Thứ 7, 23/11/2024, 16:25[GMT+7]

Mạch kết trường tồn

Thứ 2, 29/08/2022 | 08:03:41
6,692 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, đầu thế kỷ XIX Thái Bình vẫn là vùng đất thuộc trấn Sơn Nam Hạ gồm ba phủ: Kiến Xương, Tiên Hưng, Thái Bình. Phủ Kiến Xương chia thành 3 huyện: Vũ Tiên, Thư Trì, Chân Định, có 25 tổng, 199 làng, xã, thôn, trang, phường, sở. Phủ Tiên Hưng chia thành 4 huyện: Thần Khê, Thanh Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, có 30 tổng, 215 làng, xã... Phủ Thái Bình chia thành 4 huyện: Đông Quan, Thụy Anh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, có 29 tổng, 197 làng, xã... Điều quan trọng là thời điểm nửa cuối thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến nửa thuộc địa trung ương vẫn chưa có quyết định cho số phận vùng đất biệt lập ba mặt sông, một mặt biển thuộc trấn Sơn Nam Hạ...

Cụm di tích lịch sử đền, chùa, đình Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy.

Cuối thế kỷ XIX, cụ thể là vào năm 1890, chính quyền thực dân mới quyết định thành lập tỉnh Thái Bình trên cơ sở sáp nhập 3 phủ là Kiến Xương, Tiên Hưng và Thái Bình để dễ bề cai trị. Cũng từ các tài liệu lưu trữ còn sót lại, trong hệ thống cai trị của thực dân Pháp, cấp tỉnh là cấp cuối cùng do người Pháp trực tiếp cai trị sau cấp liên bang và cấp sứ. Đứng đầu tỉnh là viên quan được gọi là “công sứ”. Công sứ Thái Bình chịu sự điều hành trực tiếp của công sứ Bắc Kỳ. Cũng theo các nghiên cứu và tài liệu “Niên giám hành chính Đông Dương”, năm 1938 - 1939, tại Thái Bình không có công dân Pháp hoạt động kinh doanh, công thương nghiệp, chỉ có 50 người Âu châu, số quan cai trị của thực dân Pháp ở Thái Bình không nhiều.

Sẽ là thiếu nếu chỉ nhắc tới địa giới hành chính của tỉnh nhà thời cuối thế kỷ XIX mà không nhắc đến vấn đề dân số. Các tài liệu phục vụ khảo cứu về dân số tỉnh ta thời điểm cuối thế kỷ XIX được cho là “rất hiếm”. Tìm trong “Niên giám thống kê” cũng không thể hiện rõ, chỉ ước chừng năm 1928, dân số tỉnh ta vỏn vẹn có 855.825 người, mật độ trung bình khoảng 563 người/km2, đến năm 1936, toàn tỉnh có 1.027.000 người, mật độ dân số 676 người/km2. Nếu so mật độ dân số trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thái Bình chỉ đứng sau Nam Định. Tập “Niên giám minh họa Bắc Kỳ” năm 1939 cho thấy, dân số Thái Bình là 1.029.000 người. Điều đáng chú ý thông qua các tài liệu niên giám cho thấy, chỉ trong hai năm 1937 - 1938, dân số Thái Bình tăng thêm 9.000 người. Nhiều tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, sở dĩ có sự tăng nhanh về dân số tỉnh ta thời điểm 2 năm 1937 và 1938 có phần do dân nhập cư từ nhiều tỉnh miền núi và miền trung. Nhưng sau đó một vài năm, dân số Thái Bình lại sụt giảm nhanh, lý giải về điều này, các tài liệu khảo cứu cùng thống nhất là do các ngành công nghiệp dệt may (Nam Định), khai thác than (Quảng Ninh), các ngành công nghiệp khác ở Hải Phòng, Hải Dương... đã thu hút lực lượng lao động trẻ, khỏe đồng nghĩa với việc di cư tự nhiên. Một điểm đáng chú ý khác là mật độ dân số tỉnh ta đông hơn các tỉnh lân cận phản ánh thực trạng ruộng đất không đủ canh tác, nuôi sống dân cư. Theo các nghiên cứu, nếu chỉ sản xuất nông nghiệp thì lao động nông thôn sẽ dư thừa nhiều. Theo nhà nghiên cứu người Pháp P.Guru, khoảng trên 50% dân số là lao động tích cực thì trên mỗi ki-lô-mét vuông diện tích làm nông nghiệp có ít nhất 800 lao động. Cũng theo các tài liệu khảo cứu, diện tích trồng lúa của tỉnh ta hồi đầu thế kỷ XX là 118.100 héc-ta, số liệu ước tính cần khoảng 350.000 lao động, trong khi năm 1938, dân số tỉnh ta là 1.036.000  người (số liệu này được chốt trong tài liệu niên giám Đông Dương xuất bản sau năm 1938), trong đó lao động chủ lực có việc làm ổn định từ nông nghiệp khoảng 450.000 người và như vậy là có khoảng 100.000 người thuộc diện lao động dư thừa. Nếu chỉ trông chờ vào ruộng đất canh tác thì số lao động dư thừa trong các làng, xã đông dân cư càng lớn trong điều kiện các làng, xã không có nghề thủ công. Những lao động dư thừa để nuôi sống bản thân và gia đình đã phải tìm cách “bán” sức lao động của mình cho các chủ đồn điền ở tỉnh ngoài hoặc tha hương. Theo các tài liệu khảo cứu, Thái Bình vẫn là tỉnh có người Việt thuần Việt nhất, nghĩa là từ thời nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn, tỉnh ta vẫn chủ yếu là người Việt Mường, kiều dân cũng khá ít, chủ yếu là người Hoa và người Pháp. Năm 1938, toàn tỉnh có 427 người Hoa sinh sống bằng nghề buôn bán tạp hóa, bán hàng rong, trong khi có 50 người Pháp chủ yếu là vợ, con và người thân họ hàng của các quan lại người Pháp trong bộ máy cai trị của chế độ thực dân. Nhìn chung, với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, Thái Bình dù ở thời điểm cai quản của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền hay dưới thời nửa phong kiến thực dân thì sự đóng góp sức lao động và quân sĩ trong quân đội vẫn là rất lớn so với các tỉnh khác trong vùng.

Tìm trong sử liệu, thời nhà Trần (1226 - 1400), miền đất Long Hưng phát triển rất mạnh. Nhà Trần đã xây dựng nhiều điền trang, thái ấp phong cho các vương hầu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tạo ra nhiều lương thực và của cải phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại mà cụ thể là ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Trước đó, sau cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi năm 1075 - 1077, anh em Nhị vị Thái phó họ Lưu (Lưu Đàm, Lưu Ba) cùng Lý triều Quốc sư Dương Không Lộ, Thiền sư Giác Hải dâng kế sách trị thủy bằng việc đắp đê ngăn lũ thượng nguồn đổ về vùng đất ngã ba sông, chiêu tập dân siêu tán về khai khẩn đất hoang đồng thời chu cấp lương thực cho nhân dân tiến hành công cuộc trị thủy thành công. Vùng “Bát xá” lúc bấy giờ được triều đình nhà Lý phong thực ấp cho anh em họ Lưu nhưng theo “quốc triều hình luật” và những quy ước đương thời thì đó là đất “phong phân” của triều đình không mang tính kế thừa “cha truyền, con nối”. Khi Nhị vị Thái phó qua đời, triều đình phong phúc thần cho Nhị vị Thái phó và sắc chỉ dân lập đền, phụng thờ. Còn đất đai vốn trước là của anh em họ Lưu lúc đó trở thành đất công nên dân “siêu tán” kéo đến mạnh ai nấy làm đã chia nhỏ thành tư hữu. Mở đầu trang sử họ Trần trên miền đất Hải Ấp (Long Hưng) là Trần Hấp, con trai là Trần Lý đã đến định cư, chiếm lĩnh vùng “200 năm đất quan hà” một thời nổi tiếng triều Lý. Cha con, anh em họ Trần dần dà khẳng định vị thế của họ tộc mình với vùng đất trù mật này. Thời điểm đó, họ Trần vốn là dân chài lưới, lênh đênh theo dòng nước “đâu cũng là nhà” đến Lưu Xá gặp cảnh “vào đồng, ra sông” không mấy thuận lợi nên đã quyết định dừng thuyền “neo đậu bến quê”, quyết lên bờ định cư làm ruộng, truyền thống thâm canh lúa nước của người dân “ven bờ cuối bãi” miền đất Long Hưng cũng bắt đầu phát triển và trở thành miền quê trù mật từ thuở ấy.

Trải dài ngàn năm lịch sử, sau thời vua Lý Cao Tông để dân chúng chết đói đầy đường thì miền đất thuộc trấn Sơn Nam Hạ được chính quyền nửa thực dân nửa phong kiến lập thành tỉnh Thái Bình vốn là vựa lúa của triều đình từng cung cấp lương thảo cho các cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt chống giặc ngoại xâm... Năm 1945, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, người dân Thái Bình lâm vào cảnh chết đói thảm thương, đặc biệt là các huyện phía Nam. Theo các tài liệu lưu trữ, hàng ngày từng đoàn người đói rét dắt díu nhau đi lang thang ăn xin rồi chết ở đầu đường, xó chợ. Nhiều gia đình chết đói không còn ai, nhiều làng người chết đói quá nửa. Tài liệu điều tra của “Tạp chí Thanh Nghị” còn ghi: Làng Thượng Tầm, huyện Thái Ninh (nay thuộc huyện Thái Thụy), năm 1944 có 900 suất đinh, đến tháng 5 dương lịch năm 1945 chỉ còn 400 người. Nguồn sử liệu địa phương cho biết, xã Tây Lương (Tiền Hải) chết 3.968 người; làng Sơn Thọ, phủ Thái Ninh, nay thuộc xã Thái Thượng (Thái Thụy) có 1.205 người, chết đói 956 người; làng Thanh Nê (nay thuộc thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương) có 4.164 người, chết đói 1.854 người.


Quang Viện