Thứ 7, 23/11/2024, 09:39[GMT+7]

Tinh hoa đất lúa

Chủ nhật, 30/07/2023 | 07:05:36
3,304 lượt xem
Đất đai Thái Bình thời xa xưa chỉ là những gò nổi, các vương triều chỉ coi đây là mảnh đất “ven bờ cuối bãi”. Trên đất “Duyên Hà, Thần Khê”, thế kỷ thứ XIII, nhà Trần hưng nghiệp, phát tích đã không quên nguồn gốc tông tộc, vua Trần đã chọn Thái Đường (Hưng Nhân), Thâm Động (Duyên Hà) làm nơi an táng những vị vua đầu triều Trần như: Thọ Lăng của Thái Tổ Trần Thừa, Chiêu Lăng của Trần Thái Tông, Dụ Lăng của Trần Thánh Tông và bốn lăng dành cho các vị hoàng hậu cùng thời. Nhà Trần đã cho xây dựng Hoành cung Long Hưng uy nghi, lộng lẫy, đến vua Trần Nhân Tông khi từ kinh thành Thăng Long về bái yết tổ tông cũng không cầm nén nổi cảm xúc mà thốt lên: Trượng vệ thiên môn túc/Y quan thất phẩm thông. (Nghi trượng oai nghiêm diễu qua ngàn cửa/Trang phục của các quan bảy phẩm thật rõ ràng).

Chùa Keo (Thần Quang tự) được tạo tác từ thời nhà Lý năm 1060, trùng tu năm 1600, tọa lạc tại làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc độc đáo.

Triều đại nhà Trần (1226 - 1400), đạo Phật được coi là quốc đạo nên vấn đề “tông miếu - xã tắc” luôn được coi trọng. Thái Đường - Tiến Đức (Hưng Hà) là nơi được chọn để xây tông miếu nhà Trần, đất phát tích đã hun đúc nên nguyên khí nhà Trần - một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ trong lịch sử, ba lần phá tan đội quân Nguyên Mông tàn bạo, giữ yên bờ cõi. Trước đó, dưới triều Đinh - Lê (thế kỷ IX - X) đạo Phật đã được truyền giáo khá sâu rộng, cho đến triều Lý - Trần đạo Phật đã trở nên thịnh hành, tầm quốc gia được coi như quốc giáo và chiếm địa vị độc tôn trong tín ngưỡng của nhân dân. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khái quát diện mạo nước ta thời đó: “Nhân dân quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa”. Tự nhiên không ban tặng cho Thái Bình nguồn tài nguyên để làm giàu nhưng xui khiến trao cho con người nơi đây bản lĩnh phi thường, giàu tình cảm. Trải nghìn năm chống chọi giặc dã thiên tai, giữ đất mở làng, những thế hệ tiền bối ở Thái Bình để lại cho con cháu hậu thế những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, đáng kể đến là những chùa chiền, miếu mạo, trong đó còn lưu giữ nguồn sử liệu vô giá. 

Sử cũ ghi, năm Mậu Tý (1288), vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng đã về phủ Long Hưng, đem theo bọn tướng tá giặc đã bắt được như Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Đường Ngột Đãi, Mai Thế Anh, Sầm Đoạn, A Thai, Điền nguyên soái... để “hiến tiệp” trước bàn thờ của vua Trần Thái Tông, người anh hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1258. Đứng trước tòa lăng của người ông anh hùng mà quân giặc đã đào bới, tàn phá man rợ hòng xóa đi dấu tích linh thiêng tông miếu nhà Trần oai hùng, đến nỗi mấy con ngựa đá (linh vật coi sóc tông miếu) cũng phải nghiêng ngả lấm bùn, Hoàng đế Trần Nhân Tông, nhà quân sự thiên tài không ngăn nổi xúc cảm đã thốt lên hai câu thơ, mãi mãi thể hiện tấm lòng nhân hậu ngay cả với vật vô tri (như ngựa đá) của một con người vừa ra khỏi khói lửa của chiến tranh, cùng niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn vĩnh viễn của dân tộc: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Dịch nghĩa: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Giang sơn một thuở vững âu vàng. Theo các nguồn khảo luận, những ngôi đình, chùa, đền, miếu ở tỉnh ta hầu hết đều được xây dựng theo những công thức nhất định theo chữ “nhất”, chữ “nhị”, chữ “tam”, chữ “vương”, chữ “đinh”, chữ “công”, hoặc “nội công ngoại quốc”. Hiện tại loại “nội công ngoại quốc” thường đã bị đổ nát hoặc bị thu hẹp qua các lần trùng tu.

Theo các tài liệu còn lưu trữ, ngôi đình có niên đại xây dựng sớm nhất Thái Bình có thể là đình An Cố, xã Thụy An (Thái Thụy). Ngọc phả của đình kể rằng: Trung quân Lỵ quốc công Nguyễn Thế Ân, người làng An Cố được nhà Mạc ban thưởng do có công lao lớn, đã đứng ra xin triều đình xây một ngôi đình cho quê mình. Lúc đầu, đình xây dựng có 7 gian, gọi là tòa đại đình, sau đó ít lâu, đình được bổ sung thêm 9 gian tiền tế, hàng chục gian nằm hai bên sân đình dành cho 8 giáp trong làng khi vào bội. Xung quanh đình có tường xây vây bọc và có tắc môn, trụ biểu, tường hoa trên diện tích đất khá rộng. Đình xây dựng theo lối kiến trúc “tàu đao, lá mái” trông rất đồ sộ nhưng vững chãi, trài dài tới 26m, rộng lòng 10m. Bốn góc, tàu mái cong vút lên trời cao xanh như mơ ước của con người nơi đây muốn bay vút lên trời cao. Độc đáo hơn, đình xây dựng không cần làm móng. Tất cả tường, mái, nóc có trọng lượng hàng trăm tấn đè nén lên những hàng cột lim to hàng vài người ôm, dưới cột là đá tảng, được liên kết, giằng dọc, giằng ngang bằng các bẩy, câu đầu... Tiêu biểu trong kiến trúc đình ở tỉnh ta được xây dựng vào thời Lê như đình Phất Lộc, xã Thái Giang; Hậu Trữ, xã Thụy Duyên (Thái Thụy); Duyên Lãng, xã Minh Hòa (Hưng Hà); đình Đông, xã Quang Bình (Kiến Xương)... Vào thời Lê, do chính sách ưu đãi với Phật giáo mà hàng loạt chùa chiền ở tỉnh ta được trùng tu, phục dựng. Ngôi chùa Phúc Minh tự, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) cũng được sửa chữa vào thời này và được xây dựng thêm 50 gian “trai đường”. Chùa có quy mô kiến trúc hoành tráng dãy ngang, dãy dọc là dấu tích của 1 trong 100 ngôi chùa cổ do Hoàng Thái hậu Ỷ Lan phu nhân cho xây dựng khi bà đang nhiếp chính. Trong chùa vẫn còn tấm bia cổ, trên đó khắc ghi những dòng chữ Hán do quyền Đại học sĩ Hàn lâm viện Đỗ Nguyên Chương viết vào năm Đại Trị thứ 12 (1369), được dịch là: “Nước Đại Việt, Châu Hoàng, Màn Để có chùa Ông Lâu tên là chùa Phúc Minh. Thời xưa truyền nói do Linh Nhân Thái hậu dựng lên...”. Những người tâm đức thời đó còn quyên góp tiền của trùng tu, xây dựng thêm 27 gian tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường, cầu gỗ, thiết đăng cùng 8 tượng kim cương, 4 tượng Bồ Tát... công việc trùng tu trong vòng hai năm. Bia ký được dựng năm Hoằng Định thứ 19 (1618) ngợi ca: “Thật là lâu đài của hôm sớm. Đúng là nơi điện gác của thời nay. Xứng là một chốn danh lam nơi tam bảo...”. Kiến trúc chùa theo lối tam quan tiền Phật hậu Thánh, cổng vào chùa có 3 cửa, ứng với thuyết Tam không của nhà Phật, thường cửa giữa to, hai cửa hai bên nhỏ hơn. Ở tam quan thường có gác treo chùa, khánh, trống. Trong chùa có tháp, tháp là một công trình nghệ thuật quan trọng của chùa. Cùng với chùa, tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt của các nhà sư. Các tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của Phật tử. 

Điều còn lại trong tâm khảm người dân Thái Bình đối với các công trình kiến trúc cổ dân gian không phải ở quy mô lớn hay nhỏ mà lại là tính mỹ thuật kiến trúc và độ bền vững. Bí quyết làm cho các kiến trúc cổ xưa vừa đẹp lại vừa khỏe, không chỉ là vật liệu gỗ to, gỗ tốt, đá cứng hay gạch già mà chính là sự tính toán xây dựng (theo cách tính dân gian của các nghệ nhân đời xưa) cả về hình học, vật lý, cả về mỹ thuật và cả về kỹ thuật thi công xây dựng. Đó là cái tài về tính lực nén của bộ mái nặng hàng chục tấn và các lực khác tác dụng vào như gió, bão... để rồi phân phối đều cho toàn bộ kiến trúc, từ đó tạo cho kiến trúc một thế cân bằng...

Năm 1285, khi hộ giá rút quân chiến lược của vua Trần ra khỏi kinh thành Thăng Long, cập bến đò Lưu Xá (nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà), Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải bâng khuâng cảnh quê chôn nhau, cắt rốn, Thái sư đã thốt lên: “Cửu tháp, giang đình thu thủy thượng/Hoang từ, cổ chủng thạch lân tiền...” (Trích trong bài thơ Lưu Gia độ). Bên trong những ngôi đình, chùa với những kiến trúc đặc sắc không thể không kể đến nghệ thuật điêu khắc, nét tài hoa của các nghệ nhân quê ta thể hiện rõ giá trị nhân văn của người thợ miền quê “ven bờ cuối bãi”, đại diện tiêu biểu cho ý thức hệ trong đó đại đa số là người dân hai sương, một nắng.


Quang  Viện