Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Thiền sư dựng nước

Thứ 6, 01/09/2023 | 16:45:42
3,151 lượt xem
Sử cũ chép: Khi Lê Hoàn (941 - 1005) lên ngôi vua (Lê Đại Hành), ông thường băn khoăn, không biết vận nước “vắn dài” ra sao, đành than thở với thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Thấu hiểu nỗi lòng vua, thiền sư khuyên vua bằng bài kệ: “Quốc tộ như Đằng Lạc/Nam thiên lý thái bình/Vô vi cư diện các/Xứ xứ tức đao binh”. Tạm dịch: Ngôi nước (Quốc tộ - vua) phải vững chắc như một bụi mây (Đằng Lạc) với những sợ mây quấn quýt vào nhau. Nơi điện các (nội các triều đình) các quan lại phải “vô vi, thanh tịnh”. Như vậy, ngàn dặm trời Nam sẽ yên hưởng thái bình, nhà vua (Lê Hoàn - Lê Đại Hành) không phải lo việc binh đao nữa...

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cụm đền, chùa Phúc Thắng, làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư.

Theo các tài liệu khảo cứu, thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã giúp vua Lê Đại Hành ngay từ lúc sơ triều với những sách lược hoạch định quốc gia vô cùng đắc dụng. Sử cũ chép: Nhân Đinh Tiên Hoàng giận con trai Đinh Liễn nhận tước phong làm Nam Hải quận vương của Nam Hán, sợ con tiếm quyền liền phế bỏ, đưa con thứ là Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn giận liền giết em (Hạng Lang). Đỗ Thích nhân đình thần náo động liền đầu độc vua, rồi trèo lên máng nước nóc điện ẩn nấp. 3 ngày đói khát, gặp trời mưa Đỗ Thích thò đầu ra cửa máng uống nước, bị quan quân trông thấy, bắt sống, chém nát như tương. Bấy giờ nội tình Hoa Lư náo loạn, Quốc công Nguyễn Bặc liên kết với hoàng thân Đinh Điền bí mật vào thành cướp vua trẻ Đinh Đế Toàn toan chạy vào Thanh Hóa thủ hiểm. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đuổi theo, cướp được vua nhỏ. Thái hậu Dương Vân Nga trao hoàng bào cho Lê Hoàn. Lê Hoàn trực tiếp cầm quân đánh giặc ngoại xâm, đã đánh thắng giặc Tống ở Chi Lăng, giết Hầu Nhân Bảo. Khi lên ngôi hoàng đế, vua rất quan tâm đến đất Đằng Châu (nay là khu vực phường Kỳ Bá, xã Tân Bình, thành phố Thái Bình, nơi xưa ông từng vất vả đánh dẹp và từng là Thái ấp) nên đã cử con cháu ông ra trấn nhậm hai bờ sông Luộc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Hưng Thống thứ 4 (992), phong hoàng tử thứ 5 là Đĩnh làm Minh Khai Vương, đóng ở Đằng Châu”. Việt sử lược còn ghi: “Đích thân Lê Đại Hành hoàng đế còn cho dựng hành cung Kỳ Bố, vua thân đến cày ruộng tịch điền để khuyến khích trăm dân chăm chỉ nghề nông”.

Lúc thanh triều, nhà vua cảm kích thiền sư Đỗ Pháp Thuận, muốn phong chức tước cho thiền sư nhưng Đỗ Pháp Thuận khăng khăng chối từ. Chưa rõ thiền sư Đỗ Pháp Thuận quê gốc ở địa phương nào, qua các tài liệu khảo cứu, có một số tài liệu ghi chép (ngoài sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và sách “Thiền uyển tập anh”, căn cứ vào cuốn “Đỗ linh thông tôn thánh ngọc phả” thì thiền sư Đỗ Pháp Thuận được vua Lê Anh Tông (triều Lê sơ) sắc phong: “Khuông quốc tá thánh dũng được Giang khê đồng mục Linh quý đại vương, thượng đẳng thần”, sắc phong thành hoàng làng Ngoại Lãng, huyện Thư Trì, nay là làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư. 

Trong chuyến điền dã mới đây, nhóm nghiên cứu chúng tôi có dịp ghé thăm, khảo tả di tích lịch sử văn hóa cụm đình, chùa Phúc Thắng, làng Ngoại Lãng, xã Song Lãng và cụm đình, chùa, miếu làng An Để, xã Hiệp Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, kết hợp với những truyền ngôn, khảo tư tâm trí của nhiều cố lão miêu tả về bức tượng cổ được thờ trong đình làng Ngoại Lãng trước khi bị thực dân Pháp phá hoại trước năm 1954, danh pháp thiền sư Đỗ Pháp Thuận, còn nhỏ sinh sống trong thời nhà Ngô (898 - 944), sống ở vùng biển Đỗ Động Giang, bạn mục đồng với Đinh Bộ Lĩnh, cùng tập trận cờ lau với đám trẻ mục đồng, song hành cùng Đinh Bộ Lĩnh, làm tướng trọng yếu của vua Đinh. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, xưng Đinh Tiên Hoàng, Đỗ Pháp Thuận từ quan đi tu theo trường phái Bồ Tát giới. Ông được vua Đinh ban thưởng cho vùng đất Đông Để thuộc hương Mần Để (nay là các làng Ngoại Lãng, An Để, xã Song Lãng và xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư). Các con cháu nội ngoại của thiền sư tìm về An Để mở mang vùng đất này, tạo nên các địa danh Ngoại Lãng, Nội Lãng, Văn Lãng, Minh Lãng…

