Thứ 7, 23/11/2024, 09:58[GMT+7]

Quốc trụ La Miên

Thứ 2, 22/01/2024 | 08:25:54
8,042 lượt xem
Cụm di tích đình, đền, chùa La Vân (còn gọi là La Miên), xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995, thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không (tên gọi khác là Nguyễn Chí Thành) thế kỷ XII, ông là cao tăng được vua nhà Lý phong Quốc sư và là người có công lao to lớn với vương triều Lý trong việc trị thủy, chống giặc ngoại xâm và mở mang vùng đất lưu vực sông Hồng. Ông còn được tôn vinh là vị tổ sư của nghề đúc đồng và bèo hoa dâu nổi tiếng La Vân. Quần thể kiến trúc đa thần giáo của làng La Miên xưa, La Vân nay còn bảo lưu khá nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như điêu khắc trên đá và trên gỗ.

Đình La Miên (La Vân) thờ Quốc sư triều Lý Nguyễn Chí Thành, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi lưu giữ di sản Hán Nôm vào loại lớn nhất tỉnh Thái Bình.

La Vân (La Miên) nổi tiếng về bèo hoa dâu. Quốc sư Nguyễn Chí Thành tương truyền là tổ nghề bèo hoa dâu nhưng làng lại có đền thờ riêng bà chúa bèo với duệ hiệu “Phù Bình đại vương” có “Phù Bình đại vương Thần miếu”, nhưng để dễ phân biệt và để tưởng nhớ Quốc sư triều Lý với công lao trị thủy, lập làng, làng có đền thờ Quốc sư. Truyền ngôn, Quốc sư là tổ bèo dâu thì bảo Quốc sư nhổ bọt mà thành bèo nhưng có truyền thuyết bà chúa bèo cho rằng: Bà chúa bèo vốn là một người con gái hiếu thảo có công lao với dân làng để cứu lúa, cô sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt, sẵn sàng hy sinh vật thiêng liêng nhất, kỷ vật của mẹ là đôi hoa tai của mình và vì thế bụt đã giúp cô bằng cách cho cô những cánh bèo để giữ nước cho đất. Dù cách kể có khác nhau nhưng làng La Vân vẫn có miếu thờ bà chúa bèo và xưa hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 10 thì dân làng vào hội tế bà chúa, sau ngày đó bèo mới được bán đi khắp nơi.

Ngọc phả, thần phả của làng La Miên ghi, vào năm 1632 với sự đóng góp của nhân dân La Miên và nhân dân khắp vùng trong cả nước đặc biệt là hai ông Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Gia Khánh là người làng La Miên làm quan tại kinh đô Thăng Long đã quyên góp được 1.700 cân tiền và đồng nguyên chất để trùng tu ngôi chùa Thủ và Am Bảo Long thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không tại làng La Miên (nay là thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) cho đến năm 1682 chùa Thủ và Am Bảo Long tiếp tục được mở rộng tạo nên khu quần thể kiến trúc đình, đền, chùa khá độc đáo ở làng La Miên. Tại tòa bái đình còn bảo lưu 6 bia đá có niên đại từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, trong đó có ba bia hậu niên đại Đức Long 1653, Vĩnh Thịnh 1709, Long Đức 1735 ghi công những người hảo tâm tiến cúng bạc, tiền, ruộng vườn xây dựng đình, đền, chùa La Miên và ba tấm bia ghi quá trình tu bổ, tôn tạo đình, đền, chùa và sự tích Quốc sư Nguyễn Minh Không...

Ngoài những tác phẩm nghệ thuật độc đáo điêu khắc trên đá và trên gỗ, quần thể kiến trúc “đa thần giáo” của làng La Miên xưa và La Vân nay còn bảo lưu khá di sản văn hóa Hán Nôm có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa không chỉ của riêng vùng đất Thái Bình mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng quốc gia. Di sản văn hóa Hán Nôm cụm đình, đền, chùa La Vân được bảo tồn dưới dạng vải, giấy dó, gỗ, đá và đất nung, đó là các loại câu đối, đại tự, cuốn thư, bài vị, thần tích, sắc phong, bia đá, chuông, khánh đồng, gốm, sứ... Thông qua các văn bản chữ Hán Nôm được thể hiện phong phú dưới dạng chữ Chân, Triện, Khải phản ánh những nội dung khác nhau của lịch sử vùng đất La Miên và những thiên thần, nhân thần có công lao với dân tộc trong việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa La Miên qua các thời kỳ. Di tích còn bảo lưu 13 đôi câu đối bằng gỗ trong đó có 3 đôi khảm trai, 4 bức đại tự, một chuông, một khánh đồng thời Nguyễn; một bài vị, 50 bia đá, 3 bia hậu, một hương đài thời Lê. Ngoài ra, còn 20 bia hiệu loại nhỏ hiện tại đã mờ mòn nét chữ, di tích còn bảo lưu 22 sắc phong có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. So với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trong toàn tỉnh thì cụm di tích La Vân có số lượng văn bản Hán Nôm cao vào bậc nhất. 

Theo ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, sắc phong bằng chữ Hán (thường gọi là chữ Nho) của triều đình phong kiến cho di tích là truyền chỉ mệnh lệnh của nhà vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công lao được phong thần và xác hạng cho các vị thần được thờ tại các đình, đền trong tín ngưỡng làng xã của người Việt. Văn kiện sắc phong thường được làm bằng loại vải đặc biệt hoặc giấy dó chất lượng cao, hiện tại các loại sắc phong còn lưu giữ tại cụm di tích La Vân từ thế kỷ XVII vẫn còn gần như nguyên trạng. Có thể phân loại các sắc phong trong cụm di tích La Vân thành hai loại; loại sắc phong thời hậu Lê và loại sắc phong thời Nguyễn. Cùng với sắc phong là thần tích cũng được viết bằng chữ Hán, mực nho trên giấy dó và chữ Hán khắc trên bài vị, đại tự bằng gỗ quý lưu tại tòa thánh của di tích là những di sản Hán Nôm có giá trị nghiên cứu và có giá trị mỹ thuật về điêu khắc. Đây là cơ sở nghiên cứu và thực hành có giá trị cao cả về lịch sử văn hóa lẫn mỹ thuật cho những người nghiên cứu, học viết và thực hành thư pháp khi tiếp cận với các di sản văn hóa Hán Nôm độc đáo này, đồng thời cũng tìm thấy chất liệu tranh, nét sứ và họa tiết long vân, hoa văn trang trí của các di sản văn hóa đầy ý nghĩa khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Còn các văn bản chữ Hán khắc trên gỗ như các bức đại tự, cuốn thư, câu đối lại là những tài liệu có giá trị trực quan giúp ích cho người học chữ Hán Nôm và thực hành thư pháp. Câu đối lòng máng, câu đối bản, chữ khắc nổi hoặc khắc chìm từ 7 đến 13 chữ một vế. Đáng quý là 13 đôi câu đối trong đó có 3 đôi câu đối khảm trai ca ngợi tài cao, đức trọng của thánh tổ Nguyễn Minh Không được treo trang trọng ở tòa thánh. Đại tự “Quốc sư từ” và “Phật sinh thiên nam” với cách thể hiện những nét chữ bay bổng nhưng mềm mại, ý nghĩa sâu xa gợi sự liên tưởng tới nguồn gốc của di tích và các nhân thần được thờ ở đây.

“Văn chương thiên cổ sự”, “Thư pháp vạn niên truyền” đó là động lực thôi thúc các thế hệ người làng La Miên tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà cha ông ta để lại và cũng với phương châm đó, những nét chữ người xưa còn chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá, giấy dó và được thể hiện ở các bức đại tự, câu đối, bia đá... trong đình, đền La Miên không dừng lại là nguồn sử liệu mà còn là cảm hứng vô tận cho những người đam mê thư pháp và thực hành thư pháp trong, ngoài tỉnh.

La Vân (La Miên) hiện vẫn là làng cổ duy nhất còn tổ chức được lễ hội trình nghề tứ dân của Thái Bình. Hội được tổ chức vào ngày mồng 4 tết hàng năm. Tham gia chính trong hội là 4 người, người đóng thầy đồ (sĩ), người đóng nông dân (nông), người đóng thợ thủ công (công), người đóng thương gia (thương) mỗi người mặc trang phục khác nhau, cầm một thứ vật dụng tượng trưng cho nghề nghiệp của mình, sân chơi là một bãi rộng liền ruộng. Trong trò tứ dân thì trò nông là phong phú hơn cả vì thực tế thì các trò sĩ, công, thương trước đây chưa phát triển. Vĩ như trò công chỉ đóng đến vai ông thợ mộc là hết và ông thợ mộc thì đầu chít khăn lưỡi rìu, áo vạt dài vạt ngắn, trên vai vác một cây gỗ đặt tại một góc sân khấu rồi làm các động tác xẻ, cưa, đục, đẽo... vai nông thì phải lúc làm thợ cày, lúc hóa trang làm thợ cấy (đàn bà) lúc vạc bờ, cuốc góc... be bờ... Trò diễn kết thúc sau khi 4 nhân vật đã hết trò, mọi người ra về vui vẻ.


Quang Viện