Thứ 4, 13/11/2024, 05:28[GMT+7]

Đồ chí kỷ thiên lý

Thứ 6, 10/03/2023 | 10:17:42
2,080 lượt xem
Thực chất, đất đai, cương vực của Thái Bình đã mở ra hơn 2.000 năm trước nhưng đến thế kỷ thứ XI, triều đại nhà Lý mới khẳng định “Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại quan hà nhị bách niên”, có nghĩa là đất Thái Bình cơ đồ rộng, trải dài 200 năm triều đại nhà Lý. Cho đến triều Nguyễn (1802 - 1945), vào ngày 21/3/1890, toàn quyền Pháp tại Đông Dương đã ký sắc lệnh thành lập tỉnh Thái Bình. Tuy là tỉnh mới nhưng mảnh đất “ven bờ cuối bãi” này đã có bề dày lịch sử cả nghìn năm. Trải qua bao triều đại, đất đai Thái Bình bị xé lẻ và được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau...

Cống Đào Thành, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, thời nhà Lý (thế kỷ X) và nhà Trần (thế kỷ XIII) được gọi là cửa Đào Thành, cửa sông chi lưu của sông Luộc vừa là “giang môn” trọng yếu quân sự vừa là tuyến giao thông phát triển kinh tế.

Các tài liệu khảo cổ học cho thấy, quá trình biển tiến, biển thoái đã quyết định sự hình thành của đồng bằng sông Hồng, trong đó có Thái Bình nay. Do ảnh hưởng của đợt băng hà cuối cùng, biển thoái để lộ ra dải đất ven biển, rồi phù sa của các con sông: Hồng, Luộc, Hóa, Trà Lý… liên tục bồi đắp, tạo nên những cánh đồng màu mỡ, cư dân miền trung du kéo về khai khẩn đất đai, lập nên nhiều làng, ấp. Với ưu thế của vùng đất ven biển, phù sa màu mỡ, đất Thái Bình nhanh chóng trở thành miền đất hứa, do vậy dân số ngày một đông lên. Vùng đất có nhiều gò đống nổi lên trên nền đầm sình, lầy lội ngày nay thuộc các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư và Đông Hưng. Làng xóm ở Thái Bình thời kỳ này không chỉ được lập ở những vùng đất cao mà còn cả những vùng trũng giữa sông Đại Nẫm và sông Cô (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ), giữa sông Trà Lý và sông Tiên Hưng (nay thuộc huyện Đông Hưng). Những địa danh cổ còn quen gọi cho đến ngày hôm nay như “Đường, Gò, Đống, Mả…” thực chất đây là những khu cư trú cổ xưa của người Việt Mường.

Cảo thơm lần giở thấy đất Thái Bình thời đầu Công nguyên (thời nhà Hán đô hộ) nằm trong vùng đất phía Nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ, nơi cuốn hút mạnh mẽ các luồng cư dân khắp miền tràn về khai phá. Với ưu thế nhiều sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc di chuyển nên sớm trở thành nơi ẩn náu, gây dựng của nhiều lực lượng đối kháng, nhiều thủ lĩnh cũng lấy nơi đây làm đất dụng võ và họ trở thành bậc hiệt kiệt của thời đương đại như Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Sau Công nguyên, đất đai và làng xã của Thái Bình tiếp tục được mở rộng, tuy nhiên đất đai cương vực của Thái Bình vẫn nằm trong phạm vi cai quản của huyện Chu Diên. Thời nhà Tùy - Lương (Trung Quốc) đô hộ, phần lớn đất đai Thái Bình phía Bắc thuộc huyện Vũ Bình, phía Nam thuộc quận Ninh Hải. Tuy không hiểm trở như vùng núi cao nhưng đầm lầy, lau lách, sông ngòi chằng chịt lại là điều kiện thuận lợi cho các thủ lĩnh hoạt động, khởi nghĩa bùng phát mà điển hình là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Bôn, thế kỷ VI). Thời nhà Đinh, thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đã dựa vào thế đất sông ngòi chằng chịt và cha nuôi Trần Lãm tướng công mà dẹp được loạn 12 sứ quân, thống lĩnh giang sơn, xưng Hoàng đế. Thời nhà Lý, thế kỷ XI, đất đai Thái Bình thuộc châu Đằng, dưới tác động của chính sách khuyến nông của nhà nước phong kiến ban hành, vua Lý đã về Kỳ Bố - Hải Khẩu (nay là khu vực phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) cày tịch điền, khuyến khích nông tang. Bước sang thời nhà Trần, thế kỷ XIII, đất đai Thái Bình được khai thác triệt để (trừ vùng đất Tiền Hải ngày nay). Các tài liệu khảo cứu cho thấy, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải làm quan trải hai đời vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Ông là nhà chính trị và quân sự tài ba của nhà Trần từng lập nhiều chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải không chỉ là tướng tài của nhà Trần mà còn là một thi nhân. Ông sinh năm 1240, mất năm 1294, thọ 54 tuổi, là con thứ 3 của vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Năm 1271, Trần Quang Khải được triều đình nhà Trần phong tướng quốc, Thái úy thống lĩnh mọi việc trong nước. Năm 1282, ông được phong Thượng tướng Thái sư và với cương vị này Trần Quang Khải luôn ở bên cạnh vua Trần Nhân Tông đặc biệt trong các cuộc rút lui chiến lược khỏi kinh thành Thăng Long trước những đợt tấn công ồ ạt của quân Nguyên Mông vào nước ta. Ông đề thơ ở bến Lưu Gia: “Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền” cho hậu thế biết rằng lần “hỗ tụng” vua Trần Nhân Tông “đông hành” vào tháng Chạp năm Giáp Thân (dương lịch là 1285) nghĩa là rời kinh thành Thăng Long xuống thuyền đi về phía Đông (bến Lưu Gia), đây là cuộc rút lui chiến lược đem đến thắng lợi lần thứ 2. Nguyên tác: “Lưu Gia Độ khẩu thụ tham thiên/Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền/Cửu tháp giang đình thu thủy thượng/Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền/Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý/Lý đại quan hà nhị bách niên/Thi khách trùng lai thấu phát bạch/Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”. Dịch nghĩa: “Lưu Gia xanh ngắt một trời cây/ Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây/Tháp cũ, đình xưa làn nước chiếu/Đền hoang, mộ cổ dãy lân bày/Thái Bình ngàn dặm cơ đồ rộng/Lý đại hai trăm vận mệnh dài/Trở lại khách thơ đầu đã bạc/Trời thanh nước gợn ánh hoa mai”.

