Thứ 7, 23/11/2024, 10:07[GMT+7]

Địa Phúc Hưng phục quốc

Thứ 7, 25/11/2023 | 10:09:57
7,423 lượt xem
Xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng bao gồm các thôn: Đông Đoài, Tứ, Bá Thôn, Đồng Mai và Quán Thôn. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) các thôn Đông Đoài, Tứ, Bá Thôn, Quán Thôn là 4 xã riêng biệt nằm trong hai tổng: Phù Khê và Cổ Quán thuộc huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên. Riêng thôn Tứ, một địa danh không những đóng vai trò quan trọng trong các cuộc kháng Nguyên thời nhà Trần (1226 - 1400) mà còn là nơi sinh ra những hiệt kiệt phục quốc.

Tĩnh Xuyên (Tịnh Xuyên), một địa danh quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, nay thuộc xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Tiếp tục các cuộc điền dã tìm hiểu về lịch sử oai hùng cùng những chiến công vang dội đánh tan giặc ngoại bang, bảo vệ giang sơn gấm vóc của lớp lớp người dân đất Việt, trong đó có người dân Thái Bình, chúng tôi bắt đầu đặt chân đến địa danh thời nhà Trần là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng làm “tâm địa” và mở rộng vùng tìm hiểu ra xung quanh. Xa xưa, vùng đất có tên gọi là làng Hưng, thời Trần là Phúc Hưng trang, huyện Thần Khê, lộ Long Hưng. Thời Lê là xã Phú Khê, huyện Thần Khê, phủ Tân Hưng. Làng chia làm 3 thôn: Hưng Đoài, Hưng Đông, Hưng Tứ. Năm 2003, đổi thành thôn Tứ. Tứ là chỉ sự hưng thịnh, là ân tứ đất vua ban lộc cho công thần. Làng Hưng có lịch sử hơn 2000 năm, là quá trình quần cư, hội tụ của nhiều luồng dân cư, dòng họ về đây sinh sống như họ Phạm, họ Lê, họ Trần, họ Hoàng, Nguyễn, Lương... Làng Hưng được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống. Từ thời Hùng Duệ vương (thế kỷ III trước Công nguyên), người dân nơi đây đã lập miếu thờ Cao Sơn Thiên thượng thần và Quang minh hiển ứng thần cùng hai đại vương họ Phạm là Viên Quan và Tiên Thăng. Thời Hai Bà Trưng có hai chị em bà Lương Thị Kiền và Lương Thị Tấu tham gia ứng nghĩa với “Bãi duyệt binh” và “Đấu đong quân”, nhiều miếu thờ Hai Bà vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay. Làng còn thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, tướng thời nhà Lý; Thái Bảo Đỗ Tử Bình thời Trần, Thượng thư Lương Quy Chính thời Nguyễn...

Theo các tài liệu khảo cứu, người khai mở trang Phúc Hưng là Đỗ Thiên Thư. Ông quê gốc ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), do bị biếm chức quan trong triều vua cho về mở đất lập trang Phúc Hưng và dạy học. Từ đây, họ Đỗ sản sinh ra 3 đời nối nghiệp sớm đỗ đạt và làm quan to trong triều. Đỗ Thiên Thư lấy bà họ Nguyễn trong làng sinh ra Đỗ Tử Bình. Năm 1324, Đỗ Tử Bình về kinh ứng thí đỗ Ngự tiền học sinh (tương đương Tiến sĩ). Năm này ông 22 tuổi ra làm quan thị giảng ở viện hàn lâm năm 1348 sau thăng chức Xu mật viện (1358) được vua cho vời vào bàn việc nước. Năm 1361, Đỗ Tử Bình được giao công việc duyệt quân lính, xây thành Hóa Châu. Tại đây, ông đã thực hiện chính sách “nới sức dân” cho nên mùa màng bội thu, thóc đầy kho, dân no ấm. Dân đủ cái ăn, quân thêm mạnh, giặc Chiêm Thành vì thế không dám quấy nhiễu biên cương. Năm 1366, vua Trần triệu ông về kinh đô phong chức “Đồng tri môn hạ Bình chương sự”. Năm 1369, ông được cử làm Hành khiển tham mưu quân sự đi đánh Chiêm Thành rồi ở lại trấn thủ Thuận Hóa, được vài năm trở lại kinh thành. Con trai Đỗ Tử Bình là Đỗ Tử Mãn làm quan từ đời vua Trần Thuận Tông là người có kiến thức sâu rộng, từ kiến tạo, dâng mưu kế, hoạch định chính sách trị quốc, an dân đến chỉ huy chiến trận, đặc biệt ông có công lớn trong việc xây dựng thành Tây Đô (thành nhà Hồ). Đỗ Tử Mãn nhận chức Lại Bộ thượng thư kiêm Thái Sử lệnh, được thăng chức Hành khiển, giao cho làm Thủy quân Đô tướng đi đánh giặc Minh. Trong cuộc chiến không cân sức, Đỗ Tử Mãn bị giặc bắt sống cùng Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) và bị đưa về Trung Quốc. Con trai Đỗ Tử Mãn là Đỗ Nhân Giám từ nhỏ đã được ông nội và cha rèn luyện, trau dồi học hành, tinh thông võ nghệ. Lớn lên gia nhập đội quân Thiên Ngưu. Thời vua Hồ Hán Thương ông được thăng làm Binh Bộ Thượng thư, Thiên Ngưu vệ tướng quân. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, vệ quân Thiên Ngưu do ông chỉ huy đã nhiều lần xông pha trận mạc bảo vệ kinh thành Thăng Long và thành Đa Bang, chiến đấu đến người lính cuối cùng, Đỗ Nhân Giám tử trận vào năm 1407 cũng là năm kết thúc triều đại nhà Hồ.

Theo các tài liệu khảo cứu, quân đội nhà Trần bất ngờ tấn công căn cứ tiền tiêu A Lỗ của giặc Nguyên trên sông Hồng thì quân Nguyên “trở tay không kịp” và viên tướng nhà Nguyên canh giữ đồn A Lỗ là Vạn Hộ Lưu Thế Anh đã vội vàng rút chạy, tướng Trương Hiển phải đầu hàng quân ta. Thây giặc tắc nghẽn dòng chảy, nước sông Trà Lý nhuộm đỏ máu quân thù... Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đặt câu hỏi, để giữ được bí mật việc điều quân và áp sát đồn giặc thì nơi tập kết quân của Hưng Đạo Vương phải ở rất gần khu vực A Lỗ? Phải chăng, địa điểm tập kết của vua Trần và các tướng lĩnh quân đội nhà Trần sẽ ở một vùng bình địa, sông ngòi chằng chịt và có sự dẫn thủy, hợp hỏa từ nội đồng ra sông. Và, địa bàn chúng tôi chú tâm nghiên cứu không ngoài làng Hưng và các vùng lân cận như Thăng Long, Hồng Bạch xa hơn chút là Độc Lập, Hồng Minh, Chí Hòa và đặc biệt là khu vực Tĩnh Xuyên hay còn gọi là làng Tĩnh Xuyên (sau đọc thành Tịnh Xuyên) nơi có bến đò ngang (bây giờ là cầu Tịnh Xuyên). Các tài liệu khảo cứu cho biết, thiên tài quân sự nhà Trần, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã đúc rút kinh nghiệm và nâng tầm thành binh pháp: “Lấy đoản binh để chế trường trận”, tận dụng tối đa địa hình sông ngòi chằng chịt của vùng đất bãi bồi kẹp giữa hai con sông lớn Long Hưng - Thần Khê để khi lui có thể bảo toàn được lực lượng, khi tấn công có thể khiến giặc bất ngờ, vì vậy với lực lượng mỏng nhưng quân đội nhà Trần vẫn có thể chiến thắng đội quân hung tàn thiện chiến nhà Nguyên trên lưng ngựa. Nhiều nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu lịch sử mạnh dạn chỉ ra địa điểm tập kết quân của Hưng Đạo vương trước hết phải rất thuận tiện cả đường bộ và đường thủy và không thể không ở sát ven sông Trà Lý và gần khu vực làng A Lỗ, nơi có thể là đồn Đại Mang của quân Nguyên. Bởi, có gần mục tiêu, theo dõi sát sao sự dịch chuyển của quân địch mới tạo được yếu tố bất ngờ để quân thủy, bộ cùng áp sát tấn công địch ở căn cứ đồn Đại Mang trên đất A Lỗ.

Các cố lão trong các làng ở xã Hồng Bạch, Hồng Việt... cho biết, truyền ngôn vào thời Trần, Hưng Đạo vương đã đóng quân ở khu vực thuộc các xã Hồng Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng (cũ) để tấn công giặc Nguyên tại căn cứ đồn Đại Mang (theo các nhà nghiên cứu chính là đất A Lỗ). Vì thế, ngay cả khi Hưng Đạo vương còn tại thế, dân làng ở nhiều nơi trong vùng đã lập sinh từ để tưởng nhớ tới ngài.

Từ xa xưa, các địa danh mà sau này là các xã Hồng Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng (Hồng Bạch), Hồng Việt (Đông Hưng), Hồng Minh (Hưng Hà)  cho thấy, trước đây ở xã Hồng Châu (cũ) có đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tại bến Đáy và đền thờ các vua tiền Lý Nam Đế, rồi đền thờ tướng Trương Định (tên húy) thời Trần. Đáng tiếc, các ngôi đền này đã bị phá vào năm 1962 - 1963. Hiện bài vị, ngai thờ Hưng Đạo vương đã được đưa về để trong một cung nhỏ tại chùa Bơn (Hồng Việt). Ngai thờ và bài vị của tướng Trương An Định được đưa về để ở miếu thờ Thổ Thần nằm sát sông bến Đáy thuộc xóm Đông Hương, thôn An Liêm (làng Bơn), xã Hồng Bạch.

Quang Viện