Thứ 3, 19/11/2024, 05:42[GMT+7]

Lá huyết thư

Thứ 2, 02/11/2015 | 08:35:59
1,447 lượt xem

Côn Đảo nhìn từ trên cao.

(Tiếp theo kỳ trước)

Xoay xở cho Chính vượt ngục không xong, má Giáo phải lánh tạm ra khu bộ gần hai tháng để tránh bọn địch lần tìm. Còn Chính, cuối tháng 7 năm ấy (1948) bị chúng đày ra Côn Đảo. Ở đảo, Chính gặp một người bạn chiến đấu tri kỷ cũng bị tù, tên là Ngọc Sớm. Gặp nhau, hai người quyết chí tìm cách vượt biển. Sớm bảo: "Muốn vượt được phải đóng bè gỗ, may buồm vải, chuẩn bị lương khô, kiếm đâu ra tiền". Đang băn khoăn, Chính bảo: "Mình có người má nuôi ở Phú Nhuận sẵn sàng giúp việc này". Theo sự căn dặn của Chính, má Giáo ráo riết lo toan. Trong lúc người con đẻ của má là Trọng đang ốm kịch liệt ở bệnh viện, má Giáo vừa vay mượn vừa bớt tiền thuốc được 5000 đồng tiền Đông Dương gửi cho Chính. Má nhét từng tờ giấy 100 đồng vào trong các hộp thuốc đánh răng và khúc lạp sườn, đóng thùng, gửi như gửi quà ra đảo bằng đường bưu điện công khai. Chính nhận đủ cả. Nhưng đôi bạn Chính và Sớm đang háo hức chuẩn bị vượt biển thì đột ngột chúng có lệnh đưa Chính trở lại khám lớn Sài Gòn để ra hầu tòa.

Được sự tiếp sức của má Giáo và giúp đỡ của đồng đội, trong những ngày ở nhà lao, Chính đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Lòng tốt cùng sức mạnh của người má nuôi truyền sang bầu nhiệt huyết của Chính biến thành sức mạnh phi thường trước kẻ thù. Người ta ví tên thẩm vấn khét tiếng Còbadin với Chính là hai con "hùm xám" đối đầu ở hai chiến tuyến. Những trận tra tấn tử tù trong xà lim, két xô, hầm đá, từ địa ngục trần gian Côn Đảo đến hầm xay lúa khám lớn Sài Gòn vẫn không đánh gục được mầm sống cách mạng trong anh.

Lời lẽ phản kháng hùng biện và sự "lỳ đòn" của Chính khiến bọn địch nhiều lần phải dùng chiếc hàm thiếc khóa miệng anh lại, không cho anh ra rả tố cáo chúng. Ngày 18/5/1948, địch đưa Nguyễn Đình Chính ra xử tại tòa đại hình Sài Gòn và thắt vào cổ anh tấm thẻ bài tử hình. Chính giật tấm thẻ bài giơ lên cao và dõng dạc đọc câu nổi tiếng của thi hào Cornelle: "Chết cho Tổ quốc là một số phận đẹp nhất, đáng ham muốn nhất". Bọn địch tròn mắt nhìn anh.

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của dân chúng và tiếng tăm lừng lẫy của "người hùng bóng tối", sáu tháng sau, ngày 19/11/1948 địch buộc phải đưa anh ra xử công khai tại một phiên tòa khác, tòa đại hình Sài Gòn. Trước ngày ra tòa, Chính viết một bản điều trần dài 6 trang rồi đọc thuộc lòng. Bản điều trần có đoạn viết: "Khi tham gia những hành động chống trả mà các ngài định nghĩa là phiến loạn, không, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người dân đối với đất nước mình - một đất nước đang bị các ngài xâm lược. Các ngài đừng lừa phỉnh, dụ dỗ. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sống xứng đáng với danh dự của một người cách mạng Việt Nam. Giá còn được tự do, chẳng một chút ngần ngại, tôi lại lao vào cuộc chiến đấu hăng say gấp bội lần...". Trước tòa, lời lẽ đanh thép của Chính biến bản điều trần thành bản cáo trạng, đánh một đòn mãnh liệt vào bọn thực dân, làm nức lòng nhân dân thành phố.

"Chuồng cọp" tại nhà tù Côn Đảo.

Lĩnh xong bản án tử hình lần thứ hai, bước ra cổng pháp đình, mọi người vây quanh Chính, lặng lẽ rơi nước mắt, ai cũng muốn nhìn rõ mặt người chiến sĩ quả cảm lần cuối cùng. Ngược lại những giọt nước mắt, anh đáp lại mọi người bằng những nụ cười rất tươi. Có người bảo: "Thôi, cớ gì anh ấy phải chết, thì xin anh cho một nụ cười". Khi về tới khám lớn, tên chúa ngục người Pháp ra tận cổng đón Chính và nói: "Từ xưa tới nay, khám lớn này chưa bao giờ đón một người tù bị hai lần tử hình như ông".

Từ đó, cuộc sống của Chính chỉ còn thu hẹp trong bốn bức tường âm u, giá lạnh của căn hầm tử hình 18A ở khám lớn. Nguyện vọng tha thiết của anh trước lúc vĩnh biệt cõi đời là được ngắm nhìn chân dung Bác Hồ lần cuối. Và mong muốn được ai đó chụp một bức ảnh đang ngồi dưới tấm hình của Bác ngay trong khám tử hình. Trong quyển nhật ký của mình, Chính viết: "Đã gần hai năm sống trong các nhà lao của địch, chúng tôi chưa một lần được ngắm ảnh Bác Hồ. Mỗi khi nhớ, chỉ tưởng tượng, hình dung ra rồi kể cho nhau nghe về Bác. Mỗi lần bước vào hầm tra tấn, nhớ tới Bác, nhớ tới người má nuôi là mọi đau đớn tôi đều vượt được. Nhưng lần này cái chết đang gấp gáp xích lại tôi, ngày ra pháp trường đang rút ngắn. Giá được ngắm nhìn tấm hình của Bác lúc này thì sung sướng biết bao. Tôi biết, mong muốn của mình chỉ có thể thỏa mãn trong ảo tưởng. Vì chụp ảnh dưới chân dung Bác Hồ trong khám tử hình là việc làm xưa nay chưa ai dám làm. Tôi muốn nhờ má, nhưng lại thương má, lỡ má sa vào tay địch. Mấy lần định nói với má mà không đành. Nhưng rồi nguyện vọng của tôi trỗi dậy không cưỡng được, tôi đã "dắt má" vào sự mạo hiểm...".

Hôm ấy, má Giáo vào tiếp tế như thường lệ. Thừa lúc vắng tên cảnh sát theo dõi tù, Chính đã bày tỏ ước vọng của mình với má. Má Giáo đăm chiêu nghe rồi bảo:

- Đúng! Việc con muốn xưa nay chưa ai dám làm.

Má im lặng nhìn Chính mà lòng nghẹn ngào. Nghĩa tử là nghĩa tận, nghĩ vậy, má không nỡ từ chối ước mong của người con đã xả thân vì nước.

- Con cứ yên tâm nghe. Má sẽ cố gắng, sẽ tìm cách...

Thấy má cứng rắn nhận lời, Chính khóc và nói qua song sắt:

- Má đã sẵn sàng đổi mạng để cứu con sống. Nay má lại vì con mà sẵn sàng gánh chịu. Có chết con cũng không báo được công má, má ơi!

Sau nhiều đêm trằn trọc, không ngủ, má Giáo đã nghĩ ra một cách. Ảnh Bác Hồ má nhờ cô Phẩm, chiến sĩ ban công tác 1, người yêu của Chính về chiến khu lấy, rồi phóng to, lồng khung, má gửi vào trót lọt. Còn người chụp ảnh, má nhờ anh lính Chà (người Ấn Độ). Trong những người gác ngục tử tù, anh lính Chà mặt không dằn dữ, tính không khắt khe như bọn đồng nghiệp. Anh ta có vợ người Việt ở đường Lagradiere, nay là đường Lê Thánh Tông. Má đánh liều đến gặp hai vợ chồng và nhờ cô vợ thuyết phục. Lúc đầu, vợ chồng đều kinh hãi, từ chối. Nhưng rồi má lót tiền và cố nài nỉ, cuối cùng, anh lính Chà nhận lời. Nhận máy ảnh từ má Giáo, anh giấu trong cà mèn cơm, vào hầm tử hình bấm lén gần hết cuộn phim. Má Giáo chọn một kiểu nét nhất, rửa, phóng to, lại nhờ anh lính Chà bí mật đem vào cho Chính. Đó là tấm hình Chính nằm nghiêng (vì chân trái tra trong còng sắt) mặc quần cộc, mình trần, khuỷu tay trái chống xuống sàn, tay phải cầm cây viết, đặt trên tờ giấy, cạnh chiếc đèn dầu, đầu ngẩng cao, gương mặt tươi trẻ, mãn nguyện. Bên trên vách hầm chỗ Chính nằm có treo tấm hình bán thân của Bác. Nhận được ảnh, Chính mừng lắm. Anh liền trích máu ở các đầu ngón tay, viết một bức thư gửi Hồ Chủ tịch, kín mặt sau tấm ảnh gửi ra ngoài.

"Kính tặng Hồ Chủ tịch!

Thưa cha!

Đây là một cảnh âm cung trên dương thế con chụp được gửi kính tặng cha, công bố cho thế giới thấy bằng cớ xâm lăng của nước Pháp mới.

Lần thứ nhất chúng kết án tử hình con vào ngày 19/5/1947. Con sống trong cảnh này đến ngày 19/5/1948, chúng đưa con ra trước "công lý xâm lăng" lần thứ hai, tặng thêm cho con một án tử hình nữa. Con vẫn cười và đọc bản điều trần đưa cái "công lý xâm lăng" của chúng ra ánh sáng. Kết luận, con tuyên bố trước mặt chúng: "Tôi rất sung sướng và lấy làm vinh hạnh được chết cho nước tôi. Chúng tôi tin nước Việt Nam sẽ độc lập". Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Cuối thư đề: Hầm tử hình 18A, khám lớn Sài Gòn 22-5-1948 Nguyễn Đình Chính.

Tấm ảnh này sau được ông Huỳnh Văn Đỉnh trong đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc chuyển đến tận tay Bác Hồ. Trong một cuốn hồi ký có đoạn ông Đỉnh viết: "Chúng tôi kể với Bác về khát vọng của người tử tù với bức ảnh và tấm lòng người má nuôi anh Nguyễn Đình Chính. Bác xúc động lắm. Vừa nghe, Bác vừa đưa khăn lên chấm nước mắt và bảo: Những người như má Giáo, như chú Chính thật xứng đáng là những người con của thành đồng Tổ quốc". Sau đó, bức ảnh được chuyển qua nhiều hội nghị ở chiến khu Việt Bắc và được đăng trên báo Cứu quốc. Tấm ảnh vô giá này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(còn nữa)

Bút ký của Minh Chuyên
(Đài Truyền hình Việt Nam)

  • Từ khóa