Thứ 5, 05/12/2024, 09:20[GMT+7]

Vành đai cát cứ

Thứ 2, 09/08/2021 | 08:53:06
3,517 lượt xem
Sử cũ ghi: Trần Lãm là Tiết độ sứ cửa Bố giữ vùng Bố Hải Khẩu (nay là khu vực các phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình), xưng là Trần Minh Công. Ngô Nhật Khánh xưng là Ngô Lãm Công chiếm Đường Lâm, Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công chiếm Đỗ Động Giang..., mỗi tướng một huyện, quận, chiếm giữ lấy đất tự quản và tranh chấp địa giới. Sử gọi là loạn 12 sứ quân.

Phía Nam cầu Độc Lập (thành phố Thái Bình) - địa danh Bố Hải Khẩu xưa.

Theo các nguồn khảo luận, sau chiến thắng Bạch Đằng 938, Ngô Quyền lên làm vua. Năm 944, vua băng hà. Lợi dụng tình thế rối ren, Dương Tam Kha (cùng Dương Đình Nghệ) chiếm ngôi. Nam Sách vương Ngô Xương Văn (con thứ Ngô Quyền) cùng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đánh úp Dương Tam Kha, khôi phục Ngô Vương triều, đón Thiên Sách vương về cùng làm vua. Khi Thiên Sách vương mất, Nam Tấn vương mới làm chủ, đem quân đi đánh dẹp nhưng không may bị tử trận. Ngô Xương Xí (con Thiên Sách vương, cháu Nam Tấn vương) không giữ nổi cơ nghiệp. Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để giữ đất cát cứ, sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân. Cương vực sứ quân Trần Lãm cai quản ngày ấy bị chia thuộc. Thực tế, đất đai khu vực Hưng Nhân, Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà), Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng) thế kỷ VIII - IX vẫn thuộc về Châu Đằng. Quan thân vệ Phạm Phòng Ất thấy lòng dân không còn thuộc về nhà Ngô bèn về quê tự giữ lấy châu huyện. Ngoài thành trì Cát Đằng ở Hưng Yên còn có các đồn luỹ làm phòng tuyến để bảo vệ vùng Cát Đằng (cạnh phố Hiến) như cửa Triệu, Kiền Kinh, cửa Chùa, bến đò của Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Minh, Trịnh Khang (nay thuộc địa phận xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà). Trần Lãm xưng là Trần Minh Công chiếm Bố Hải Khẩu. Nhân dân vùng Bố Hải Khẩu vốn có truyền thống đấu tranh đòi tự chủ rất sớm. Từ khởi nghĩa của Dương Thanh (820 - 835) nhân dân Bố Hải Khẩu đã đấu tranh giành tự chủ. Câu đối ở đền thờ Trần Lãm còn ghi lại: “Từ Bắc thuộc dĩ lai Bố Hải kỳ hương tứ chúng vô Đường trường kỳ kính cổ/Kế Ngô thời nhị hậu Kỳ Bố Trần cứ thập phương tự chủ khai quốc xưng vương”. Nghĩa là: “Từ Bắc thuộc xưa trai gái, trẻ già vùng Kỳ Bố không chịu thuần phục nhà Đường. Thời Ngô Quyền, Kỳ Bố có Trần Lãm hùng cứ, mười phương trong nước tự chủ, mở nước xưng vương”.

Theo tư liệu điền dã và truyền ngôn, Kỳ Bố bấy giờ như kinh đô miền Đông có đủ thành lũy, có đủ 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc. Cho xây chùa lớn ở trung tâm gọi là “Trung Kinh tự” (chùa đã bị bom Mỹ phá hủy), còn một cổng tam quan và cây đa đại thụ (nằm trên đường Lê Quý Đôn, đoạn giữa phố Hai Bà Trưng và Lê Lợi), được xác định là phủ trấn Đông thời xa xưa. Phía Nam dựng chùa Thánh Nguyên, ngay cổng Tiền, nên gọi chùa Tiền, nay thuộc phường Kỳ Bá). Cổng Tây để cho quân đóng doanh nghỉ ngơi sau mỗi lần giáp trận, gọi là khu An Tập. Bên kia sông, sát với “Bồ Xuyên hữu” và “Kỳ Bá hữu” cho dựng quán “Cầu Nhân”, “Cầu Nghĩa” để chiêu mộ hiền tài (nay thành địa chỉ làng Cầu Nhân, xã Đông Hòa, thành phố Thái Bình). Sử cũ chép: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối bèn cùng với con là Đinh Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng mới nhận con nuôi, ưu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân”. Khi tuổi cao sức yếu ông đã giao binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Để thử trí lực của con nuôi, Trần Lãm sai Bộ Lĩnh đắp một gò lớn ở phía Tây thành để làm đài quan sát. Đinh Bộ Lĩnh trong một đêm quật lập được một đàn lớn cao 1 trượng (4m), dân gọi là đống Bo. Cùng theo về với Đinh Bộ Lĩnh còn có Lê Hoàn và Lưu Ngữ. Sau Lưu Ngữ đến định cư ở Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà nay. Được Trần Lãm cử làm tướng, Đinh Bộ Lĩnh gắng công luyện binh, ông cho xây dựng một căn cứ thủy quân lớn trên đất ở phường thủy cơ Lạc Đạo (nay thuộc khu Lạc Đạo, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), nơi thuyền của Đinh Bộ Lĩnh neo đậu được gọi là xóm Đồng Bến, khu Lạc Đạo.

Thời ấy họ Bùi ở làng Đồng Thanh (xã Tân Bình, thành phố Thái Bình nay) có nho sĩ Bùi Quang Dũng, gốc người Phong Châu, thành đạt tại ấp Hàm Châu (thuộc Kỳ Bố Hải Khẩu), văn tài, võ giỏi. Các sứ quân Ngô Xương Xí, Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc đều ngưỡng vọng rước làm quân sư, ông cho là chưa phải chủ, chưa gặp thời, vẫn lều cỏ đọc sách. Khi Bộ Lĩnh đến với Minh Công, hổ tướng gặp hiền thần, thế thiên hạ đã rõ, đại cục đã định, Bùi Quang Dũng liền vào ra mắt, dâng kế sách bình thiên hạ được Đinh Bộ Lĩnh tin dùng. Đinh Bộ Lĩnh liên kết với 4 thổ hào họ Đinh là Đinh Dương Xã, Đinh Uy Linh, Đinh Đại Mộc, Đinh Bắc Phương ở làng Phù Lưu (nay thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng), ban cho thảo ấn, gươm báu, cho lập các đồn Phù Lưu, Trại Bắc (xã Đông Sơn), Cổ Dũng (xã Đông La) thành chiến lũy hùng cường, che chắn cửa ngõ Châu Đằng lại kết duyên với Đậu Tỉnh (em ruột Đinh Dương Xã) để liên kết hai nhà, thề cùng sinh tử vì đại nghĩa, thanh thế miền Đông rần rần. Xa hơn về phía biển, Bùi Quang Dũng thu phục được các tướng Đinh Thành, Đinh Lang, xây dựng căn cứ ở Quang Lang, hương binh các làng Vạn Xuân, Bình Lạng, Hoa Diêm, Hổ Đội (nay thuộc thị trấn Diêm Điền) đều dựng lũy, lấy Quang Lang làm chính đồn để chế ngự biển, từ đó uy danh vang dội.

Một lần Bùi Quang Dũng vây hãm anh em họ Trịnh, bị đích thân Phạm Phòng Ất cho quân vượt sông Luộc bao vây trở lại. Quân Tam Nông từ chiến lũy đánh ra, quân Phạm Phòng Ất từ cửa Nham Lang (nay thuộc xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà), cửa Hà Nam đánh vào, đại quân do Lê Hoàn chỉ huy tan tác. Tương truyền Lê Hoàn chạy đến làng Kênh (Đô Mỹ kinh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà) phải vất mũ lại để nghi binh, Phạm Phòng Ất lại truy gấp, Lê Hoàn phải treo chiến bào ở làng Nếnh (thôn Ninh, xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà) vẫn bị truy đuổi, chạy ngoặt về Đô Kỳ lại bị chặn đánh, đành bỏ ngựa, vạch bãi lau, gai rú mà chạy. Đang lúc nản lòng, gặp người họ Đặng làng Tạ Xá đón vào làng. Đặng Công là bậc anh tuấn, từng đấm chết hổ khi hổ vào nhà vồ nghé, sức ông đánh nổi 100 người, cắp nổi bò nhảy qua mương, một ngày cuốc được ba sào đất ải, dân mến gọi là chàng “bò đen”, tuy ít mưu nhưng dũng mãnh. Họ cùng dân ấp mưu việc khôi phục binh lương. Từ đấy Lê Hoàn đem sứ điệp của Trần Minh Công và Đinh Bộ Lĩnh đến các ấp An Thọ, Đông Thịnh, Phú Thọ, Vĩnh Tiến (tổng Xích Bích, nay thuộc các xã giáp ranh hai huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ), Đô Mỹ Kinh, Đún Ngoại, Kênh, Mải, Ninh Thôn, Nếnh, Ngoại Thôn, Y Đốn Kinh (tổng Y Đún) hiệu triệu dân đinh tòng quân. Hương chức, phụ lão trong vùng tranh nhau dâng trâu, rượu, trai tráng đua nhau sắm giáo mác, đầu quân. Thanh thế nổi khắp vùng, ông cất quân trở lại cửa Nông, dân Canh Nông, Hoàng Nông, Phú Nông biết không cự nổi, liền đến cửa quân xin về với Đại Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Đại quân của Phạm Phòng Ất lui về Châu Đằng giữ bờ Bắc sông Luộc. Nhân thế thắng, Đinh Bộ Lĩnh lấy tình thân của Đinh Công Trứ (phụ thân Đinh Bộ Lĩnh) cùng thân vệ Phạm Phòng Ất từng phò Ngô Vương, chủ động sai sứ đến hòa giải. Phạm Phòng Ất đem con dân cả vùng Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ (nay thuộc Hưng Yên); Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng (địa danh đời sau, nay thuộc Hưng Hà và Đông Hưng) theo về. Căn cứ của Đinh Bộ Lĩnh từ đấy mở rộng suốt từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên (địa danh hiện nay), kiểm soát hầu khắp đồng bằng sông Hồng.

"Để mở đường lên thượng nguồn sông Hồng phải chiếm được Châu Đằng, Đinh Bộ Lĩnh sai vị tướng tài năng Lê Hoàn mấy lần cất quân đánh chiến lũy Canh Nông, Đôn Nông, Phú Nông (nay thuộc xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) đều bị các tướng Trịnh Lương, Trịnh Nguyên, Trịnh Minh, Trịnh Khang... đánh bại. Do tuyến phòng thủ này vững chắc, cuối cùng quân của Lê Hoàn bị bật khỏi cửa Nông (cửa Luộc, nay thuộc huyện Hưng Hà). Bố Hải Khẩu không chỉ là địa phận phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình ngày nay mà còn trải rộng toàn bộ phía Tây Trà Lý và một phần đất phủ Thái Bình gồm các huyện Đông Quan, Thanh Lan, Thụy Anh, nay thuộc Đông Hưng và Thái Thụy."

Quang Viện 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày