Thứ 7, 23/11/2024, 09:24[GMT+7]

Song sắt không thể cầm tù tâm hồn Bài 2: Ký ức hào hùng nơi 'địa ngục trần gian'

Thứ 4, 19/07/2023 | 15:00:23
1,790 lượt xem
Đã gần 50 năm đất nước yên bình, cuộc sống không ngừng tiến về phía trước với gia tốc ngày càng lớn và nhiều đổi thay. Nhiều cái đã lùi vào quá khứ, quên lãng nhưng những ngày tù ngục chẳng bao giờ có thể nguôi ngoai trong tâm trí những người tù Côn Đảo yêu nước.

Cựu tù Côn Đảo Thân Vĩnh Vân (thứ 3 từ trái sang) thay mặt Hội Tù yêu nước nhận cờ của UBND TP. Đà Nẵng trao tặng.

Chiến thắng cực hình tàn khốc

Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì mảnh đất quê hương. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo, Phú Quốc…

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ký ức về cuộc đấu tranh biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng trong những năm tháng bị giam cầm tại nhà lao Côn Đảo vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông Thân Vĩnh Vân (Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP. Đà Nẵng) và những người tù yêu nước khác.

Trong Chiến dịch Xuân Kỷ Dậu 1969, ông Thân Vĩnh Vân cùng 4 đồng đội bị sa vào tay giặc. Ngày 19/1/1970, ông Vân cùng đồng đội bị đày ra Côn Đảo và tiếp tục cuộc chiến đấu nơi “địa ngục trần gian”. Theo cựu tù Văn Đức Long (trú tại TP.Đà Nẵng), ngày 6/9/1968, địch gom 92 người tù được cho là “nguy hiểm” từ các nhà lao Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi chuyển lên máy bay đưa ra Côn Đảo.

Các cựu tù Côn Đảo cho biết, những ngày tù ngục là những ngày mà một miếng cơm, một ngụm nước, một cọng rau xanh, một viên thuốc bệnh, một manh áo cũ sờn, một chút khí trời cũng phải đổi bằng roi vọt, nhục hình, thậm chí cả máu, huống chi những cái lớn lao như là khí tiết, danh dự, lý tưởng, phẩm giá con người.

Kẻ thù đã bằng mọi thứ có trong tay và bằng mọi cách có thể làm được để bắt những người cách mạng phải khoanh tay, cúi đầu, chịu hèn, chịu nhục. Tuy nhiên, khi lý tưởng cách mạng và niềm tin tất thắng đã tỏa sáng trong tim thì sức mạnh được nhân lên gấp bội, những con người trong tay không một tấc sắc nhưng với ý chí kiên định vẫn đủ sức chiến đấu và chiến thắng mọi cực hình tàn khốc.

“Chúng tôi đã đứng lên, sống chết chống lại chúng, đòi áo cơm, quyền sống, bảo vệ lý tưởng, khí tiết, danh dự của mình. Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt chống bắt ly khai, ép buộc chiêu hồi đã nổ ra mà hình thức cao nhất là đấu tranh tuyệt thực dài ngày… Nhiều cuộc vượt ngục ở nhà lao Côn Đảo và các nhà lao, nhà tù khác đáng được ghi vào sử sách. chúng tôi vượt ngục bằng đủ cách, trong đó nhà lao Côn Đảo phải vượt ngục qua đường biển cách xa đất liền”, ông Vân kể lại.

“Giữ lửa” truyền thống

Sống trong “địa ngục trần gian” của quân thù nhưng những người tù yêu nước không hề bi lụy, vẫn đầy lạc quan, yêu đời và vững niềm tin ở ngày mai thắng lợi. Vẫn hát ca, học hành và vẫn có thơ, có nhạc mỗi lần Xuân về, Tết đến.

“Nhiều tiết mục văn nghệ do chính anh, chị em ta sáng tác và biểu diễn trong tù, bây giờ được xem lại, nghe lại, vẫn thấy rưng rưng. Tất nhiên, những việc làm đó bị chúng cấm ngặt, nhưng chúng tôi thì không thể thiếu nó được, nên nhiều khi phải trả giá bằng những trận đòn roi, biệt giam, Chuồng Cọp”, ông Thân Vĩnh Vân nhớ lại.

Giữa vòng vây lớp lớp, bị kìm kẹp đến nghẹt thở, những người tù yêu nước vẫn có tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn, tổ chức đồng hương bí mật ra đời và hoạt động nhằm tập hợp, đoàn kết, thống nhất lực lượng để đấu tranh và tổ chức cuộc sống của mình. Các chi bộ Đảng, đảng viên thực sự đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt, vững vàng, tích cực nhất, được quần chúng tin tưởng, bảo vệ và nghe theo.

Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước liền một dải… Trở lại với thời bình, những anh hùng trong kháng chiến tiếp tục công tác trong hệ thống chính trị thành phố và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Đồng thời, tích cực phát huy vai trò nòng cốt, tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu để tiếp tục “truyền lửa”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ông Thân Vĩnh Vân cho biết thêm, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có hơn 700 cựu tù Côn Đảo, trong đó khoảng 350 người còn sống. Dù tuổi cao, sức yếu, chịu ảnh hưởng chất độc da cam, tù đày, tra tấn, nhưng nhiều cựu tù yêu nước vẫn đang tích cực tham gia cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể tại khu dân cư. Việc làm của những cựu tù yêu nước nói chung, cựu tù Côn Đảo nói riêng trở thành một hình ảnh mẫu mực đầy tính nhân văn, thể hiện phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng cống hiến sức mình vì sự phát triển của địa phương. 

"Đặc biệt, những cựu tù Côn Đảo đã tích cực phối hợp Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức nhiều buổi nói chuyện, giao lưu và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, mang lại hiệu quả giáo dục tốt… Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy nhân chứng lịch sử của người tù Côn Đảo để truyền lửa cho thế hệ trẻ Đà Nẵng”, ông Thân Vĩnh Vân khẳng định.

Hình ảnh các cựu tù yêu nước nói chung, cựu tù Côn Đảo nói riêng sẽ mãi là tấm gương giáo dục truyền thống yêu nước, truyền lửa cách mạng cho các thế hệ trẻ, vun đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất cho thế hệ người Việt Nam.

Theo baobariavungtau.com.vn