Thứ 7, 09/11/2024, 22:26[GMT+7]

Di sản... không quên lãng

Thứ 6, 15/09/2023 | 09:00:40
6,802 lượt xem
Tỉnh ta còn số lượng khá lớn di sản Hán Nôm chưa được xác định, bản sắc văn hóa dân tộc lưu truyền hậu thế qua văn tự khắc trên bia đá, chuông đồng ở làng quê cùng thần tích thờ thành hoàng làng và các phúc thần trong làng còn bỏ ngỏ hoặc chưa được khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong đời sống tinh thần của mỗi người trong cộng đồng làng xã. Nguồn di sản phong phú này được coi là tài sản chung bất khả xâm phạm của mỗi làng quê.

Đại môn quan dẫn vào chùa Phúc Khánh, làng Phúc Lộc, phủ Đông Quan, nay là thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, di tích lịch sử, văn hóa.

Trải những thăng trầm của lịch sử, loại hình văn tự cổ bị coi là “cổ hủ” và bị phá bỏ, tiêu hủy, sau đó là mất mát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Giả thuyết tập hợp hiện vật còn lại trên địa bàn tỉnh và những tư liệu đang lưu trữ trong và ngoài nước thì cũng chỉ là một cái bóng không đầy đủ về diện mạo di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta mà thôi... Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự tự tôn dân tộc đã khúc xạ ảnh hưởng của loại chữ tượng hình (chữ Hán) biết mặt mà không biết hết nghĩa này thành một loại ký tự riêng có của dân tộc: chữ Nôm. Từ đầu thế kỷ XI, nhà Lý bắt đầu chăm lo đến việc giáo dục thì chữ Hán vẫn là loại hình văn tự chính thống trong giáo dục, khoa cử. Phải đến thế kỷ XIII, chữ Nôm mới được hình thành. Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ Hán cùng với chữ Nôm là hai loại hình văn tự được dùng trong mọi lĩnh vực xã hội và đã để lại một di sản đồ sộ. Di sản Hán Nôm cũng hình thành từ đấy.

Theo cách phân loại truyền thống thì di sản Hán Nôm thường được phân thành hai loại chính là thư tịch Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm. Thư tịch Hán Nôm gồm các bộ sách, các văn bản Hán Nôm được viết trên giấy như lịch sử, địa chí, văn tập, thi tập, y thuật, địa bạ, hương ước, tục lệ, thần tích, thần sắc, gia phả, tộc phả, khế ước, chúc thư, đơn từ, chiếu sắc... Văn khắc Hán Nôm gồm các loại hình văn tự Hán Nôm được khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, cột mốc, cọc tiêu hoặc những văn tự khắc trên biển gỗ, máng tre, cuốn thư; câu đối, đại tự, trên các chất liệu gỗ, đá, kim loại hoặc đắp trên các trụ biểu, trụ cổng... Ngoài hai loại trên cũng cần phải kể đến các loại hình văn tự Hán Nôm được viết trên các vật dụng, các đồ trang trí bằng đất nung như các đồ gốm, sứ hoặc được thêu, dệt trên các sản phẩm bằng tơ lụa... Lúc bình sinh, danh nhân văn hóa, nhà bác học thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã đọc, ghi chép và viết không mệt mỏi về đủ các lĩnh vực như thơ văn, sử học, địa lý, triết học, thiên văn học, nông học và các ngành khoa học khác... Từ Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục, Phủ biên tạp lục đến Toàn Việt thi lục... sơ sơ cũng đến 14 bộ sách đồ sộ đều viết và ghi chép bằng chữ Hán Nôm, chưa kể những bộ sách đã bị đốt hoặc thất lạc khiến người đời sửng sốt. Bài văn khắc trên chuông đồng ở chùa Phúc Khánh, phủ Đông Quan năm Cảnh Hưng 14 (1753), nay là thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang, huyện Thái Thụy là một ví dụ. Theo các nguồn khảo luận, cách ngày nay 263 năm, chuông chùa Phúc Khánh được đúc lại, không phải chuông cũ không có tiếng, nó vẫn có tiếng nhưng tiếng không vang, người dân và các tín đồ Phật tử gom góp tiền vàng đúc lại chuông và mời Thị thư Viện Hàn lâm Lê Quý Đôn viết bài văn khắc trên chuông. Khảo tả di tích, bài văn được viết bằng chữ Hán Nôm, dài 639 chữ kèm bài minh dài 96 chữ. Mở đầu bài văn, Lê Quý Đôn viết: “Dư thường đọc Ngọc Nghiêm Kinh, hữu vân thử phương chân giáo thể. Thanh tịnh tại âm văn, dục thủ Tam Ma Đề, thực tòng văn trung nhập. Sản nhiên hữu ngộ, nhi than viết, chí hủy tai. Văn cơ chí diệu hồ. Nhĩ tuy tại lục, trần chí trung nhi dục ngộ pháp mõn, tất tòng nhĩ văn viên chiếu Tam muội duyên tâm tư tại thủy đắc thanh tức Bồ Đề”. Nghĩa là “Ta thường đọc Kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng: Cái thể của chân giáo phương này thanh tịnh, chính ở âm thanh nghe được, muốn có được Tam Ma Đề (Thiền định nhất tâm, sáng suốt) ắt phải bằng con đường nghe thấy. Ta chợt giác ngộ mà than rằng: “Chí lý thay! Nghe được điều huyền diệu ấy trong tai. Tuy ở trong lục trần mà muốn giác ngộ pháp môn, tất phải qua đôi tai làm sáng tỏ Tam muội...”. Chùa Phúc Khánh được xây dựng vào năm 1701 tại làng Phúc Lộc, phủ Đông Quan, nay là thôn Phúc Lộc, xã Thái Giang. Chùa xây dựng theo lối chữ Đinh, có chùa trong và chùa ngoài, thờ Phật. Chuông chùa được đúc lại ngày 16 tháng 5 năm Quý Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Chuông nặng bốn tạ, cao 1,8m, đường kính 1,6m. Bài văn khắc trên chuông của Lê Quý Đôn có nhan đề: Đúc lại chuông chùa Phúc Khánh. Lời văn dung dị mà khúc triết, toát lên tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua việc đúc lại chuông, ngẫm thế sự đổi thay để mỗi người khi đến chùa, trước cửa từ bi hãy nhìn lại mình mà tự chỉnh mình. Ông viết: “Phàm là nhất động, nhất tĩnh, nhất thanh, nhất âm đều có thể dấy lên, có được cơ duyên mà trở thành cảnh trí bình thường. Vậy nên đức Phật ta mở mang đại pháp, tuyên giáng từ bi...”. Bài văn cũng mô tả cảnh vật, địa giới vùng đất Phúc Lộc, chứng tỏ ông đã đến vãng cảnh ngôi chùa lấy cảm hứng mà viết: “Phía đông nam của làng ta có huyện gọi là Đông Quan, có xã tên là Phúc Lộc. Xã có chùa, chùa có chuông vốn do bọn viên mục Điện tiền trong ấp là Bùi Văn Phụng đã quyên góp tiền của đúc ra. Đến năm Canh Thân bị cướp phá nên chuông đã hỏng”. Ông cũng tự thuật trong bài: “Bọn kỳ mục trong làng đến xin ta viết văn ghi lại. Ta nhận lời nói rằng: “Đây quả là thực là việc thiện vậy”. Hình bộ thượng thư Trần Danh Lâm, người bạn thân thiết cùng triều với Lê Quý Đôn đã từng phải thốt lên và viết: “Lê Quế Đường người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không sự vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết thành sách, sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khó xiết”.

Quả đúng như lời nhận xét của Hình bộ thượng thư, mọi việc Lê Quý Đôn đều suy xét đến cùng, ông viết về quả chuông chùa Phúc Khánh mới được đúc lại mà như đang tâm giao với người dân Phúc Lộc rằng: “Quả chuông này lúc trước bị hỏng mà không có tiếng, nhưng chẳng phải thật không có tiếng đâu, cái tính vốn sẵn của nó vẫn còn. Nay đúc lại mà có tiếng, chẳng phải bỗng nhiên có tiếng, cũng là do cái tính vỗn sẵn của nó còn đó. Cái bản nguyên của tiếng chuông hòa vào vũ trụ, ngụ ở hình khí, theo hư không mà có, theo hư không mà không, chưa bao giờ có, chưa bao giờ không. Con người dựa vào âm thanh mà phát mở nhĩ căn, tùy duyên tu tập hiểu được tính nhân làm cho thân tâm thanh tịnh, bỗng thoát khỏi cõi trần nhơ bẩn, vượt lên ra khỏi cõi không mà giác ngộ được chính giác cao nhất. Còn như mong mỏi phúc điền ích lợi, khoa trương công đức viên thành, thì đó là thứ mà ta biết vậy”.

Công việc sưu tập, kiểm kê, phân loại, lược thuật những di sản Hán Nôm trên phạm vi tỉnh ta hết sức cần thiết, là một hoạt động không mấy dễ dàng bởi phải cần có sự đầu tư nhiều tài lực, trí tuệ, có sự phối hợp giữa các chuyên gia Hán Nôm và các cơ quan lưu trữ trung ương với địa phương trước khi quá muộn vì nhiều lý do mà những di sản văn hóa quý giá này mãi mãi không còn xuất hiện ở các làng quê nữa. Hiện trên địa bàn tỉnh ta còn số lượng văn bia (gồm cả chuông, khánh, cuốn thư) chừng 1.300 thác bản, 2.700 câu đối, hoành phi của hơn 550 di tích gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, lăng tẩm... Trước đó, một bộ phận đáng kể văn bia, văn chuông ở Thái Bình đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) khai thác cho in thành tập từ trước năm 1945 gồm khoảng 1.200 thác bản tương đương với hơn 600 bia, chuông.


Quang Viện