Thứ 7, 23/11/2024, 16:26[GMT+7]

Thủy thần thánh mẫu

Thứ 2, 22/08/2022 | 08:07:49
3,611 lượt xem
Trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung, người Thái Bình nói riêng, tục thờ thủy thần vốn xuất hiện khá lâu đời. Truyền ngôn thuở ban đầu xuất phát từ tình cảm thương xót của người dân ven biển đối với thân phận bi thương của Hoàng Thái Hậu nhà Tống chết trên biển trôi dạt vào bờ được các bậc đế vương phong thần hộ mệnh sông nước. Tiếp cận với biển cả và kế thừa truyền thống văn hóa của vùng đất bên bờ biển, trong đó có những vị thần biển, người dân từng bước “nhập tịch” các vị thần này vào đời sống văn hóa tâm linh của mình. Nguồn sử liệu cho thấy, cư dân Việt cổ từ miền núi cao di cư xuống vùng châu thổ sông Hồng đã nhanh chóng tiếp cận tục thờ thủy thần và hình thành tín ngưỡng thờ thủy thần thánh mẫu...

Cụm di tích lịch sử, văn hóa đền, chùa Bái Thượng, thôn Bái Thượng, xã Duyên Phúc, huyện Thái Thụy, nơi có nghi lễ thờ “Tứ vị Thánh nương”, còn gọi là “Tứ vị Đại càn Thánh Mẫu”.

Theo các tài liệu khảo cứu, các vị thần biển xuất hiện tại vùng duyên hải hoặc vùng ven sông, ven biển được các lớp cư dân thờ phụng dưới dạng thức thủy thần và sau này từng bước được “điển chế” vào thời Nguyễn (1802 - 1945). Cổ sử thời nhà Nguyễn ghi chép lại trong những lần chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã được các loài hải tộc giúp đỡ để thoát khỏi hoạn nạn. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết, việc ban cấp thần sắc cho bách thần (trong đó có thủy thần) trong cả nước chủ yếu tập trung vào các miếu Hội Đồng thuộc các dinh trấn, triều đình nhà Nguyễn đã có chiếu liên quan đến việc trừ bỏ, khảo xét và ban tặng thần sắc cho Bắc thành và các trấn Thanh Nghệ. Truyền ngôn rằng “ngày xửa, ngày xưa” vào một năm nọ, mưa to gió lớn, nước lũ tràn về, đê vỡ, làng mạc ven biển chìm trong biển nước, triều đình hô hào dân trong vùng ra đắp đê chặn lũ nhưng bao công sức trôi theo dòng nước đành lập đàn tế lễ xin thần linh phù trợ. Bỗng thấy 2 con rắn trắng nổi lên giữa dòng nước xoáy bên cạnh có bốn cái nón. Nước chảy xiết mà nón không chìm, không trôi theo dòng nước mà cứ quẩn lại đoạn đê vỡ. Dòng xoáy hẹp dần dân mới hàn khẩu đoạn đê bị vỡ… Dân gian cho rằng đó là vong linh của “Tứ vị Thánh nương” ứng nghiệm giúp dân chặn dòng nước xiết… “Tứ vị Thánh nương” được các triều đình phong kiến ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công trạng và tôn vinh: “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh Mẫu” đồng thời cấp tiền bạc xây dựng đền thờ dọc cửa biển nhờ đó mà uy danh “Tứ vị Thánh nương” trở nên linh thiêng trong tâm thức của người dân đất Việt, trong đó có người dân ven biển tỉnh nhà.

Sách “Lĩnh Nam chích quái” ghi “…một dải từ Kinh kỳ, phố Hiến đến cửa biển một thời đông vui “phú thương ngoại quốc tới buôn bán tấp nập, thờ Tiên Dung, Chử Đồng Tử làm chúa” với phố xá… các chợ làng biển. Bấy giờ, nhà nước phong kiến quy định thuyền buôn ngoại quốc và thuyền buôn các vùng trong cả nước về trao đổi hàng hóa ở vùng kẻ chợ/kinh đô phải dừng ở vùng này, cách xa Thăng Long để giữ an toàn cho Kinh đô”. Theo các tài liệu khảo cứu, nhà Tống khởi từ Triệu Khuông Dẫn (Tống Thái Tổ), trải mấy trăm năm cường thịnh, đến đời Tống Thần Tông thì suy yếu… Đế Bính để giang sơn chỉ còn vài huyện lưu vực Quảng Châu lại bị người Mông Cổ đánh gấp. Năm Thiệu Bảo thứ 1 (1279), trời báo điềm lạ, sét đánh ngang trời, sao rơi như mưa trên biển Nam Hải, tể thần Lục Tú Phu, đại tướng Triệu Trung bị vây đánh trên đảo Nhai Sơn (nay là đảo Hải Nam), Tống binh đại bại, xác ngập Biển Đông. Triệu Trung dìu Đế Bính và Thái Hậu xuống thuyền định chạy vào nước Đại Việt. Lục Tú Phu và Thái Hậu đầm đìa nước mắt than rằng: “Nước mất, nhà tan còn sống làm gì?”, đoạn Tú Phu ôm Đế Bính gieo mình xuống biển, Thái Hậu và các cung phi nhà Tống cũng lao theo tuẫn tiết. Sóng biển đánh xô bờ, xác Thái Hậu và các cung phi trôi dạt vào biển Đại Việt, dân làng trấn Nghệ An vớt được, thương xót an táng chu đáo, triều đình cho dân chúng lập miếu thờ phụng, hương khói quanh năm. Triệu Trung dẫn tàn quân 5 vạn chạy sang Đại Việt xin nương nhờ, vua Thái Tông cho nhập vào đại quân cùng tham gia đánh Nguyên Mông trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương. Khi hết trận mạc, vua Trần còn cấp đất cho cấy cày, coi như dân Đại Việt.

Truyền ngôn rằng, thuở Đại Tống bị triệt hạ, có một vị Thái giám họ Du được hầu hạ Thái Hậu nhà Tống cũng phiêu bạt tha hương. Một hôm, Thái giám họ Du nằm mộng thấy Thái Hậu nhắn rằng: “Ta đến đây báo cho ngươi biết, sau khi bọn ta gieo mình xuống biển, chị em ta được Thượng đế khen là Trinh Kiệt, sắc phong là Thiên Thượng tiên nhân để động long quân ngọc nữ hải thần. Các cửa biển Hoàn Châu đều thuộc quyền ta coi giữ. Ông là thần tử của bản triều, vốn là người trung nghĩa, nay việc đời thay đổi, lưu lạc tha hương, ông nên tìm đến các cửa biển ở Hoàn Châu của Đại Việt, sau đó tìm đến phía dưới Đằng Giang để thăm hỏi tin tức của Quý Phi. Đất ấy sơn thủy thanh tú, nhân vật phồn hoa, sau này người nước ta đến đây tụ họp không ít. Ông hãy nhớ kỹ về phận ông sau khi mất cũng có nơi nương tựa”. Theo kết quả điền dã và khảo tả di tích trên địa bàn tỉnh ta, Đằng Giang là lưu vực sông Hồng, phía trên là Hoàng Giang (đoạn sông Hồng chia chi lưu thành sông Luộc, thời nhà Trần gọi là Hoàng Giang, sông Trà Lý là tiểu Hoàng Giang). Viên Thái giám họ Du nghe theo đã tìm đến cửa biển Hoàn Châu, đến Đằng Giang, tìm về làng Bái Thượng, xã Duyên Phúc; phố Dâu, nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, người dân nơi đây kể chuyện có 4 người chết đuối trôi dạt, sắc phục như người hoàng cung, dân coi là thần nên đã vớt lên an táng, lập miếu thờ.

Quá trình điền dã nghiên cứu tục thờ thủy thần thánh mẫu, nhóm nghiên cứu chúng tôi phát hiện, trong lễ hội cụm đình, đền, chùa Bái Thượng, thuộc làng Bái Thượng, tổng An Tiêm, phủ Đông Quan (nay là thôn Bái Thượng, xã Duyên Phúc, huyện Thái Thụy) vẫn duy trì nghi lễ thờ tứ vị thánh nương (còn gọi là Tứ vị Đại càn thánh Mẫu), đây là nghi lễ độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Theo các bậc đại lão, làng Bái Thượng, thời nhà Lý (thế kỷ XI - XII) vẫn là dải đất sát Biển Đông với những đụn cát lớn nổi lên. Thời Trần vùng đất Bái Thượng nằm trong tuyến phòng thủ chiến lược của quân đội nhà Trần góp phần 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông.

Tìm hiểu về sự hiển linh của Tứ vị Đại Càn, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, đến cửa biển Càn Hải (có ý kiến cho rằng cửa Đại Bàng) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi dạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi thực hư, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về… Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)... lập đền thờ thần ở cửa biển Càn Hải, sai hữu ty bốn mùa cúng tế”.

Các sử gia và nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, xã hội phong kiến người dân tuyệt đối tin vào lực lượng siêu nhiên như thánh, thần…, vậy nên nghi thức thờ “Tứ vị Thánh nương” ở một làng quê cửa biển là lẽ thường tình; còn đối với triều đình lúc bấy giờ, biết dựa vào dân với đức tin tuyệt đối là một biện pháp chính trị khôn ngoan. Câu chuyện về giấc mơ của nhà vua về “Tứ vị Thánh nương” đến giúp xuất quân thắng trận chính là cách nhà vua muốn truyền thông điệp đến các tướng lĩnh, quân binh rằng chuyến chinh phạt này không những được bách thần trong nước phù trợ mà còn được cả các vị thần đế vương, hoàng thái hậu ngoài nước trợ giúp, tất yếu sẽ giành chiến thắng.


Quang Viện