Chủ nhật, 17/11/2024, 17:29[GMT+7]

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ở Thái Bình

Thứ 3, 05/01/2016 | 09:03:10
1,582 lượt xem
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Nhân dân Thái Bình cùng cả nước hồ hởi, phấn khởi sống trong những ngày đầu độc lập. Ủy ban cách mạng lâm thời được thành lập ở các địa phương. Nhưng vào thời điểm đó, nhà nước dân chủ nhân dân ra đời trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, thử thách cùng ập đến.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương sáng suốt, vừa vững vàng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược đã tăng cường được thực lực cách mạng, xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945 - 1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để thiết thực xây dựng, củng cố chính quyền nhà nước, Chính phủ ban hành Sắc lệnh Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu Quốc dân Đại hội và ấn định Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, bọn đế quốc, phản động ra sức quấy phá, Chính phủ kiên quyết lãnh đạo, tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới. Nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử.

Việc triển khai cuộc bầu cử Quốc hội khóa I ở Thái Bình diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng cam go, quyết liệt. Các thế lực phản cách mạng trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu; tìm cách đưa người của chúng ra ứng cử. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng ráo riết chuẩn bị truyền đơn, áp phích, tập trung vũ khí để phá hoại cuộc bầu cử ở thị xã và các địa phương trong tỉnh. Một số nơi, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa đã tung tin đồn nhảm, viết truyền đơn, khẩu hiệu nói xấu ứng cử viên của ta, lôi kéo giáo dân bỏ phiếu cho những tên phản động hoặc khống chế không cho giáo dân đi bầu cử.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các địa phương đã phát động phong trào quần chúng, hướng dư luận vào việc vạch mặt bọn phao tin đồn nhảm. Lực lượng công an và trinh sát Tỉnh ủy đã kết hợp tổ chức lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các âm mưu, hành động chống phá của bọn phản động. Được nhân dân báo tin và giúp đỡ, lực lượng công an và trung đội tự vệ cứu quốc thành lập từ sau Cách mạng Tháng Tám đã đột nhập vào nhà ở của bọn đầu sỏ Quốc dân đảng ở thị xã tịch thu nhiều tang vật hoạt động phản cách mạng. Lực lượng công an cùng với trinh sát Tỉnh ủy và lực lượng tự vệ cứu quốc làm thất bại âm mưu lập trụ sở và treo cờ Việt Nam Quốc dân đảng công khai ở thị xã.

Trong ngày bầu cử đã bố trí lực lượng giám sát chặt chẽ những tên phản động, bố trí lực lượng tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt những nơi đặt hòm phiếu và khu vực ban bầu cử làm việc. Kết quả, ngày 6/1/1946 thực sự là một ngày hội lớn. Toàn dân trong tỉnh nô nức, hân hoan đi bỏ phiếu với 95% số cử tri đi bầu. Hai huyện Kiến Xương, Đông Quan và một số nơi khác đến trưa ngày 6/1 đã cơ bản bầu xong. Các làng có đông giáo dân như Thanh Châu, Thủ Chính, Trung Đồng (Tiền Hải), Bắc Trạch (Kiến Xương)... cũng có tới 80% cử tri đi bỏ phiếu.

Theo quy định của Hiến pháp được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ hai (đầu năm 1946) thì ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có HĐND do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. HĐND tỉnh, thành phố, thị xã và xã cử ra ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện chỉ có ủy ban hành chính. Ủy ban hành chính bộ do hội đồng các tỉnh và thành phố bầu ra. Ủy ban hành chính huyện do hội đồng các xã bầu ra. Hiến pháp cũng quy định hệ thống tổ chức và quyền hạn của cơ quan tư pháp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp. Từ đây, quyền làm chủ nước nhà, quyền và nghĩa vụ của công dân, hệ thống chính quyền nhà nước các cấp được thể chế trong Hiến pháp.

Thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa I chính là thước đo thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị gay go, phức tạp để giữ vững chính quyền cách mạng, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho quá trình xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân ở những giai đoạn tiếp theo.

          Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa