Thứ 7, 23/11/2024, 10:02[GMT+7]

Thiên hạ Thái bình

Thứ 2, 26/07/2021 | 19:54:43
6,468 lượt xem
Theo tài liệu điền dã, các làng Hữu Lộc, Phương Tảo, An Để (Vũ Thư), Thần Hậu, Hậu Trung, Hậu Thượng... (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng), Cổ Trai (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), Tử Đường, Các Đông (huyện Thái Thụy)... đều có đền thờ Lý Nam Đế (Lý Bí, 503 - 548) và phủ Mẫu thờ Hoàng hậu Đỗ Thị Khương kề bên.

Cống Hậu Thượng, xã Hồng Bạch (Đông Hưng), đoạn kênh dẫn ra cửa sông Trà Lý, nơi đây là chiến địa thời nhà Tiền Lý vào năm 541 quyết định thắng lợi của nghĩa quân Lý Bí trước quân đội nhà Lương.

Tương truyền, xưa kia, ở trang An Để có phú gia Đỗ Công Cần chuyên nghề tầm tang, canh cửi. Tơ lụa nhà phú gia được khách thập phương ưa chuộng. Chuyện kể rằng, trong một lần mang tơ lụa đi bán, ái nữ nhà phú gia là Đỗ Thị Khương cùng đoàn gia nô chèo thuyền đầy ắp tơ lụa mang ra phủ huyện giao thương, trên đường vận chuyển bỗng gặp cơn binh đao, quân của Lý Bí bị Tiêu Tư vây đánh, đúng lúc rút lui thì thuyền vua bị đứt quai chèo. Nguy khốn đến nơi vì giặc truy sát thì gặp thuyền hàng của nhà phú gia ngang qua. Thấy tình thế nguy hiểm đe dọa tính mạng nghĩa quân, Đỗ Thị Khương liền thả tơ lụa trên thuyền của mình xuống sông, nước cuốn đến chỗ thuyền Lý Bí, quân sĩ vớt tơ lụa lên làm quai chèo hộ tống Lý Bí thoát khỏi sự vây hãm của Tiêu Tư. Về sau, Lý Bí thống lĩnh thiên hạ, lên ngôi vua, nhớ lại ân nhân cứu mạng, vua sai người về An Để trang tìm người “duyên tiền định” chẳng tiếc tiền bạc sẵn lòng thả cả thuyền tơ lụa xuống sông. Tin báo đã tìm được ân nhân, Lý Nam Đế đích thân đến nhà phú gia, cúi xin Đỗ Công Cần cho phép được rước ái nữ nhà Đỗ gia về dinh, được chấp thuận, vua phong Đỗ Thị Khương làm Hoàng hậu.

Đại Việt sử ký toàn thư kỷ “Tiền biên” chép: “Vua nhân liên kết với hào kiệt mấy châu đều hưởng ứng. Có Triệu Túc, tù trưởng Chu Diên phục tài đức của vua đem quân về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua rồi chạy về Quảng Châu, vua ra chiếm giữ châu thành”. Không phải chờ đến năm 541 (Tân Dậu) Triệu Túc mới đem quân phò tá Lý Bí mà trước thời điểm đó con trai Triệu Túc là Triệu Quang Phục đã xây dựng đồn Hậu Tái (Hậu Thượng, nay thuộc xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng) “thanh viện” cho đồn chính của Lý Bí ở Cổ Trai (nay là thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà); con trai thứ Triệu Túc là Triệu Quang Hành đã đón Lý Bí về chùa Diên Táo cùng mưu sự và lập đàn “ăn thề”, tế cờ, tế trời đất; cháu ruột Triệu Túc là Triệu Bá đã đắp lũy Tống Thỏ (nay thuộc xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình) cùng tướng công Lê Ngọ, Lê Điện, Lê Á giữ vững Bãi Cát trang (nay thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình). Trong những năm tháng chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Lương, với tư cách là tù trưởng Chu Diên “hợp pháp” Triệu Túc giữ mối quan hệ với chính quyền nhà Lương đô hộ làm thành lá chắn “che” cho Lý Bí cùng thuộc hạ, thân quyến của mình xuôi vùng hạ lưu châu thổ sông Cái (sông Hồng) tích trữ lương thực, dụng quân, chiêu hiền đãi sĩ tự do dựng đồn trại, rèn luyện nghĩa binh... không bị quân Lương nhòm ngó, đe dọa. Được tin Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa chống nhà Lương, Triệu Túc đem quân theo Lý Bí; có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Triệu Túc, đoàn quân của Lý Bí đánh quân nhà Lương tơi tả, Tiêu Tư đã nhanh chóng bộc lộ bản chất đớn hèn của kẻ tiểu nhân phương Bắc vội cúi đầu xin toàn mạng. Theo các nguồn khảo luận, thời nhà Lương đô hộ nước ta (502 - 540) sai Tiêu Tư sang làm Thứ sử, Tiêu Tư đã thi hành chính sách tận thu vô cùng hà khắc làm cho dân tình điêu đứng, lòng người oán hận. Ở huyện Thái Bình (thời ấy đơn vị huyện bằng cả tỉnh bây giờ) có Lý Bí vốn nhà nối đời làm hào trưởng, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng, tổ tiên Lý Bí là người phương Bắc, dân chạy loạn sang đây từ thời Tây Hán, rồi sinh con đẻ cái, sinh cơ lập nghiệp ở Thái Bình. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “...được bảy đời thì thành người Nam”. Các nguồn sử liệu chép rằng, ngày thường Tiêu Tư thường “chính lệnh” hà khắc, khi lâm trận bị Lý Bí đánh tơi tả thì bộ dạng “chân đứng không vững”, toàn thân nhũn như bùn đất...

Trong quá trình điền dã ở làng Cổ Trai, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm được nhiều tài liệu thành văn và bất thành văn tái hiện nhiều chi tiết trận đánh quyết định vận mệnh thắng thua giữa nghĩa binh do Lý Bí chỉ huy với quân đội đô hộ của nhà Lương do Thứ sử Tiêu Tư làm quân chủ ngay tại ngã ba Tuần Vường (cửa Tuần Vường, cửa sông Trà Lý nối với sông Hồng, địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà và Hồng Lý, huyện Vũ Thư). Truyền ngôn rằng, khi được tin Lý Bí tập hợp đồng minh mưu sự chống lại nhà Lương, Thứ sử Tiêu Tư cùng phó tướng Ô Sát đem quân đến vùng Cổ Trai - Hậu Thượng đàn áp, Ô Sát tiên phong đi đầu liền bị Lý Bí dụ vào bến Hợm rồi tung quân ra chặn đánh từ mả Nẻ, mả Nhơi, mả Hơi, mả Gai, mả Cầu, mả Nhổi và đầm lá Sen, sông cửa Phù... Ô Sát không kịp trở tay bị Lý Bí chém rơi đầu. Dù biết là đối thủ không đội trời chung nhưng Lý Bí vẫn sai quân sĩ đem thủ cấp của Ô Sát mai táng chu đáo, nơi ấy được gọi là gò Ô Sát. Thứ sử Tiêu Tư nghĩ có Ô Sát đem quân chủ lực truy sát Lý Bí thì cầm chắc bắt được Lý Bí, nào ngờ thế trận lật ngược, sợ quá Tiêu Tư phải chui xuống cống nước để tránh gươm giáo và tên bắn của nghĩa quân Lý Bí, nơi đó dân gian gọi là cống Tiêu Tư.

Thất bại thảm hại nhưng Tiêu Tư không dừng dã tâm tiêu diệt nghĩa quân Lý Bí, hắn sai người về phương Bắc xin chi viện. Được cấp báo, nhà Lương sai thêm quân đội và cung cấp lương thảo ùn ùn xuống Chu Diên, tiến đánh nghĩa quân Lý Bí. Chúng đi theo đường sông vào cửa Đông ngược lên đánh úp nghĩa quân. Lý Bí chỉ huy nghĩa quân theo đường nhánh sông nhỏ Phù Đông ra Thâm Động (nay thuộc xã Hồng Minh) rồi vượt sông Tiểu Hoàng (sông Trà Lý) sang hữu ngạn tạm lánh vào đầm Dạ Hương, Dạ Thanh (nay là thôn Thanh Bản và Phương Tảo, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư). Tiêu Tư truy đuổi nhưng không bắt được Lý Bí. Nghĩa quân bí mật đưa Lý Bí rút lên vùng Long Biên, Triệu Quang Phục quay lại Kẻ Giai (nay thuộc xã Hồng Minh) củng cố đồn lũy sẵn sàng chi viện cho đồn lũy của nghĩa quân ở hương Màn Để (nay thuộc Song Lãng, Vũ Thư).

Dân gian có câu ca: “Trăm cửa bể phải nể cửa Vường...” có lẽ cũng từ thời nhà Tiền Lý bởi sau trận chiến giữa nghĩa binh với quân chủ lực châu thành ở cửa Vường, tướng nhà Lương là Ô Sát bị chém đầu, quân chủ lực của phủ đô hộ nhà Lương đã tập kết bất ngờ đánh úp nghĩa binh của Lý Bí nhưng cũng không sao giành được một mảnh đất nhỏ làm căn cứ. Chúng đành lui binh. Mùa xuân năm Tân Dậu (541), Lý Nam Đế xuống lệnh các nơi đồng loạt khởi nghĩa, dân cư vùng nào nổi lên vùng ấy cùng đồng lòng chiến đấu, cuối cùng đã đánh đuổi hoàn toàn giặc Lương ra khỏi bờ cõi.

Lý Thiên Bảo tập hợp quân từ cửa Đại Bàng (Thái Thụy nay) sang cửa Diêm Hộ ngược dòng Diêm Hộ hội với tướng quân Trương Chấu ở vùng sông Cô (nay thuộc các xã An Quý, An Vũ, huyện Quỳnh Phụ) lên vùng bãi Đông Châu cùng các tướng Đinh Ninh, Đinh Minh ở vùng Hà Côi (Quỳnh Phụ nay), Mạt Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên) thẳng tiến ngã ba Đà Lỗ (A Lỗ, cửa sông Luộc). Tại căn cứ Bố Hải Khẩu (nay thuộc địa phận phường Kỳ Bá, Trần Lãm và một phần phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), Lý Triệu Long tập hợp binh sĩ vùng Đại Lai, Nhân Thanh, Đoan Túc, Đồng Thanh, Phú Lạc, Tri Lai tế cờ ở Nhân Thanh, các tướng Lê Ngọ, Lê Điện, Lê Á, Lê Vương Vị, Lê Mộc Hoàn đem binh sĩ “cửu đồn” hợp với nghĩa binh của Triệu Bá ở Tống Thỏ kéo ra cửa Cát Vàng thu dung thuyền nan của dân chài thần tốc tiến quân lên cửa Vường, Lý Bí và Triệu Quang Phục đem quân đồ Thần Hậu, Kẻ Giai, Màn Để và dân binh các làng Hữu Lộc, An Để, Phương Tảo, Đồng Lại, An Tuần, Thượng Hộ, Gia Lạc... đại hội binh tướng tại cửa Vường.


Quang Viện

Phan Trung Lâm - 1 năm trước

Xin tác giả cung cấp thêm nguồn thông tin về Lý Triệu Long và Lý Thiên Bảo trong bài báo này. Đình làng Phú Lạc tôn hai vị này làm thành hoàng nên tôi rất quan tâm.

Tải thêm