Theo các nguồn khảo luận, ngày 20 tháng Giêng năm Ất Dậu (1285) quân Nguyên Mông truy đuổi vua Trần về Thiên Trường theo đường sông Luộc vào cửa Hải Thị (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) giao chiến với quân ta sau đó quân giặc tràn vào Long Hưng, đào bới Thái Dương Lăng (Tiến Đức, Hưng Hà) tìm bắt vua Trần nhưng không thấy vua đâu. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã viết bài thơ “Lưu Gia độ” ở bến Lưu Gia (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) với lời thơ mộc mạc, sâu lắng, hàm chứa nhiều gợi ý về lịch sử, đặc biệt là bối cảnh lịch sử nhà Trần giai đoạn đất nước gian lao 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Nhờ những tứ thơ, câu thơ lắng đọng đó mà ngày nay “con cháu” có thể luận đoán giai đoạn lịch sử oai hùng của dân tộc, đặc biệt là những sự kiện tưởng chừng bị lãng quên lại hiện nguyên ngay trên đất quê hương Thái Bình. “Lưu Gia độ” đã “hé lộ” cho hậu thế một vùng đất quan hà của nhà Lý, phong cảnh hữu tình, sản vật dồi dào, nhân dân no đủ, hiền hòa là địa danh lịch sử quan trọng dựng nghiệp triều nhà Lý. Với nhà Trần, sử cũ ghi: Trần Cảnh lên ngôi duệ hiệu Trần Thái Tông là con của Trần Thừa là cháu nội Trần Lý và là cha của Trần Quang Khải. Việc Trần Quang Khải hộ giá vua Trần về bến Lưu Gia chính là đưa vua về quê nội của mình.

Quang cảnh làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà xưa được Thái sư mô tả: “Cửu tháp giang đình thu thủy nhượng/ Hoang từ, cổ chủng, thạch lân bày”, nghĩa là làng quê Lưu Xá xưa là thực ấp của nhà họ Lưu, bởi từ thời nhà tiền Lê vua Lê Đại Hành đã ban thực ấp cho Thái bảo Lưu Ngữ (người châu Ái, Thanh Hóa) ở Lưu Xá, đến thời nhà Lý Thái úy Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều (con Lưu Ngữ) có công phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sau lại dâng kế dời đô về Thăng Long. Khi Thái phó Lưu Khánh Đàm nghỉ trí sĩ về quê dựng chùa tu tập, lúc viên tịch đích thân vua Lý Thánh Tông ngự giá về dự tang lễ, sắc chỉ ngôi chùa Thái phó tu là chùa “báo quốc”, cho xây cửu tháp cạnh lăng mộ ông. Dân làng Lưu Xá thờ Lưu Khánh Đàm là Thành hoàng làng. “Cửu tháp, giang đình… hoang từ, cổ chủng…” ý chỉ lăng mộ khai quốc công thần triều Lý… Lời thơ cũng là lời nhận định của triều thần nhà Trần, người có công lao lớn trong các cuộc kháng chiến vệ quốc mới có thể rút ra nhận xét như vậyĐất quan hà ấy không những quan trọng với nhà Lý mà còn rất quan trọng với nhà Trần.


Quang Viện