Thứ 5, 05/12/2024, 02:49[GMT+7]

Dư vị làng chèo

Thứ 2, 06/09/2021 | 10:18:08
3,457 lượt xem

Chiếng chèo làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng).

Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm, quê làng Phúc Khê (nay là xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy) viết lời đề dẫn cho cuốn sách: “Hý phường phả lục”, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, quê Nam Định (bạn đồng khoa, đồng triều với Thượng thư Quách Đình Bảo) viết phần lịch sử. Phần giới thiệu về lịch sử chèo, ông viết: “...nó (chèo) không sinh ra từ một thời, không nẩy ra từ một người tiên kế hậu thừa, liệt thánh theo nhau vạch đường. Trừng ác, khuyến thiện cùng một tâm cơ”. Quách Hữu Nghiêm tôn những nghệ nhân mở mang, phát triển vốn (chèo) cổ là các “liệt thánh”.

Làng Khuốc còn gọi là Cổ Khúc, nay thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng. Thời Trần, làng mang tên Khúc Thủy, tức là “nước lượn vòng”. Thuở lập làng, cư dân sống trên những gò đống bao quanh một vụng lớn, sau này, Khuốc thành một làng to, đông dân, lắm ruộng, kinh tế, văn hóa phát triển. Làng Khuốc có nhiều người khoa cử thi đậu nhất nhì trường nổi tiếng hay chữ về làng dạy học như các vị Phạm Văn Khang, Phạm Văn Luận, Đặng Văn Thỉnh, Cao Kim Trác, Cao Kim Phượng...Cư dân nhiều dòng họ về đây tụ hội nhưng đáng nói nhất vẫn là những dòng họ có thế lực như: Cao, Quách, Phạm, Hà... Dân làng Khuốc có tiếng hiếu học, giao lưu rộng, được triều Nguyễn sắc phong “Mỹ tục khả phong” và đến thời Bảo Đại được gia phong “Thuần phong Mỹ tục”. Các cụ cao niên trong làng kể lại, khoảng giữa thế kỷ XIX, truyền ngôn làng Cổ Khúc có phường chèo ông Trùm Điều. Tuy có mấy kép: Kép Kiều, Kép Chỉnh, Kép Huy, Kép Duyệt, Kép Quát kéo nhị, thổi sáo cùng một số người đánh trống gõ thanh la nhưng phường cũng có hai trò được bà con làng xóm và cả mấy làng lân cận rất khen đó là trò Trương Viên và trò Lưu Bình Dương Lễ. Kép Trác vốn thư sinh thi đậu nhị trường vừa dạy trẻ làng bên học chữ Hán kiêm nghề bốc thuốc, khi diễn chèo, nhập vai thư sinh rất tốt. Cuối đời cụ Trác, sản nghiệp kha khá, sẵn tính thích văn nghệ lại học hỏi rộng, cụ Trác đứng ra hỗ trợ phường hát chèo trong làng, sắm thêm đồ nghề diễn xướng, tuyển thêm nghệ nhân, tu chỉnh bản trò cũ, tìm thêm trò mới. Cứ thế, chèo Khuốc phát triển.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn có chép một chuyện thực về vợ chồng người phường chèo ở Sơn Nam như sau: “Một người phường chèo, vợ có nhan sắc, người khách buôn phương Bắc trông thấy liền bỏ tiền của ra dụ dỗ vợ chồng người ấy xuống thuyền ca hát, nhân đấy cho người chồng uống rượu say, rồi đem người vợ giấu ở dưới cột buồm, bắt miệng ngậm nhân sâm để khỏi tắt thở. Khi người chồng tỉnh rượu, không thấy vợ, hỏi thì người lái buôn nói dối là “đã lên bờ từ trước rồi”. Người chồng tìm khắp nơi không thấy bèn làm đơn tố cáo ở cửa doanh. Lê Đình Kiên làm trấn thủ Sơn Nam lúc đó, sai người tìm kiếm trong thuyền không thấy bóng dáng đâu cả lại sai viên thuộc là Dung Vũ đem lính đi tìm. Người khách buôn hùng hổ, tuốt gươm quát to lên rằng: “Nếu không tìm được, ta sẽ giết ngươi”. Dung Vũ sức lực to lớn, xông thẳng đến ôm chặt lấy và giật phăng lấy thanh kiếm, rồi mắng người khách lái buôn rằng: “Mày muốn kháng cự việc quan à?”. Sau đó, Vũ bắt trói ba người giải nộp quan. Đình Kiên sai giam riêng mỗi người một nơi, đem hết đồ tra tấn ra để uy hiếp nhưng bọn kia vẫn không thú nhận. Đình Kiên bàn, trước hết đem hai người khảo đả thật đau, còn một người nữa thì cho đứng ngoài sân xa xa trông thấy. Khi khảo đả 2 người xong, cho lôi ra chỗ khác, bấy giờ mới cho giải người thứ ba vào mắng rằng: “Bọn kia đã chiêu xưng rồi, lời cung chứng cứ đủ cả đây, mày còn giấu giếm chối cãi à?” vừa nói, vừa cầm vờ một tờ giấy bảo cho người này biết, lập tức người này mặt mày tái mét, tâm trạng hoang mang sợ “mất mật” mà khai hết. Đình Kiên sai bắt giải về thuyền, tìm ở dưới cột buồm, quả nhiên thấy vợ người phường chèo, liền trao trả cho người ấy và phạt người khách buôn phương Bắc 70 dật bạc. Người ta đều khen Đình Kiên là người khéo xét kiện”. Thời kỳ cận đại ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều ban hát không chuyên, thường thường vai đào vẫn phải dùng nam giới đóng giả. Câu chuyện về hai vợ chồng người phường chèo ở trên, chứng tỏ nghề hát chèo ở trấn Sơn Nam lúc ấy đã rất thịnh đạt.

Năm 2016, nghệ nhân chèo làng Khuốc là Hà Quang Tiết được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tôi có dịp về gặp gỡ và chúc mừng ông, nghe ông kể chuyện nghề. Tò mò, tôi hỏi thêm ông về một bản vài bản chèo vẫn được lưu diễn trong dân gian như Quan Âm Thị Kính, Thị Mầu lên chùa... Ông kể, cụ cố Hà Quang Bổng, thân phụ ông từng nói với ông về bản chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, vở diễn say như “điếu đổ” bao tao nhân, mặc khách ấy vẫn được các bậc tiền nhân trong làng truyền dạy và đã thấm đẫm âm hưởng chèo Khuốc chính gốc là “Quan Âm tân truyện” in bằng chữ Nôm, hoàn toàn không có lời tựa, lời dẫn nên ngay “các cụ” gạo cội làng chèo cũng không thể biết rõ tác giả của vở diễn Quan Âm Thị Kính là ai. Theo các tài liệu khảo cứu, năm 1957, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Đàn đã viết bài giới thiệu và chú thích “Quan Âm Thị Kính”, bài viết có phân tích nội dung truyện, tác giả cũng “mạnh dạn” đặt giả thiết về niên đại xuất hiện của truyện, nguyên văn như sau: “Ức đoán rằng tác phẩm này có thể xuất hiện vào thời Lê mạt, Nguyễn sơ...”. Một số học khác như Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong và Nguyễn Đổng Chi viết “Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam”, quyển III, đã đặt “Quan Âm Thị Kính” vào loại “Tác phẩm khuyết danh” và xếp ở thế kỷ XVIII. Đến năm 1962, trong cuốn “Lược truyện các tác gia Việt Nam” in lần đầu của nhóm Trần Văn Giáp (chủ biên), Tạ Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng và Đỗ Thiện đã tiến thêm một bước ghi tên tác giả truyện Nôm “Quan Âm Thị Kính” là Đỗ Trọng Dư, người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại (sau là phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Nghệ nhân chèo Hà Quang Bổng vốn là một nhạc công nổi tiếng của chiếu chèo làng Khuốc, ông từng gia nhập quân đội năm 1946 rồi trở thành nhạc công xuất sắc trong đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, ông từng được đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô cũ... Nghệ nhân ưu tú Hà Quang Tiết cho biết, dòng họ Hà ở làng Khuốc tuy không phải dòng họ thế lực nhưng các cụ rất trọng văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật chèo. Cụ ông Hà Quang Bổng say chiếng chèo nên mời thầy về dạy tại nhà, trong đó có vở Quan Âm Thị Kính. Nghệ nhân Hà Quang Tiết là con lớn của cụ cũng học mót được ít ngón nghề. Lớn lên, âm hưởng chèo làng bám riết lấy ông. Năm 1953, ông gia nhập quân đội, trong quân ngũ, thỉnh thoảng đơn vị diễn văn nghệ, ông tham gia nhiệt tình, những điệu chèo cổ ông học được lúc còn ở làng, diễn vui ai nấy đều thích. Đến năm 1956, ông xuất ngũ về địa phương. Về chưa nóng chỗ, ông đã tìm người gióng dựng lại đội chèo. Đội chèo làng Khuốc lại hàng đêm tập luyện và biểu diễn dưới ánh trăng tại sân nhà ông, bởi đất nước lúc đó còn chiến tranh, kinh tế nghèo nàn nhưng lời ca, điệu đàn, tiếng trống chèo thúc giục làm xốn xang cả làng quê nhỏ bé. Nghệ nhân ưu tú Hà Quang Tiết là người chịu ảnh hưởng trực tiếp vốn âm nhạc của chèo từ thân phụ và đặc biệt từ lúc còn nằm nôi, âm hưởng của chèo Khuốc đã ngấm vào huyết quản của ông qua lời ca của thân mẫu và những người con khác của làng chèo này. Có điều, mọi người say hát chèo, diễn chèo, còn thân phụ ông, cụ cố Hà Quang Bổng và ông cùng lớp con cái của ông đều chọn chèo làm “nghiệp” nhạc công đàn, nhị để theo đuổi hết cuộc đời, để rồi được say sưa, ngất ngây với những cung bậc âm thanh vốn có từ lâu đời truyền lại, sắc thái riêng của chiếu chèo làng Khuốc.

Truyện Nôm “Quan Âm tân truyện” được các nghệ nhân chèo chuyển thành vở diễn Quan Âm Thị Kính khẳng định một điều những truyền ngôn dân gian là kênh phổ biến rộng rãi truyện thơ Nôm, điều đó càng củng cố thêm quan điểm quần chúng nhân dân ở các làng quê Thái Bình nói chung, làng Khuốc, xã Phong Châu nói riêng là những người “chiếm lĩnh văn học thành văn” bằng tiếng Việt và văn tự Hán Nôm. Theo nhà nghiên cứu Phạm Đăng Duật, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, một số truyện thơ Nôm được dân gian hóa thành chèo đã xóa mờ ranh giới của truyện cổ tích như kịch bản chèo Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ...

Quang Viện 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày