Thứ 5, 05/12/2024, 02:51[GMT+7]

Thủy nguồn ân nhân

Thứ 2, 27/09/2021 | 08:39:47
2,735 lượt xem
Những người dân từ nhiều miền đất di cư đến vùng đất hạ lưu sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, Diêm, Diêm Hộ... phải thích nghi với môi trường sông nước, muốn tồn tại, họ phải đối mặt với bão, lũ. Môi trường sống ẩm thấp vì xung quanh là nước nhưng nhờ nước mà có nhiều tôm, cá giúp họ bảo đảm cuộc sống. Và cũng vì sông ngòi chằng chịt nên nước (nước sông, ngòi, ao hồ) vừa là nguồn thủy sản phong phú nhưng cũng là “thủy tặc, thủy quái” luôn rình rập, đem theo nhiều ẩn họa cho người dân bên bờ sông nước. Nước là “ân nhân” và đôi khi cũng thành “thủy thần” nhập thế nên ở tỉnh ta, miếu “Long thần” nhiều hơn lầu “Thổ địa”, thần Hà Bá, Long Vương... nhiều hơn thần núi và các đền đài tiêu biểu đều gắn với Long thần.

Sông Bơi, bến Ngự - dấu tích cổ xưa của làng Lại Trì, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương gắn với tục bơi chải từ ngàn đời vẫn được duy trì đến ngày nay.

Thuở xa xưa, đất đai Thái Bình ngập trong biển nước. Bằng chứng qua câu chuyện truyền ngôn kể về núi đất trời ban ở huyện Trực Định (còn gọi là Chân Định) thuở hồng hoang. Chuyện kể rằng, “ngày xửa, ngày xưa”, ở ấp phía Đông làng An Bồi có con gà rừng tu luyện vạn năm thành thần (kê tinh) ngụ ở động Kim Kê (tức làng Kim Kê, sau đổi thành làng Bích Kê, huyện Trực Định, nay là thôn Bích Kê, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương) thấy trời tạo núi Yên Bồi (phía Đông Bắc là núi Yên Phụ, Hải Dương), phá mất huyệt mạch, long thủy, gà sợ gáy mất thiêng liền tính kế để phá. Giờ Tý, Kim Kê (gà vàng) tỏa ánh hào quang và gáy ran. Mới quá nửa đêm đã thấy có gà gáy rộ, trời rực sáng phía Đông, quân tướng nhà trời cho là đã sang ngày mới, sợ lộ thiên cơ liền bảo nhau lui quân... Vì thế núi đất An Bồi mới cao được vài ba trượng. Về sau Ngọc Hoàng biết chuyện nhưng việc đã rồi, không đắp tiếp núi Yên Bồi nữa thành ra núi đất An Bồi chỉ cao vậy mà thôi.

Những người “có chữ” ở làng Lại Trì, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương cách làng Bích Kê “một sải cánh chim bay” cho rằng: Chữ “Trì” nghĩa là sông nước, là ao hồ… “Lại Trì” có nghĩa là nhiều sông, ao, hồ. Xưa, làng Lại Trì nằm trên một gò đất cao, xung quanh là nước, có một dòng nước chảy xoáy từ phía Đông sang phía Tây, nhờ đó mà dân làng có nước sạch tự nhiên dùng để đun chín thức ăn, nấu nước để uống. Có người lại bảo: làng Lại Trì giống hình con rùa (Kim Quy) từ sông Trà Lý bò lên, đầu quay về hướng Nam. Ngày mới lập làng, người dân sống bằng nghề chài lưới và cấy lúa. Nghề chài lưới đánh bắt cá làm cả năm, còn nghề cấy lúa chỉ làm vào mùa khô. Những người có công mở làng là các tổ họ Vũ, Bùi, Trần, Hà, Nguyễn. Ngày nay ngôi mộ ngũ tộc (5 họ) vẫn được dân làng  gìn giữ, tu bổ. Đồng đất làng Lại Trì khá rộng đến cả ngàn mẫu cấy lúa. Xưa, người dân trong làng đã từng có câu ca so sánh “Nhất Lại Trì, nhì Động Trung” (làng Động Trung nay là hai xã Vũ Trung, Vũ Quý, huyện Kiến Xương). Làng Lại Trì có nhiều xứ đồng, trong đó có cánh đồng “hoa Sen” rộng tới hàng vài chục mẫu, thửa ruộng nào cũng có hình cánh Sen. Người xưa đã truyền tụng về kiểu đất lạ này: “Chân Định, Lại Trì địa thế bình dị, liên hoa nhất điểm kỳ, hựu tối kỳ”. Dịch nghĩa: Địa thế làng Lại Trì thuộc huyện Chân Định (tên huyện Kiến Xương thời Lê), bằng phẳng, có một khoảng hình hoa Sen rất lạ.

Làng Lại Trì thờ Nam Hải đại vương Thục An Dương Vương, Quốc sư Dương Không Lộ và thân mẫu của người, làm thành hoàng. Việc thờ Nam Hải đại vương là gắn với nghề sông nước của dân làng thuở ban đầu, còn việc thờ Quốc sư và thân mẫu của người được kể rằng: Thân mẫu và Quốc sư Dương Không Lộ lúc còn hàn vi làm nghề đánh cá, một lần qua sông Bến (làng Lại Trì) thấy phong cảnh ở đây “kỳ tú” lại tiện nghề sông nước nên ở lại làng, sau khi mất dân lập đền thờ. Đền thờ Quốc sư phong cảnh rất đẹp: chính giữa cửa đền có hồ nước sâu hình trái bầu, có nhiều trái liên kết lại như dải hồ lô. Trước mặt đền có dải đất hình đàn tỳ bà, bên cạnh là thửa ruộng hình thanh kiếm, bên kia sông trước đền có gò đất hình con rùa, một dải đất hình long xà… đều chầu vào đền. Thân mẫu Quốc sư thờ ở chùa Am cách đình Lại Trì khoảng 1km. Dân gian còn nhiều ý kiến về những tồn nghi nơi thờ thân mẫu Quốc sư như có hình vỏ chấu giống một chiếc thuyền, có dư luận cho rằng đây là vật dụng của cha mẹ Quốc sư, có người lại nói đây là “di ảnh” của nghề nông, nghề trồng lúa nước truyền thống của dân làng... Cách chùa Am khoảng vài trăm mét có một phiến đá rộng hơn 3m cắm thẳng đứng trên gò. Phía đầu phiến đá có một vết lõm, giống hình ngón chân và một lỗ hổng như lỗ sỏ quai dép, phía cuối phiến đá lại có hình gót chân và một giải chéo như chiếc quai dép. Dân trong vùng gọi phiến đá đó là “chiếc dép của đức thánh”. Cách Lại Trì khoảng 3km tại làng Trình Hoàng xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương lại có một phiến đá giống phiến đá ở làng Lại Trì nhưng không có vết chéo dài, người ta bảo đó là chiếc dép đứt quai của đức thánh. Ngoài đình, đền, chùa Am xưa làng còn có văn từ (thờ Khổng Tử và tạc bia ghi tên những người đỗ đạt) đàn tư võ, đàn thiên rông… các thiết chế tín ngưỡng trên đều được xây dựng trên các gò đất cao giữa làng… Xa xưa làng chỉ có vài chục nóc nhà nhỏ, mái rạ sau dần được tu bổ khang trang đẹp đẽ, có tường hoa bao quanh, có cây cổ thụ, có hoa viên với hồ Sen tươi mát… bây giờ “đất lành chim đậu” người khắp nơi kéo về sinh cơ, lập nghiệp, dân làng đông lên, nhà cửa san sát nhau càng làm phong cảnh làng đẹp thêm.

Làng Lại Trì có sông Bơi (con sông nhỏ trong đồng, vào mùa hội bao giờ cũng có bơi chải ở đây nên dân làng gọi sông Bơi), trên bờ sông Bơi có bến Ngự (ngày hội dân làng rước Thánh từ đền Lại Trì ra ngồi xem bơi ở đây nên có tên bến Ngự), bến xưa được xếp bằng đá, nay xây dựng lại bằng bê tông cốt thép. Trước cửa đền có giếng sâu, thành giếng xếp bằng đá ong, nước giếng rất trong, xưa dân làng thường lấy nước về ăn. Truyền ngôn, làng Lại Trì ngày xưa có tới 9 giếng nước, dân thường gọi “Cửu Tỉnh”, do phong hóa và biến động thiên tai, địch họa mà hiện chỉ còn một giếng. Làng Lại Trì thường mở hội vào trung tuần tháng 9 (âm lịch), tập trung từ ngày 10 - 12/9. Dân trong vùng truyền rằng: “Nhất vui là hội Lại Trì/Đêm thì xem hát, ngày thì xem bơi”.

Hội Lại Trì không chỉ có hát, có bơi chải mà còn có các trò chơi dân gian như đánh cờ bỏi, tổ tôm điếm, tam cúc điếm, có hát xẩm, biểu diễn xiếc. Buổi tối ở sân đình có hát ả đào (ca trù). Tại chùa có hát chèo, đọc kinh, kể hạnh… Điểm đặc biệt của hội làng Lại Trì là tế và bơi chải. Dân làng Lại Trì coi trọng lễ tế bánh dày vào buổi tối. Bánh được làm rất tinh khiết, người làm bánh chú trọng từ khâu chọn gạo đến khâu lấy nước ngâm gạo nên bánh làm ra dẻo, thơm. Lệ tế bánh dày vào buổi tối nên dân làng có thời gian tham gia rất đông. Lại Trì còn là đất học, từ triều Trần đã có người nổi danh nhưng làng không ghi chép được. Thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) làng đã có người thành đạt ra làm quan. Vào thời vua Minh Mệnh (1820 - 1840) làng đã trích ra 15 mẫu ruộng làm ruộng “học điền” cho người cấy thuê lấy hoa màu rước thầy về làng mở trường dạy học.

Bơi chải là trò chơi đặc sắc của hội Lại Trì, năm nào vào hội cũng có bơi chải. Dân làng giải thích tục bơi chải gắn với nghề sông nước của Quốc sư và cũng phản ánh lễ hội nông nghiệp của làng. Cuộc thi bơi chải diễn ra suốt ba ngày, làng có 8 giáp, cứ 2 giáp 1 chải. Tiền đóng chải do nhân dân trong giáp bỏ ra, chải đóng bằng gỗ giổi, dài 14m, rộng 1m, có sức chứa 23 người (gồm một người lái, một người cầm cờ hiệu, một người tát nước và 10 đôi trai gái ngồi hai bên để bơi). Đoạn sông mà các chải dự thi dài 3km, mỗi chải bơi 3 vòng, xếp các chải về nhất, nhì, sau ba ngày cộng lại để ăn giải. Giải nhất 10 vuông lụa đào, giải nhì 5 vuông. Những ngày thi bơi, các chải đều được thưởng tiền. Ngày nay, hội làng Lại Trì vẫn duy trì thi bơi chải, ngoài các thôn trong xã còn có sự tham gia của làng bên.


Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày