Thứ 5, 05/12/2024, 02:51[GMT+7]

Bến sông ngăn giặc dã

Thứ 2, 29/11/2021 | 08:08:39
3,216 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông đầy cam go, khốc liệt, Yết Kiêu đã từng nhận lệnh của Hưng Đạo Vương đưa đội thủy quân lừng danh dưới trướng về “náu” ở ngã ba Nông (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), đóng quân ở các bến bãi sông Cửu Khúc (đoạn sông Luộc chảy qua địa phận xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà và xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ) để làm quân “thanh viện”, đồng thời chặn đánh quân tiếp viện của giặc Nguyên Mông.

Bến đò La Tiến (nay là cầu La Tiến, địa phận xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) thời nhà Trần là sông Cửu Khúc, điểm tiếp nối huyết mạch phòng tuyến quân sự nhà Trần trên sông Luộc.

Ngoài các căn cứ quân sự lớn như Đông Bộ Đầu, Vân Đồn, Vạn Kiếp, Thiên Trường... vùng căn cứ Long Hưng - Kiến Xương - Bát Đụn Trang được nhà Trần coi là trọng yếu bởi ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông thì cả ba lần triều đình nhà Trần đều chọn Long Hưng - Kiến Xương làm điểm lui quân chiến lược rồi rút ra đường biển. Sử cũ ghi nhận, càng về các cuộc chiến thứ 2, thứ 3 với quân Nguyên Mông, quân đội nhà Trần càng thực hiện cơ động, linh hoạt và càng bám sát địa vực các lộ Long Hưng, Kiến Xương. Nơi đây không những là phòng tuyến lui quân an toàn mà còn là hậu phương vững chắc cung cấp lương thực dồi dào, binh lực phong phú và là nơi mở đầu cho cuộc tập trung quân đánh vào đồn A Lỗ tháng 5 năm 1285, tiến lên đánh đồn Đại Mang (tháng 6 năm 1285) bắt sống tướng nhà Nguyên là Trương Hiển.


Theo các tài liệu khảo cứu, để chuẩn bị hậu cần cho cuộc rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long, nhử giặc vào vùng đầm lầy, lau lách, tách địch ra để đánh, nhà Trần đã chọn Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương làm hậu cứ quân sự. Lúc đầu (năm 1258) nhà Trần mới lập được một kho gạo lớn ở A Sào, vị  trí xung yếu trong điền trang thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ). Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung rời Thăng Long đem theo thân bằng, quyến thuộc tông thất nhà Trần về Ngự Thiên tránh sự tàn sát của quân giặc Nguyên Mông. Theo “Trần triều Hưng Đạo Đại vương ngọc phả lục” cho biết “Bấy giờ nhà Trần lập một kho gạo ở làng An Hiệp, huyện Phụ Phượng...” (nay là huyện Quỳnh Phụ), chỉ một dòng ngắn gọn cũng cho hậu thế biết thời điểm quân giặc Nguyên Mông đang tiến gần tới bờ cõi nước ta, quyết định dứt khoát của các vua Trần trước nguy cơ tấn công ào ạt và tàn khốc của đội quân khét tiếng Nguyên Mông xâm lược bạo tàn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh dân chúng Đại Việt và vương thất nhà Trần. Lúc bấy giờ, dưới sự chỉ đạo của Hưng Đạo vương, không khí xây dựng căn cứ địa, đồn trại chuẩn bị chiến đấu chống giặc ngoại xâm nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Để bảo vệ hậu cứ, nhà Trần quyết định chọn sông Luộc làm phòng tuyến chặn giặc, cửa Luộc (ngã ba sông Hồng chảy vào sông Luộc, nay thuộc thôn Tân Hà, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) được chôn cọc, dựng chướng ngại vật. Lùi xa bờ sông khoảng vài chục dặm là những căn cứ lớn của nhà Trần như Đào Động (nay thuộc xã An Lễ), Tô Đê (An Mỹ), Lộng Khê (An Khê)... huyện Quỳnh Phụ đều được xây dựng thành những trung tâm tập trung quân. Căn cứ Đào Động được giao cho tướng quân Phạm Ngũ Lão dùng làm nơi huấn luyện 2 đạo quân thủy, bộ. Quá trình điền dã các xã Liên Hiệp, Tiến Đức (Hưng Hà), nhóm nghiên cứu chúng tôi ghi nhận được những địa danh liên quan tới cuộc rút lui chiến lược của nhà Trần khoảng thời gian từ năm 1258 đến 1288 như làng Triều Quyến, gồm 2 thôn Triều và Quyến (xã Liên Hiệp); Quan Hà (nay thuộc xã Hòa Tiến) là nơi vương tộc nhà Trần “sơ tán” về đây dưới sự dẫn dắt của Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Làng Quan Hà còn có tên gọi khác là làng Chúa, tương truyền, đây là nơi các công chúa nhà Trần lưu trú trong khoảng thời gian tránh giặc. Đình Ngự nằm giữa làng Nhật Tảo và Tam Đường được cho là nơi vua Trần “ngự lãm” trong lúc chờ giặc tới, phủ Đường và Ngọc Đường (nay thuộc xã Tiến Đức) là nơi các vua Trần cùng triều thần bàn bạc việc quân, bình thơ, họa phú... Cũng với kết quả điền dã khu vực phía Đông Nam, ngày nay vẫn còn những địa danh liên quan tới căn cứ nhà Trần như làng Sổ (thôn Nam Lỗ, xã Quỳnh Thọ), Đống Yên (thôn A Sào, xã An Thái), đường Quan Ngưu, đường Cổ Ngựa (xã An Đồng), đống Lá Cờ, đường Voi Phục, đường Mũi Gươm (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Riêng đồn A Sào (nay thuộc xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ) trực tiếp Hưng Đạo vương đích thân lập đại bản doanh để ông thường xuyên lui tới chỉ đạo quân đội. Dấu tích quân đội nhà Trần còn lưu lại trong đền Đồng Bằng nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình vẫn còn lưu bài thơ của tướng quân Phạm Ngũ Lão được khắc treo trang trọng, ghi dấu một thời tướng quân vâng mệnh triều đình luyện quân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến vĩ đại.

Từ phòng tuyến sông Luộc, các chi lưu chảy xuống phía Nam gồm dòng Đức Cương (Tiên Hưng), sông Hóa, sông Cô, sông Sinh, sông Diêm Hộ..., quân đội nhà Trần rải dọc triền sông để rồi gặp nhau ở làng rèn sắt Cao Dương (Thụy Dương) chuyên rèn vũ khí phục vụ quân đội, kế bên là làng rèn An Tiêm (Thụy Dân, huyện Thái Thụy). Bản thần tích đền Bến, thôn Thu Cúc, xã Thụy Hưng ghi rõ đền thờ “Trần triều hữu tướng quân linh Lý húy Nghị” và cây đa cổ thụ dân gian gọi là “cây đa bến trận”. Khảo tả cận cảnh di tích cho thấy bên cạnh sông Hóa có đền Gọc Vôi thuộc thôn Thu Cúc, xã Thụy Hưng thờ tướng quân Lý Nghị còn đền Gọc Chợ thôn Thu Cúc, xã Thụy Việt thờ “Trần triều lực sĩ tả tướng quân Ngô Đức Thuần” làm thành hoàng làng. Hai vị tướng quân đều thuộc phiên chế chủ lực của quân đội nhà Trần. Truyền ngôn, tướng Yết Kiêu từng đưa quân thủy về đồn Gọc Vôi luyện tập, ông cho đắp đập Hệ để nước dâng cao tràn vào sông Sinh giúp quân lính tập trận. Cuối chi lưu “ngó” ra biển lớn là đồn binh Bát Đụn Trang (thuộc Thụy Hồng, Thái Thụy), nơi cửa biển có những gò cao nổi lên xen lẫn đầm lầy, lau lác khiến cho quân giặc Nguyên Mông quen ngồi trên lưng ngựa, sa vào đất này không còn lối về.

Ngoài các kho đụn lớn tích trữ lương thảo như Nại (Liên Hiệp, Hưng Hà), Ngự Thiên (Hòa Tiến, Hưng Hà), Đại Nẫm (Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ), Mễ Thương (An Thái, Quỳnh Phụ), A Côi, Đa Dực, Quỳnh Phụ) còn có những kho, đụn như Phong Lẫm (nay thuộc xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy). Thời nhà Trần đây là kho lương nằm sát bờ biển thuận cho việc xử lý những tình huống nguy nan nhất. Như vậy, nhìn trên bản đồ thế trận lui binh chiến lược tránh va chạm chưa cần thiết lúc quân giặc còn rất mạnh, phòng tuyến sông Luộc và sông Hồng như một chiến hào tự nhiên có thể cản vó ngựa quân thù trước bờ Bắc sông Luộc. Bên này sông, cuộc sống vẫn yên ả, những làng nghề như Vế - Diệc (nay thuộc xã Tân Hòa, Hưng Hà) chuyên nghề mộc, dệt vải có Phương La (Thái Phương), làng Vải (Hòa Tiến), thầy thuốc và thuốc men từ Lưu Xá (Canh Tân), chiếu làng Hới (Hải Triều, Tân Lễ)... vẫn tấp nập. Trải dài xuống phía Nam là các làng nghề trồng mía (“Mụa” hay còn gọi là Võ Hạ, xã An Vũ), “gà Tò, lợn Tó” nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ; “Gọc Đồng, Gọc Đống nung vôi/Cao Dương rèn sắt nên công nhất miền” địa danh này thuộc các xã Thụy Dân, Thụy Việt, Thụy Hưng, huyện Thái Thụy... toàn bộ các căn cứ quân sự của nhà Trần kể trên được nối liền với nhau bằng đường nối các con sông chằng chịt bắt đầu từ ngã ba Nông rồi chảy vào Cửu Khúc, xuôi dòng Đức Cương, chảy ra sông Hóa, sông Cô, sông Diêm Hộ, sông Sinh... “Dĩ đoản binh chế trường trận” là kế sách quân sự do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn áp dụng thành công và trở thành binh pháp quân sự nhà Trần. Cả nước sẽ là “binh”, toàn dân xông pha trận tiền khi đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm.

Quang Viện


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày