Dưỡng thủy khai lộ
Bắt đầu từ bờ Nam sông Luộc, khởi đầu là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, trên gò “con Nhạn” men theo dòng Thái sư, dòng Đức Cương (sông Tiên Hưng), hòa vào dòng Trà Lý, ngang qua dòng sông Cô, xuôi dòng sông Hóa, Đào Giang, Diêm Hộ… ta gặp đất Nam Ang (xã Quỳnh Sơn cũ, nay sáp nhập thành xã Châu Sơn), huyện Quỳnh Phụ, nước lũ và nước chua mặn được hòa vào nhau thông thoát ra biển nhờ hệ thống sông ngòi dẫn lối nên khắc phục được tình trạng úng tắc, chua phèn ngập gối người đi, mùa màng thất bát, lau lác um tùm. Bằng chứng sinh động cho kết quả trị thuỷ này vẫn còn khắc khoải trong câu kiều của Nguyễn Du mà thời gian “Thập tải phong trần” lưu sinh ở nhờ quê vợ làng Hải An (nay là xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) đem lại cho đại thi hào cảm giác bâng khuâng, day dứt của kẻ sĩ sa cơ, lỡ vận, “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” khi mặt trời xế bóng thì “Cỏ áy bóng tà”. Cỏ “áy” chính là loại cỏ “lăn” theo một cách gọi dân gian, loại cỏ này thân đốt, mềm, rất ưa đất chua mặn.
Trong quá trình điền dã về dải đất ven các sông ngòi vùng Nam sông Luộc, nhiều người dân bức xúc vì tình trạng tự phát chặn dòng Thái sư đoạn chảy qua khu Ân Xá và Đặng Xá (thị trấn Hưng Nhân) làm hồ nuôi cá, đổ rác thải vào đoạn sông kế tiếp gây ô nhiễm nặng nề… Kè lấn chiếm dòng sông như ở đoạn sông Tiên Hưng chảy qua địa phận xã Tây Đô (Hưng Hà) và Lô Giang (Đông Hưng)… Nhánh chi lưu chảy qua xã Phú Lương (Đông Hưng) có gia chủ ngang nhiên đổ kè xây lấn ra lòng sông hàng chục mét khiến cho bờ sông “lởm chởm”, dòng “thuỷ lưu” bị thu hẹp gây ách tắc dòng chảy. Dòng sông là chứng nhân của lịch sử hùng oai của các thế hệ người dân bờ Nam sông Luộc trong các cuộc kháng chiến kiến quốc vĩ đại của dân tộc ta, là nguồn nước ngọt dồi dào, nguồn thuỷ sản phong phú nuôi sống bao đời, bao thế hệ người dân quê ta nay đang bị xâm hại, đang bị huỷ hoại bởi chính con người đang sinh sống và hưởng thụ nguồn lợi do chính dòng sông mang lại.
Sử sách ghi sông nước Long Hưng mà đầu mối là ngã ba sông Luộc giữ một vị trí quan trọng tại khu vực địa đầu của các lộ Đông - Nam. Từ đây thuyền chiến, thuyền buôn có thể thoát luôn ra biển hoặc từ biển xâm nhập vào nội địa để ngược lên phía Bắc hay vòng vào phía Nam bằng nhiều đường sông biển khác nhau mà thuyền không phải quay trở lại đường cũ. Khi nhắc tới miền sông nước bờ Nam sông Luộc, trong phần “Dư địa chí” của sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã đánh giá rất sắc sảo: “Bãi Xích Đằng là kho của, kho người của các đời và là chỗ xung yếu, then khóa”. Theo các nguồn khảo luận, Xích Đằng chính là khúc sông Hồng nối liền với cửa Luộc, nước từ sông Hồng chi lưu vào sông Luộc, ngã ba Luộc là nơi giao tiếp của nhiều dòng chảy và là nơi gặp gỡ của các lộ Khoái (Hưng Yên), Hồng (Hải Dương), Thiên Trường (Hà Nam và Nam Định), Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình). Các triều đại phong kiến giữ nước chủ yếu trông chờ vào các lộ này mà sử dụng quân thủy, bộ nương tựa vào nhau khai thác thế mạnh của bờ bãi, ngách sông, ngách ngòi gần cửa Luộc để giấu chiến thuyền có thể từ đó lực lượng chiến đấu của quân đội triều đình tỏa ra chặn đánh địch nhằm khóa chặt con đường huyết mạch từ Thăng Long xuôi sông Hồng xuống các lộ Đông - Nam, nơi có những cánh đồng phì nhiêu dồi dào thóc gạo và chặn đường địch lẻn từ biển vào các lộ.
Theo các nhà nghiên cứu, sông Hồng chảy từ miền núi cao xuống vùng hạ lưu qua kinh đô Thăng Long đến góc Tây Bắc lộ Long Hưng thì gặp địa hình nghiêng gấp về phía Đông tạo ra dòng chảy chi lưu gọi là ngã ba cửa Luộc. Do sức mạnh xoáy nước cộng với lượng phù sa phong phú nên dòng nước đã tạo nên nhiều bãi nổi, doi cát liên tiếp và hiểm hóc. Khu vực này thời Lý - Trần còn hoang sơ, đầy lau lách nhưng có tầm quan trọng cả về quân sự và giao thương vì gần cửa biển nên vùng đất bờ Nam sông Luộc gần ngã ba cửa Luộc được gọi là Hải Triều với cửa Hải Thị (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà). Chi lưu sông Hồng chảy vào lộ Long Hưng được gọi là Nông Giang hay Nông Kỳ và sau này là sông Luộc nằm ở phía Bắc Ngự Thiên - Long Hưng nối tiếp qua sông Hóa đổ ra biển bằng cửa sông Thái Bình ước dài trên 50km. Sông Hồng chảy dọc phía Tây Ngự Thiên (Làng Đìa, xã Hồng An và thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) được gọi là Đại Hoàng hay còn gọi tên khác là Hoàng Giang, bờ đối diện bên hữu dòng chảy là lộ Thiên Trường, sông đổ thẳng ra biển bằng cửa Giao Hải (Ba Lạt nay), đoạn này dài chừng ngót 100km. Địa hình sông cho thấy nếu nhìn từ biển vào đất liền theo đường sông thì hai đường thủy chiến lược từ cửa Giao Hải và cửa Thái Bình sẽ dễ dàng luồn sâu vào nội địa tiếp cận các lộ Long Hưng, Kiến Xương tỏa lên các lộ Khoái (Hưng Yên), Hồng (Hải Dương) ra lộ Đông để trở lại Lục đầu giang hoặc rẽ trái vào sông Ninh Cơ của lộ Thiên Trường rồi luồn qua sông Đáy ra cửa biển Đại An đi dọc xuống lộ Hoan (Thanh Hóa), lộ Ái (Nghệ An) và có thể ngược dòng sông Đáy lên phía Bắc để đi vào vùng thượng lưu sông Hồng. Cũng theo kết quả điền dã và nghiên cứu tài liệu khảo cổ cho thấy, để trở thành một địa bàn chiến lược với thế trận thủy bộ liên hoàn phục vụ lâu dài cho đường lối chiến tranh nhân dân thời các vương triều Lý - Trần thì hậu cần, hậu phương là tối quan trọng và chỉ có địa thế của lộ Long Hưng, Kiến Xương (Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương nay) mới đáp ứng đủ điều kiện cơ bản và là điều kiện không thể thiếu cho chiến lược quân sự chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, địa thế chiến lược dựa vào các dòng sông chảy qua địa phận Long Hưng - Kiến Xương cũng giúp cho thế lui binh của vương triều khi cần thiết tránh sức mạnh đang sung mãn của quân địch để bảo toàn lực lượng và vương triều khi chúng tấn công dữ dội vào quân đội triều đình đồng thời tạo thế đánh địch khi gặp điều kiện thuận lợi “chớp” thời cơ phản công đánh địch.
Sử cũ còn ghi, dưới triều Lý, lộ Long Hưng đã được các vương triều đặc biệt quan tâm, bên cạnh là lộ Kiến Xương từng được vua Lý Thái Tông về làm lễ cày tịch điền, cổ súy cho việc tăng gia sản xuất nông nghiệp vào năm 1036. Năm 1156, vua Lý Anh Tông nối gót tiền vương không quên địa thế Long Hưng, Kiến Xương liền cho xây dựng hành cung Ngự Thiên để nghỉ ngơi làm nơi an trú khi cần thiết trong thời chiến, cũng là nhằm khuyến khích phát triển nông tang, tạo nhiều lúa gạo phục vụ triều đình. Dấu tích còn lại là những điền trang, thái ấp được xây dựng, ban phát cho hoàng thân, quốc thích của triều đình vẫn còn dấu tích rải rác khắp vùng.
Sông Luộc và sông Hóa từ xưa là những dòng chảy tự nhiên, quanh co, uốn khúc. Dòng chảy xuất hiện nhiều gò đống, doi cát nên mùa mưa lũ thường gây úng lụt lớn. Việc đắp đê trị thủy sông Hồng lại đẩy sự úng tắc lên cao hơn, do vậy các vương triều đã tìm nhiều cách để khai thông dòng chảy, tạo ra các lạch nhỏ tiêu nước khác. Theo sử cũ chép, đoạn sông Luộc chảy qua địa phận hai huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ nay xưa kia chảy ngoằn ngoèo, uốn khúc nên từng có tên “Cửu Khúc”. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW