Thứ 5, 05/12/2024, 09:06[GMT+7]

Nhập nội đồng điền

Thứ 2, 16/08/2021 | 09:59:56
3,622 lượt xem
Đất đai Thái Bình với 2 cửa sông lớn sông Hồng, sông Thái Bình liên tục bồi đắp nhiều thế kỷ qua tạo nên những cánh đồng bát ngát, mỡ màu phù sa. Tuy nhiên, ngoài việc kiến tạo nên bình địa, phù sa cũng nhấn chìm nhiều di chỉ thời cha ông ta mở đất ở vùng cửa sông Hồng, sông Thái Bình, việc khảo tả, kiếm tìm dấu tích cổ xưa của cha ông ta để lại “cánh cửa” vẫn luôn hé mở.

Cầu Đình Thượng bắc qua sông Tiên Hưng, dòng sông từ thuở Hùng Vương vẫn luôn là dòng chảy chứa đầy nước ngọt.

Năm 2000, tại làng Còng (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà) trong lúc đào đất làm gạch, người dân nơi đây vô tình đã đào được 2 trống đồng cổ có niên đại trên dưới 2.500 năm chứng tỏ vùng đất cổ Hưng Hà đã hình thành cách ngày nay hàng nghìn năm. Những cư dân đầu tiên đặt chân lên đất này đã cố kết với nhau để cùng chống chọi với thiên nhiên, giặc dã và dấu tích cổ còn lưu lại trên vùng đất huyện Hưng Nhân cũ (nay là huyện Hưng Hà) có 8 xá (bát xá, nơi tụ cư). Những địa danh Nham Lang (Tân Tiến), Cun (Tân Hòa), Cun và Chiềng (Thái Hưng) với kẻ Viềng là vùng đất bằng phẳng và cao ráo nhất tỉnh, tất cả đều có cao độ +1,5m so với mực nước biển. Riêng khu vực dốc Bùi và tây bến Triều Dương đạt đỉnh cao 2m, nơi đây còn là quê hương nhiều gò đống như Đức Cương, Tinh Cương, Cao Cương, Tảo Cương, bởi vậy thời Tây Hán được gọi là Đa Hương Cương. Đất này thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền và bến Triều Dương luôn là địa điểm quan trọng của nhà nước Văn Lang và nước Đại Việt.

Nhóm nghiên cứu về lịch sử hình thành dải đất “ven bờ cuối bãi” chúng tôi đã làm cuộc điền dã từ xã Canh Tân tới khu Xuân Trúc - Kiều Thạch, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà với diện khảo tả rộng hàng chục héc-ta, trên khắp bình diện giờ là ruộng lúa, bãi ngô… tìm đâu cũng thấy mảnh sành, gốm loại hình Đường Cồ. Tại miễu Đầu, miễu Mẽ và vùng đất ven “Thuần Mỹ Điện” hay còn gọi là lăng các vua Lê, khu Mẽ,  thị trấn Hưng Nhân ghi nhận dấu tích mộ gạch cổ xưa xếp thành dãy dài. Theo các bậc cao niên, trên mảnh đất này vào năm 1943 người dân đi lấy đất sét về làm “đầu rau” làm bếp đun tình cờ đã đào được một số dụng cụ bằng đồng như mũi tên, mũi tuyết, lục lạc... 

Theo thần tích, thần sắc còn lưu lại, cư dân Việt cổ từ miền trung du tới đây định cư đã mang theo nghi lễ thờ thần linh với mong ước thần linh phù hộ, độ trì cho họ an lành, có “tai” thì tai qua, có “nạn” thì nạn khỏi. Ở thôn Dương Trung (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) có tục thờ Cao Mang Đại vương, thôn Tân Giới, Tân Kỳ, Hà Lão (xã Tân Lễ) thờ Cao Hiển, Cao Quán, Cao Minh Đại vương. Phú Hà (xã Tân Lễ) thờ Thủy Tiên Công chúa. Các làng Châu, Ninh (thị trấn Hưng Nhân), An Nữ, Khuông Phù (xã Liên Hiệp) thờ Cao Sơn Đại vương. Làng Côn Cương (xã Thái Hưng) thờ Cao Minh và Mỹ Hoa bản thổ. Làng Thọ Khê, Bản, Lương Xá thờ Nam Hải Đại vương tất cả đều là phúc thần thời Hùng Vương. Kết quả điền dã so với cổ sử cho thấy, 80% “thần” được thờ phụng ở các địa danh kể trên đều có nguồn gốc lưu vực “sông Đà, núi Tản” thuộc trấn Sơn Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội) và được thờ trong các làng nội đồng, thần linh “gắn bó” với cư dân trồng lúa nước, chỉ có vài làng ven sông như Phú Sơn (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân) thờ Tam Đới Giang, Phú Hà (xã Tân Lễ) thờ Công chúa Thủy Tiên, Vũ Dương (xã Hòa Tiến) thờ Giang Khẩu. Hai làng Thưởng Duyên, Phúc Duyên (xã Văn Lang) thờ thành hoàng Vũ Thị Như Sơn (con cụ Vũ Chung) là cung phi của Hùng Vương thứ 15. Tương truyền bà được ấn phong gần 200 mẫu đất ở Phúc Duyên, nay đã cắt bớt cho các làng ven vẫn còn 120 mẫu, dân trong làng chỉ duy nhất một họ (họ Vũ). Nhiều vùng đất như làng Chép (Chiếp Đông, Chiếp Đoài, xã Hồng Lĩnh, Hưng Hà) là làng có nhiều tôm cá, lớp cư dân sông nước này cũng đã để lại tín ngưỡng thờ thủy thần. Làng An Lại (xã Chí Hòa, Hưng Hà) thờ Minh Công thủy thần, Lan Nương thủy thần, bên kia sông Trà Lý, làng Đức Hiệp (xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư) thờ Thủy Hải đại vương, Thần Long đại vương. Làng Gạo (An Nghiệp, xã Hồng An) người dân biết cấy lúa rất sớm trên cồn cao, được mệnh danh làng “Đống Gạo”. Tương truyền khoai lang được trồng từ thời Hùng Vương nên có làng “Nang”, sau này đọc chệch thành lang (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư). Điểm tụ cư ban đầu của lớp cư dân trồng trọt có thể là các địa chỉ “Bản” như Thanh Bản (Vũ Thư), Cổ Sách (Cổ Trai); Thâm Động (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) và các xá Bùi, xá Lại thuộc xã Song Lãng và Minh Lãng, huyện Vũ Thư. Giao điểm hai ngành “trồng trọt và đánh cá” đã tạo ra thị trường, xuất hiện nhiều chợ làng. Tả ngạn sông Trà Lý là kẻ Giai, kẻ Nhội (xã Hồng Minh); hữu ngạn là kẻ Búng (xã Việt Hùng)… Có hiện tượng thờ phụng thần linh thuỷ thần này bởi đất đai nơi đây sớm được khai phá, cư dân trồng lúa đông đúc nên hầu như các xã đều ký danh tộc thị, biểu hiện buổi đầu về đây các vị tổ đều tổ chức xá thị tộc, chưa có công xã láng giềng (làng chạ) và đến tận đời sau không thấy xuất hiện các phường thủy cơ, các vạn chài nên trở thành huyện thuần nông.

Ngoài biển khơi thuộc địa phận Thái Bình ngày nay, xưa có đủ các loài chim, thú, mực, đé, ba ba nhưng những sản vật thuỷ hải sản này nhiều vô kể. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Người thời Hùng ăn cơm với canh cá”. Vì cuộc sống sinh tồn, lớp lớp cư dân thời đại các vua Hùng đã từ vùng trung du, miền núi tràn xuống khai phá miền đồng bằng, trong đó dòng dân cư thứ 2 đông đảo hơn, nhưng tới muộn hơn là cư dân Việt - Mường. Còn sách “Quảng Chí” của Quách Nghĩa Cung thời Tấn chép: “…Ở phương Nam có lúa Hổ Trưởng, lúa Tử Mang, lúa Xích Khoáng (râu đỏ, gạo đỏ, người Việt gọi là dâu đen), Ô Cánh. Đó là giống lúa hoang dã, thân ngoi cao theo mọi đỉnh lũ, bông thưa, dễ rụng quả, vỏ gạo đen”. Ngày nay một số làng Thái Bình ở làn ngòi, ruộng trũng dân vẫn cấy thứ lúa ấy gọi là lúa ngoi, hẳn có nguồn gốc xa xưa từ đó.

Theo các nguồn khảo luận, đất đai Thái Bình xưa thuộc bộ Dương Tuyền và bộ Lục Hải, do vậy hình thành hàng trăm động, xá, lạc dân ở tỉnh ta lúc bấy giờ vẫn chủ yếu canh tác theo cách “đao canh thủy chủng” theo nước triều lên xuống mà làm, dùng sức người, trâu ngựa bò dẫm ruộng rồi xạ lúa. Ở những vàn cao vốn xưa là “rừng” như ở xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà có làng Rẫy thì làm theo cách “đao canh hỏa chủng”, phát rừng cây, đốt nương, làm rẫy. Làng An Nhân, xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà theo truyền ngôn làng xưa là đống Mế (cách gọi kính trọng của người dân với quốc mẫu Hoàng Thị Mầu, thân mẫu sinh ra Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục sở hữu đất này cho dân cấy cày), sau đổi thành làng Rẫy. Đất đai được sông bồi đắp phù sa nên màu mỡ, tơi xốp có thể trồng lúa xen lẫn hoa màu. Các di vật khảo cứu cho thấy, thời Hùng Vương đã có các cây họ đỗ, bầu, bí, dưa hấu, khoai... trồng trên đất Thái Bình, cũng có những làng chuyên trồng loại hoa màu đó hoặc nổi tiếng như làng Khoai (An Khoái, Thống Nhất, Hưng Hà), làng Đậu, làng Đỗ huyện nào trong tỉnh cũng có. Ngoài trồng lúa, cây màu, nghề trồng dâu, nuôi tằm, nghề trồng mía, đặc biệt là trồng dâu, nuôi tằm đã phát triển không chỉ ở các bãi ven sông mà còn ở những vùng cao trong nội đồng.

Theo các tài liệu khảo cứu, sự kiện biển thoái sau lũ Phơsêraêian (cách ngày nay 6000 - 4000 năm) trùng khớp với huyền thoại: Lạc Long Quân lấy tiên nữ Âu Cơ, sinh một trăm con, chia 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển cùng nhau mở đất. Đó là chuyện của giai đoạn khảo cổ cuối thời đại đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng ở vùng cửa sông đã có cư dân. Lớp cư dân tiếp cận với vùng châu thổ nam sông Luộc đầu tiên là tộc Đãn và những dân chài thuộc hệ Nam Á, họ giỏi đóng thuyền, chèo thuyền, đánh cá. Bờ bãi Thái Bình “hồi ấy” còn thưa vắng người, rừng ven biển là nguồn cung cấp “củi lửa”. Sông Trà Lý, sông Cô, sông Tiên Hưng là dòng chảy chứa đầy nước ngọt.

Quang Viện


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày