dân quanh kinh thành Thăng Long cũng được lệnh tạm rời quê hương, bản quán xuôi về phía biển tránh giặc giết hại, thực hiện kế “thanh dã”, nghĩa là “vườn không, nhà trống”.
Nắm chắc tình hình nội bộ quân giặc, vua Trần quyết định cho đại quân đánh địch. Đêm 24 tháng Giêng năm 1258 tức là 9 ngày sau khi địch chiếm kinh thành Thăng Long, từ Long Hưng, Thiên Trường, quân Đại Việt bí mật theo đường sông nhỏ như sông Trà Lý, sông Luộc ra sông Hồng rồi ngược dòng đến Đông Bộ Đầu (được xác định là phía Đông thành Thăng Long) đánh úp quân giặc. Bị tập hậu bất ngờ, quân giặc không kịp trở tay chỉ còn cách chạy thục mạng lên biên giới rồi về Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc). Trên đường rút chạy, quân giặc bị chủ trại Hà Bổng thuộc dân tộc Mường chỉ huy đội quân mai phục đánh tơi tả. Cuối tháng Giêng năm 1258, quân Nguyên Mông hoàn toàn thất bại ở chiến trường Đại Việt.
Sau cuộc chiến thua đau ở Đại Việt, quân Nguyên Mông vẫn không nguôi mộng bá vương. Thời điểm này, đế quốc Nguyên Mông đang trong thời kỳ thịnh vượng, vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu là Đại Nguyên (Nguyên Mông), chúng tích cực chuẩn bị những cuộc viễn chinh mới thực hiện mưu đồ thống trị thế giới. Âm mưu tiến xuống phía Nam vẫn được coi trọng mà Đại Việt là vùng đất chiến lược của quân Nguyên Mông. Hốt Tất Liệt chuẩn bị lực lượng 60 vạn quân tinh nhuệ, giao cho con trai là Thoát Hoan chỉ huy. Theo tin do thám của quân đội nhà Trần báo về, quân giặc đưa 10 vạn quân đánh chiếm Chiêm Thành sau đó cả 60 vạn quân sẽ hợp từ hai mặt Bắc, Nam giáp công thôn tính Đại Việt.
Năm 1282, Toa Đô chỉ huy 10 vạn quân vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành nhưng bị quân Chiêm Thành chống cự quyết liệt, Toa Đô phải rút quân về châu Ô Lý và Việt Lý giáp biên giới Đại Việt, ở đây chúng chuẩn bị phương án tiến đánh Đại Việt. Tháng 8 năm 1282, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tập trung du quân (quân tập trung cơ động của triều đình), thu quân các lộ Long Hưng, Thiên Trường và các vương, hầu về Đông Bộ Đầu, tổng cộng được 20 vạn quân. Vua Trần triệu tập các bô lão về kinh thành Thăng Long mở hội nghị Diên Hồng, hỏi ý kiến các bậc cao niên ta nên đánh hay nên hòa thì nhận được ý kiến đồng thanh: “Sát Thát”. Ý chí đó đã lan tỏa trong toàn cõi, động viên quân dân nhà Trần quyết tâm đánh giặc.
Cuối năm 1285, Thoát Hoan bắt đầu tiến quân chia làm hai cánh vào Tuyên Quang và Lạng Sơn. Quân giặc quá mạnh, quân đội nhà Trần đành rút lui dần về Lạng Giang. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhận định: “Nguyên binh khí nhuệ đang hưng, kịp đánh chẳng bằng kiên thù chờ suy”, kịp thời cho đại quân rút lui theo hướng Thăng Long - Long Hưng - Thiên Trường… Lại một lần nữa trong hành trình chiến chinh, quân Nguyên Mông lại “vồ hụt” vua Trần. Thoát Hoan lại đem đại quân đánh Thăng Long. Ngày 13 tháng Giêng (19 tháng 2 năm 1285), quân Nguyên Mông vào kinh thành Thăng Long, kinh thành bỏ trống. Tháng hai, quân Nguyên Mông đánh xuống Long Hưng, Hoàng Giang, Thiên Trường…, quân Đại Việt vượt qua Tam Điệp (Ninh Bình), tập trung vào châu Hoan (Thanh Hóa nay). Phía Nam, tướng Trần Quang Khải dùng lối đánh chặn từng bước và cuối cùng đã chặn đường tiến của quân địch. Mệt nhọc lại thiếu lương thực, quân giặc rệu rã, tinh thần chiến đấu sa sút. 5 vạn quân do Trần Nhật Duật chỉ huy mai phục dồn đánh địch ở cửa Hàm Tử khiến Toa Đô mất liên lạc với Thoát Hoan. Hưng Đạo vương nhận định: “Quân ta mới thắng, khi lực đương hăng mà quân Nguyên mới thua tất cũng chột dạ” và chủ trương “…vậy nên nhân dịp tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục kinh thành”.
Tháng 11 năm 1287, quân Nguyên Mông bắt đầu tiến công Đại Việt, quân nhà Trần phản công, 70 chiến thuyền của Ô Mã Nhi bị đánh đắm hoặc thuộc về quân Đại Việt. Hưng Đạo vương chỉ đạo: “…để quân giặc ngã lòng, bấy giờ mới phá dễ” bằng cách thả tù binh báo tin thất trận cho Thoát Hoan. Lương thực cạn kiệt, đội quân tinh nhuệ của Nguyên Mông bị tiêu hao nên dần “ngã lòng”… Ngày 9 tháng 1 năm 1288, Hưng Đạo vương dụ giặc vào Bạch Đằng giang, nơi cắm cọc nhọn, quân giặc sa bẫy đã bị tiêu diệt, ta thu hơn 400 chiến thuyền, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi.
Tướng Nguyên Mông là Ngột Lương Hợp Thai tức sôi máu vì hai lần “vồ hụt” vua Trần, hắn tức tốc cho quân tiến vào kinh thành Thăng Long, thấy kinh thành trống không, hắn cho quân tàn phá kinh thành rồi tràn về Long Hưng triệt hạ mộ tổ nhà Trần ở Thái Đường. Tiêu hao sinh lực, dần cạn lương thực lại gặp khí hậu ẩm thấp, quân Nguyên Mông nhanh chóng sa sút về thể lực, ý chí chiến đấu rệu rã, gặp cảnh “vườn không, nhà trống” không còn gì để cướp, chúng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” nên nhanh chóng bị quân đội nhà Trần tiêu diệt. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW