Thứ 7, 23/11/2024, 10:09[GMT+7]

Bàn địa lập điện cung

Thứ 6, 15/12/2023 | 16:53:15
8,634 lượt xem
Làng Côn (có tài liệu gọi là Côn Sơn) xưa thuộc xã Tảo Sơn, tổng Quan Bế, phủ Ngự Thiên nay là thôn Cun, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà. Di tích lịch sử văn hóa đình Cun còn lưu giữ ba đạo sắc phong triều hậu Lê và nhiều thần phả, thần tích về mảnh đất và con người làng Cun. Làng Cun thờ Cao Minh Đại vương (Minh Công), nhân thánh giúp vua đánh giặc, giữ nước...

Qua cổng làng Dương là con đường thẳng tắp về làng Cun (Côn Sơn), xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà - nơi được xác định là cung điện của Cao Minh chính trực Đại vương.

Truyền kể rằng, đời vua Lý Nhân Tông, nước Việt ta tại Nông Cống, Hoàng Hóa, phủ Thiệu Thiên, châu Ái, có người họ Cao, tên Tổ, vợ là Lê Thị Hoan, vốn nhà hào phú, vợ chồng một niềm trung hậu, một chút hại người cũng không hề nghĩ đến, một mảy lợi mình chẳng đoái tâm. Vợ chồng lúc đó tuổi đã ngoài 40 mà buồng lan chưa thấy nức mùi thơm, cửa quế vắng không đóa đẹp. Bền lòng làm phúc, cố sức làm việc nhân, nhân dân nơi đó đều khen là nhà tích thiện, tất được hưng thịnh. Một đêm trời thanh trăng tỏ, vợ chồng nằm rỗi chốn hiên hoa, mơ màng ngủ thiếp, chợt thấy một ông đầu bạc, hai tay ôm một đứa bé, đưa cho Lê thị mà rằng: “Nhà ngươi đức dày, trời đã xét rõ. Nay ta cho một đứa thanh đồng, ngày sau sẽ giúp đời yên dân, một con ngoan làm rạng rỡ tổ tông”. Nghe lời chưa dứt thì chợt tỉnh giấc. Bà liền đem giấc mộng nói cùng chồng hay. Từ đó Lê thị có mang, ngày 10 tháng 10 mùa đông sinh đứa con trai mặt mũi khôi ngô hệt đứa trẻ trong mộng, thân hình vạm vỡ như lời ông già, đặt tên là Minh Công.

Năm 17 tuổi, Minh Công gặp vận không may, cha mẹ kế nhau qua đời, lúc đó lại gặp mấy năm mất mùa, trong nhà thanh đạm, nhân dựng một chiếc lều cỏ ở bên mồ cha mẹ, hàng ngày kiếm củi để dùng vào việc thờ cúng, trong 3 năm để tang trở đúng như nghi lễ. Một hôm lên đỉnh núi Phượng Hoàng để kiếm củi, trông thấy hai ông cụ đầu râu tóc bạc đánh cờ uống rượu, hai bên đặt nhiều chuông vàng khánh ngọc. Minh Công lấy làm lạ cho là tiên lão ở chốn bồng lai, liền chạy đến trước vái thưa rằng: “Người tiên khách trần may được gặp gỡ, xin tha thứ về tội đường đột của tôi. Hai ông lão mỉm cười và bảo: “Chốn này là cảnh tiêu giao của ta, cách biệt cõi trần. Người ấy làm sao đến được, hẳn không phải là khách cõi trần”. Nói xong, bèn cho Minh Công một chiếc khánh ngọc và bảo: “Công danh phú quý đã có số trời, sau này ngươi tất thành đạt, nhưng về già sẽ gặp nạn trong lúc đi chơi, chúng ta cho ngươi chiếc khánh ngọc này, nếu gặp hoạn nạn thì lấy tay phải gõ vào khánh ba tiếng thì sự xấu sẽ biến thành sự tốt, ngươi phải cẩn thận chớ coi thường”. Lĩnh nhận khánh ngọc, ông chưa kịp hành lễ, thì hai ông đã biến đi. Ông đem khánh ngọc về nhà gìn giữ. Lại nói đến đời Nhân Tôn xuất gia, nhường ngôi cho Thái tử gọi là Thần Tôn. Buổi đầu lên ngôi vua xuống chiếu cầu hiền, ngày đó thuyền bè các sông, xe ngựa mọi đường, nghe chiếu Thiên tử, nức lòng đều muốn đoạt giải tranh khôi. Ông được tin tới kinh ứng thí, đến lúc vào bệ kiến sân rồng nhà vua thấy ông là người kiện toàn văn vũ, đủ sức chăm dân giúp nước, lập tức phong chức: Tham chính, ở điện Quảng Chính nắm giữ binh quyền. Từ đó thấm nhuần Đức thánh, tắm gội ơn vua là nhờ có duyên hương hỏa vậy. Vừa được vài năm bỗng có chúa nước Hồ Tôn Tinh câu kết với mấy nước láng giềng Ô Lý, Ai Lao, Bố Chính tập hợp được 60 vạn quân, dùng Ma La Đạt làm đại tướng đến xâm lược nước Việt chúng ta, đã chiếm được quận Đông Hải. Ma La Đạt người cao 8 thước, sức địch muôn người, bộ thuộc của chúng có 500 lũ quỷ dữ muôn hình vạn trạng thường ăn thịt người. Thư từ biên thùy cáo cấp, nhà vua cả lo, triệu tập các quan bàn thế công thủ. Quần thần đều nín lặng, không dám lên lời, riêng ông tâu thưa: “Sự thế lúc này, tôi xin gánh vác”. Vua cả mừng, liền lập đàn tế trời đất, phong ông làm Nguyên Soái thống suốt 30 vạn quân thủy bộ chống giặc. Minh Công vâng mệnh bái tạ, đường đường dẫn quân đi, thuyền bè khua chiêng đánh trống, nghìn dặm nổi sấm sét vang rền dậy đất, trên đường biển cờ rợp đất, đôi bên lọng tàn, xà long ảnh động, thẳng tới địa đầu Đông Hải, cách giặc 20 dặm đặt đại bản doanh để phòng thủ. Lúc bấy giờ mùa hè nóng nực, ông lệnh binh sĩ dựng một chiếc lầu cao ở bề bể bên đại bản doanh để quan sát địa hình. Trong khoảng một tháng mỗi buổi sớm đều thấy một ông già gánh bàn cờ và một túi con cờ từ dưới bể rẽ nước đi lên, đến tối lại rẽ nước đi xuống. Minh Công biết là vị tướng thủy thần tướng, trời sai xuống để giúp ta đánh giặc. Sớm hôm sau, lại thấy ông già gánh cờ lên. Minh Công vội tới vái chào mà rằng: “Nước nhà nay có giặc Hồ Tôn Tinh tới xâm chiếm, việc gấp trong sớm tối. Tôi vâng mệnh vua đem quân ra chống giặc, được thua biết thế nào. Nay may gặp Thủy quan đi lại chốn này, xin mời tạm về doanh trại tôi, có thần thuật nào xin người giúp đỡ”. Ông già cười rằng: “Dẫu âm dương hai ngả, nhưng ngày sau cùng hưởng huyết thực một làng. Cái kế ngày nay đã có chiếc khánh ngọc đưa cho ngày trước, nếu gặp nguy cấp gõ 3 tiếng khánh ta sẽ giúp cho”. Minh Công hỏi họ tên, ông già nói: Ta là thần ở bể Đông tên là Đà La Long Quân, chốn thủy cung vô sự ta lên chơi cõi trần thử xem thiện ác người đời. Công bèn mời ông già về doanh trại khoản đãi, kể lể chuyện xưa nay, cả ngày không chán. Đến giờ Thân (chập tối) ông già ngâm thơ từ biệt: “Âm dương lưỡng lộ ký tương thù/Hạnh đắc tương phùng lạc nhất du/Tha nhật Côn thôn hương hỏa tại/Ức niên xuân, hựu ức niên thu. Tạm dịch: Âm dương đã rõ cách đôi nơi/Gặp gỡ mừng trong một chuyến chơi/Hương hỏa thôn Côn ngày khác hưởng/Xuân qua thu lại mãi muôn đời. Ngâm xong thơ, ông già biến mất.

Ma La Đạt đánh một trận kịch liệt. Lúc đầu Minh Công bị bất lợi, bèn xuống nước đánh nhau, Ma La Đạt rất giỏi về thủy công. Minh Công lại lên bộ đánh. Ma La Đạt xua thúc quân và bọn quỷ vây mấy vòng. Minh Công lâm vào cảnh nguy cấp, bèn lấy tay phải gõ vào khánh ngọc 3 tiếng, tự nhiên mây mù vụt đến, mặt biển nổi sóng cồn, rồng rắn cá giải muôn lớp trùng trùng, côn ngạc kình nghè nghìn tầng điệp điệp, bèn thấy một người diện mạo khác thường, thân cao 9 thước, mặc áo đỏ đai lưng bằng ngọc lưu ly, đầu đội mũ bách tinh, thân cầm 3 thước kiếm đứng trên mặt nước cất tiếng mắng rằng: “Ta là Thủy thần quyền coi Đông Hải nay thừa sắc mệnh Hoàng thiên, hiến chấn oai thanh phù nước, giúp dân dẹp giặc. Bọn giặc chúng bay và lũ quỷ chết không sót một tên”. Tiếp đó trời đất tối sầm, sấm sét đùng đùng, quân giặc trên thuyền đều bị lật úp. Ma La Đạt và bọn quỷ đều tự nhiên lăn ngửa ra chết. Minh Công thu thập khí giới, lương thực đem về đô thành, dâng tin thắng trận, kể hết những việc giúp đỡ của thần Đông Hải. Thần Tôn nghe vậy bèn phong làm Đông Hải Đà La trấn quốc Đại vương Thượng đẳng thần. Sai sứ thần đem sắc về nơi thần Đông Hải hiện lên, lập miếu để phụng thờ.

Minh Công bái tạ, cầm hạc thanh nhàn, chu du bốn bể, thăm bờ hỏi bến, dạo bước nhân sơn. Một hôm đi chơi ở ven sông, ngoạn thưởng phong vị nhà chài, đường qua thôn Côn, xã Tảo Sơn, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam. Ông vào chơi trong thôn ấp, nhìn ngắm thế đất, phong thủy thôn Côn, nước quanh vòng, cồn đống khuất khúc, đất không cao mà nước vẫn trong, bèn miệng nhẩm chiếm một vần thơ: “Ngân bình ngọc trướng chu vi khởi/Cẩm hộ chu liêm thứ đệ khai/Dư khí trung thành tuy tiểu mạch/Diện cư chân khả kiên cung dài”. Nghĩa: Màn bạc trướng ngọc quây bốn chung quanh/Cửa gấm rèm châu lần lượt mở/Khí thiêng đúc lên tuy là một mạch nhỏ/Có thể dựng lên một cung đài yên vững.

Quang Viện