Thứ 4, 04/12/2024, 15:50[GMT+7]

Kỷ niệm nơi chiến trường đánh Mỹ

Thứ 2, 25/04/2022 | 08:56:52
812 lượt xem
Là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường chống Mỹ cứu nước, mỗi dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, ông Phạm Văn Nhật ở thôn Nam Hiệp Trung, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) lại dâng trào cảm xúc. Những kỷ niệm một thời chiến đấu gian khổ nhưng đầy vinh dự, tự hào lại ùa về.

Ông Phạm Văn Nhật (người đứng dưới, bên phải) cùng đồng đội bên xác máy bay địch.

Tuy đã ở tuổi thất thập nhưng ông Phạm Văn Nhật vẫn còn tinh tường, đầy chất lính. Ông kể, trong giai đoạn cả nước dồn sức chống Mỹ, năm 1967, ông Nhật xung phong vào bộ đội và được biên chế vào lính bộ binh, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 5, Bộ Quốc phòng và được bổ sung vào chiến trường miền Đông Nam Bộ với mật hiệu Q4 Đồng Nai. Từ tết Mậu Thân 1968, quân dân ta bắt đầu tiến quân vào chiến dịch trên tất cả các mặt trận, ăn tết trong rừng bằng lương khô, củ mài, lạc rang, khi thì đánh giặc thần tốc, khi thì cầm cự bao vây, đánh giặc mọi lúc mọi nơi làm cho giặc tiến không được, rút không xong. Có rất nhiều trận đánh gay cấn mà ông tham gia cùng đồng đội trong đơn vị giành chiến thắng, nhưng ông nhớ nhất khi đơn vị được phân công đánh bốt Tầm Bung, Đồng Nai; cắt quốc lộ 20B, tiêu diệt bốt Làng Ngà và tấn công sân bay Biên Hòa. Các trận đánh ác liệt giằng co giữa ta và địch nhưng cuối cùng đều làm cho địch tan rã, bối rối. Sau trận đánh này, đơn vị ông được điều sang biên giới Campuchia men theo quốc lộ 7 đánh Khơ me Đỏ ở Xa Lun. Năm 1971, quân ta giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh thu nhiều chiến lợi phẩm như xe tăng, pháo binh, tiêu diệt và bắt sống 400 tên giặc, giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh. Sau đó đơn vị ông tiến quân xuống Đồng Tháp đánh giặc ở Long Cốt, giải phóng Kiến Tường, Kiến Phong, tấn công sân bay Tắc Ních phá ấp chiến lược của giặc trên trục lộ 20, rồi tiến quân về mặt trận Tây Ninh. Từ quốc lộ 14, quân ta đánh giặc đến cửa khẩu Trại Bí, đánh tiếp về Sa Mát, tấn công sân bay Thiện Ngôn, rồi tiến đánh giặc từ Sa Lầy đến núi Bà Đen. Đi đến đâu quân đội ta cũng đánh thắng giặc một cách giòn giã. Những kỷ niệm đó ông Nhật không thể nào quên, đặc biệt là trận đánh ở sân bay Tắc Ních - Bình Long làm cho giặc tan tác chỉ trong 2 ngày 1 đêm, quân giặc tháo chạy toán loạn. Quân ta giải phóng hoàn toàn sân bay thu được nhiều súng đạn, xe tăng, pháo binh. Sau trận này, ngay hôm sau tình báo của ta cho biết: Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn cùng phu nhân chuẩn bị xuống sân bay Tắc Ních để trấn an tàn quân của chúng. Trước khi vợ chồng Thiệu đi, hắn bổ sung tướng lĩnh, quân và máy bay trực thăng đổ bộ bằng đường không, đưa quân từ máy bay trực thăng xuống cùng với tàn quân giặc hòng chiếm lại sân bay Tắc Ních. Lại một lần nữa quân ta chủ động đánh giặc ngay từ khi chúng bắt đầu đổ quân xuống trận địa. Bọn giặc bị quân ta đánh tan tác, máy bay giặc bị ta bắn rơi, phi công Mỹ bị ta bắt sống, quân dân ta thu nhiều chiến lợi phẩm. Kế hoạch của vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu bị tan rã hoàn toàn.

Kể đến đây, ông Phạm Văn Nhật đưa cho tôi xem tấm ảnh của phóng viên mặt trận chụp khi ông và đồng đội tiếp cận máy bay giặc bị bắn rơi tại chiến trường. Tuy là ảnh đen trắng và thời gian làm cho tấm ảnh không còn rõ nét nhưng đó là một bức ảnh đẹp được ông trân trọng cất giữ gần 50 năm qua, là kỷ niệm quý giá nhất của ông, lưu lại một thời là người lính Cụ Hồ tham gia chiến đấu gian khổ, cống hiến cho đất nước.

Sau trận cùng đồng đội đánh giặc ở Tây Ninh và giành nhiều chiến công, ngày 16/8/1972, ông Phạm Văn Nhật vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường Tây Ninh. Từ năm 1973 - 1975, tất cả các chiến trường miền Đông Nam Bộ, quân ta làm chủ trận địa cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trung đoàn 2 mà ông Nhật tham gia đánh giặc được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng và nhiều bằng khen cao quý. Cá nhân ông Phạm Văn Nhật được tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Phạm Văn Nhật được về cơ sở an dưỡng của Bộ Quốc phòng dành cho sĩ quan và hạ sĩ quan tại Bến Hàn, tỉnh Hải Dương. Đến đầu năm 1976, ông xuất ngũ về quê hương. Mặc dù là thương bệnh binh mang thương tật từ chiến trường, lại bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe bị giảm sút nhưng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Nhật vẫn phấn đấu vươn lên chiến thắng bệnh tật. Ở địa phương, ông là đảng viên mẫu mực tích cực tham gia công tác xã hội, được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Trong 10 năm làm bí thư chi bộ nơi cư trú, ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia chỉ đạo từ công tác đảng đến các khâu sản xuất tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Hà Văn Phượng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Hòa cho biết: Ông Phạm Văn Nhật là người cao tuổi mẫu mực, có nhiều đóng góp trong phong trào ở địa phương.

Kể lại những kỷ niệm một thời từng vượt bao gian khổ cống hiến nơi chiến trường, ông luôn dạy con cháu về truyền thống cách mạng và giá trị của độc lập tự do, răn dạy con cháu tích cực học tập phấn đấu trở thành người có ích để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bùi Minh Khang
(Đông Dương, Đông Hưng)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày