Phù Lâm thâm viễn
Năm 2000, một nông dân ở làng Còng, xã Minh Tân, huyện Hưng Hà trong lúc làm vườn vô tình đào được trống đồng, niên đại Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Làng Còng trở thành di chỉ khảo cổ học. Cách làng Còng không xa, làng Phù Lâm (nay là làng Sâm) thuộc xã Hòa Tiến cũng có khá nhiều gò đống có tên gọi cổ xưa, chứng tỏ cả một dải đất ven sông Hồng, sông Luộc là nơi tụ cư của cư dân Việt cổ, họ men theo sông Hồng hướng về hạ lưu, tụ cư trên các gò đống cao để tiến hành các hoạt động khai thác vùng đầm lầy ven sông làm nơi thâm canh lúa nước, đánh bắt thủy hải sản duy trì cuộc sống. Thần phả, thần tích của làng Phù Lâm (Sâm) còn cho biết thêm, thế đất làng Sâm xưa kia nổi lên như hình voi phục, xung quanh làng ngập đầy lau lác, úng trũng. Tài liệu khảo cổ cho thấy các mộ gạch đầu thế kỷ I ở khu vực chùa Bùi, đồng Vôi, gò Cồn… mang đậm chất sử thi “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, có nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, rất có thể thời Âu Lạc, khu vực làng Sâm là cửa biển và câu chuyện An Dương Vương đánh mất nỏ thần để giang sơn rơi vào tay giặc, bỏ kinh thành Cổ Loa chạy ra biển, dừng ở nơi đây rồi thần Kim Quy hiện lên nói: “Giặc ở ngay sau lưng nhà ngươi…”. Cái chết của Mỵ Châu dường như vẫn còn phảng phất nỗi đau thương, oan khuất đâu đây trong tiềm thức dân gian làng Phù Lâm…
Thần tích đình làng Sâm còn ghi, đình thờ hai vị thành hoàng là Bảo Lộc và Phúc Khang, hai vị nhân thần có công lao lớn giúp vua Hùng diệt giặc, giữ nước, khi mất, hai vị được vua sách phong thần hoàng, sắc chỉ dân làng thờ phụng muôn đời. Ngoài đình, làng còn hai ngôi miếu thờ Trần Quý Đức và Khúc Tiêu Tương tương truyền cũng là hai vị nhân thần có công lao với đất nước, tuy nhiên do ghi chép còn quá ít ỏi nên “lai lịch” hai vị nhân thần chưa rõ quê ở đâu, chỉ biết rằng dân gian vẫn lưu truyền đất làng Sâm là địa phát khôi khoa. Truyền ngôn, Hội nguyên Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai (1693 - 1767) được vua ban đất dựng “dinh thự”, ông về làng Nội cắm đất nhưng dân làng phản đối, ông lại qua làng Lường “định bụng” cắm đất thì các bậc trưởng lão ra can, ông liền hỏi “đất ở đây trồng cây gì tốt”, dân trả lời “trồng cây đức”. Nghe vậy, Tông Quai suy nghĩ, hẳn dân làng có ý tứ sâu xa liền quay về làng Sâm. Làng Sâm thuở ấy úng trũng, lau lác mọc um tùm, tìm mãi mới có một chỗ đất cao khoảng “hơn chục mẫu” để dựng “dinh thự”. Từ đó, nơi ông dựng nhà có tên là xóm Dinh. Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai về quê dạy học, học trò của ông thời đó có Lê Quý Đôn thông tuệ khác người. Một lần, Hoàng giáp bận việc, đưa tiền sai Lê Quý Đôn ra chợ mua lịch “lá nhãn”. Ra chợ, Lê Quý Đôn thấy nhiều đồ ăn ngon liền lấy tiền mua lịch ra mua. Lúc no nê ra về, Lê Quý Đôn mới nhớ lời thầy dặn mua lịch lá nhãn. Ông ghé vào cửa hàng, mượn 1 lá đọ rồi nhập tâm. Về đến dinh, Hoàng giáp hỏi Lê Quý Đôn, lịch lá nhãn đâu. Lê Quý Đôn đáp gọn lỏn: Thầy lấy bút ra ghi. Trò Lê bình thản đọc hết lịch. Ghi xong, thầy tỏ ý nghi ngờ nhưng không tra khảo trò Lê, thầy đưa tiếp tiền dặn ra mua lịch lá nhãn về cho thầy. Quả nhiên, đối chiếu lịch lá nhãn và ghi chép đều trùng khớp. Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai chẳng những không giận mà còn tiên đoán trò Đôn sẽ sớm trở thành nhân tài.
Dinh thự của cụ Hoàng giáp chính là trường dạy học. Bây giờ, dinh thự không còn, con cháu cụ Hoàng giáp đã sửa sang nhiều lần, làm từ đường thờ cụ. Bức tường cũ bên trái còn bài thơ chữ Hán, không rõ tác giả: “Bách niên giáp bảng thu viên giáo/Lưỡng độ Hoàng Hoa trượng sứ mao/Tùng vịnh dư viên công bàn mạc/Danh thần di tượng đức thanh cao/Tặt tà bắt quan thương điệu nhụy/Binh đạo hàn do lạc quản đào/Phục thủy khê đầu văn phái cổ/Hồi du tổ nhập vãng thanh cao”. Ngọc phả chú giảng thêm về tính cách, con người Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai như sau: “Ông cao đại thanh trạc, tu mi phân minh, trùng phóng xích dư, thanh âm thanh lượng, ẩm thực đạm bạch, tri ư giảng tập nơi tôn, thù bất thích quyền, ẩm dạ bất quá nhất hồ, kim nhâm kiếu kỳ nhỡn như thự tinh, vô bất úy tri”. Những tác phẩm của Hoàng giáp hiện thất lạc, chỉ còn sắc phong thần của triều đình, có thể là sắc phong đi sứ bắc quốc của cụ. Dân làng Sâm vẫn kính trọng gọi Hoàng giáp với cái tên thân mật: cụ Sứ.
Các tài liệu khảo cứu cho thấy, quá trình đi sứ Trung Quốc, Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai đã thể hiện ý chí người Việt, triều đình bắc quốc phải nể trọng. Xin đơn cử giai thoại đi sứ của cụ. Một lần, triều đình bắc quốc thử tài Chánh sứ Nguyễn Tông Quai, vua bắc quốc cho đào một cái hố hình chữ rồi trải thảm lên trên che chữ đi. Khi vào yết kiến, Chánh sứ nhắc nhở cả đoàn, chân tôi bước chỗ nào, mọi người đi sau bước theo chỗ ấy. Cụ chánh sứ cứ men theo nét chữ mà bước nên không vấp ngã, vua bắc quốc nể phục. Một lần khác, đoàn viếng vương mẫu bắc quốc của nước ta sang bắc quốc, cụ Sứ lại dẫn đầu, khi vào đám, thấy bát hương chính đặt trước nhang án vương mẫu, cái này dành cho sứ đoàn Đại Việt, hương đốt nhiều làm cho bát hương nóng bỏng. Theo lệ, chánh sứ mỗi lần dâng hương phải bê cả bát, không được cắm nhang. Do hiểu kỹ phong tục, cụ Sứ đã chuẩn bị sẵn 9 vuông nhiễu trong tay áo, khi hành lễ, cụ bỏ 9 vuông nhiễu lót bát nhang, quần thần triều đình bắc quốc thán phục sự chu đáo của cụ Sứ.
Sau ngày cụ mất, dân gian gọi cụ Sứ với cái tên trìu mến: ông Nghè làng Sâm. Hiện nay, từ đường và phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Con cháu trong dòng tộc còn giữ được cuốn gia phả do duệ tôn 4 đời của cụ là Nguyễn Tông Định ghi chép. Theo ngọc phả, ông nội cụ Hoàng giáp được triều đình phong Đông các Đại học sĩ, cụ thân sinh Hoàng giáp được phong “Thiếu khanh”, chức “Huyền Chinh tử”. Như vậy, căn cứ vào ngọc phả còn lưu giữ được, Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khoa bảng.
Theo tài liệu khảo cứu, thời sơ sử Hùng Vương dựng nước, sau khi chiếm lĩnh địa bàn đồng bằng sông Hồng, cư dân miền núi mở làng, lập ấp, xây dựng nơi cư trú, những nơi gò đống như ở làng Phù Lâm thuở Hùng Vương vừa là nơi sinh trú vừa là nghĩa địa của họ. Một cách tiếp cận khác cho thấy, di chỉ cư trú trước đây của người Việt cổ cũng là nơi mộ táng của những chủ nhân nền văn minh sông Hồng. Theo liệt kê, có khoảng 60 gò đống quan trọng với người Việt cổ trên địa bàn tỉnh ta, chủ yếu tập trung ở huyện Hưng Hà, Bắc huyện Vũ Thư và Quỳnh Phụ, một phần huyện Kiến Xương. Những di chỉ khảo cổ đã phản ánh đời sống người Việt cổ khi từ miền núi cao xuống đồng bằng bỏ nghề hái lượm, săn bắn thú rừng sang trồng cấy lúa nước, thâm canh lúa nước, đánh bắt thủy hải sản, phản ảnh yếu tố nội sinh (bản địa) và những yếu tố ngoại sinh (văn hóa ngoại lai) từ đầu thế kỷ thứ II (trước Công nguyên) cho đến vài thế kỷ (sau Công nguyên). |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Nhận diện cuộc đời Huyền Trân Công chúa để phát huy giá trị di tích lịch sử 30.11.2024 | 20:31 PM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Cử tri quan tâm đến việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực phát triển
- Trên 1,3 triệu đại biểu tham dự hội nghị triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
- Bế mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá XV
- Trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 cho 36 thanh niên xuất sắc tiêu biểu
- Thông báo dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