Thứ 7, 23/11/2024, 09:30[GMT+7]

Nghĩa khí dòng Diêm Hộ

Chủ nhật, 03/12/2023 | 22:35:08
6,272 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, làng Vàng (nay là xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) có tên Nôm là làng Viềng. Dân gian còn lưu truyền những địa danh cổ như: đò Viềng, chợ Viềng, miếu Viềng. Sông Diêm Hộ gắn bó mật thiết với đời sống dân cư làng Vàng, tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống hiếm có ở Thái Bình. Vốn là bãi bồi bên sông Diêm Hộ, được tắm mát phù sa nên đất đai nơi đây màu mỡ, tôm cá dồi dào. Cư dân khắp các vùng đổ về làng Viềng sinh sống, làng trở nên đông vui, sầm uất, trù phú, dân gian gọi là “bãi Bạc, làng Vàng”. Làng dần dần tách thành hai làng “Vàng trên” và làng “Vàng dưới”. “Vàng trên” phát triển đông vui sầm uất thành xã Hoàng Quan, “Vàng dưới” cũng lớn mạnh không ngừng trở thành xã Hoàng Xá...

Nét văn hóa truyền thống làng Vàng, còn gọi là Hoàng Quan, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, địa danh cổ xưa của Tây Quan thế kỷ I.

Để góp phần làm sáng tỏ lịch sử oai hùng của vùng đất được xếp vào hàng cổ xưa của trấn Sơn Nam, chúng tôi tiếp tục điền dã, khảo tả di tích còn hiện hữu nơi “đất vàng” xưa và nay là làng Vàng (Hoàng Quan), xã Đông Phương và mở rộng địa dư khảo cứu đến đất xã Đông Cường. Xã Đông Phương nay, thời điểm đầu Công nguyên thuộc vùng đất Tây Quan, nằm ở phía Nam huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Trong thời Bắc thuộc, nhân dân Đông Phương đã thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, kiên cường, chống lại sự xâm lược và âm mưu nô lệ, đồng hoá của nhà Hán nên khi Bà Trưng hiệu triệu thì những người dân Đông Phương đã đứng lên chống Hán (từ năm 40 đến năm 43), mở đầu cho truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước của nhân dân xã Đông Phương anh hùng hôm nay.

Nguồn sử liệu ghi, năm 40, trước cảnh Thái thú Giao Chỉ là Tô Định (triều đại nhà Hán thế kỷ I) bạo tàn, chém đầu Thi Sách, đàn áp dân lành, Lê Thị Cố, người con gái thục hiền của làng Vàng đã tập hợp nam thanh, nữ tú các làng quanh vùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành nữ tướng của Hai Bà. Truyền ngôn Bà Lê Thị Cố (? - 43) là con ông Lê Phụ, quê gốc Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã về làng Vàng làm nghề dạy học và bốc thuốc. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà xin phép cha cho về Phong Châu ứng nghĩa, được Trưng Trắc tin dùng, giao cho trở về quê tập hợp quân nghĩa dũng, bà đã biến lớp học chữ của cha thành lớp luyện võ nghệ và xây dựng căn cứ chống giặc Hán ngay trên mảnh đất quê hương. Tướng quân Lê Thị Cố hội quân Tây Quan ở sông Hát, rồi cùng tiến đánh Luy Lâu. Thái thú Tô Định bỏ chạy. Bà Trưng xưng Vương. Lê Thị Cố được phong chức Tây Quan tướng quân và lại về quê trấn giữ vùng Tây Quan. Bên cạnh làng Phương Mai (thuộc xã Đông Cường nay) cũng có bốn anh em: Hiển, Ý, Túc, Thúy cũng tập hợp nhân dân cùng Hai Bà Trưng giải phóng châu thành Luy Lâu, đều được phong tước Vương, ban cho tiền của trở lại quê nhà khao thưởng cho quân sĩ và nhân dân. Năm Nhâm Dần (42), giặc Hán trở lại xâm lược nước ta. Tại Hát Giang, xảy ra một trận tử chiến, thế cùng, lực kiệt, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Tướng quân Lê Thị Cố bái lạy “Trưng nữ vương” rồi đưa các nghĩa sĩ còn lại vượt Nhị Hà về Tây Quan. Lưu Long, phó tướng giặc truy đuổi quân Tây Quan về đến tận làng Vàng. Lê Thị Cố nói với các nghĩa sĩ: “Bất cam sinh mệnh tướng quân đầu” (làm tướng dù có đầu rơi máu chảy cũng không đầu hàng giặc”. Bà đã chiến đấu anh dũng đến khi trên người không còn một mảnh giáp che thân rồi anh dũng hy sinh. Nay dân Hoàng Quan (Đông Phương) và Hồng Phong (An Tràng - Quỳnh Phụ) vẫn còn đền thờ bà, tôn bà là “Nam Hải nữ nhân”, là “Tây Quan tướng quân”.

Làng Vàng có những thiết chế văn hóa cổ thờ các vị thần linh thiêng như ở đình Lưu, đền đá Quốc Tuấn, đền Thượng và đền thờ Hai chúa tại khu vực chùa Hầu… đặc biệt là trò diễn xướng dân gian hát ca trù. Theo các nguồn khảo luận, hát ca trù tiền thân là ả đào bởi nghệ nhân là nữ. Cho đến thời điểm này, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo các sách về văn hóa dân gian, nhiều nghiên cứu xác định bà Đào Nương làng Vàng (xã Đông Phương) là nghệ nhân đầu tiên được biết đến của nghệ thuật ca trù. Không ai biết tên thật của bà Đào Nương mà chỉ gọi bà theo cái tên nghiệp: Đào Nương! Ngoài cái tên nghiệp đó, có người gọi là bà Đầu, có người gọi là bà Đào theo nghĩa đào hát hoặc hát ả đào. Truyền ngôn, làng Vàng xưa đồng ruộng còn hoang hóa, bà về khuyến dân cày cấy, có công đào hai con ngòi dẫn nước vào đồng, một từ bến Vàng vào làng, một từ sông Diêm vào quán Bán. Khi làng xóm đã đông đúc, đồng ruộng đã tốt tươi bà lại dạy dân hát ả đào, hát chèo. Một lần quân triều về làng (xưa làng Vàng có đường ngự giá, đồng quân) bà đã hát phục vụ quân sĩ. Tương truyền, sau lần hát trong hàng quân, hôm ấy là ngày 15/4 (âm lịch) bà ra giếng Ngọc đầu làng, người ta nhìn thấy bà lội xuống giếng rồi không thấy bà trở lên. Khi dân làng chạy đến tìm bà, chỉ còn thấy dòng chữ ghi lại trên thành giếng: “Vũ mao biến hóa nguyệt trung thiên/Phảng phất nghê đình phi ngọc điện” (Nghĩa là người con gái đẹp đã về chốn cung trăng ở giữa trời. Điệu múa, tiếng ca, tiếng nhạc để lại, có thể tìm thấy ở nơi thờ cúng).  

Theo một số nghiên cứu, Hoàng Xá và Hoàng Quan là 2 trong tổng số 25 làng của huyện Đông Hưng xưa được xếp vào danh sách những “Làng văn hóa, văn hiến tiêu biểu của Thái Bình”, không chỉ với những hiệt kiệt xa xưa mà trải qua các triều đại phong kiến, toàn huyện Đông Hưng có 13 vị đỗ đại khoa, trong đó Đông Phương có hai vị. Đặc biệt, họ Phạm ở Đông Phương từ xưa đã có nhiều người hiển đạt khoa danh, nổi tiếng là dòng họ hiếu học ở Thái Bình, tiêu biểu là Tiến sĩ Phạm Công Huân. Phạm Công Huân, đệm là Quang, khi đi thi mới đổi tên là Công để tránh phạm húy. Ông sinh năm 1651 tại xã Hoàng Xá, tổng Hoàng Quan, huyện Đông Quan. Cha Phạm Quang Huân là Phạm Phúc Độ cũng đỗ Tam Trường và làm quan tới hàm Đại phu. Năm 46 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Sửu đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697) và lần lượt giữ chức Đốc đồng Hải Đông, sau chuyển làm Đốc trấn An Bang. Ông được đánh giá là một vị quan thanh liêm, chính trực. Cháu ngoại của Phạm Công Huân là Phạm Công Thế sinh năm 1702. Tại khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727), ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khi mới 25 tuổi. Vùng đất cai quản của Phạm Quang Huân không có tệ tham nhũng, ức hiếp dân; suốt giải duyên hải không có cướp biển, miền núi không có phỉ, dân sống yên ổn. Vua Lê Hy Tông nhận xét: “Phạm quả là người hiền lương đáng được cất nhắc song đảm đương một vùng Đông Bắc liệu trọng thần các bộ đã mấy ai lo được”. Ông mất tại quê nhà làng Hoàng Xá.

Các bậc cố lão trong làng truyền lại và theo thần tích đình Lưu thì nửa đầu thiên niên kỷ I, làng Vàng thuộc vùng đất Tây Quan, huyện Chân Định; nửa sau thiên niên kỷ I, thuộc huyện Chu Diên. Đến đời Khúc Hạo làm Tiết độ sứ (907- 917), làng Vàng thuộc Châu Đằng. Thời Lý (1010 - 1225) và thời Trần (1225 - 1400), làng Vàng thuộc huyện Tây Quan, lộ An Tiêm (Lộ An Tiêm gồm 4 huyện: A Côi, Đa Dực, Thái Bình và Tây Quan). Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415) huyện Tây Quan nhập vào huyện Thái Bình, Hoàng Quan và Hoàng Xá thuộc huyện Thái Bình, phủ Tân An sau là phủ Trấn Man. Thời Lê, đời Lê Thái Tổ (1428 - 1433) lập lại huyện cũ Tây Quan. Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đổi huyện Tây Quan thành huyện Đông Quan, lấy đất lộ An Tiêm thời Trần lập phủ Thái Bình.


Quang Viện