Thứ 6, 25/04/2025, 14:41[GMT+7]

'Địa chỉ đỏ' - Hầm vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Thứ 6, 25/04/2025 | 08:53:30
256 lượt xem
Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, TP.HM) với hệ thống hầm ngầm bí mật vừa là nơi cất giấu vũ khí, vừa là "địa chỉ đỏ" chứng kiến sự kiên cường của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Video: 'Địa_chỉ_đỏ'_-_Hầm_vũ_khí_của_Biệt_động_Sài_Gòn.mp4

Căn nhà nằm trong con hẻm thông hai tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, ngay khu vực đông dân nhộn nhịp, tấp nập ở Quận 3, TP.HCM. Chủ căn nhà là ông Trần Văn Lai, đã mất năm 2002. Ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2015.

Bà Đặng Thị Thiệp, vợ ông Lai kể lại: "Cái hầm này là tôi với ông ấy đào. Tôi thời con gái mười mấy tuổi khỏe lắm, chạy lên chạy xuống, phụ ông ấy đào hầm. Đào hầm này từ năm 1965, 1966, 1967 mới xong. Khi chú Tư Tăng về kiểm tra hầm tốt, công nhận được thì đến năm 1967 bắt đầu vận chuyển vũ khí về".

Theo lời kể của bà Thiệp, ngày đó, để xây dựng một cơ sở chứa vũ khí bí mật ngay gần mục tiêu là Dinh Độc Lập, ông Trần Văn Lai đã mua ba căn nhà liền kề tại khu vực này. Bên trên làm nơi sinh sống của gia đình, bên dưới là hầm chứa vũ khí. Đào hầm xong, ông Trần Văn Lai trong “vỏ bọc” là nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập đã dùng ô tô vận chuyển hơn hai tấn vũ khí từ căn cứ về cất giấu trong căn hầm này.

Ông Lâm Quốc Dũng, chiến sĩ quân báo Biệt động Sài Gòn cho biết: "Để vận chuyển được vũ khí vào nội đô là phải làm các bình phong che mắt quân địch. Đó không phải là chuyện đơn giản. Người vận chuyển cũng phải là người hết sức bình tĩnh khi bị xét hỏi, nếu run rẩy trả lời lắp bắp dễ bị nghi ngờ. Cho nên phải chọn những người vừa mưu trí, linh hoạt vừa có lòng dũng cảm, phải hết sức bình tĩnh khi đối mặt với quân thù".

Căn hầm có kích thước 8 mét chiều dài, 2 mét chiều rộng và sâu 2 mét rưỡi, được xem là căn hầm lớn nhất và chứa nhiều vũ khí nhất của biệt động Sài Gòn lúc bấy giờ. Theo lời kể của bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa), nữ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập năm 1968, thời điểm đó, căn hầm này cất giấu nhiều tấn vũ khí gồm: lựu đạn, thuốc nổ, súng B40, súng AK và hàng nghìn viên đạn các loại.

"Phải nói là tôi rất khâm phục, trước đây thì Đội 5 của tôi chuẩn bị đánh ở đâu thì chúng tôi tự chuyển vũ khí bằng mọi hình thức, với số lượng ít mà đi nhiều lần. Nhưng năm 1968, khi tôi bước chân về đây, được các anh giở miệng hầm cho nhìn, phải nói là chính bản thân tôi đã choáng váng, không tưởng tượng được… Không thể hình dung được cách làm của họ như thế nào, hầm không phải nhỏ, chứa bao nhiêu vũ khí. Tôi nghĩ rằng những cô chú đào hầm này phải hy sinh bản thân, thậm chí hy sinh cả gia đình".

Ngày nay, đây là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Qua đó vừa tuyên truyền, giáo dục về sự hy sinh, gian khổ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà của lực lượng Biệt động Sài Gòn, vừa lan tỏa niềm tự hào về truyền thống yêu nước và truyền lửa cho thế hệ tương lai, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc.

Theo: hanoionline.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày