Thứ 7, 23/11/2024, 10:04[GMT+7]

Ký ức 50 năm thời hoa lửa

Thứ 5, 17/08/2023 | 07:45:56
3,973 lượt xem
Để tập trung cho mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 8/1973, gần 2.000 thanh niên Thái Bình đã hăng hái lên đường bổ sung lực lượng cho Đoàn 559, Sư đoàn 472, Sư đoàn 473 để mở đường Trường Sơn vận chuyển vũ khí, quân lương phục vụ chiến trường. Những người con quê lúa đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu anh dũng trên các “tuyến lửa”, góp phần viết nên bản hùng ca “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình thăm hỏi, động viên đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liệu, Phó Trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình bồi hồi nhớ lại những ngày tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của ông và đồng đội. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của mặt trận, tháng 8/1973, gần 2.000 thanh niên được biên chế ở 3 tiểu đoàn, gồm 2 tiểu đoàn nam, 1 tiểu đoàn nữ đã tình nguyện lên đường. Trong đó, ông Liệu cùng hơn 600 thanh niên của 3 huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải tập trung huấn luyện tại xã Song An (Vũ Thư) rồi nhận lệnh đi chiến trường B. Sau gần 2 tháng hành quân, đến cuối tháng 10/1973 đơn vị tập kết tại huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và được bổ sung cho Sư đoàn 471, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Khi ấy, đơn vị làm nhiệm vụ mở đường, bảo đảm thông đường 14 Đông Trường Sơn. Bước sang năm 1974, tình hình chiến trường có nhiều chuyển biến, Sư đoàn 471 được điều sang Tây Trường Sơn thành lập đơn vị xe thuộc Sư đoàn 472, Đoàn 559. Nhanh chóng làm quen với nhiệm vụ mới, mặc cho mưa rừng, nắng lửa, thời tiết khắc nghiệt, côn trùng như vắt xanh, rắn xanh, muỗi rừng, ruồi vàng, bọ chét, gió Tây “đặc sản” ở Trường Sơn hành hạ..., những người lính Trường Sơn vẫn quyết tâm vừa chiến đấu vừa thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ mở đường “Vì miền Nam ruột thịt”, với khẩu hiệu “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm” để mùa khô năm 1974 thông tuyến Đông Trường Sơn.

Ông Đào Mạnh Dũng, quê xã Nam Thắng (Tiền Hải) kể lại không khí hào hùng của những tháng năm đi mở đường, công tác trên “tuyến lửa”: Tháng 8/1973, tôi nhập ngũ và biên chế vào Sư đoàn 471 thuộc Đoàn 559. Mưa, nắng thất thường của miền Trung, cái lạnh của những đêm mưa rừng khiến nhiều đồng đội không tránh khỏi những cơn sốt rét đeo bám dai dẳng. Có những đêm ngủ trên võng, sáng dậy vắt đã bu kín chân tay. Những ngày tháng ấy với ông Dũng và đồng đội vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Đó là những trận sốt rét rừng, là nỗi đau phải chứng kiến đồng đội hy sinh.

Trải qua vô vàn hiểm nguy, gian khổ, những người con quê lúa như ông Liệu, ông Dũng đã chiến đấu anh dũng, gan dạ trên các “tuyến lửa” góp phần viết nên bản hùng ca “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải, nhiều người đã anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần cơ thể tại chiến trường, nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học để lại di chứng nặng nề. Những người may mắn trở về đều phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực xây dựng cuộc sống gia đình, quê hương, đất nước. Để có cơ hội cùng nhau ôn lại thời quân ngũ, chia sẻ, động viên nhau khi trở về cuộc sống thời bình, đầu năm 1990, những chi hội đồng ngũ tháng 8/1973 đầu tiên được thành lập. Từ năm 2000, Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình chính thức thành lập, đến nay đã có 24 chi hội ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với hơn 400 hội viên.

Ông Trần Mạnh Bảo, Trưởng ban liên lạc Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình hồ hởi chia sẻ trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ: Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng ngũ tháng 8/1973 tỉnh Thái Bình luôn giữ được mối liên hệ gắn bó giữa các hội viên trong tỉnh và các tỉnh bạn. Hội đã tổ chức huy động ủng hộ đồng đội vùng bị lũ bão, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; ủng hộ Hội truyền thống Sư đoàn xây dựng bia lưu niệm tại Quảng Nam...

Về với cuộc sống đời thường, những người lính trên “tuyến lửa” Trường Sơn năm xưa lại tiếp tục hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Những năm tháng chiến đấu hào hùng đó động viên họ tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Nguyễn Thơi