Theo các tài liệu khảo cứu, sông Hồng, sông Trà đôi bờ ken dày nhiều gò đống, bờ Bắc có đồng Nấm (Đồng Lâm) xưa là rừng già, rồi càn Mã, càn Nấm và gần 100 gò đất dân quen gọi “bách nhạn quần cư” dày đặc tả ngạn sông. Phía Nam vùng An Để (Hiệp Hòa, Vũ Thư) một loạt đống cao như đống Quỳnh, đống Thư, đống Sớ, càn Ngô, gai Cao, vườn Sấm; vùng Song Lãng có “ngũ mã địa linh”, phía Đồng Đại (Đồng Thanh) có “sơn thủy quay về”, “long hổ chầu bái”... đều là các di chỉ trước sau Công nguyên 300 - 400 năm. Tại đống Sớ, vườn Sấm (An Để, Hiệp Hòa), Đồng Nấm (Hồng An, Hưng Hà), trong khi làm thủy lợi người dân đã phát hiện những vỉa gạch gốm Đường Cồ sớm, cách ngày nay khoảng trên 2.000 năm. Phía Đông Nam hai xã Độc Lập và Hồng Minh là vùng trũng Thanh Lãng, Duyên Lãng (Minh Hòa, Hưng Hà); phía Đông Nam xã Việt Hùng và xã Hiệp Hòa là dộc thấp. Nội Lãng, Ngoại Lãng, Lãng Xuyên, trải trên dưới 2.000 năm mưa nắng san chỗ cao bồi nơi thấp, cao độ chỉ còn chênh 0,5m. Song trên 3.000 năm trước, địa danh đã khẳng định phía giáp sông Hồng là những càn Cao, đụn Nấm với rừng Cự Lâm (Xuân Hòa, Vũ Thư), Phú Lâm (Độc Lập), Đồng Lâm (Hồng Minh, Hưng Hà)… Trung tâm của căn cứ Mần Để là 2 khu Đông Để (nay là làng An Để, xã Hiệp Hòa) và Tây Để (nay thuộc xã Xuân Hòa). Giữa Đông Để và Tây Để là làng Táo (tên chữ là Hương Táo, dân thường gọi là Phương Tảo). Giữa Phương Tảo và An Để có cánh đồng ruộng trũng, có tên Đồng Hồ (xưa là hồ nước). Ven Đồng Hồ vẫn còn dấu vết Lũy Hồ… Do vậy, cháu con nhiều đời họ Đỗ và nhân dân các làng Phương Cáp, An Để (Hiệp Hòa), Hồng Lý, Xuân Hòa… huyện Vũ Thư đều thờ thiền sư Đỗ Pháp Thuận là thành hoàng làng, hiệu diệu “Tiên công khai ấp”. Giữ trọng trách trong triều, bên cạnh vua nhưng thiền sư Đỗ Pháp Thuận không màng chi danh lợi, ông không nhận chức do vua ban mà tận trung báo quốc. Bài kệ ông gửi tặng vua Lê với hàm ý làm bậc quân vương điều đầu tiên là khoan sức dân, đoàn kết toàn dân đi đôi với phòng vệ đất nước mới mong giữ vững nền thái bình. Là thiền sư, ông không những tinh thông Phật pháp mà Nho giáo, đạo giáo ông đều thông thuộc, nhuần nhuyễn giáo lý Thiền tông, ở chùa mà không yếm thế, thường xuyên lui tới triều chính cùng các quần thần giúp vua trị quốc. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Đỗ Pháp Thuận đã khéo léo đem học thuyết “vô vi” của Lão Tử để “răn bảo” nhà vua, để nhà vua không làm điều gì trái ngược với lợi ích dân sinh nhằm tránh nạn binh đao có thể xảy ra trong nội quốc. Các nghiên cứu cũng khẳng định, thời nhà Lý, tinh hoa của Phật giáo được thiền sư Đỗ Pháp Thuận vận dụng sáng tạo giúp Phật giáo phát triển rực rỡ, trở thành quốc đạo. Ông xuất thế mà không yếm thế, nhập thế mà không huyến thế.

Theo Đỗ Nguyên Chương (quan Ngự Tiền bút thư đời Xương Phù nhà Trần), hương Màn Để (có tài liệu gọi là Mần Để, thuộc châu Hoàng, nay là các xã Hiệp Hòa, Xuân Hòa, Hồng Lý, Đồng Thanh, thời ấy gồm cả tả ngạn sông Trà Lý, vùng Hậu Thượng, Hậu Trung, Rèm Bơn (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng). Đất hương Mần Để cao, rộng, các cồn cát, cồn đất nhấp nhô trùng điệp. Những mả Ngộ, mả Lúi, mả Lác, mả Lệnh là những mộ Hán chạy suốt một dải ven sông Hồng. Phía Nam Màn Để là vùng đầm trũng, ngăn cách với vùng Kỳ Bố (thành phố Thái Bình) với các địa danh: Phương Cáp (Trai Sò), Thanh Lãng (sóng xanh), Nội Lãng, Ngoại Lãng (sóng bạc). Ngay trên đất Màn Để cũng có nhiều đầm sâu, bãi rộng, cây cối um tùm như đầm Dạ Thanh, Dạ Hương (nay là Thanh Bản, Hương Táo thuộc xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư).

Quang Viện

  • Từ khóa