Thứ 4, 13/11/2024, 05:29[GMT+7]

Uy linh nữ tướng Cẩm Hoa

Thứ 6, 03/03/2023 | 16:27:46
3,693 lượt xem
Di tích lịch sử văn hóa đền Rèm, xã Thăng Long (Đông Hưng) là nơi phụng thờ nữ tướng Nguyễn Thị Cẩm Hoa - một trong những nữ tướng kiên trung, tài giỏi dưới thời Hai Bà Trưng. Bà nổi tiếng với câu nói “Ta sinh vì việc nước, nay chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy”.

Lễ hội đền Rèm được tổ chức hàng năm với nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm nét văn hóa cổ truyền.

Nữ tướng Cẩm Hoa tên thật là Nguyễn Thị Cẩm Hoa, sinh năm Canh Thân (năm thứ 10 sau Công nguyên). Cẩm Hoa lớn lên khi nước ta bị quân Đông Hán tràn sang đô hộ, là phận nữ nhi nhưng được thừa hưởng chí khí của người cha yêu nước không chịu khuất phục quân giặc. Sau khi cha bị Thái thú Tô Định giết hại, Cẩm Hoa cùng mẹ chạy về quê ngoại Lộ Xá (tức thôn An Liêm, xã Thăng Long nay) sinh sống. Tại đây Cẩm Hoa ngày đêm rèn luyện võ thuật quyết tâm đền nợ nước, trả thù nhà. Nghe tin Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, Cẩm Hoa chiêu mộ anh hào rồi lên Phong Châu yết kiến Hai Bà, được phong nữ tướng đặc trách đánh thành Mai Lĩnh. Bà nhanh chóng hạ thành Mai Lĩnh góp phần cùng các cánh quân trong đội quân hùng hậu của Hai Bà dẹp tan quân giặc, giải phóng hoàn toàn 65 quận, thành thu lại đất Lĩnh Nam, giặc Đông Hán bại trận chạy toán loạn về nước.

Vào năm 42 (sau Công nguyên), nhà Hán sai Mã Viện quay trở lại đánh chiếm Lĩnh Nam. Trước thế giặc mạnh như chẻ tre, Hai Bà Trưng hạ lệnh cho Cẩm Hoa bên cạnh Hai Bà chiến đấu bảo vệ thành Cấm Khê. Thành Cấm Khê thất thủ, Hai Bà Trưng cùng đội quân của Cẩm Hoa rút chạy đến bến sông Hát. Tại đây, Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết, còn Cẩm Hoa dù bị thương nhưng vẫn cố gắng cùng vệ binh vừa đánh giặc vừa tìm cách rút về Lộ Xá. Khi về đến Lộ Giang, khúc sông ở cạnh Lộ Xá thì cùng đường để giữ khí tiết, giữ cho dân Lộ Xá thoát khỏi cảnh tàn sát của quân giặc, nữ tướng Cẩm Hoa đã chọn cách tuẫn tiết theo Hai Bà Trưng. Trước khi chết, bà ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Ta sinh vì việc nước, nay chết vì việc nước, chết cũng như sống vậy” rồi bà trẫm mình xuống dòng sông. Ghi nhớ công lao của bà, người dân Lộ Xá đã dựng đền thờ bà ở đền Rèm rồi hương khói thờ phụng bà cho đến ngày nay.

Các đoàn dâng hương, tế lễ tưởng nhớ công lao nữ tướng Cẩm Hoa trong ngày hội.

Tương truyền trước khi hội quân về Phong Châu, Cẩm Hoa đã về quê cha ở làng Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) bái yết tổ tông. Bà để lại nơi đây một mũi tên đồng với lời thề đền nợ nước, trả thù nhà. Bà trở lại quê mẹ ở Lộ Xá trút bỏ trâm thoa, tạm biệt dân làng rồi cùng các anh tài trong vùng phất cờ đào lên đường giết giặc. Sự uy nghiêm và linh thiêng của nữ tướng Cẩm Hoa còn được người đời sau ghi nhận trong gia phả họ Đinh ở Bình Lăng (Hưng Hà) có chép: Khi Lê Lợi sai tướng quân Đinh Liệt và Lê Sát cùng đạo quân Thiết Đột đi chặn đánh 15 vạn quân nhà Minh xâm lược do Liễu Thăng và Mộc Thạch tràn sang. Trước khi vào trận, Đinh Liệt về Đông Đô (Hưng Hà) bái yết ngoại tổ có ghé qua đền thờ nữ tướng Cẩm Hoa ở làng Rèm cầu nguyện, bà linh ứng phù Đinh Liệt thắng giặc, thật đúng như lời bà nói “chết như sống”. Đền thờ bà còn câu đối tạm dịch là “Trợ giúp bà Trưng đánh giặc Bắc/Phù hộ nhà Định dựng nước Nam”.

Trải qua hàng nghìn năm người dân làng Rèm vẫn luôn tự hào về một nữ trung hào kiệt, nữ tướng Cẩm Hoa trong chống giặc bảo vệ giang sơn, xã tắc. Bà sống mãi trong lòng người dân nơi đây bởi công lao to lớn với quê hương đất nước và cũng bởi câu nói bất hủ của bà. Ông Trần Văn Sinh, thủ nhang đền Rèm, xã Thăng Long cho biết: Truyền thuyết kể lại rằng khi nữ tướng Cẩm Hoa tuẫn tiết, một dải yếm của bà trôi từ sông Lộ Giang về đến sông Cửu Long đoạn ở cửa đền Rèm. Khu vực này lúc đó có một cái miếu, bà con vớt lên đưa yếm về đây để thờ. Đến nay đền đã được tôn tạo lại, xây dựng khang trang đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, không chỉ tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của nữ tướng mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.


Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thăng Long (Đông Hưng)
Thăng Long chỉ là đất mẹ nhưng lại là nơi nữ tướng Cẩm Hoa rèn luyện võ thuật, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân giặc. Nhân dân Thăng Long đã xây đền Rèm thờ để tỏ lòng thành kính biết ơn, ghi nhớ công lao của vị nữ tướng tài giỏi. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đền Rèm cũng là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ, nhiều cửa hàng thương nghiệp về sơ tán phục vụ nhân dân. Năm 2010, đền được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa trong cụm di tích đình, đền làng Rèm. Nhiều năm trở lại đây UBND xã Thăng Long chỉ đạo, quán triệt tổ chức lễ hội đền Rèm bảo đảm trang nghiêm, thực hiện đúng nét đẹp truyền thống văn hóa, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội trục lợi làm mất đi vẻ mỹ quan của đền.

Ông Trương Tuấn Phong, Phó Trưởng ban quản lý di tích đền Rèm, xã Thăng Long (Đông Hưng)
Nơi thờ nữ tướng Cẩm Hoa được nhân dân gìn giữ và công đức tu sửa, xây dựng khang trang. Nhân dân địa phương đi làm ăn xa, quý khách thập phương xa gần có cả kiều bào ở nước ngoài hàng năm về thăm quê đều vào đền Rèm ngắm cảnh, dâng hương tưởng nhớ công lao của bà. Lễ hội được địa phương tổ chức từ ngày 1 - 3/2 âm lịch nhằm ngày sinh của bà 2/2. Trải qua bao thăng trầm thời gian, ngôi đền vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích cổ xưa như: chuông đồng có niên đại Tự Đức, những ấn cổ bằng gỗ, tượng thờ nữ tướng Cẩm Hoa và đặc biệt là 3 đạo sắc phong của triều đại phong kiến nhà Nguyễn cho vị thánh mẫu có công với dân, với nước.


Chị Nguyễn Thị Thùy, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ)
Là hậu duệ bên nội, chúng tôi rất tự hào, hãnh diện về nữ tướng Cẩm Hoa. Cứ vào ngày lễ hội đền Rèm là con cháu bên nội, đại diện các đoàn thể xã Quỳnh Hoàng tổ chức thành đoàn sang dâng hương tưởng nhớ bà. Bản thân tôi cũng như con cháu của nữ tướng luôn phấn đấu học tập tốt, lao động giỏi để xứng đáng với bà và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc.

Hiếu Nghĩa